Thứ Ba, 22 Tháng Năm, 2012

Thơ Đông Âu

Diễm Châu dịch. 

Bardhyl Londo

(An-ba-ni)

 
ITHACA

Ithaca ngủ dưới bầu trời tháng Chín.
Rặng ô-liu tựa những người đàn bà trông chồng về muộn.
Và tôi, tôi nuối tiếc ngôi nhà mình xa xăm,
và người vợ ở Ticana, đêm nay, đang hoài công tìm kiếm giấc ngủ.
Thế nên anh hãy kịp tới, hỡi Ulysse! Hãy rời bỏ tấm áo khoác thần
thoại của anh!
Hãy nói với tôi một lời khôn ngoan, một lời an ủi.
Những con đường mở ra, lẩn tránh, mất hút trước mặt, nhòa đi,
một mớ chằng chịt rối rắm hơn cả tấm thảm của Pénélope.
Những con đường, những con đường, những con đường...
đường phương đông, đường phương tây,
đường về biển lớn, đường về biển Égée.
Lúc này đây chúng ta quả đã thuộc về thời hôm nay,
nhưng con đường vẫn có thể lạc mất
như ở thế kỷ của Ulysse.
Vậy thời đâu là con đường dẫn tới Ithaca của tôi?
Đâu là chữ làm yên lòng người vợ đang chờ đợi?
Xa những cô người-cá mà tiếng nói lại hát lên, điên dại,
Xa những mụ Circé của thế kỷ hiện nay.
Con đường ấy tôi sẽ chẳng rời xa!
Dẫu đui mù, tôi vẫn sẽ tìm ra nó!
Chúng ta hết thảy đều từa tựa như Ulysse:
thay vì Pénélope,
mỗi người, cố nhiên, đều có một Ithaca!


Ewa Lipska
(Ba-lan)

NGOÀI KIỂM DUYỆT

Tôi
sinh trong phòng thí nghiệm
theo giả thuyết là mồ côi
tôi xin khai
rằng chị tôi
sinh trong một căn buồng của thế kỷ XX
đã đánh mất con búp bê bằng máy
vật thay thế cho tôi
thiên thần.

Tôi
Kinh Nghiệm
Thử nghiệm Rốt cuộc Thành công
được trưng bày trên những sân banh
đứa con tập thể của nền y khoa
với chiếc nút thòng lọng "thân thương" trên cổ
tôi yêu cầu kẻ nào lương thiện sẽ tìm thấy nó
hãy trả lại tôi con búp bê của tôi
mà người ta không thể thay thế bằng
một thiên thần.
Dấu hiệu đặc biệt của con búp bê:
nó nói rõ hai chữ ngoài kiểm duyệt
ba má.

 
Nikolai Kantchev
(Bun-ga-ri)

RA ĐỜI

Mi phải đào sâu trong vùng tăm tối khi nhớ rằng
sữa là một dòng máu trắng đã từng nói với mi:
Hãy giữ vững niềm tin và niềm tin sẽ gìn giữ mi...
Và mỗi tối mi leo lên đó nơi các chòm sao
chờ đợi mi để xem bằng cách nào với một vầng trăng mới
một điều gì mới sẽ tới...
Nhà thơ: người thợ mỏ với ngôn từ trên trán.

 
Volker Braun
(Đông Đức)

CHIA LY

Ngày mai tôi sẽ từ đám mây em bước xuống
Để em lại trên trời trôi giạt xa hơn
Vĩnh biệt làn ngực em nếu gió còn cho phép
Và quay đi, không chờ những giọt nước mắt em
A, em sẽ trôi thật cao, thật êm
Và sẽ là một cơn mưa mỏi mệt vào ngày đầu tiên
Và chốn em nằm sẽ sụp xuống như một cơn tuyết lạnh
Và tiếng em cười, trong như mưa đá, sẽ tới mãi tận tôi
Và hơn một lần tôi vẫn ngước nhìn lên
Phải chăng ở nơi em không còn lấy một góc niềm vui xanh?
Chỉ khi tôi thoáng thấy nỗi đau buồn của em trong cơn giông tố
Tôi mới tự hỏi: phải chăng mình đã ở lại hoàn toàn vô ích bên em?

 

János Pilinszky
(Hung-ga-ri)

BIỂN

Biển mẹ đã nói khi hấp hối,
và từ đấy chữ duy nhất này của mẹ
đối với con có nghĩa là biển,
và có lẽ cũng là những gì là mẹ.
Và có lẽ cũng là những gì là con?
Những ngọn sóng và hốc trũng của sóng.
Cơn hấp hối của mẹ, tựa như biển
đã giải thoát con và chôn vùi con.
Mẹ, mẹ. Những ngày bình thường.
Con nghe cái chết của mẹ và con gọi mẹ.
Những ngày bình thường khủng khiếp.
Tội nghiệp, tội nghiệp, tội nghiệp, tội nghiệp.



Alija H. Dubocanina
(Bosnie, Cựu Nam-tư)

***

Người đàn ông và người đàn bà
Lưỡi cày và đất
Đứa trẻ và mùa gặt
Cũng không phải là ít.



Vesna Parun
(Croatie, Cựu Nam-tư)

LỖI TẠI TUỔI THƠ CỦA CHÚNG TÔI CẢ

Tựa như cỏ lòng vực chúng tôi đã lớn lên
và ngày nay trở thành những kế toán viên thật lơ đãng
của những hạn giới đã lãng quên của mộng mị
câm điếc trước mọi mệnh lệnh và dối trá.
Chúng tôi đã mọc lên những đường xe lửa
Và lớn lên cùng với chúng tôi như anh em
là mối kinh hoàng những móng ngựa man dã
sẽ lật ngã chúng tôi
và những mốc đá sẽ phân rẽ chúng tôi
với thời còn trẻ.
Không ai trong chúng tôi bảo toàn được đôi cánh tay mình
giữ được đôi mắt trọn vẹn, hay một con tim hoàn toàn thanh thản
không có những tiếng kêu gợn những đường gân của sợ hãi.
Thế giới đã cư ngụ nơi chúng tôi, như hỗn mang
gây thương tích cho chúng tôi ở trên đầu trán
bằng từng loạt những sự thật không còn răng
và những tiếng hú của các vì sao tới trễ.
Chúng tôi già đi. Và những mẩu chuyện theo sau chúng tôi
tựa như đàn thú sau một ngọn lửa xa xăm
Và những ca khúc của chúng tôi cũng tựa như chúng tôi
bỗng dưng tối sầm lại và rầu buồn.



Radovan Pavlovski
(Macédoine, Cựu Nam-tư)

KẺ TRÔNG CHỪNG CÁC VÌ SAO

Mặt trời một ngày kia
sẽ tuân theo ước nguyện
của các khoa học vật chất
và tìm về với những kẻ đã chết
và lúc đó chỉ còn lại
mặt trời của những bài thơ.

 

Miodrag Pavlovic
(Serbie, Cựu Nam-tư)

KHỞI ĐẦU MỘT NGHI THỨC

Hết đá lại đá
Hết diễu hành tới diễu hành
Nơi đây là cánh cửa
Của mặt trời
Dưới kia là con đường
Dẫn đến
Những khuôn đúc bị vùi lấp
Chúng ta nhường chỗ
Cho những ảnh tượng thánh
Ở hết mọi nơi chúng ta đều
Đứng nghiêm
Tất cả đều sẵn sàng tự xóa
Trước sự thánh thiêng
Thế nhưng giữa anh em
Chúng ta thật rành rẽ
Cách ghét nhau.

 

Tomaz Salamun
(Slovénie, Cựu Nam-tư)

NHẬT THỰC: II

Tôi sẽ lấy những chiếc đinh,
những chiếc đinh dài
và đóng vào mình.
Rất, rất nhẹ nhàng,
rất, rất chậm rãi,
như thể sẽ bền lâu hơn.
Tôi sẽ vạch một phương án thật chính xác.
Tôi sẽ bọc nệm cho chính bản thân tôi mỗi ngày
này hai phân vuông chẳng hạn.
Rồi tôi sẽ phóng hỏa đốt hết mọi sự.
Hết mọi sự sẽ cháy thật lâu,
hết mọi sự sẽ cháy trong bảy ngày.
Chỉ có đinh còn lại,
tất cả đều gắn liền vào nhau và rỉ sét.
Như thế là tôi còn lại.
Như thế là tôi sẽ tồn tại sau hết mọi sự.

 

Jaroslav Seifert
(Tiệp-khắc)

BÀI CA

Hãy vẫy một chiếc khăn tay trắng
chiếc khăn nói giã từ;
mỗi ngày đều có một điều gì đó chấm dứt
chấm dứt một điều gì đó thật tuyệt vời.
Con bồ câu đưa tin đập cánh vào khoảng không,
trên đường về;
trông đợi hay tuyệt vọng,
chúng ta bao giờ cũng trở lại.
Hãy chùi nước mắt em
và cười lên đôi chút bằng đôi mắt;
mỗi ngày đều có một điều gì đó khởi sự
khởi sự một điều gì đó thật tuyệt vời.

 

Ion Caraion
(Ru-ma-ni)

KỸ THUẬT CỦA NHỮNG ĐỒ VẬT

một lần nữa chúng ta lại thức dậy
một lần nữa chúng ta lại mặc quần áo
một lần nữa lại lên sân khấu
tất cả những ống quần này nơi tất cả những ống chân này thò ra
nhà hát!        nhà hát!
tất cả các vai trò đều lặp lại mãi
làm ơn bật đèn lên chúng ta cư ngụ những từ cũng là những còng tay
ra đi những vai trò chưa thoa son trét phấn
những tấm màn ngủ trong những người tình, những chiếc xe đạp ngủ
đứng, cỏ ngủ trong bầy ngựa
chúng đã có gì để nói? chúng còn gì chưa nói?
đủ rồi, hỡi anh điều khiển những con rối, đủ rồi!
ta không còn tai nghe những vấn nạn
tất cả các xiềng xích đã nghiến rít vĩnh viễn
dưới sự thật đã rời bỏ sân khấu
một lần nữa chúng ta lại thức dậy một lần nữa chúng ta lại mặc
quần áo
nào đi
chẳng cần phải tới...
chẳng có gì không bị vấy dơ

Diễm Châu và Thủy Trúc dịch

Chú thích 

"Ithaca" đăng trên tạp chí văn nghệ Drita của nhà thơ An-ba-ni BARDHYL LONDO (1948-) là tổng biên tập.

"Ngoài Kiểm Duyệt" trích từ tập thơ thứ tư của nữ sĩ Ba-lan EWA LIPSKA (1945-), sáng tác trong thời Ba-lan còn... kiểm duyệt.

"Ra Đời" nằm trong một tuyển tập thơ được dịch qua Pháp văn của nhà thơ Bun-ga-ri NIKOLAI KANTCHEV (1936-).

"Chia Ly" là một bài thơ được biết tới khá nhiều của nhà thơ (Đông) Đức VOLKER BRAUN (1939-) trong thời hai nước Đức chưa là một.

"Biển" trích trong tập "Dẫu trong tăm tối" của nhà thơ kiêm kịch tác gia Hung-ga-ri JÁNOS PILINSZKY (1921-1981).

Năm nhà thơ sau thuộc (cựu) Nam-tư:

ALIJA H. DUBOCANIN là một nhà thơ của Bosnie Hồi giáo, đã có bốn tập thơ.

Nữ sĩ VESNA PARUN (1922-) của Croatie là một trong những nhà thơ danh tiếng của (cựu) Nam-tư, bài trích đã đăng trong tạp chí Most (Cây cầu) ở Zagreb, số 4, 1987.

RADOVAN PAVLOVSKI (1937-) của Macédoine là tác giả khoảng 15 tập thơ.

Cùng với Vasko Popa, nhà thơ Serbie MIODRAG PAVLOVIC (1928-) là một trong hai nhà thơ lừng lẫy nhất của (cựu) Nam-tư; "Khởi đầu một nghi thức" trích từ "Tiếng hát trong cơn lốc", Belgrade 1977.

Nhà thơ Slovénie TOMAZ SALAMUN (1941-) đã có hơn 20 tập thơ.

Đối với ION CARAION (1923-1986), "Thơ vẫn là mối nguy hiểm thuần túy!". Vì thơ, ông đã bị lên án tử hình, rồi nằm tù 11 năm ở Ru-ma-ni và chết trong lưu đày.

JAROSLAV SEIFERT (1901-1986) là chủ tịch Hội nhà văn Tiệp-khắc năm 1968 khi Hồng quân "bình thường hóa" xứ này; Nobel 1984.

"Thơ Đông Âu" do Thủy Trúc lựa, dịch, trừ các bài của Hung-ga-ri, Serbie, Slovénie, Ru-ma-ni và Tiệp-khắc, do Diễm Châu dịch.

Bài viết khác

Kinh Lạy Nữ Vương

Kinh Lạy Nữ Vương

02/09/2024

Thưa cha, tại sao trong kinh Lạy Nữ Vương Mẹ nhân lành... mà lúc thì gọi Mẹ Maria là Mẹ, lúc thì gọi là Bà? Có ý nghĩa gì và tại sao?

Cá mắm xứ Huế

Cá mắm xứ Huế

09/02/2024

Viết về Cá và Mắm xứ Huế, tôi dựa vào ít ỏi vài tài liệu trong tay tuy không đầy đủ nhưng tôi hy vọng nêu lên phần nào một trong những nét đặc trưng ẩm thực của người dân Huế.

Art