Charles Eugène de Foucauld (1858 – 1916)
Hạ bán thế kỷ XIX, Chúa ban cho Giáo hội một vị linh mục ẩn tu là cha Charles de Foucauld.
Charles trải qua một cuộc đời cũng ly kỳ. Lúc còn là một học sinh thì nóng nảy, hung hăng, lười biếng, nhác học. Vào quân trường thì vô kỷ luật, đào ngũ nhiều lần, thích ăn nhậu, thích chưng diện sang trọng để lòe các “nàng”. Đạo hạnh thì quá lơ là lãnh đạm, nguội lạnh hầu như mất đức tin.
Khi được ăn năn sám hối thì quyết tâm chấp nhận đời sống kham khổ đến nỗi cho rằng đời sống trong tu viện Xitô là quá sướng, không đúng với lý tưởng khó hèn của mình, nên ôm mộng lập dòng khổ tu, khổ hơn tu viện Xitô Akbès ở Syrie là một tu viện rất nghèo nàn và có tiếng là tu viện khổ hơn bất cứ một tu viện nào khác.
Thụ phong linh mục rồi, cha Charles Eugène de Foucauld sang Phi châu, quyết định lập dòng riêng của mình trong hoang địa, làm tuyên úy công giáo cho các đồn binh, cứu giúp kẻ nghèo khó, săn sóc bệnh nhân, vạch kế hoạch khai hóa các bộ lạc chậm tiến.
Cha Charles có tính mạo hiểm, muốn tìm học cái mới cái lạ, tổ chức các cuộc mạo hiểm để biết phong tục tập quán, ngôn ngữ, giống nòi của các vùng hầu công việc truyền giáo mang lại nhiều thành quả.
Công việc đang dang dỡ thì cha bị một tên phản bội dẫn người đến cướp phá cơ sở rồi ám sát ngài giữa vùng sa mạc.
Thân xác của cha nằm dưới ba tấc đất. Ai cũng tưởng rằng “chết là hết”. Song về sau, nhiều người nam cũng như nữ, theo đường lối của ngài đã vạch ra, thành lập nhiều cộng đoàn, huynh đoàn, phát triển khắp đó đây.
Đúng như lời Chúa Giêsu đã phán : “Nếu hạt giống rơi xuống đất mà không chết, thì một hạt vẫn còn là một hạt, chẳng có lợi gì. Nhưng nếu nó chết đi, nó sẽ sinh ra nhiều quả”. (Gioan 12, 24)
Lingolseheim, ngày Lễ Đức Mẹ dâng Chúa Giêsu vào đền thánh (2.2.1992).
THỜI THƠ ẤU
Bên tả ngạn sông Rhin, các nhà cửa của dân thành phố Strasbourg đều bao quanh ngôi thánh đường đồ sộ với ngọn tháp cao gần 150m.
Tại số 3 công trường Broglie, ngày15.9.1858, một cậu bé được sinh ra. Căn nhà số 3 ấy nay là Ngân hàng Pháp quốc (Banque de France). Trên tường Ngân hàng nầy có tấm bia lưu niệm ghi ngày tháng và năm sinh của Charles de Foucauld, tên của cậu bé ấy. Lọt lòng mẹ được hai ngày thì người ta “rửa tội đơn” cho cậu bé, nghĩa là chỉ dội nước lên đầu vừa đọc “Ta rửa con nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần”; chờ đến ngày 4.11 cùng năm ấy, nhân lễ thánh Charles Borromée, người ta mới đưa cậu bé đến thánh đường để làm các nghi thức bổ túc (tuyên xưng đức tin, xức dầu thánh...).
Tộc họ Foucauld có nguồn gốc lâu đời, có nhiều người trong gia tộc có thế giá cả đôi bên đời lẫn đạo, có tiếng tăm như :
-Bertrand de Foucauld đã tử trận trong cuộc thánh giá chiến (Croisade) trong đoàn quân của vua thánh Louis IX.
-Một Foucauld khác thuộc đoàn quân của thánh Jeanne dArc trong dịp lễ tấn phong vua Charles VII tại Reims.
-Có một Foucauld nữa là người tín cẩn của vua Henri IV.
Armand de Foucauld đã làm tổng đại diện cho giáo phận Arles, bị Cách mạng Pháp giết hại trong tháng 9 năm 1792.
Năm 1856, bố mẹ của Charles đã sinh được một trai song cậu này chết khi chưa đủ một tháng. Vậy Charles là con trai thứ nhì. Năm 1861, gia đình rời Strasbourg, định cư tại Wissembourg; sau đó Charles có một em gái tên là Maria. Hai anh em chơi với nhau tâm đồng ý hợp.
Nhưng than ôi ! Đau thương tang tóc bắt đầu viếng thăm gia đình Charles và, chẳng bao lâu, hai anh em phải mồ côi mẹ rồi mồ côi cha. Đau ôi là đau ! Thảm ôi là thảm ! Charles mới được năm tuổi rưỡi mà phải mồ côi cả cha lẫn mẹ. Bây giờ cụ De Morlet là ông ngoại, đem cả hai trẻ mồ côi về Strasbourg nuôi dưỡng.
Cụ De Morlet là một sĩ quan hưu trí, ở một ngôi nhà khá lớn. Cụ chuyên về khảo cổ. Nhà cụ có nhiều báu vật thời xưa, quý lắm, sắp xếp ngăn nắp trong các tủ kiếng trông giống như một viện bảo tàng nho nhỏ. Sợ hai cháu ngoại lúc chơi đùa vô ý làm đổ vỡ, nên cụ bố trí một phòng riêng cho hai anh em Charles.
Sắp xếp nơi ăn chốn ở cho hai cháu xong, cụ De Morlet nghĩ ngay đến việc học hành của chúng nó. Trong thâm tâm cụ cũng mong rằng sau này Charles phải theo binh nghiệp, sẽ thành một sĩ quan sáng giá.
Lên tám tuổi, Charles được vào trường trung học Saint Arbogaste tại Strasbourg, cụ gửi gấm cho vị linh mục giám đốc trường là bạn cũ của cụ.
Charles thông minh và có trí nhớ sắc bén song lại quá làm biếng. Ham chơi, nghịch ngợm, vô kỷ luật là những lời phê bình được ghi đều đều trong học bạ của Charles. Lúc đầu cụ De Morlet dịu dàng khuyên lơn, nhưng rồi tuần nào tháng nào, trong học bạ đều ghi lời chê trách : Charles không thay đổi, không tiến bộ, không cải thiện. Cụ De Morlet cũng phải tức giận, quở mắng, đôi khi cũng phải dùng đến roi đòn.
Nhưng về sau cụ cũng phải đấu dịu vì càng nghĩ càng thương cảm cho cháu ngoại sớm mồ côi nên tinh thần sa sút, sinh ra mất thăng bằng chăng ?
Charles nóng tính và hăng lắm. Một hôm, trong sân nhà, Charles xây một pháo đài bằng đất cát, cũng có thành quách, cũng có tháp canh, cũng có hào hố... đúng là một công trình quân sự, Charles ngắm nghía và lấy làm khoái lắm. Sáng ngày, thấy trong hào hố toàn là khoai lang, không biết do tay nào chơi, ghẹo mình. Charles tự nghĩ những củ khoai ấy là đạn đại bác do kẻ nào đó ác ý bắn vào pháo đài của mình. Nổi sùng, Charles đạp đổ lung tung. Rồi, để báo thù, tối đến, Charles mang mấy củ khoai đặt vào dưới nệm giường của mấy người nhà mà Charles nghi rằng đã chơi xấu mình.
Tánh Charles hung hăng thật đấy, song có lần cũng tỏ ra đằm thắm dịu hiền. Hằng năm đền dịp lễ Giáng Sinh, Charles cùng với em gái là Maria dựng nên một hang đá giả tạo bằng giấy giống như đã thấy mấy người lớn dựng hang đá, máng cỏ trong thánh đường. Càng nhìn hang đá tí hon của mình, Charles càng thích và trầm trồ khen ngợi kỳ công của mình.
Hằng năm cứ đến tháng hè, Charles được về ở trong lâu đài Birkenwald gần Lunéville. Charles thích một mình dạo chơi trên các gò nổng.Leo lên cao nhìn ra cảnh vật xa xa bao la bát ngát để rồi tấm tắc khen ngợi.
Năm 1870, chiến tranh Pháp – Đức bùng nổ. Đức ồ ạt xua quân xâm chiếm lãnh thổ của Pháp. Vùng Alsace bị Đức thôn tính, phải sống dưới cường quyền của kẻ thắng trận. Muốn giữ nguyên quốc tịch Pháp, cụ De Morlet đưa hai đứa cháu ngoại đi lánh nạn ở Nancy. Charles tiếp tục đèn sách tại trường trung học Nancy và cũng tại đây, Charles dọn mình sốt sắng để được rước lễ vở lòng.
SINH VIÊN SĨ QUAN
Dầu không hiếu học nhưng rồi Charles cũng đậu bằng tú tài. Charles có ý định vào trường sĩ quan Saint Cyr, song vì nhác học và vô kỷ luật nên quân trường dự bị Sainte Geneviève sa thải. Bấy giờ cụ De Morlet bắt Charles phải ở nhà, rước thầy tư về nhà dạy kèm. Nhờ thầy khôn ngoan, kinh nghiệm và tận tâm khuyến khích, Charles bắt đầu chịu học rồi thi vào quân trường Saint Cyr. Trong số 412 sinh viên, Charles đậu thứ 88. Bấy giờ Charles được 18 tuổi.
Tầm vóc Charles phì nộn nên qua nhiều cỡ quân trang chẳng có bộ nào vừa tầm của Charles. Vì vậy quân trường tạm cho Charles mặc thường phục, đầu phải đội képi, trông rất tức cười. Xem ra dơi chẳng phải dơi mà chuột cũng không chẳng ra chuột.
Thời gian ở quân trường, Charles thèm ăn ngon. Những món ăn do quân turòng dọn ra, Charles chẳng khoái tí nào. Có phải ăn chẳng qua là cho qua cơn đói đang cồn cào trong dạ dày mà thôi. Bởi vậy mỗi lần được xuất trại thì Charles đi ngay đến tiệm ăn, chọn món ngon, ăn xong rồi còn mang về quân trường để đêm ngồi dậy ăn một mình.
Về phần học hành, tính lười vẫn không chừa. Trong túi luôn luôn có tiền nên suốt tuần, Charles chỉ mong chóng đến ngày chúa nhật, nhảy về Paris mướn phòng để hưởng tiện nghi, đến trưa thì chọn tiệm ăn nổi tiếng “đánh một bữa cho khoái khẩu”.
GIAI ĐOẠN MẤT ĐỨC TIN
Làm biếng học hành thật, song Charles thích chọn và mua những tác phẩm có giá trị về văn chương, tích trữ pho nào theo loại nấy. Cũng vì biếng học nên lắm ngày chúa nhật Charles bị lưu trại. Ngồi buồn, Charles tưởng nhớ lại những món ăn ngon lành mình sẽ thưởng thức nay mai khi được xuất trại. Charles cũng biết bày mưu “giả bệnh” để xin bác sĩ ký giấy cho nghỉ vài ngày, tránh khỏi các dịch vụ. Cũng vì những sự kiện ấy mà cuối năm 1878, thi ra quân trường, Charles đứng thứ 333 trên 386 sinh viên.
Rời Saint Cyr, Charles vào quân trường kỵ binh tại Saumur. Tính nào vẫn tật nấy : nhác học, thèm ăn nhậu, cho nên tiệm ăn nào có món hạp khẩu, Charles dều biết tất cả và còn rũ bạn đến đánh chén. Đành rằng thích ăn ngon, Charles cũng thèm rượu ngon. Có một hôm chủ tiệm giới thiệu cho chàng chai rượu Pontet-Canet. Charles nếm thử, vừa ý lắm. Charles bảo chủ tiệm phải để dành tất cả số rượu Pontet-Carnet đang còn ở dưới hầm cho “băng” của Charles. Lợi dụng dịp may hiếm có, gặp được ông khách “béo bở”, chủ tiệm thâu được mối lợi to.
Sinh viên sĩ quan kỵ binh Saumur lại có thói quen ăn mặc bảnh bao để lòe “các nàng” cho nên Charles lại càng trau chuốt bộ quân trang, đôi “bốt” nào đẹp nhất, mới nhất là mua ngay; thêm vào đó nhờ tập tước của bố nên Charles đường đường chính chính là một vương tôn công tử. Mỗi lần ra phố thì chọn xe “song mã”, ngồi ngất ngưỡng, nghễnh mặt “ta đây”.
Thời gian tòng học quân trường kỵ binh, Charles cũng dám mạo hiểm nhiều chuyện. Ngày nọ, vì phạm kỷ luật, bị lưu trại, Charles tìm cách “xuất trại”. Để ra cổng Charles ngụy trang bằng cách mặc chiếc áo “thợ nề” phủ lên bộ quân trang, đầu đội chiếc casquette rộng thênh thang rồi dán vào cằm “bộ râu giả”. Thừa lúc lính gác vừa xây lưng, Charles lọt ra cổng êm ru rồi đến ga mua vé xe lửa về Tours chơi. Quân trường điểm danh, thấy vắng Charles, ra lệnh tầm nã bằng điện tín ghi rõ mọi dấu hiệu riêng của sinh viên đào ngũ. Charles đến ga Tours, bước xuống khỏi xe lửa thì lập tức bị lính sơn đầm (gendarmes) đón rước dẫn độ về quân trường.
Lần khác cải trang làm người hành khất, áo rách quần xài, mang bị gậy đi ăn xin từng nhà. Nhưng rồi cũng bị lính sơn đầm đón rước đưa về quân trường.
LÀM QUEN VỚI PHI CHÂU
Xong khóa học, Charles được phái về phục vụ tại Pont-à-Mousson là quận lỵ Meurthe-et-Moselle. Dẫu sao, Charles cũng được tự do, rộng chân hơn ở quân trường. Rồi đây không biết Charles có định phát minh trò chơi nào mới lạ không ?
Một ngày mùa đông,mặt sông Moselle nước đông lại, Charles quyết định tổ chức buổi dạ hội khiêu vũ ngay trên mặt sông, đèn đuốc muôn màu sáng choang và khách được mời uống rượu nóng.
Phục vụ tại Pont-à-Mousson chẳng được bao lâu thì Charles được thuyên chuyển về trung đoàn kinh binh, đóng quân ở Phi châu. Bây giờ Charles mang cấp bậc thiếu úy. Tính nào vẫn tật ấy : cẩu thả, vô kỷ luật, đến nổi trung tá trung đoàn trưởng cho phép Charles chọn một trong hai giải pháp sau đây : một là phải về quân turòng “hâm lại”, hai là phải giải ngũ. Charles chọn giải pháp thứ hai là giải ngũ và trở về Pháp.
Nghỉ ngơi, sống thong dong, Charles đâm ra nhớ Phi châu mặc dầu không ở đấy được lâu năm dài tháng. Nhưng hầu như có một cái gì đó làm Charles quyến luyến miền đất xa xôi lạ lùng ấy quá sức.
Phải chăng Đấng Quan Phòng chờ đón Charles tại Phi châu ?
Vài tháng sau ngày trở về Pháp, Charles được tin trung đoàn kinh binh mà mình đã từng phục vụ được phái đến miền nam Oran để dẹp loạn. Charles liền có ý định sang Phi châu. Anh làm đơn lên Bộ Chiến Tranh xin cho mình tái nhập quân đoàn ấy dù phải làm anh binh nhì.. Bộ chấp nhận, cho đương sự phục hồi cấp thiếu úy. Lãnh nghị định với Sự Vụ Lệnh kèm theo là giấy trưng vận tàu thủy và xe lửa, Charles đến trình diện với cấp chỉ chuy. Lần này, Charles cương quyết thay đổi tính tình. Nghe nói thế khó tin đấy nhưng là sự thật trăm phần trăm. Thông thường cây nghiêng về bên nào thì ngã về phía ấy.
Chấp nhận đời sống theo binh nghiệp, từ đây Charles chẳng quản gì nắng nồng mưa lũ, sẵn lòng thi gan với đói khát, ngày đêm phải đề cao cảnh giác phòng những xung kích đột kích bất ngờ của địch. Charles ngày nay không còn là Charles của ngày nào trước đây nữa như : nhác học, thích ăn nhậu, thích chưng diện, vô kỷ luật, xài tiền như nước.
Đối với binh sĩ, Charles tỏ lòng thương yêu họ, săn sóc lo lắng cho họ hơn là cho bản thân mình. Đóng binh ở đâu, Charles chăm sóc miếng ăn nơi nghỉ cho đàn em. Thật là một sĩ quan đầy đủ quyền uy, mà nhân ái.
Ngày nọ trong một cuộc hành quân, binh sĩ đang khát nước, tìm thấy một giếng nước đục ngầu, khó uống. Charles lục lọi hành trang của mình, thấy có chai rượu rhum, liền khui ra chia cho binh sĩ mỗi người một ít, pha vào nước cho dễ uống. Binh sĩ cám ơn thì Charles đáp “chính tôi cám ơn anh em”.
Giai đoạn này Charles đã thay đổi hẳn tính nết song chưa hẳn đã tìm lại được đức tin công giáo của mình. Nhưng Charles thấy vui lòng vì đã giúp được tha nhân. Về việc ăn uống, trước khi chỉ quen với cao lương mỹ vị mà ngày nay, ăn cơm của trại, ăn dồ ăn xoàng thế mà Charles thấy ngon miệng.
THÁM HIỂM XỨ MAROC
Sau khi dẹp xong bọn phiếm loạn, Charles dự định tổ chức cuộc thám hiểm lãnh thổ Maroc nên gửi đơn lên thượng cấp xin phép nghỉ một thời gian. Đơn bị bác, Charles lại quyết định xin giải ngũ để đi thám hiểm Maroc với tư cách riêng tư.
Đi Alger để chuẩn bị mọi việc cho cuộc thám hiểm này. Bắt đầu là học tiếng Ả Rập, nghiên cứu tài liệu liên quan đến Maroc như phong tục, tập quán, sắm bản đồ để hoạch định lộ trình. May mắn gặp được giám đốc thư viện thành phố Alger là Mac Carthy, người trước đây đã từng thám hiểm miền nam Algérie nên cung cấp cho Charles những kinh nghiệm và tài liệu rất bổ ích. Mac Carthy khuyên Charles không nên đơn phương dấn thân mà phải có hướng dẫn viên và hứa sẽ tuyển mộ người dẫn đường cho Charles. Tìm kiếm mãi, Mac Carthy gặp một người Maroc gốc Do thái tên là Mardochée, tuổi khoảng 50. Mardochée bằng lòng song thời bấy giờ không một người Pháp nào được phép vào lãnh thổ Maroc. Để giải quyết vấn đề nầy chỉ còn một cách : Charles phải ngụy trang làm người dân Nga gốc Do thái, tên là Joseph Aleman. Cả hai người cùng nhau đi quyên tiền trong giới Do thái để trùng tu đền thờ.
Từ đây Charles để râu dài, chải tóc theo kiểu Do thái, lo sắm trang sức gồm có áo dài, có lúp và trên đầu đội chiếc mũ chóp (calotte), áo khăn quấn quanh đầu, chân đi dép quai. Charles đã hóa ra người Do thái trong trang sức, bây giờ Madochée phải tập cung cách đi đứng, cử chỉ ăn nói... cho Charles để khỏi bị tiết lộ; chỉ còn lo sắm sửa dụng cụ máy móc rồi cả hai người đáp xe lửa từ Alger đến Tanger. Tại đây hai người mua hai con la, rồi một buổi sáng tháng 6 năm 1883, họ tháp tùng những toán người đi về hướng Tétouan. Charles đi sau cùng để quan sát, ghi nhận những gì trông thấy trên lộ trình. Tại Tétouan Charles gặp khó khăn bất ngờ vì Mardichée quá mệt, không đồng ý đi theo lộ trình Charles hoạch định, nhưng rồi hai bạn cũng đến được Fez rồi Taza. Họ tìm đến các thôn xóm Do thái để trú ngụ. Sự việc này cũng gây tò mò trong giới người Do thái. Mardochée phải luôn luôn tìm cách đánh lạc hướng hầu Charles có thể ghi ghi chép chép mọi chi tiết tùy theo địa hình.
Trong chuyến hành trình này, Charles cũng bị bọn người bất lương khủng bố nhưng nhờ có Mardochée nhanh trí trình bày hành trang của hai người chẳng có gì đáng giá cho chúng xem. Rời Fez, hai người cứ hướng nam mà tiến. Trải qua hiểm nguy rồi họ cũng đến Mogador. Tại Mogador có lãnh sự quán của Pháp do ông Montel làm thủ trưởng. Charles cứ giữ trang phục “kỳ cục” đến yết kiến ông lãnh sự. Charles chen chúc vào đám người đang chờ ở cổng. Lợi dụng sơ suất của người gác cổng, Charles vào đến văn phòng của viên lãnh sự. Ông này tưởng mình đang đứng trước mặt một tên vô loại, bèn rút súng định nảy cò, nhưng Charles nhanh nhẹn xưng danh tánh của mình. Ông Montel liền cảm tình, mời người “khách lạ” vào văn phòng. Charles tường thuật cho ông lãnh sự nghe cuộc thám hiểm xứ Maroc, ông Montel rât thích, mời Charles tạm trú ngay trong tòa lãnh sự, nhưng để bảo vệ lối ngụy trang của mình, Charles mướn phòng ở khách sạn trong giới người Tây Ban Nha gốc Do thái. Sống một mình, Charles viết lại tài liệu đã thâu lượm được trong cuộc thám hiểm, sau đó Charles và Mardochée trở về Alger.
Về Pháp, Charles đến Hội Địa Dư trình bày kết quả cuộc thám hiểm của mỉnh. Hội Địa Dư hoan nghênh đón nhận tập tài liệu quý hóa này. Sau đó vài tháng, cũng trong năm 1885, Charles lại đáp tàu sang Phi châu, có ý thám hiểm vùng nam bộ Algérie và Tunisie.
ĂN NĂN SÁM HỐI
Đầu năm 1886, Charles lại trở về Paris để mướn in cuốn sách nhan đề Thám hiểm lãnh thổ Maroc. Sách xuất bản rồi được công chúng đạc biệt lưu ý và muốn mời Charles đến nhà mạn đàm song Charles chỉ lui tới nhà hai người bà con họ hàng ở xóm Saint Augustin vì trong xóm ấy Charles có ngôi nhà ở phố Miromesnil.
Đây là giai đoạn Thiên Chúa đánh thức tâm hồn Charles. Mỗi lần đi qua trước một thánh đường nào, Charles thấy tâm hồn mình xao xuyến băn khoăn nên cũng ghé vào vài phút và chàng thích vào thánh đường kính thánh Augustinô. Một hôm, vào nhà thờ này, tâm hồn lâng lâng, bất giác chàng nguyện rằng : “Lạy Chúa, nếu quả thật là có Chúa thì xin Chúa tỏ ra cho con biết”.
Giáo xứ thánh Augustinô do linh mục phó xứ là cha Huvelin quản nhiệm. Charles cũng có lần đã gặp cha Huvelin tại nhà nguời bà con. Rồi một hôm nọ, Charles đến nhà thờ Saint Augustin thăm cha Huvelin để xin giải thích về vấn đề tín ngưỡng. Cha Huvelin thân mật tiếp khách, nhưng thay vì cùng nhau nói chuyện về tôn tôn giáo, cha Huvelin bảo Charles : “Trước tiên, mời anh vào tòa giải tội, xưng tội đi rồi chúng ta sẽ nói chuyện được lâu dài”. Như một cậu bé mười hai tuổi, Charles vào tòa giải tội, có cha Huvelin hướng dẫn xưng tội. Xưng tội xong, cha Huvelin khuyên Charles nên rước Mình Thánh Chúa để Chúa Giêsu chiếm ngự tâm hồn mình.
Từ hôm ấy, Charles lại càng thường tới lui thăm viếng cha Huvelin, là ngưới mà Thiên Chúa đã đặt trên con đường của Charles và Charles lại thích nghe cha Huvelin giảng.
Một hôm, trên tòa giảng, cha Huvelin nói : “Chúa Giêsu đã chọn chỗ hèn mọn cuối cùng cho nên chẳng ai có thể chiếm chỗ ấy của Ngài được”. Câu ấy làm cho Charles cảm xúc sâu xa. Bắt đầu từ đó, Charles có ý nghĩ tìm cách ăn ở khiêm nhượng để được giống Chúa Giêsu.
Trong lúc chờ đợi,Charles có nhiều dịp tiếp xúc với ông Henri Duveyrier, thư ký của Hội Địa Dư Học rồi Charles được hội này ban thưởng huy chương vàng. Sự việc này chẳng làm cho Charles hãnh diện vì càng ngày càng nghĩ đến việc từ bỏ thế tục. Vậy là Charles bắt đầu ăn uống kiêng kham, hãm mình như một tu sĩ. Hôm nọ, nhân đến thăm ông Henri Duveyrier, người ta mời bánh ngọt với trà, nhưng Charles nhất định từ chối. Một lần khác có người bạn thân mời đến nhà dùng cơm trưa. Vì đang là mùa chay, Charles nhận lời song cho bạn biết thực đơn riêng của mình rất là đơn giản.
HÀNH HƯƠNG THÁNH ĐỊA
Từ đây, Charles chỉ có một ý nghĩ là mình sẽ xin vào một dòng ẩn tu. Mùa hè 1888, Charles đến thăm người bà con ở làng Bondy tại miền Indre mà nhà ở gần dòng khổ tu Fontgombault. Thấy các tu sĩ đang lao động ngoài đồng, Charles nghĩ rằng đời sống của dòng này rất hợp với ý mình.
Trước khi quyết định, Charles đến thăm cha Huvelin để xin ý kiến. Cha Huvelin không vội trả lời, ngài khuyên Charles nên hành hương viếng thánh địa. Thoạt tiên Charles lưỡng lự nhưng cha Huvelin thuyết phục nên tháng 11.1888, Charles đến hải cảng Marseille đáp tàu thủy đến Jaffa thuộc miền Tiểu Á Đông (Asie mineure) mướn ngựa và mướn người dẫn đường lên Giêrusalem. Vì là đang độ mùa đông nên khi đến thành thánh, tuyết phủ khắp cả. Không tìm quán trọ, Charles kính viếng ngay thánh đường có Mộ Thánh (Basilique du Saint Sépulcre), ờ đó cho đến giờ đóng cửa. Charles xin các cha dòng Phaxicô cho mình ở lại trong đền thánh, suốt đêm, sấp mình xuống đất để cầu nguyện. Sáng ngày, Charles băng qua các thành lũy xuống đến thung lũng Cédron, qua cầu, đến vườn Giethsemani ở lưng chừng núi Olivier. Bấy giờ tâm hồn Charles xao xuyến cảm xúc, nhìn lại những nơi chốn mà cách đây gần hai ngàn năm, Chúa Giêsu đã chịu bao nỗi khổ đau. Hôm sau, Charles đến làng Béthanie, nơi đấy, xưa có nhà của ba chị em : Matta, Lazarô va Madalêna. Đến hạ tuần tháng chạp, Charles nghĩ rằng phải đến Bethlehem để dự lễ kỷ niệm Ngôi Hai Thiên Chúa ra đời. Từ Giêrusalem đến đấy khoảng cách độ tám cây số ngàn nên Charles đi bộ. Lần qua các phố hẹp và một vài quán trọ,Charles nghĩ ngay đến thuở xa xưa ấy, Đức Maria và thánh Giuse vì nghèo nên không quán nào đón tiếp. Vừa đến nơi, các chuông đồng loạt khua rền vang dội báo hiệu giờ thánh lễ. Trong thánh đường trước hang đá có vài ngọn nến đang cháy, bên trên có tấm bảng ghi : “Chính nơi đây, Con Một của Chúa Trời đã sinh hạ làm người”. Charles quỳ xuống cám ơn Chúa đã đoái thương cho mình tìm được con đường trở về cùng Chúa.
Rời Bethléhem, Charles đến nhà của thánh Zacharie và thánh Elisabeth, nơi mà Mẹ Maria, theo lời thiên sứ Gabriel báo tin Elisabeth, có tiếng là son sẻ song đã mang thai được sáu tháng (Lc 1, 36). Sau đó, Charles đến hoang địa, nơi mà thánh Gioan Tẩy Giả ẩn tu (Lc 1, 80). Charles tiến lên hướng bắc, dừng chân nơi giếng Giacóp, nơi Chúa Giêsu gặp người nữ Samaritanô (Gioan 4, 7 – 42). Charles tìm đường đến thành Naim nơi Chúa Giêsu đã cho chàng thanh niên con trai độc nhất của một bà góa được sống lại (Lc 7, 11 – 15).
Ngày 5.1.1889, Charles đến Nazareth, ở lại đó mấy ngày để kính viếng ngôi nhà xưa kia Đức Nữ Trinh Maria được thiên sứ Gabriel đến truyền tin cho mình chịu thai Con Đức Chúa Trời (Lc 1, 26 – 38) và cũng là nơi Thánh Gia Thất đã sinh sống : giếng nước của ba đấng hẳn còn đấy. Charles đến làng Cana viếng nơi Chúa Giêsu dự tiệc cưới. Nhà trai thiếu rượu, nhờ sự can thiệp của Đức Maria, Chúa Giêsu đã làm phép lạ cho sáu chum nước hóa thành rượu ngon (Gioan 2, 1 – 11). Những chum đựng nước còn đấy và được xếp vào trong nhà.
Charles lên biển hồ Tibériade. Khung cảnh tại đây vẫn nguyên vẹn, thuyền đánh cá và ngư phủ vẫn thả lưới. Đi bách bộ quanh biển hồ, Charles hồi tưởng lại ngày xưa Chúa Giêsu đã chung sống với các tông đồ và môn đệ, có đoàn lũ người tuôn nhau đến để nghe Chúa giảng Tin Mừng.
Charles viếng núi Thabor, nơi Chúa Giêsu đã biến hình (Mt 17, 1 – 9). Nơi đây ngôi thánh đường do bà thánh Hélène, thân mẫu hoàng đế Constantin xây dựng, chỉ còn di tích mà thôi. Đi về hướng nam đến Jéricho, dừng chân ngắm cảnh sông Giođan nơi Gioan Tẩy Giả làm phép rửa cho Chúa Giêsu (Mt 3, 13 – 17). Rồi Charles kính viếng chốn hoang địa, nơi mà Chúa Giêsu đã ăn chay trong 40 ngày đêm, sau đó satan đến cám dỗ Chúa (Mt 4, 1 – 11). Sau đó Charles trở lại Giêrusalem và Bethlehem.
Trong suốt thời gian hành hương kính viếng thánh địa, Charles trú ngụ tại căn nhà do các cha dòng thánh Phanxicô khó khăn quản lý, được tham dự các lễ nghi phụng vụ, thu thập các vật kỷ niệm : đất đai những nơi chốn mà Chúa Giêsu đã đặt chân tới, cành olive hay cỏ hoa, Charles ghi ngày và nơi chốn của vật kỷ niệm ngõ hầu, về quê nhà, biếu cho bà con thân thích.
Đầu tháng 3.1889, Charles trở về Paris sung sướng gặp lại cha Huvelin, tường thuật chi tiết cuộc hành hương của mình đồng thời nghiêm chỉnh bàn đến ý định dứt khoát đi vào nhà dòng. Charles đi tĩnh tâm để cầu nguyện xin ơn soi sáng tất cả là bốn lần, hai lần tại dòng khổ tu Soligny và dòng Đức Bà Xuống Tuyết (Notre Dame des Neiges).
VÀO DÒNG KHỔ TU
Charles từ giã mọi người. Thu xếp việc cửa nhà. Tài sản có bao nhiêu thì làm di chúc trao lại cho em gái là Maria rồi xin vào tu viện Đức Bà Xuống Tuyết ở vùng Ardèche là nơi, mỗi năm, nhiều tháng liên tục, bị tuyết phủ, làm cho cảnh vật tiêu điều buồn bã. Vào tu viện này cũng có tiếng là kham khổ.
Thượng tuần tháng giêng 1890, Charles mang hành trang đến gõ cửa tu viện. Ngày 26.1.1890, Charles được mặc áo tập sinh nhân ngày lễ thánh Albéric là vị thánh đã giữ chức Bề Trên tiên khởi của Dòng từ thế kỷ XII và chọn tên là thầy Marie Albéric. Từ giây phút long trọng này, chàng công tử Charles Eugène de Foucauld dứt khoát từ bỏ đời sống trần tục để làm một tu sĩ khó hèn thấp kém trước mặt các đàn anh.
Đời sống ở dòng khổ tu “cực lắm”, song thầy Albéric lại vui vẻ, tuân giữ kỷ luật nghiêm chỉnh. Một giờ sáng phải bỏ giấc ngủ, dậy đọc kinh nguyện gẫm rồi đến phòng dự buổi họp để nghe bề trên chia công tác trong ngày cho mỗi người. Thầy Marie Albéric lãnh công việc của một tiều phu : đẵn cây, cưa gỗ, và rồi còn phải học hành đến mấy tiếng đồng hồ nữa. Thầy cũng sớm làm quen với lối ẩm thực của dòng : không thịt, không cá, không trứng gà. Bữa ăn sáng là bánh mì với nước nóng, bữa ăn tối là món xúp, bữa ăn trưa thì có xúp với đĩa rau.
Đời sống thường nhật là vậy đó, thế mà thầy Albéric cho là sung sướng đối với mình.
CHUYỂN SANG TU VIỆN AKBÈS
Biết rằng bên Syrie có tu viện Akbès nghèo hơn, khổ hơn, nên thầy Marie Albéric xin bề trên cho mình được chuyển sang tu viện ấy vì quan niệm rằng ở đó mình được gần gủi quê hương Chúa Giêsu. Được chấp thuận, nên tháng 6.1890, thầy Marie Albéric từ giã tu viện Đức Bà Xuống Tuyết. Để tỏ lòng thương cảm, cha Dom Martin tiễn chân thầy đến tận Marseille. Đáp tàu Alexandrette, sáu ngày sau thì đến Syrie, được một thầy của tu viện Akbès đón tiếp. Hai thầy đều leo lên ngựa, có lính hộ tống để đề phòng quân cướp. Vì đường sá hiểm trở, hai thầy phải mất suốt một ngày mới đến tu viện. Quả thật, tu viện Akbès nghèo, nghèo lắm. Nhà ván lợp tranh gồm độ vài mươi tu sĩ với một số trẻ con mồ côi gốc Thổ Nhỉ Kỳ. Những ngày đầu tiên, thầy Marie Albéric cũng làm tiều phu nhưng rồi chân bị sưng húp, bị nứt da, đứng không được, nên bề trên cho giữ thư viện kiêm việc vá áo xống của đám trẻ mồ côi. Sau hai năm Nhà Tập thầy được Khấn Tạm và được Cắt Tóc rồi bề trên cho lệnh phải học thần học và các môn cần thiết, dọn mình lãnh chức linh mục. Thầy Albéric không muốn lãnh chức linh mục, thầycho là quá cao trọng mà tự thấy mình bất xứng. Mặt khác, đời sống tu viện Akbès thấy thế mà thầy vẫn cho là chưa hợp ý sống đền tội hãm xác của mình, vì về sau luật dòng có nới rộng như “được ăn bơ, ăn dầu”.
Thật vậy, dòng Xitô có tiếng là khổ nhưng thầy Albéric không vừa ý nên nảy sinh một ý kiến là : lập riêng một dòng, có luật sống khắc khổ, sống nhiệm nhặt hơn nữa.
Nghĩ là làm, thầy liền thảo bản dự luật dòng, gửi về Paris cho cha Huvelin để thỉnh thị ý kiến. Cha Huvelin không đồng ý vì ngài nghĩ rằng thầy Albéric làm như vậy là do tính kiêu căng. Trong thư phúc đáp, cha Huvelin nói hẳn ra rằng “Thầy không phải là người có đủ khả năng lãnh đạo kẻ khác”... Nhưng, thư từ trao qua đổi lại nhiều lần và thấy rằng thầy Albéric muốn ra khỏi dòng Xitô, mặc dầu đã tu được bảy năm rồi, nên cuối cùng cha Huvelin nhượng bộ và khuyên thầy làm đơn xin Tổng vụ ở Roma giải hóa lời khấn dòng cho mình.
Trong lúc tạm thời thầy Albéric rời tu viện Akbès và được chuyển về tu viện (vẫn là dòng Xitô) Staoueli ở Bắc Phi một thời gian. Sau đó thầy phải sang Roma tiếp tục theo khoa thần học chờ bề trên Tổng vụ giải hòa lời khấn dòng.. Tháng 10.1896, thầy Albéric đến Roma, vào viện đại học Grégorienne. Tháng 1.1897, bề trên Tổng vụ chấp nhận cho thầy Marie Albéric được giải hóa lời khấn dòng, cũng từ đó dùng lại tên cũ là Charles Eugène de Foucauld, khỏi mọi vấn vương, theo đuổi con đường hợp với lý tưởng của mình.
Về phía cha Huvelin, vẫn còn ngại ngùng, không muốn cho Charles sớm lập một dòng riêng nên khuyên Charles đi Thánh địa một lần nữa, sống cạnh một tu viện nào đó, để tiện bề kinh nguyện, lễ lạc.
NGƯỜI LÀM VƯỜN
Vâng lời cha Huvelin, Charles sang Thánh địa và quyết sống đời ẩn tu như Chúa Giêsu trước khi Ngài ra công rao giảng Tin Mừng. Tàu cặp bến, ăn mặc theo lối Á-rập, Charles đi bộ lên Nazareth, tại đây có dòng nữ Clarisses. Nghe nói nhà dòng đang cần một người làm vườn. Charles đến cửa tu viện, xin được tuyển dụng để làm vườn. Lối ăn mặc và điệu bộ của Charles làm cho các nữ tu ngần ngại song mẹ bề trên vẫn thâu dụng. Charles không xin lương bổng và tình nguyện làm tất cả công việc do bề trên sai bảo. Charles không nhận chiếc phòng dành cho người làm vườn ở song lại nhận mái nhà bằng ván dùng để chứa các dụng cụ làm vườn : cuốc, xẻng, cào, thùng tưới... Charles bắt đầu làm việc cho nhà dòng. Thật ra không rành làm vườn nên Charles làm các công việc khác cách vui vẻ nhanh chóng như quét nhà nguyện, mang thư từ đi bưu điện, nhận thư ở bưu điện về, mẹ bề trên sai việc gì thì làm việc ấy. Buổi sáng Charles giúp lễ, rồi dành nhiều thì giờ, ở một mình trong chòi, lẳng lặng cầu nguyện. Các nữ tu thấy vậy cũng lấy làm phục. Bình thường Charles không nói chuyện với ai, trừ những khi phải làm vui lòng kẻ khác. Một hôm có một nữ tu được lệnh thuyên chuyển từ Nazareth lên tu viện ở núi Thabor. Nữ tu ấy tỏ ra buồn phiền vì ngại việc “đi đường” nên đem việc ấy nói cho Charles biết. Charles dùng lời trấn an rồi còn đem chuyện mình ngày trước, đã từng thám hiểm xứ Maroc kể cho nữ tu ấy nghe. Nhờ vậy, nữ tu ấy lấy lại bình tĩnh, lòng được bình an và can đảm lên đường.
Mẹ bề trên dòng Clarisses ở Giêrusalem nghe nói đến người làm vườn của tu viện Nazareth là một “nhân vật” khác người thường nên muốn gặp để biết rõ ràng hơn. Bề trên tu viện Nazareth lấy cớ gửi thư, sai Charles lên Giêrusalem bằng cách đi bộ, dọc đường phải hành khất để có cơm ăn. Đến tu viện Giêrusalem, Charles được bề trên là Mẹ Elisabeth tiếp tử tế, tỏ lòng tín nhiệm nên Charles thuật lại đời sống của mình cho bề trên nghe : tình trạng mồ côi cha mẹ, đời sống học sinh, sinh viên, đời sống trong quân ngũ, đời sống bê tha, đời sống sám hối, đời sống trong dòng Xitô. Mẹ Elisabeth cho rằng dự tính của Charles là việc đáng làm nên càng khích lệ. Ở lại Giêrusalem bốn ngày, Charles trở về tu viện Nazareth.
Ba tháng sau mẹ Elisabeth mời Charles lên Giêrusalem, yêu cầu ở gần tu viện. Có lẽ mẹ Elisabeth đã cầu nguyện, đã suy nghĩ nhiều nên muốn giúp Charles, cho Charles lập dòng ngay tại khoản đất rộng của tu viện.
Charles viết thư về Paris cho cha Huvelin để thỉnh thị ý kiến và cha chấp nhận. Bấy giờ Charles lo tuyển người, sống theo luật dòng do mình sáng lập. Song biết chiêu mộ ai bây giờ ? Nghĩ đến những tập viên của tu viện Akbès nên Charles đi Syrie thuyết phục nhưng chẳng ai muốn theo vì cho rằng bộ luật dòng của Charles quá khổ, quá khắt khe. Charles trở lại tu viện Giêrusalem, sống một mình, cầu nguyện và dùng thì giờ rảnh rỗi để vẽ, trang trí các vách tường nhà nguyện của tu viện.
Qua một thời gian, biết rằng người ta sẽ bán cả vùng đồi núi mà năm xưa, trên núi ấy, Chúa Giêsu đã giảng về tám mối phước thật là Hiến chương Nước Trời. Vùng đất ấy của người Thổ Nhỉ Kỳ. Charles nhờ mẹ Elisabeth trợ lực, mua cả vùng ấy rồi cúng cho các cha dòng Phanxicô để xây đền thờ. Việc ấy không thành vì người Thổ không phải là Kitô hữu.
THỤ PHONG LINH MỤC
Mẹ Elisabeth vẫn tin rằng Thiên Chúa muốn Charles làm nên những việc cả thể, nghĩ rằng Charles phải trở thành linh mục nên cố gắng thuyết phục. Charles bằng lòng, viết thơ về Paris thỉnh nguyện ý cha Huvelin và cha Huvelin đồng thuận. Cuối cùng, Charles về Pháp tháng 9.1900, vào tu viện Đức Bà Xuống Tuyết và đến ngày 6.9.1901, Charles được Đức Ông Viviers phong chức linh mục. Thông thường, thụ phong linh mục rồi cha Charles phải làm việc cho giáo phận. Song, nhớ cảnh Phi châu, cha Charles nghĩ nên sang Phi châu để lập nhà dòng đầu tiên mà ngài đã có mộng ước từ lâu, và càng gần được Maroc càng hay vì là lãnh thổ ngài đã thám hiểm từ năm nào. Ngày 9.9.1901, ngài đáp tàu sang Alger để vận động mọi việc.
LẬP VIỆN ẨN TU
Việc trước tiên là phải được sự chấp thuận của vị Toàn Quyền Algérie, của các linh mục dòng Áo Trắng (Pères Blancs) là dòng lãnh nhiệm vụ truyền giáo Bắc Phi và của Đức Ông Guérin là Khâm Sứ Tòa Thánh ở Sahara. Được báo tin, Đức Khâm sứ, có cha Henri, Bề trên dòng Xitô ở Staoueli tháp tùng, dến tận hải cảng đón cha Charles de Foucauld.
Đến đây, mọi việc đều được kết quả tốt đẹp. Đức ông Guérin đưa cha Foucauld đến trụ sở của dòng Ao Trắng ở ngoại ô Alger, cùng nhau thảo luận vấn đề lập viện ẩn tu. Đức ông Guérin hoan nghênh việc chọn Beni-Abbès là một làng ở giữa lòng sa mạc Sahara, để đồng thời, cha Foucauld làm tuyên úy công giáo cho đồn binh gần đấy. Đây là một giải pháp thật thuận tiện cho đôi bên, duy chỉ còn cần đến sự chấp thuận của các nhà chức trách quân và dân sự trong vùng Beni-Abbès là thiếu tá Lacroix, bạn của cha Foucauld lúc còn là sinh viên quân trường Saint Cyr. Hai bạn hẹn gặp nhau tại tu viện Staoueli. Tay bắt mặt mừng, thiếu tá Lacroix thu xếp mọi việc rất nhanh chóng. Trước khi cha Foucauld đi Beni-Abbès, thiếu tá Lacroix mời ngài đến tư thất dùng cơm tối. Bà Lacroix phân vân không biết phải chọn thực đơn nào cho vị tu sĩ khắc khổ. Cha Charles thản nhiên dùng tất cả mọi món ăn dọn ra để chủ nhà yên lòng. Đến giờ ngủ cha không nhận giường êm nệm ấm, chăn mền sang trọng, ngài xin phép chủ nhà cho mình được nằm dất trong phòng khách.
Sáng hôm sau, điểm tâm xong, tạm biệt chủ nhà, cha đáp xe lửa đến Ain-Sefra, và định từ nhà ga sẽ đi bộ đến Beni-Abbès. Không ngờ, thiếu tá Lacroix điện báo cho các đồn binh biết, do đó người ta mời cha lên ngựa, có binh sĩ hộ tống. Khi đến đồn Taghit, đại úy Susbielle, đồn trưởng, thân hành đón cha và cho tiểu đội chào súng.
Đến nơi Beni-Abbès, cha quan sát địa hình, chọn nơi xa đồn binh, lo việc xây cất nhà cửa. Đại úy Regnault biệt phái cho cha một tiểu đội lính để đào móng, chuyên chở gạch đá, rồi dần dần xây tường. Việc đầu tiên là cho lo xây cất nhà nguyện, cột bằng cây rừng, lợp lá, vách vá... Có anh quân binh tên là Surleau hằng ngày sang làm việc giúp cho. Biết rằng trong số sĩ quan có một họa sĩ nên cha nhờ trang trúi nguyện đường bằng cách họa chân dung của nhiều vị thánh trên vải trắng – riêng phần ngài – họa ảnh Chúa Giêsu tỏ Trái tim, máng lên chính giữa nguyện đường, sau bàn thờ chánh; dần dần ngài lo xây nhà có phòng bè cho mình và cho những kẻ sẽ đến xin nhập dòng.
Tạm thời cha vẫn sống một mình, song ngài không cô đơn, không thiếu việc làm. Chẳng bao lâu, dân chúng quanh vùng biết được sự hiện diện của một linh mục công giáo thì những người nghèo khó, những kẻ tàn tật, hoặc bệnh hoạn, đến thăm ngài, và đương nhiên họ được tiếp đãi nhiệt tình, ngài rộng tay chia sẻ với họ những gì ngài có.
Cha Charles cũng biết mình có trách nhiệm làm tuyên úy cho binh sĩ. Đại úy Regnault có ý biệt phái một binh sĩ để giúp cha trong mội việc hằng ngày, song cha không nhận, vì ngài muốn tự tay mình làm tất cả như : nấu ăn, rửa chén bát, giặt giũ quần áo, quét dọn nhà nguyện và nhà ở.
Đại úy Regnault thích đến chuyện vãn với cha. Phần cha, trước mặt viên sĩ quan này, vẫn giữ uy tín của mình là một nhà ẩn tu. Sỡ dĩ muốn lập cơ sở ở Beni-Abbès vì vùng này chưa bao giờ thấy bóng dáng một linh mục công giáo, ngài sợ binh sĩ chết mà không lãnh được các phép bí tích thì quá thiệt thòi cho họ. Cũng có những lần các sĩ quan mời ngài đến câu lạc bộ dùng cơm. Ngài cũng nhận lời đê làm vui lòng họ, nhưng thâm tâm ngài vẫn yêu chuộng nếp sống kham khổ, ẩn dật.
Đã từ lâu cha ước ao có một cái chuông – lớn nhỏ gì cũng tốt. May thay có người gửi đến dâng cho ngài một quả chuông – không lớn lao gì – ngài liền treo chuông lên chỗ cao nhất của nguyện đường, để sáng trưa chiều đánh chuông độc kinh nhật một, nhất là hồi chuông báo hiệu giờ thánh lễ. Vậy là từ nay, trong lòng sa mac, hồi chuông nhắc cho mọi người sự hiện diện của Chúa Giêsu Kitô, xưa đã dâng mình tế lễ Đức Chúa Cha để chuộc tội nhân loại; mà đến thời đại văn minh này, vẫn còn muôn muôn vàn vàn người không hề hay biết đến cũng như có bao nhiêu là người thờ ơ, muốn quên đi hay là muốn chối bỏ Chúa.
Thời gian theo lệ tuần hoàn, cứ trôi qua. Đến một ngày kia, có một sĩ quan cao cấp là đại tá Hubert Lyautey đến chỉ huy quân khu Ain-Sefra. Cha Foucauld khi còn là thiếu úy đã biết đại tá Lyautey nên cũng muốn gặp để trình bày những dự tính của mình về tương lai. Cha lên đường, và sau 10 ngày lặn lội đi bộ, cha đến Ain-Sefra. Cuộc hội ngộ thình lình này thật là cảm động cho cả hai. Trong cuộc hội kiến này, hai vị đều bàn đến Maroc. Phần cha thì muốn lập cơ sở gần biên giới xứ này để truyền giáo. Phần đại tá thì muốn làm sao cho xứ Maroc biết đến nước Pháp hầu đánh tan bầu không khí “hận thù” giữa hai quốc gia. Cả hai thảo luận nhiều vấn đề và thấy rằng chưa có thể thực hiện được gì vì ba yếu tố thiên thời, địa lợi và nhân hòa đều thiếu tất cả.
Cũng trong giai đoạn này, thiếu tá Laperrine chỉ huy những đại đội kỵ binh, dùng lạc đà lưu động khắp sa mạc Sahara để tiểu trừ bọn cướp giựt. Cha Foucauld là chỗ quen thân với Laperrine nên cũng muốn gặp người bạn cũ. Nhân cuộc hành quân khảo sát sa mạc, thiếu tá Laperrine dừng tại Beni-Abbès để thăm người bạn cũ bây giờ đã trở thành vị ẩn tu. Cuộc viếng thăm này có một mục tiêu rõ ràng là thiếu tá Laperrine muốn kết thân với viên lãnh tụ bộ lạc Touareg, là chúa tể của cả vùng Hoggar. Muốn thành công nhất định Laperrine phải nhờ cha Foucauld tiếp tay. Vậy là hai bạn thân thảo luận chương trình thám hiểm nam bộ Algérie. Nói chuyện thám hiểm tự nhiên tâm hồn cha Charles như sực tỉnh vì ngài cũng muốn lợi dụng cơ hội để rồi trong tương lai, sẽ mở rộng cánh đồng truyền giáo.
Máu anh hùng trong huyết quản sôi lên, cha Charles thu xếp hành trang lên lưng lừa, sáng ngày khởi hành, có anh Paul là một người da đen dẫn đường. Cả hai cha con tháp tùng cánh quân đi xuống Adrar rồi cứ tiến theo hướng nam. Cứ mỗi lần dừng chân nghỉ, bất cứ ở đâu – cha tách rời cánh quân để khỏi làm phiền binh sĩ – song, dân địa phương thấy trong đoàn quân có một người ăn mặc chẳng giống ai nên nhìn với đôi mắt tò mò, đồng thời họ cũng nhận ra rằng người ậy muốn nói chuyện với mình. Khi đến Adrar, cha gặp lại Laperrine rồi ngài lại tháp tùng một cánh quân khác xuống Akabli để chờ. Trong lúc chờ đợi, tạm thời cha học thổ ngữ Touareg, cần cho việc truyền giáo.
Ba tuần sau, Laperrine đến điểm hẹn và mời cha tiếp tục cuộc hành trình, mục tiêu là Tombouctou. Trên lộ trình, Laperrine gặp cánh quân của đại úy Théveinaut, chỉ huy trưởng vùng ấy. Théveniaut biết được dự tính của Laperrine nên phản đối, chặn đường, không cho tiến quân. Hai sĩ quan này tranh luận với nhau hăng lắm và cuối cùng Laperrine phải nhượng bộ. Phần cha Foucauld, trong lúc hai sĩ quan này cãi vã nhau, ngài tự tách riêng ra, không hề tham gia ý kiến, mặt khác cha cũng không vội trở về Beni-Abbès. Lợi dụng việc mình có mặt tại vùng này, ngài cắm trại trong rừng, ở luôn đấy ba tháng để trau dồi thổ ngữ. Ngài bắt đầu dịch Phúc âm ra ngôn ngữ địa phương đồng thời cũng học các phong tục tập quán của họ. Ngài luôn luôn hy vọng – rồi cũng có ngày – ngài trở lại rao giảng Tin Mừng cho vùng này.
Trở về Beni-Abbès, cha Charles trở lại đời sống ẩn tu của mình. Trong thời gian này, một hôm, bất ngờ đại tá Lyautey với toàn bộ sĩ quan tham mưu đến thăm ngài. Tất cả đã dự thánh lễ tại nguyện đường. Về sau cha Charles có nói rằng : “hôm ấy tôi rất cảm xúc và còn nhớ mãi...”
** Lyautey : Thống chế Lyautey sinh tại Nancy (1854 – 1934), đã từng là cộng sự viên của Galliéni ở Bắc Việt Nam và Madagascar (1894 – 1897). Từ 1912 đến 1925, lập nền bảo hộ Maroc và đã giữ cho Maroc đứng về phía của Pháp trong Đệ Nhị Thế Chiến. Ông ta làm Bộ trưởng Bộ Chiến tranh trong nội các Pháp năm 1916 – 1917 và Tổ chức Hội chợ Triển lãm Thuộc địa Pháp (1927 – 1931). Ông ta cũng có chân trong Hàn Lâm Viện Pháp.
Về phần thiếu tá Laperrine, về sau lại mời cha Charles trở lại Hoggar tham gia phái bộ đặt đường giây điện thoại qua sa mạc Sahara, do dại úy Dinaux đảm trách. Cha với Paul dùng ngựa, lên đường để gặp cánh quân tại giếng nước Touat. Trong các công nhân viên của phái bộ, có ông tổng thanh tra bưu điện là người kiêu hãnh hách dịch, lại là người không có thiện cảm với hàng giáo phẩm công giáo. Thấy trong phái bộ có một linh mục nên ông ta tỏ ra khó chịu.
Ông ta hỏi cha Charles rằng : Tôi phải gọi ngài là “ông” hay “là cha” ? Cha khiêm tốn đáp : Xin cứ gọi tôi là “Charles” cho gọn gàng đơn giản.
Trong lúc cánh quân đóng trại tại giếng nước In Ouzel thì bất ngời ông Moussa Ay Amastane với thuộc hạ đi ngang qua đấy. Đúng ra, chính thiếu tá Laperrine muốn cho cha Charles tiếp xúc với Moussa Ay Amastane, lãnh tụ của bộ lạc Touareg, nên đã khôn khéo sắp xếp cuộc gặp gỡ này.
Moussa Ay Amastane là người quyền thế nhất vùng nên – việc ông ta đến In Ouzel là chuyện hi hữu – đại úy Dinaux cho lính dàn chào đàng hoàng rồi cho dựng lều riêng, dọn bánh nước đón tiếp như một vị thượng khách, cuộc mạn đàm đầy trang trọng như một cuộc thương nghị ngoại giao. Nhờ vậy mà Mousssa Ay Amastane rất hài lòng.
Cha Charles được Amastane tiếp kiến riêng để trình bày dự tính lập cơ sở truyền giáo tại Tamanrasset thuộc vùng cao nguyên Hoggar. Tuy đôi bên đang còn dò dẫm nhau, nhưng trên nguyên tắc, Amastane đồng ý. Sau đó, đại úy Dinaux cho Moussa xem tất cả máy móc dụng cụ thiết lập đường dây điện thoại để rồi bắt tay khởi công.Đại úy đưa cha Charles đến Tamanrasset. Đại úy Dinaux không an lòng để vị ẩn tu ở lai giữa người xa lạ, một thân một mình. Song cha Charles biết mình đến đây để làm gì nên ngài yên trí ở lại với anh Paul mà ta gặp trước đây. Nhờ có binh sĩ tiếp tay đắc lực, cha xây nguyện đường và phòng bè rồi ngày 7.9.1905 cha dâng Thánh lễ và đặt Mình Thánh Chúa. Sau đó thì đại úy Dinaux và cha chia tay nhau. Anh Paul ở lại với cha và làm ông từ nhà thờ. Cha tiếp xúc với dân chúng quanh vùng. Dân Touareg là dân du canh du mục, còn những người sống quanh vùng Tamanrasset thấy cha là người ngoại quốc lại ăn mặc khác người nên chưa tín nhiệm, tỏ ra thờ ơ lãnh đạm. Chẳng bao lâu sau, quang cảnh ở Beni-Abbès diễn ra ở đây, nghĩa là do lòng bác ái của vị tu hành, họ kéo nhau đến xin thuốc và kiếm ăn.
Cha vạch ra một chương trình rộng lờn để phục vụ dân chúng cả hai phần hồn xác, cho họ làm quen với lối sống văn minh đương thời. Công việc của cha làm tiếng tăm đến tai ông Moussa Ay Amastane nên ông nầy đến Tamanrasset để cùng cha hoạch định việc khai hóa nhân dân. Ông ta ở lại đấy để tận mắt quan sát vị ẩn tu hoạt động như thế nào.
Thoạt tiên cha dạy cho họ công việc đồng áng : bắt đầu dọn đất, gieo lúa để có “cái ăn”, khỏi đi cướp giựt. Công việc có kết quả tốt đẹp. Trong lòng phấn khởi, cha viết thơ về Paris cho bà Bondy là người chị em họ. Thơ nói : “... Tôi lấy làm thích thú. Tôi định cư trong vùng hoang địa nầy. Phần đông họ là người du canh du mục, chỉ có vài chục gia đình nghèo ở lác đác quanh đây. Dân chúng đã biết xin tôi kim chỉ để vá quần áo, thuốc sốt rét hoặc thực phẩm. Tôi dạy cho họ công việc đồng áng và kết quả rất khích lệ... Kính chào thân ái. Ký tên : Charles de Foucauld”.
Cha Charles phát triển chương trình khai hóa dân lạc hậu này. Nhưng một mình, không cách gì đảm trách nổi. Cha kêu gọi chính phủ Pháp phải chính thức phụ trách mới được : phải có thuốc, có bác sĩ, y tá, cô đỡ, phải có thực phẩm, phải có nhân sự.v.v... Tiếng của cha từ sa mạc Sahara gọi về Pháp đã được đáp ứng. Bắt đầu là hai bác sĩ quân y do thiếu tá Laperrine biệt phái đến với thuốc men để chích ngừa trừ dịch tả, phòng bệnh ban trái... rồi dần dần có nhân viên từ Pháp đến.
Gặp đồng hương : tin lành có, công giáo có, sống với nhau lẫn lộn, sự giao hảo quả là đẹp đẽ nên cha Foucauld rất vui mừng, không ngớt tỏ lòng tạ ơn Thiên Chúa. Y sĩ Robert Hérisson thuộc phái tin lành. Cha cho ông ta mượn quyển Kinh Thánh và khuyên mỗi ngày nên đọc một đoạn.
YẾT KIẾN ĐỨC KHÂM SỨ TÒA THÁNH.
Tháng 9/ 1906, cha rời Tamanrasset để trở lên miền Bắc vì ngài không quên nhiệm vụ lãnh đạo tinh thần anh em binh sĩ đồn trú đó đây. Về đến Beni-Abbès, ngài được đón rước rất nồng nhiệt, vì từ sĩ quan đến binh sĩ, rất trung hậu đối với ngài. Tiện đường, ngài đến Colomb-Béchar, đáp xe lửa lên Alger. Cha đến yết kiến đức ông Guérin, Khâm sứ Tòa Thánh tại nhiệm sở của các giáo sĩ truyền giáo Áo Trắng, để phúc trình công việc trong mấy năm qua. Đức Khâm sứ Tòa Thánh rất hài lòng, tiếp ngài niềm nỡ, khuyến khích ngài chia thời giờ để lúc thì ở Beni-Abbès khi thì ở Tamanrasset.
Tại đây, có một tình cờ lý thú đang chờ ngài : có một cựu binh sĩ muốn vào dòng của ngái. Vậy, đây là đệ tử tiên khởi của dòng và ngài đặt tên cho là thầy Michel.
Hai cha con trở về miền Nam bằng đường bộ. Thoạt đầu mọi sự đều tốt đẹp. Nhưng vì cuộc hành trình vất vả, lương thực thì chỉ có cơm nên vừa đến In Salat thì thầy Michel đuối sức, bỏ cuộc, để cha một mình tiếp tục cuộc hành trình.
NHÀ KHẢO CỔ MOTYLINSKI
Về đến Tamanrasset, cha tiếp tục cuộc sống giữa các bộ lạc Touareg. Ngài trau dồi thổ ngữ, học các câu ca dao tục ngữ địa phương và chuẩn bị viết cuốn tự điển Pháp – Touareg với hy vọng sẽ in thành sách. Hơn thế nữa ngài muốn tìm nguồn gốc người Touareg để được biết bộ lạc ấy là Ả-rập hay Ai-cập, vì trong vùng Hoggar có nhiều mồ mả rất xưa, nếu đào bới lên mà nghiên cứu những hài cốt thì sẽ biết được chính xác. Để tiến hành việc quật mồ mả, cha được thiếu tá Laperrine tán thành.
Muốn cho việc nghiên cứu ấy có kết quả thì cần có tay chuyên môn rành nghề. Bây giờ cha Charles nhớ đến người bạn cũ là Motylinski đang dạy tiếng Ả-rập tại Constantine. Ngài viết thư đề nghị với bạn... và cuối cùng Motylinski đến Tamanrasset. Cha dọn phòng cho bạn theo phương tiện và khả năng của mình. Cả hai vị bắt đầu thăm viếng các nơi chốn, bới đào các mồ mả lâu đời không thừa tự, tìm được nhiều hài cốt, chụp hình ghi chép.
Không hạp thủy thổ lại uống ăn kham khổ, thiếu chất dinh dưỡng, thiếu tiện nghi, Motylinski mang bệnh phải trở về Constantine và, vài tháng sau, qua đời. Để ghi nhớ nhà khảo cổ người ta xây một đồn binh tại Tamanrasset, lấy tên là pháo đài Motylinski.
TRỞ VỀ THĂM QUÊ MẸ
Phần cha Charles de Foucauld, sức khỏe bắt đầu suy kém, mắt yếu, hay bị nhức đầu. Tuy tuổi vừa mới năm mươi song trông già hẳn đi, mặt mày nhăn nheo vì đời sống quá kham khổ.
Năm 1913, ngài trở về Pháp, mang theo anh Ouksem, 22 tuổi, là một người thông minh, con nhà có thế giá trong vùng, hy vọng về sau sẽ phục vụ đắc lực cho người cùng chủng tộc anh. Sỡ dĩ có ý như vậy vì cha nghĩ rằng : tiếp xúc với nước Pháp, anh ta sẽ mở rộng trí tuệ.
Cả hai người lên đến In Salah và Ghardia. Tại đây cha đến viếng mộ đức ông Guérin, người đã nâng đỡ cha, vừa tạ thế.
Lưu ngụ tại Pháp, Ouksem được đi thăm viếng nhiều cơ sở, nhiều đền đài danh dự. Tại Toulon, anh ta được thăm một chiến hạm. Cha đưa anh ta đi thăm mấy nhà bà con và bạn thân, ai ai cũng niềm nở tiếp đón ngài và gây cảm tình với người khách ngoại quốc. Cuộc du lịch này đã mê hoặc Ouksem, thấy cái giàu có sang trọng của nước Pháp. Tại Lyon cha được gặp lại người bạn cũ Laperrine, bấy giờ mang cấp hiệu thiếu tướng. Tướng Laperrine cho Ouksem xem cuộc “tập trận” của quân đoàn rồi còn dạy cho anh ta cách xử dụng súng trường. Sau đó Laperrine hướng dẫn hai người sang du lịch Thụy sĩ qua các thành phố Montreux, Lucerne và Bâle rồi băng qua dãy núi Vosges trở về lại Pháp.
Sau thời gian được trông thấy lại quê mẹ, thăm viếng bạn hữu, du lịch Thụy sĩ, cha dẫn Ouksem xuống Marseille, chuẩn bị trở về Phi-châu. Trước ngày rời lãnh thổ Pháp quốc, cha dâng thánh lễ tại đền thờ Đức Bà, sau đó cho Ouksem viếng Hội chợ Marseille.
Trở về Hoggar cha lập một nhà ẩn tu trên đỉnh núi Azekrem để được trọn vẹn yên tĩnh. Trên đỉnh núi, nhìn ra xa, bát ngát mênh mông, cha sống đời cầu nguyện, học hỏi, và cũng tiếp rước khách đến thăm. Trong khoảng thời gian này cha nghĩ đến ngày mình sắp rời bỏ thế gian nên ngài lo viết di chúc và minh định rằng : “Tôi xin được an táng ngay tại nơi tôi chết. Xin chôn cất tôi một cách đơn giản, nghĩa là không quan tài,không mộ bia, chỉ cần trồng một cây thánh giá gỗ mà thôi”.
ĐỆ NHẤT THẾ CHIẾN
Tháng 4/ 1914, chiến tranh Pháp – Đức bùng nổ. Sau đó vài tuần, cha Charles ở Tamanrasset mới được tin. Thiếu tá chỉ huy đồn Motylinski sai người đến báo tin không lành này cho cha hay và mời cha sang đồn lánh nạn, đề phòng những kẻ lợi dụng cơ hội “đục nước béo cò” gây cảnh bất an. Cha từ chối vì không nở bỏ con chiên ở quanh ngài. Mặt khác,ngài cũng nghĩ rằng : quốc gia hữu sự, mọi công dân đều có nhiệm vụ phụng sự tổ quốc ngay tại trận tuyến. Trước vấn đề này ngài viết thư hỏi ý kiến người bạn cố tri là tướng Laperrine, và được phúc đáp rằng : “dù ở đâu cha cũng có bổn phận vừa là một linh mục vừa là một công dân nước Pháp, phải lo cho chu toàn cả hai vai”.
Tình hình địa phương đã có mòi bất an. Phe đối lập tổ chức đánh phá các đồn binh ở sa mạc, cướp giật, hành hung thường dân. Ở Tamanrasset mỗi lần có báo động, cha cho con chiên của mình vào đồn Motylinski trú ẩn. Nhưng làm như vậy quá bất tiện nên ngài cho xây tại chỗ một khu trú ẩn. Nhờ các sĩ quan phái quân đến giúp lập vội vàng “khu trú ẩn” theo họa đồ ngài vẽ, có thể nói là một công sự, mỗi cạnh độ 30 mét, có thành cao. Khi động thì dân chúng chạy vào đấy mà trú ẩn, cha cũng vào ở luôn trong ấy. Sự việc này càng làm cho trách nhiệm của ngài thêm nặng nề kho khăn và có thể hại đến tánh mạng. Ngài cũng biết thế.
Trong đám dân chung quanh vùng, có tên Madani là người đã nhiều lần tỏ ra bất chính, bất lương. Thêm vào đó có một trường hợp khác gia tăng mối nguy hiểm cho bản thân của cha. Số là vị chỉ huy đồn binh Motylinski nghĩ rằng dân chúng trong công sự cũng cần phải có vũ khí để tự vệ. Thiếu tá đồn trưởng đưa sang đấy mươi lăm khẩu súng trường với đạn dược. Đây cũng là thêm cớ để bon đối phương hạ thủ cha.
Ngày ngày cha vẫn bình tĩnh, phó thác mọi sự cho thánh ý Chúa quan phòng, cho nên ngày nào yên tĩnh thì ngài dâng thánh lễ, cầu nguyện, viết thư từ thăm bà con bạn hữu...
TÊN PHẢN THẦY
Chiều hôm 1.12.1916, trong lúc cha đang chờ người đưa thơ thì có tiếng gõ cửa. Trước khi mở cửa cha hỏi : “ai đó ? “. Tiếng đáp lại : “đưa thơ”.
Trong lúc tranh tối tranh sáng, cha vừa hé mở cửa để lấy thư thì lập tức bên ngoài có người nắm tay áo của cha, lôi mạnh cha ra khỏi cửa. Cha không chống cự. Chính là tên Madani là người đã được cha giúp đỡ rất nhiều, đã nở lòng phản phúc một cách hèn nhát, dẫn người đến bắt cha. Hành động của Madani chẳng khác gì môn đệ Giuđa phản Chúa Giêsu ngày xưa, dẫn quân lính đến vườn Gietsemani để bắt Chúa.
Cha không chống cự. Cha không nói một lời. Chúng đẩy mạnh, cha quỵ xuống. Chúng lấy giây trói cánh tay bó gối, để cha ngồi một đống. Cả bọn lục soát và chẳng lấy được gì đáng giá. Vài phút sau anh Paul bị chúng dẫn ra cho ngồi một đống bên cửa. Cha âm thầm cầu nguyện.
Trong công sự báo động. Hai binh sĩ ở đồn Motylinski chạy đến, hoảng hồn. Hai bên gần nhau. Một binh sĩ bị chết tại chỗ, còn một binh sĩ bị trọng thương rồi cũng bị chết. Cuộc xô xát chỉ xảy ra có mấy giây đồng hồ.
Cha bị trói chặt. Người của cha mỏi mệt. Cha ưỡn người cựa quậy. Tên côn đồ tưởng cha muốn thoát, nó chĩa mũi súng vào đầu cha. Nẩy cò !!! Tiếng súng nổ. Cha từ từ, từ từ nằm xuống. Linh hồn lìa khỏi xác. Của lễ hiến dâng. Thế là vẹn toàn.
Bọn bất lương lột áo xống của ngài, hất thi hài của ngài xuống hố. Chúng chia nhau chiếm lợi phẩm, ăn nhậu suốt đêm. Sáng tinh sương, chúng tẩu thoát khỏi Tamanrasset.
Anh Paul không bị chúng giết. Nhờ thêm mấy người trợ lực, Paul lo an táng cha “Thầy” của mình : không quan tài như lời di chúc của cha. Hai binh sĩ cũng được chôn gần đấy.
Chiều hôm ấy Paul lên đồn Motylinski báo cáo mọi việc đã xảy ra. Bận việc hành quân tiểu trừ bọn cướp nên hai tuần sau thiếu tá chỉ huy trưởng mới đến Tamanrasset. Trong số các dồ vật còn lại, có một mặt nhật (ostensoir) đang còn Mình Thánh Chúa trong ấy. Thiếu tá với mấy binh sĩ công giáo quỳ xuống thờ lạy. Thiếu tá đang phân vân, chưa biết phải giải quyết cách nào, thì trong số hạ sĩ quan, có một chủng sinh cung kính rước Mình Thánh Chúa.
Tướng Laperrine nhận được hung tín, tỏ ra rất đau lòng và lập tức xin lễ cầu hồn cho cha. Một năm sau tướng Laperrine mới sang được Tamanrasset. Tướng cho khai mộ cha, di chuyển hài cốt lên nơi cao ráo cho khỏi ẩm ướt.
Năm 1920, tướng Laperrine, trong lúc quan sát các đồn binh đóng tại sa mạc Sahara bằng máy bay, chẳng may, máy bị trục trặc, đâm bổ xuống sa mạc. Thiếu tướng bị trọng thương. Thiếu thuốc men, thiếu tướng phải vật lộn với tử thần 15 ngày rồi qua đời. Người ta đưa linh cửu của tướng Laperrine đến Tamanrasset, an táng bên cạnh cha De Foucauld. Khi sống hai vị này là bạn tâm giao chí thiết. Nay thành người thiên cổ, cả hai cũng nằm sát cạnh nhau dưới lòng đất chứ cũng không được nằm trong lòng đất mẹ.
Năm 1929, đức ông Nouet, Khâm sứ Tòa Thánh, thân hành đến Tamanrasset, chủ tọa việc khai mộ của cha Charles de Foucauld vì Tòa Thánh đang lập hồ sơ cần cho việc tôn phong Á Thánh hay Hiển Thánh cho cha. Vì không có quan tài nên hài cốt của cha có đất cát bao quanh. Được phủi sạch cát và đất rồi, người ta gói tất cả vào chiếc khăn vải mới tinh anh, đưa về El-Golia, an táng gần cơ sở của các cha dòng Áo Trắng.
Về phần quả tim của cha thì người ta cho vào một chiệc hộp rồi đặt vào bia mộ của tướng Laperrine, vì người ta cũng muốn giữ lại một vật kỷ niệm của đời cha cho Tamanrasset mà không có gì quý hơn quả tim mà cha dã dùng để thương yêu cả vùng sa mạc Sahara.
Người ta mong rằng cũng có ngày cha Charles Eugène de Foucauld được Tòa Thánh suy tôn Á Thánh, Hiển Thánh để được sùng kính.
Trong lúc chờ đợi quyết định của Tòa Thánh, cha Charles Eugène de Foucauld vẫn còn sống qua những người, nam cũng như nữ, muốn sống theo con đường do ngài đã vạch ra.
Thuở còn sinh thời, cha chưa thâu nhận được một môn đệ nào, nhưng bây giờ trên thiên đàng, ngài hoan hỷ thấy được nhiều người đáp ứng lời mời gọi của ngài.
Năm 1933, tại nam bộ Onarais, người ta thành lập Hội Dòng gọi là “Anh Em Chúa Giêsu” sống tình huynh đệ, lấy Phúc âm làm lý tưởng. Hội dòng nầy lan tràn sang Pháp và nhiều nước khác, chia sẻ đời sống lao công để làm chứng nhân cho tình yêu của Chúa Giêsu.
Phái nữ thì có Dòng “Chị Em Trái Tim Chúa Giêsu” và “Chị Em Tiểu Muội Chúa Giêsu”.
Trong giới giáo dân cũng thành lập Hội đoàn mang tên “Charles de Foucauld”, giúp nhau sống đạo đức, phát triển việc truyền giáo, đúng theo lời ngài đã từng nói : “Tôi muốn trọn đời rao giảng Tin Mừng Phúc âm”.
Thân tặng nhóm Thanh Lao Công Cộng đoàn Đức Mẹ Lavang Strasbourg
Gioan Baotixita Hồ Đắc Hóa