Thứ Hai, 25 Tháng Sáu, 2012

Đức bà Pontmain

Đức bà Pontmain

Lời nói đầu

Từ cổ chí kim, trong xã hội loài người, hạng người tầm thường và các trẻ em không được trọng nể, không được cân nhắc nếu không nói là bị khinh rẻ. Song le nếu chúng ta lưu ý đến những điều Chúa Giêsu đã phán dạy, liên quan đến hạng người chất phác, đơn sơ, giản dị và các trẻ em ghi trong Phúc âm, chúng ta mới thấy hai hạng người ấy được Thiên Chúa thương riêng. Xin dẫn một vài chứng tích.

Hôm ấy Chúa Giêsu thưa cùng Đức Chúa Cha : « Lạy Cha là Chúa cả trời đất, con ngợi khen Cha vì Cha đã giấu, không cho kẻ khôn ngoan thông minh biết điều ấy mà lại mặc khải cho những người trẻ nhỏ dại thấp hèn » (Mátthêu 11,25).

Một lần khác, các môn đệ đến hỏi Chúa Giêsu : « Lạy Thầy trong nước trời, ai mới thật là lớn? ». Chúa liền gọi một em bé đến, đặt nó ở giữa các môn đệ và phán : « Thầy bảo thật với các con, nếu các con không trở thành những trẻ nhỏ, thì các con sẽ không được vào nước trời. Vậy ai tự hạ mình xuống như một em nhỏ, kẻ ấy là người lớn lao trong nước trời, và kẻ nào, vì danh Thầy mà đảm nhận một em nhỏ như thế này là đảm nhận chính mình Thầy. Kẻ nào làm cho một em nhỏ như vầy, vấp phạm vì nó tin Thầy đây phải sa ngã, thì thà rằng treo cối đá lớn vào cổ nó mà xô cho chìm xuống biển còn hơn » (Mátthêu 18,1-6).

Chúa còn phán thêm : « Anh em hãy coi chừng chớ khinh rẻ một ai trong những kẻ bé mọn này; quả thật Thầy nói cho anh em biết : các Thiên Thần của họ ở trên trời không ngừng chiêm ngưỡng nhan Cha Thầy, Đấng ngự trên trời » (Mátthêu 18,10).

Khi dân chúng đưa trẻ con đến để xin Chúa Giêsu chúc phúc, bị các môn đệ ngăn cản. Chúa Giêsu phán : « Hãy để cho con trẻ chạy đến cùng Thầy vì nước trời thuộc về những kẻ giống như chúng nó ». Đoạn Người đặt tay lên đầu chúng nó và chúc phúc cho chúng.(Mátthêu 19,13-15).

Một hôm, Chúa Giêsu đến Capharnaum, vào nhà rồi Ngài hỏi các môn đệ : « Các con thảo luận với nhau việc gì vậy? ». Tất cả đều im lặng, vì họ đang khoác nhau để biết ai là lớn hơn hết. Chúa Giêsu ngồi xuống, gọi mười hai tông đồ đến mà phán : « Trong chúng con, người nào muốn được làm lớn thì phải tự hạ mình thấp hơn hết và hầu hạ phục vụ những kẻ khác. Rồi gọi một em bé đến, đặt nó giữa mười hai tông đồ, ôm choàng lấy nó rồi phán : « Ai nhân danh Thầy mà đón nhận một em bé như vầy là đón nhận Thầy, và ai đón nhận Thầy thì không phải đón nhận Thầy mà đón nhận Đấng đã sai Thầy » (Máccô 9,33-37).

Đối với hạng người kém học thức, tầm thường, ngây ngô chất phác, bị người đời xem thường, Phúc âm theo Thánh Luca có ghi : Chúa Giêsu cảm xúc, thưa với Đức Chúa Cha : « Lạy Cha là Chúa cả trên trời đất, con ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho những kẻ khôn ngoan thông thái hiểu thấu những điều trọng đại ấy, song Cha mặc khải cho những kẻ bé mọn biết. Vâng, lạy Cha, vì Cha thấy làm như vậy là hay, là tốt » (Luca 10,21).

Để thấy rõ rằng Thiên Chúa đã dùng những em bé hoặc những kẻ tầm thường vào những việc trọng đại, Nhịp Cầu mời quý độc giả theo dõi sự tích Đức Bà Pontmain.

 

Phần thứ nhất

Nước Pháp với Đạo Công Giáo.

Theo lịch sử của Hội Thánh thì hạt giống Phúc âm được gieo trên nước Pháp vào cuối thế kỷ thứ hai. Thời bấy giờ nước Pháp còn gọi là xứ Gaule. Thánh Pothin là Giám-mục tiên khởi tại Lyon. Ngài được lãnh triều thiên tử đạo năm 177 cùng một lượt với Thánh nữ Blandine, dưới thời hoàng đế Rôma là Marc Aurele. Công việc truyền giáo tại Pháp phát triển dần dần.

Đến gần thế kỷ thứ V, Clovis con của vua, Childéric lên ngôi nối nghiệp, Clotilde là một người công giáo rất sùng đạo. Hoàng hậu Clotilde hằng cầu nguyện xin cho chồng được ơn trở lại đạo thánh Chúa.

Thời bấy giờ phải giao tranh với các nước láng giềng bên hữu ngạn sông Rhin, nhờ vậy mà có cơ hội tiếp xúc với Đức Giám-mục giáo phận Tour là Đức Cha Grégvire de Tours (538-549). Trong lúc giao tranh tại Tolbiac quân Pháp yếu thế, chán nản ngã lòng, không muốn chiến đấu nữa. Tục truyền rằng Clovis ngửa mặt lên trời và cầu nguyện : « Lạy Chúa của Clotide, xin Ngài cho tôi thắng trận, tôi xin trở lại đạo Công Giáo để thờ phượng Ngài ». Bỗng nhiên quân sĩ trở nên hăng say tấn công và thắng trận. Clovis giữ lời hứa, lãnh bí tích thánh tẩy do thánh Rémi ban cho tại Reims năm 496. Theo gương vua, người Pháp trở lại đạo Công Giáo rất đông và việc tôn sùng Mẹ Maria cùng một lượt phát triển rất mạnh, các địa phương đều có thánh đường dâng Mẹ.

Năm 1638, Pháp bị ôn dịch hoành hành, dân chúng chết chôn không kịp, thánh Vincent de Paul, tuyên úy của triều đình, khuyên vua louis VIII dâng nước Pháp cho Đức Mẹ Maria, xin Mẹ cứu khỏi ôn dịch. Vua nghe lời, tổ chức nghi lễ long trọng dâng nước Pháp cho Mẹ và quyết định hằng năm, các giáo xứ trong nước, đến ngày lễ kính Đức Mẹ hồn xác lên trời (15 tháng 8) tổ chức kiệu để nhớ ơn Mẹ.

Từ bây giờ trong những cơn nguy biến, Mẹ đã hiện đến, kêu gọi con cái mình sám hối ăn năn, siêng năng đọc kinh cầu nguyện để được hưởng nhờ hồng ân hồn xác. Trong thế kỷ thứ XIX, Đức Mẹ đã hiện ra nhiều nơi trên đất Pháp như :

- Ngày 29-11-1830, đã hiện ra cho Thánh Catherine Labouré tại nguyện đường dòng nữ tu bác ái Vinh sơn, ở rue du Bac, Paris, truyền đúc ảnh tượng Đức Mẹ ban ơn mang vào người để được nhiều ơn lành hồn xác.

- Ngày 19-09-1846, Mẹ hiện ra tại thôn La Salette cho hai trẻ mục đồng, Mẹ đã khóc, kêu gọi dân chúng phải thánh hóa ngày chủ nhật; đọc kinh hôm mai, lần hạt mân côi để khỏi mất mùa đói khát.

- Năm 1858, Mẹ đã hiện đến tại Lộ Đức (Lourdes) cho thánh Bênađêta (Bernadette) liên tiếp 18 lần, truyền dạy phải ăn năn bỏ đàng tội lỗi Mẹ xác định Mẹ là Đấng Vô Nhiễm Tội truyền.

Ngày 17-01-1871 tại Pontmain mẹ hiện ra trên nóc nhà ông Augustin Guidecoq cho một số trẻ em, khuyên phải cầu nguyện nhiều.

 

2. Năm 1870

Pháp tuyên chiến với Phổ lỗ sĩ (Prusse) là một núi thuộc miền bắc nước Đức. Trận chiến khốc liệt tại các mặt trận, nhân dân đói khổ, nơi nơi đều gia tăng lời cầu nguyện cùng Mẹ Maria nhơn lành, không nỡ từ chối, nên đã hiện ra tại Pontmain để an ủi khuyến khích cầu nguyện bền bỉ. Hòa bình được vãn hồi do hòa ước Versailles ngày 18-01-1871, tuy Pháp phải nhượng cho Phổ vùng Alsace và một phần Lorraine.

Pontmain là một làng sầm uất, song trong thế kỷ XV, cũng vì chiến tranh tàn phá dân chúng phải tản cư lánh nạn tìm kế sinh nhai, dân số chỉ còn 500 người, nam phụ lão ấu.

Về phần đạo, Pontmain là một giáo xứ lẻ từ năm 1840 dưới quyền lãnh đạo của cha xứ Allier. Cha xứ tiên khởi của Pontmain là một linh mục Michel Guérin sinh tại Laval năm 1801, sau khi được thụ phong linh mục, cha Guérin được làm phụ tá cho cha sở Allier, đặc trách giáo xứ lẻ Pontmain và trở thành cha xứ tiên khởi xứ Pontmain. Cha Guérin về chầu Chúa năm 1872.

Đến Pontmain, cha Guérin phải lo tổ chức mọi việc cho giáo xứ, bắt đầu là trường tu nhà nguyện, trang bị bàn ghế, sắm sửa phẩm phục, vật dụng phụng vụ như chén đĩa thánh, bình thánh. Nhờ đức tin vững vàng, nhờ can đảm, cha Guérin tận dụng sức khỏe của mình để phát triển việc đạo đức, đặc biệt là việc sùng kính Mẹ Maria. Trước gương lành và tận tụy của cha Guérin, giáo dân đem lòng mộ mến và đồng tâm giúp, cộng tác với cha xứ trong mọi việc. Trong nhà nguyện, ngài đặt 14 chặng đường thánh giá, nối dài nhà nguyện, xây tháp chuông, mua chuông. Trên tháp đặt Đức Mẹ ban ơn, cổ động sùng kính mẹ Maria, xin Mẹ chúc lành cho mình, cho giáo xứ. Cha thành lập hội Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ. Tất cả thanh thiếu niên nam nữ đều gia nhập, sinh hoạt hàng tuần; lần hạt mân côi, học hỏi giáo lý và kinh thánh, khuyến khích nhau xưng tội rước Mình Thánh Chúa. Năm 1846, cha xứ tổ chức tháng hoa (tháng năm), các đoàn thể thay nhau dâng kính Mẹ Maria.

Năm 1842, cha Guérin đã mở được trường học, rước hai nữ tu đến dạy giáo lý khai tâm, dạy đọc, dạy viết, dạy lễ nghĩa đức hạnh, làm cho xứ Pontmain trở nên sinh động. Trường học ấy, sau này cũng do sự tiến bộ của xã hội, đã biến thành văn phòng xã hội.

 

3. Gia đình Barbedette

Cách trường học độ 400 mét, là nhà của gia đình Barbedette. Gia trưởng là ông Sésar Barbedette, sinh được trưởng nam Auguste Friteau thì vợ chết; ông cưới cô Victorine Quentin để có người nội trợ trông nom trong ngoài. Auguste Frieau lớn lên, đến tuổi thì bị động viên vào quân đội.

Ông Sésar Barbedette là một nông dân trung hậu, cần mẫn làm ăn, nên gia đình được hằng ngày dùng đủ. Là người sùng đạo, ông lo giáo dục con cái bằng cách làm gương lành gương tốt, buổi sáng cả bốn mùa xuân hạ thu đông, ông dậy sớm đến nhà thờ để dự thánh lễ; ban ngày lo đồng áng, tập tành cho con cái công ăn việc làm mà không bao giờ mắng nhiếc con cái.

Cô Victorine cũng là một người mẹ công giáo gương mẫu, công việc nội trợ tươm tất đâu vào đó; hỗ trợ chồng trong việc đồng áng, cũng như trong việc giáo dục con cái. Những lúc rảnh rỗi thì sang nhà thờ chầu Mình Thánh Chúa, kính viếng Mẹ Maria; hoặc đến quỳ trước pho tượng Đức Mẹ được trưng bày nơi cao trịnh trọng, để lần hạt mân côi.

Sau này, khi được thọ phong linh mục, cha Joseph Barbbedette nói rằng : « Tôi đội ơn Chúa đã ban cho tôi được một người cha, một người mẹ nhơn đức như vậy ».

Các con cái ngoài Auguste Friteau, là con đời vợ trước, thì có Eugène Barbedette, sinh ngày 04-11-1858, là một cậu bé tâm tình đơn sơ chất phác, thông minh tốt bụng. Từ sau ngày cậu anh trưởng đi nhập ngũ theo luật ôcưỡng bách đầu quânọ, thì Eugène giúp đỡ cha trong mọi công việc đồng áng của nhà, tùy sức của mình, không bao giờ chểnh mảng thờ ơ. Học gương bố mẹ, Eugène cũng tập tành nhơn đức, siêng năng lần hạt mân côi, cầu nguyện cho bố mẹ và cũng như anh Auguste được bình yên trở về gia đình, sau khi chu toàn nhiệm vụ trong quân ngũ.

Con trai út là Joseph Barbedette sinh ngày 26-11-1860, là một cậu bé mảnh khảnh, da dẻ không được hồng hào song lại tinh nghịch, sinh động, thông minh, ngay thẳng thật thà.

 

4. Chiến tranh Pháp - Phổ lỗ sĩ (Prusse)

Mùa đông 1870-1871 khắp nước Pháp phải trải qua một mùa lạnh khủng khiếp. Tại các trận chiến quân Phổ ồ ạt tấn công mãnh liệt và thắng lợi liên tiếp. Pháp cứ dần dần lui binh và quân Phổ đến gần Paris rồi.

Trước cảnh khốn cùng và vô phương cứu vãn, tin thất trận truyền miệng nhau, dân tình hoang mang. Chiều ngày 17-01-1871 tướng Phổ là Schamitd tuyên bố : ôThành phố Laval sắp thất thủọ, mà Laval chỉ cách Pontmain độ 50 km, dân chúng hoảng hốt. Vả chăng tháng 9-1870 có 38 người trai trong giáo xứ Pontmain sung vào quân ngũ theo lệnh tổng động viên. Cha sở Guérin chuẩn bị việc linh hồn cho họ bằng cách khuyên họ xưng tội, tham dự thánh lễ, rước Mình Thánh Chúa, dâng họ cho Đức Mẹ. Tiễn chân họ trước tiền đường nhà thờ, cha sở quả quyết nói : « Nhờ ơn Mẹ, anh em sẽ được trở lại gia đình bằng yên và đầy đủ ». Tuy vậy, từ ngày họ nhập ngũ đến nay gần ba tháng trời mà cũng chẳng có tin tức gì về họ. Toàn xứ lo âu, nhà nhà xao xuyến. Phần cha xứ luôn luôn kêu gọi con chiên ăn chay sám hối, hãm mình cầu nguyện, xin Mẹ Maria là nguồn hy vọng tối hậu phù trợ chở che. Hưởng ứng lời khuyên bảo ấy, tại thánh đường cũng như tại gia đình, tiếng cầu kinh, tiếng xướng ca, liên tiếp vang dội, ngày cũng như đêm.

Tại gia đình Barbedette, Eugène và Joseph tỏ rõ nhơn đức khác thường. Buổi mai, chúng đọc kinh sáng, rồi làm việc với bố, đến trưa hai anh em cùng nhau lần hạt mân côi rồi mới dùng cơm. Từ ngày có chiến tranh, hằng ngày chúng đi dự thánh lễ, lần mười bốn chặng đàng thánh giá, rồi đi học ở trường. Tại trường các nữ tu cũng hướng dẫn học sinh, cầu nguyện, xướng ca ngợi ca Chúa và Mẹ Maria.

 

Phần II

Đức Mẹ hiện ra

1. Những em được trông thấy

Chiều ngày 17-01-1871 sau giờ tan học, Eugène và Joseph trở về để làm việc với bố. Lúc 5 giờ chiều, cô láng giềng Jeanne Détais đến chơi và nói tin tức của 38 người của giáo xứ bị tổng động viên đang đóng quân tại Ernée nhưng không được tin tức của Auguste, nên cũng lo ngại. Trong lúc Jeanne nói chuyện với bố thì Eugène đi về phía cửa của nhà lẫm, nhìn ra ngoài trời để trông xem thời tiết, hôm đó trời quá lạnh vì tuyết xuống trắng xóa khắp mọi nơi. Nhìn lên trời, về hướng nhà của ông Augustin Guidecoq, trên bầu trời sao hiện ra rất nhiều, và sáng chói hơn thường, chưa bao giờ nó được trông thấy như vậy. Bỗng trên nóc nhà của ông Guidecoq độ 8 mét, nó thấy một bà đẹp lộng lẫy, mỉm cười nhìn nó một cách hiền từ không tưởng được. Bà đẹp ấy mặc áo màu xanh đậm, phủ từ cổ đến chân, áo rộng nên có mấy lằn nếp, tay áo cũng rộng và trên áo có nhiều ngôi sao năm cạnh bằng vàng, chân mang giầy cũng một màu xanh, quai giầy có khuy vàng. Trên đầu bà đội khăn voan đen, từ trán phủ xuống cả hai tai, hai vai và có mái tóc đen. Bên trên khăn voan, bà đội chiếc mũ miện (triều thiên) rộng vành.

Eugène quá sung sướng và xúc động, sửng sốt ngắm cảnh huy hoàng đẹp đẽ ấy đến 10 phút. Khi cô Jeanne kiếu từ ra về, đi đến cửa nhà lẫm Eugène hỏi :

- Chị Jeanne ơi! Chị nhìn trên nóc nhà ông Guidecoq mà xem, chị có trông thấy gì không?

- Chị không thấy gì hết, em ạ!

Nghe vậy, ông Barbedette và Joseph đến, nhìn theo hướng Eugène chỉ, ông chẳng trông thấy gì.

Eugène bảo Joseph :

- Em có trông thấy gì không?

- Em trông thấy một Bà quá sức đẹp! - vừa nói Joseph vừa tả hình dạng Bà ấy với chiếc áo màu xanh, có điểm nhiều ngôi sao, đầu đội mũ miện; Bà đang còn trẻ, hai tay thả lỏng xuống và giang ra, giống mẫu ảnh Đức Mẹ Ban ơn.

Mặc dầu ở xa cách khoảng 50 mét và trời tối, hai trẻ trông thấy Bà ấy rõ ràng mọi chi tiết về dáng mạo, tầm vóc, khuôn mặt phúc hậu, miệng cười vui vẻ, đôi mắt sáng ngời, hiền từ nhìn chúng nó.

Phần ông Barbedette, nghe hai con mô tả mà chẳng trông thấy được gì, nên bảo :

- Chắc không có gì, vì bố đâu có thấy, hai con trông thấy thì bố cũng phải trông thấy, vì đôi mắt của bố còn tốt lắm. Thôi trở lại làm công việc cho xong để ăn cơm tối chứ!

- Ông còn nói với cô Jeanne :

- Cô đừng nói chuyện huyễn hoặc ấy nhé, trẻ con hay lầm lẫn, thiên hạ cười nhạo cho!

Jeanne ra về và hứa giữ kín miệng. Vâng lời bố hai trẻ bắt tay vào việc, nhưng chúng bị một thế lực vô hình thu hút, không bỏ qua được, nên tay thì làm và mắt thì cứ hướng lên nóc nhà của ông Guidecoq. Ông Barbedette xúc động bảo Eugène :

-Con ra ngoài xem có thấy gì nữa không nào!

Nó ra xem và hớn hở thưa :

-Bố ơi! Vẫn thế, Bà ấy còn đứng đấy!

- Thì con gọi mẹ con ra xem với, và nói với mẹ là bố muốn nói chuyện với mẹ!

Trong lúc Eugène đi gọi mẹ thì Joseph cùng với bố ra khỏi nhà lẫm để ngắm cảnh tượng ấy. Bà ấy vẫn còn đó, mỉm cười nhìn nó. Joseph say mê đến nỗi mẹ nó đến mà nó không hay biết. Nó vỗ tay reo

- Ôi! Đẹp! Đẹp quá xá!

Mẹ nó mắng yêu :

-Con có im mồm đi không nào! Hàng xóm đang nhìn chúng mình đấy!

Eugène thưa :

-Thì mẹ cứ nhìn lên trên nóc nhà của ông Guidecoq đi, để ngắm cảnh tượng ấy. Bà ấy vẫn còn đấy và đang mỉm cười nhìn con nữa.

- Không con ơi, mẹ không trông thấy gì cả con ạ!

Bà Barbedette, cũng như tất cả các bà hiền mẫu, biết rõ con mình luôn luôn nói thật, không bao giờ dối trá phỉnh phờ lường gạt, nên cảm nghĩ rằng rất có thể con mình được phước trông thấy Đức Mẹ Maria.

Bà con hàng xóm nghe thấy Joseph reo hò thì cũng đến bao quanh, hỏi cho biết... nhưng bà Barbedette trả lời qua loa : « Chẳng có việc gì cả, hai cháu reo hò hoảng hốt, vì chúng trông thấy cái gì đó, song vợ chồng chúng tôi chẳng thấy gì hết. Bà con cứ về nhà cho là xong ».

Để tránh sự tò mò của láng giềng, cả gia đình Barbedette vào nhà lẫm đóng cửa lại Bà Barbedette bảo :

-Cũng rất có thể Đức Mẹ Maria hiện ra cho chúng con. Đã vậy, chúng ta hãy quỳ gối đọc năm kinh Lạy Cha, năm kinh Kính Mừng để kính Mẹ. Cả gia đình quỳ xuống, mắt hướng về nơi có Bà ấy hiện ra, đọc kinh một cách chậm rãi sốt sắng; sau đó hai trẻ được phép mở cửa nhà lẫm.

Bà Barbedette hỏi :

-Chúng con còn trông thấy gì nữa không?

- Thưa mẹ, Bà ấy vẫn còn đứng đấy!

Để mẹ lấy kính mang vào; lần này có thêm Louise là người giúp việc nhà cũng đi xem, song tuyệt nhiên chẳng ai trông thấy được gì; bà lại bảo :

-Quả thật chúng con không trông thấy gì! Thôi lo làm cho xong việc để còn ăn cơm tối!

Công việc làm xong, ông Barbedette với hai con rời nhà lẫm, đi về nhà ăn cơm. Vừa đi Joseph vẫn hướng mắt nhìn lên trên nóc nhà ông Guidecoq. Bà ấy vẫn còn đấy, mỉm cười âu yếm nhìn chúng nó. Eugène buột miệng nói :

-Nếu bố cho con được tự do, con sẽ đứng lại đây, chiêm ngưỡng bà ấy cho đến cùng!

- ừa được, hai đứa con ăn cơm xong hẵng hay.

Eugène bảo Joseph :

-Ăn nhanh đi để được ra xem!

- Vâng!

Hai đứa trẻ không cần ngồi vào bàn, đứng mà ăn một cách vội vã. Barbedette bảo :

-Chúng con hãy đọc thêm năm kinh Lạy Cha và năm kinh Kính Mừng... Nếu chúng con muốn đứng gặp bà ấy thì đứng mà đọc, xong rồi lo vào nhà kẻo trời lạnh vì tuyết mới rơi đó!

Vừa đến nhà lẫm, cả hai đứa trẻ vẫn còn thấy Bà đứng nguyên chỗ, mỉm cười và nhìn chúng một cách hiền từ âu yếm thiết tha. Tự nhiên cả hai đứa quỳ gối trên lớp tuyết, đọc kinh chậm rãy sốt sắng, mắt không rời Bà ấy. Kinh đọc xong, chúng vào nhà thưa với mẹ :

- Bà ấy vẫn còn đó. Tầm vóc của bà ấy cùng tầm cỡ với soeur Vitaline, thì chúng ta phải cho soeur ấy hay. Các soeur đạo đức hơn chúng mình, chắc sẽ được trông thấy!

Bà Barbedette và Eugène đến trường các soeur, còn Joseph thì ở nhà. Bà barbedette nói với soeur Vitaline :

-Thưa soeur, hai đứa con của tôi nói rằng chúng nó thấy gì gì đó, song hai vợ chồng chúng tôi chẳng thấy được gì. Phiền soeur sang nhà lẫm của chúng thử xem!

Soeur Vitaline vội vàng cùng đi. Đến nơi, Eugène chỉ nơi bà ấy đang còn đứng ấy, soeur Vitaline định thần, trố mắt nhìn qua nhìn lại rồi bảo :

-Tôi không thấy gì cả!

- Thưa soeur, soeur nói sao kỳ cục vậy, soeur có thấy ba ngôi sao ở ba góc tạo thành hình tam giác sáng tỏa ra đấy không?

- Có!

- Ấy, vậy ngôi sao ở phía bên trên cao là vừa trên đầu bà ấy.

Soeur vitaline càng cố định thần, chú mục nhìn, song chỉ thấy được ba ngôi sao lớn và sáng tỏa hơn cả ba ngôi sao thường thấy được, nên trở về trường học. Bà Barbedette lại mắng con :

-Đấy, chúng con lừa dối phỉnh gạt người ta, chứ soeur nhơn đức có tiếng mà còn không thấy, huống chi nữa là các con là trẻ nít... - đoạn nói với soeur Vitaline - Xin soeur kín miệng cho, kẻo rồi thiên hạ biết được, sẽ cười nhạo nhà chúng tôi, phiền lắm!

Soeur Vitaline trở lại trường học, được bà Barbedette tháp tùng. Thấy ba cô học sinh nội trú là :

- Françoise Richer 11 tuổi, sinh tại Loroux ngày 11-02-1860.

- Jeanne Maria Lebassé, 09 tuổi, sinh tại Gosné ngày12-09-1861.

- Augustin Mouton, là một em bé mù.

Cả ba đang ngồi sưởi ấm cạnh bếp lửa, soeur bảo chúng nó :

-Các em ra ngoài ấy, thím Barbedette sẽ chỉ cho mà xem chuyện lạ, hay lắm!

- Thưa soeur, xem gì ạ?

Bà Barbedette bảo :

-Thì cứ ra đây mà xem, thím đây cũng chẳng thấy được gì ráo!

Francoise Richer và Jenne Maria Lebassé theo bà Barbedette. Vừa đến gần nhà Barbedette thì Francoise Richer reo lên :

-Ôi bà ấy đẹp quá xá! Bà ấy mặc áo thụng xanh, có nhiều ngôi sao vàng lấp lánh!

Rồi cả hai em nữ sinh thuật lại như những điều đã trông thấy, đúng như Eugène và Joseph đã mô tả. Cùng lúc ấy, soeur Vitaline và soeur Edouard cũng đến. Soeur Marie Edouard hỏi :

-Các em có thấy gì không?

Cả bốn em đồng thanh :

-Thưa chúng em thấy một bà rất đẹp, đẹp không tả được, đứng lộng lẫy trên nóc nhà ông Guidecoq ấy!

Soeur Edouard trố mắt, chú mục nhìn mà không thấy gì. Ông Barbedette nói một cách quả quyết :

-Theo ý tôi, nhất định phải có cái gì đó vì cả bốn đều trông thấy và nói giống nhau!

Soeur Edouard lên tiếng :

-Vì chỉ có những trẻ em mới trông thấy được, vậy chúng ta gọi thêm vài em em nữa đến, xem sự việc có gì đổi thay không.

Soeur Edouard mang Eugène theo, đi trình sự việc cho cha xứ :

-Thưa cha, mời cha lại đàng nhà lẫm nhà ông Barbedette mà xem, mấy em nhỏ đã được trông thấy Đức Mẹ.

- Soeur nói gì? Đức Mẹ hiện ra ư? Nghe soeur nói tôi sợ quá!

Cha Guérin xúc động, sửng sốt. Vẫn biết ngài tôn sùng Mẹ Maria, nhưng không dám nghĩ rằng một giáo xứ nhỏ bé nghèo nàn mà lại được diễm phúc Mẹ Thiên Chúa chiếu cố đến thế. Cô Jeannette, nữ tì của nhà xứ can đảm thưa :

-Đức Mẹ hiện đến thật là một ơn phước lớn lao cho giáo xứ chúng ta. Vậy thì cha con chúng ta cứ đi xem cho biết thiệt hư.

Nói xong, Jeannette một tay xách chiếc lồng đèn dầu, một tay cầm tràng hạt và thúc giục mọi người cùng đi.

Khi đến ngang nhà cụ Friteau, soeur Edouard mời cụ và yêu cầu cụ ẵm cháu nội cũng tên Eugène, mới 6 tuổi sang nhà lẫm của Barbedette. Cụ bà Friteau lấy áo choàng, quấn quanh Eugène cho đỡ lạnh. Đến nơi, thằng bé reo lên và mô tả sự kiện đúng với những lời trình thuật của bốn em : Eugène và Joseph, Francoise Richer và Jeanne Marie Lebassé. Vì người nó đang cảm nên Eugène chỉ được chiêm ngắm một thời gian ngắn ngủi, rồi nội nó bế vào nhà.

Nghe xôn xao, vợ của ông Boittin thợ làm guốc, cũng ẵm đứa con gái tên là Augustine, mới 25 tháng đi xem. Con bé nhìn thấy hiện tượng lạ lùng thì vỗ tay và reo lên : « Chúa Giêsu, Chúa Giêsu! ».

Nhắc lại, trong khi soeur Edouard đi kêu gọi thêm một số trẻ em khác, thì tin tức đã đồn ra, giáo dân kéo đến đông đảo, soeur Vitaline xướng kinh còn Francoise, Jeannne Marie và Joseph thì trả lời những câu hỏi mà người ta dồn dập đặt ra. Khi cha vừa đến nhà lẫm, thì đã có trên 60 người tập họp đấy rồi. Bỗng nhiên cả 43 đứa đồng loạt reo lên :

-Ô kìa, có một cảnh tượng lạ nữa đấy!

Cha sở hỏi :

-Các con thấy gì vậy?

Chúng thưa :

-Một cây thánh giá màu đỏ tươi, hiện ra bên trái trước ngực của bà ấy, đúng chỗ có quả tim.

Chúng nó còn tiếp : « Có một chiếc vòng hình thuẫn, bao quanh con người của bà; nơi bốn góc chiếc vòng có bốn chiếc đũa nhỏ, mỗi chiếc có một cây nến chưa đốt; hai chiếc nữa ngang vai, hai chiếc vừa ngang đầu gối, còn ba ngôi sao mà bà con cô bác đều thấy thì vẫn ở chỗ cũ, bên ngoài chiếc vòng ».

Hầu hết những người đến xem cảnh hiện ra, thấy bọn trẻ trình bày quá rõ ràng thì tin, song cũng có vài người vẫn còn ngờ vực cho rằng chúng nó bịa đặt ra. Bấy giờ, thì chính ông Guidecoq nói :

-Giả thuyết rằng tôi có đôi kính hay chiếc khăn choàng thì tôi cũng sẽ được trông thấy.

Bà Barbedette lên tiếng : « Cái đó dễ lắm! ». Nói xong bà ta trao cho ông Guidecoq chính chiếc khăn lụa của bà ấy. Ông Guidecoq nắm lấy khăn xếp lại, đưa lên che ngang tầm hai con mắt, song chẳng thấy điều gì. Trước sự thất bại ấy, mọi người cười rộ lên chế nhạo.

Eugène lại reo lên :

-Bà ấy đang tỏ ra buồn rầu lắm!

Ba đứa kia nói :

-Phải rồi, bà không cười nữa, nét mặt rầu rĩ ưu phiền điều gì ấy; có lẽ trong bà con cô bác không tin mà còn tỏ ra vô lễ đấy!

Cha Guérin lên tiếng :

-Xin anh chị em hãy yên lặng và hãy tỏ lòng cung kính, đừng thất lễ. Nếu các em được phước trông thấy hiện tượng hy hữu và huy hoàng ấy, là vì nhờ tâm hồn ngây thơ trong trắng của các em. Các em vô tội. Các em xứng đáng hơn chúng ta.

Soeur Edouard đề nghị :

-Thưa cha, hay là cha cầu nguyện với Bà ấy đi!

- Ôi! Soeur ơi! Thân tôi cũng tội lỗi, không được phúc chiêm ngưỡng, thì đâu có dám thưa trình gì được! Thôi hay hơn hết là tất cả cộng đoàn chúng ta hãy khiêm cung quỳ gối, cầu nguyện!

Cộng đoàn nhất loạt quỳ xuống. Soeur Edouard dõng dạc xướng kinh lần hạt mân côi. Ai nấy sốt sắng đọc chậm rãi, rõ ràng từng tiếng. Khi đọc : « Kính mừng Maria đầy ơn phúc... » thì cúi đầu cung kính chào Mẹ (mặc dầu không được mục kích) và khi đọc : « Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời... » thì đều chắp tay khẩn khoản van nài... trong cộng đoàn có tiếng sụt sùi khóc cảm động.

Khi cộng đoàn vừa bắt đầu lần hạt, thì các em thấy tầm vóc Bà ấy hóa ra lớn hơn, chiếc vòng hình thuẫn cũng lớn rộng ra, ngôi sao phía trên đầu cũng lên cao hơn, có khoảng 40 mươi ngôi sao khác đến tụ họp lại, làm cho áo hóa ra vàng rực rỡ.

Trong thời gian cộng đoàn lần hạt, thì mặt của Bà nhìn cộng đoàn và đôi mắt mỉm cười vui vẻ, đón nhận lời khen cầu khẩn của đàn con của mình. Hôm ấy trời rét lắm. Ông Barbedette mở rộng hai cánh cửa nhà lẫm cho mọi người cùng vào; riêng bốn trẻ thì vẫn còn ngoài trời, quỳ gối trên lớp tuyết đã phủ kín trên mặt đất.

Lần hạt xong, cha sở yêu cầu soeur Edouard xướng kinh Magnificat (linh hồn tôi tung hô Chúa, lòng trí tôi nhảy mừng trong Thiên Chúa, Đấng cứu chuộc tôi...). Bấy giờ cộng đoàn bắt đầu canh thức.

Vừa hát xong câu thứ nhất, thì cả bốn em đồng thanh reo lên :

-Lại có hiện tượng lạ lùng nữa đây!

Trên nóc nhà của ông Guidecoq hiện ra một chiếc băng (banderole) bằng vải trắng tinh, rộng một mét và dài theo chiều dài của nhà ông ấy, ở ngay dưới chân của bà. Trên chiếc băng trắng, lần lượt từng chữ hiện ra. Chúng nó bắt đầu đọc lớn từng chữ :

- M…A…I…S... - sau mấy phút chúng tiếp tục đọc - P... R... I…E... S... Z... M...E... S...E.. N - ngừng một chút, chúng đọc lên - MAIS PRIEZ MES ENFANTS (tạm dịch : Chúng con cầu nguyện đi chứ!.

Bấy giờ kinh Magnificat cũng vừa chấm dứt. Trong thời gian cộng đoàn hát kinh Magnificat thì có ông Joseph Babin là người trong thôn đi ngang qua, thấy vậy thì buột miệng nói :

-Bà con cứ cầu nguyện đi, quân Phổ (Prusiens) tiến vào Laval rồi đấy!

Một bà trong cộng đoàn đáp :

-Chúng có đến tận thôn thì chúng tôi cũng chẳng sợ!

Toàn cộng đoàn cũng thấy yên tâm hơn vì tin tưởng vào sự chở che của Bà ấy. Kinh Magnificat vừa dứt, cha sở bảo soeur Edouard : « Phải hát kinh cầu Đức Bà, xin Ngài tỏ bày ý kiến của Ngài ». Soeur Edouard xướng, cộng đoàn đáp; bên xướng bên đáp rập ràng. Chữ vàng lại lần lượt hiện ra. Các trẻ em đọc lên từng chữ rồi kết thành tiếng thành câu; đích thật Mẹ Maria đáp lại lời thỉnh cầu của cộng đoàn. Kinh cầu vừa dứt thì các em đọc lớn tiếng, mọi người đều được nghe rõ ràng phân minh : « DIEU VOUS EXAUCERA EN PEU DE TEMPS » (tạm dịch : Chẳng bao lâu nữa Thiên Chúa sẽ nhận lời chúng con cầu xin).

Toàn cộng đoàn phấn khởi reo lên tiếng : « Vâng », song Bà ấy dạy : « Cầu nguyện nữa đi chứ! ». Cộng đoàn lại tiếp tục cầu nguyện. Bấy giờ thì mọi người đều tin rằng, Đức Mẹ Maria đã thực sự hiện ra và không một ai nghi ngờ lời hứa của Đấng linh thiêng nữa. Song cũng có bà trong đám họ còn yếu đức tin dám nói : « Cha sở với mấy soeurs và cả tôi nữa, đâu có thấy gì đâu mà tin »!. Nói xong thì đứng lên, trở về nhà. Song lạ lùng thay, vừa rời khỏi cộng đoàn, thì tự nhiên hai đầu gối quá xuống trên tuyết, cố đứng lên mà không được. Bấy giờ bà ta kêu lên : « Ôi! Chúa phạt tôi đấy! ». Nói đoạn bà ta đấm ngực ăn năn thú tội, xin Đức Mẹ thương xót cầu bàu. Bà ta đứng lên được, về nhà, ngợi khen Mẹ đã nhân lành cứu mình; bà ta lại ghé vào nhà ông thợ mộc tên là Avice, thuật chuyện lạ cho ông ấy nghe, bảo ông ấy dẫn con ra xem điều lạ. Vừa đến nơi thằng bé Auguste 5 tuổi được phước chiêm ngưỡng và reo lên : « Tôi thấy bà ấy mỉm cười nhìn tôi! ». Ông Avice bảo con im mồm kẻo vô lễ, song thấy nó quá sung sướng nên để nó thỏa thuê chiêm ngắm và reo hò.

Kinh cầu Đức Bà xong, cộng đoàn hát kinh « Salve Regina... » (Lạy nữ vương Mẹ nhân lành cầu cho chúng con đặng sống, đặng vui, đặng cậy...). Trong khi cộng đoàn hát, những chữ vàng khác hiện ra... đến câu : « MON FILS SE LAISSE TOUCHER » (tạm dịch : Con ta đã động lòng). Bỗng dưới hàng chữ ấy, có một gạch một đường đậm nét, hình như để cho người đọc càng chú ý.

Các trẻ em đọc đi đọc lại mệnh lệnh của Đức Bà, cộng đoàn vẫn tiếp tục cầu nguyện. Cha sở yêu cầu hát một bài khác thì soeur Edouard xướng bài : « Mẹ là nguồn trông cậy... ». Trong khi cộng đoàn hát, thì hai tay của Bà đưa lên ngang vai, các ngón tay máy động theo nhịp của bài hát, các trẻ em lại reo lên :

- Bà ấy cười. Bà đang cười đấy!

- Ôi! Là đẹp! Đẹp quá xá bà con ơi!

Cộng đoàn cảm động, tuy không được phước mục kích, song sung sướng, để cho nước mắt tuôn trên má. Cộng đoàn vừa hát xong, thì chiếc băng (banderole) bỗng nhiên biến mất như có bàn tay thiêng liêng cuộn tròn, mang đi đâu chẳng ai biết được.

Cha Guérin lại yêu cầu hát bài : « Pitié mon Dieu... » (Lạy Chúa, xin thương xót, tha tội cho đoàn con biết sám hối ăn năn...). Cộng đoàn vừa bắt đầu hát, thì ngôi sao dưới chân của Bà bay vào trong chiếc vòng hình thuẫn rồi lần lượt đốt 4 cây nến. Nến cháy sáng cho đến khi Bà ấy biến đi. Cha sở yêu cầu hát bài : « Lạy Mẹ là ngôi sao sáng... ».

Bây giờ các em lại thấy Bà ấy tỏ ra buồn phiền quá sức. Bà không khóc. Thật tình thì chẳng ai hiểu được lý do, song mọi người đều nghĩ rằng vì tội nhân loại đã làm cho con của Mẹ phải chết nhục nhã trên thập giá.

Rồi các em lại reo lên :

-Ôi! Lại thêm một điều lạ nữa đây nè!- Các em đồng thanh nói - Có một cây thánh giá màu đỏ chói lọi, cỡ 50 phân, hiện ra đàng trước ngực của Bà, trên đỉnh thánh giá có một thanh ngang có hai chữ « JESUS CHRIST ». Bà ấy đưa hai tay ôm thánh giá. Cha sở lại đọc lời cầu của giáo hội : « Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ tội lỗi khốn nạn, khi này và trong giờ lâm tử Amen ». Cây thánh giá biến đi. Bà ấy giang hai tay, ban phép lành cho cộng đoàn, Ngài mỉm cười. Bấy giờ vừa đúng chín giờ tối.

Cha Guérin mời cộng đoàn : « Chúng ta cùng nhau đọc kinh tối, và nếu Mẹ chúng ta còn ở đây, thì chúng ta vẫn tiếp tục cầu nguyện vậy ». Kinh tối vừa bắt đầu thì các em trông thấy như một bức màn trắng từ dưới chân của Bà bay lần lần lên... đến đầu gối... đến thắt lưng... đến ngực... đến hai vai... che khuất Ngài, còn chiếc vòng hình thuẫn biến hẳn khi buổi kinh tối vừa xong. Cha Guérin hỏi :

- Chúng con còn thấy gì nữa không?

- Thưa cha, chúng con không còn thấy gì nữa. Hết rồi!

Mọi người ngậm ngùi dần dần giải tán, lòng hân hoan phấn khởi, tràn ngập hy vọng, rồi đây chiến tranh chấm dứt, hòa bình vãn hồi, người người sẽ được an cư lập nghiệp.

 

Phần thứ ba.

Từ sau lần Đức Mẹ hiện đến

1. Chiến tranh chấm dứt

Phần cha Guérin, tâm hồn dào dạt một niềm an ủi dịu dàng mênh mông. Ngài âm thầm cảm nghĩ từ khi đảm nhận giáo xứ, ngài cổ động việc tôn sùng Mẹ Maria, giáo dân trở nên sùng đạo, xóa bỏ nết hư tật xấu, ăn ngay ở lành, giúp đỡ lẫn nhau, làng xóm láng giềng, thuận hòa vi quý. Ngài cho đó là một phần thưởng Mẹ Maria ban cho rồi, nay Mẹ nhân lành lại hiện đến để an ủi, chúc phúc cho cộng đoàn; quả thật Pontmain có phước là nhường nào.

Sáng hôm sau, vào thánh đường để dâng thánh lễ ngài thấy giáo hữu đã tề tựu đông đúc khác thường, ngài lên tòa giảng, khuyến khích mọi người, mọi gia đình hãy tiếp tục tăng cường lòng tôn sùng Mẹ Maria để được sung sướng muôn vàn hồng ân xác hồn, sống thuận tử an, được về thiên cung, vây quanh Mẹ lành hưởng phúc muôn đời.

Tin Đức Mẹ đã hiện tại Pontmain lan truyền rất nhanh khắp nơi nơi, các giáo xứ lân cận đua nhau đến hành hương kính viếng, cầu nguyện cho quê hương sớm hòa bình, qua khỏi gian nan khốn khó.

Tại thánh đường Saint Brieu, từ chiều 17-01-1871, từ 6 giờ chiều đến 9 giờ tối, vào những giờ Đức Mẹ hiện ra ở Pontmain giáo xứ đã nguyện xin Đức Mẹ phù hộ cho tỉnh Bretagne khỏi bị quân Phổ tàn phá, vì các đạo quân Phổ đang tiến đến gần.

Các giáo xứ tại thủ đô Paris, từ chiều 17-01-1871, cũng nhất loạt cầu nguyện xin chấm dứt chiến tranh, hầu giải phóng thủ đô đang bị vây hãm.

Về tình hình chiến sự thì chính lúc tại Pontmain, nơi ĐứcMẹ hiện ra, trên băng xuất hiện câu : « Con ta đã động lòng » thì quân phổ đã tiến đến gần thành phố Laval, tỉnh lá Mayenne, cách Paris 274 km về hướng tây. Tướng Phổ là Schmidt ra lệnh chiếm Laval đã bị bỏ ngỏ. Nhưng không biết vì lý do gì, đêm 17 rạng 18-01-1871, hoàng thân Frédéric-Charles bãi bỏ lệnh ấy. Sáng ngày, tại Saint Mélaine, cách Laval 2 km, xảy ra trận cuối cùng, xem ra ác liệt. Quân Phổ thất bại, lui binh vô trật tự. Ngày 20-01-1871, dân tình Laval vẫn còn phập phồng lo sợ. Đức cha Wicart, Giám mục Laval chưa hay biết gì về việc Đức Mẹ đã hiện ra tại Pontmain. Ngài dâng lời cầu nguyện, khấn hứa sẽ cải biến nhà thờ chánh tòa tại Avesnières cho được rộng lớn nguy nga, xây tháp chuông, sắm chuông... nếu Laval tránh được sự tàn phá.

Quân Phổ dần dần rời khỏi Mayenne. Ngày 28-01-1871 thì hai nước ký hiệp ước đình chiến. Các làng lân cận với Pontmain được tin Đức Mẹ đã hiện ra tại đó đêm 17-01, không ai bảo ai, tự động đua nhau đến hành hương kính Mẹ, người ta gọi Mẹ dưới tước hiệu « Đức Bà của sự trông cậy ». Cha Guérin viết trình với Giám mục Laval, nội dung như sau : « Thưa Đức cha, con không thể nêu rõ số người từ các giáo xứ đến hành hương kính Mẹ, tạ ơn Mẹ đã khấn từ trời, hiện đến an ủi và cứu chữa con của Mẹ trong cơn nguy biến khốn đốn như thời gian chinh chiến ».

 

2. Điều tra sơ khởi.

Cha Landivy là hạt trưởng, bán tín bán nghi nên ngày 19-01-1871, đến Pontmain điều tra để trình lên Tổng Giám Mục. Ngài gọi riêng từng em, đặt nhiều câu hỏi hóc búa, dỗ dành ngon ngọt, dọa nạt ngăm đe, hỏi tới hỏi lui, hỏi qua hỏi lại, ngày nọ đến ngày kia, nhưng em nào cũng trả lời giống như học thuộc lòng, không dư một chữ, không sót một câu. Các em rất bình tĩnh không một mảy may khiếp sợ rụt rè, không ngập ngừng sợ sệt. Cuối cùng cha hạt trưởng phải nói : « Tôi nghĩ rằng chúng nó không có khả năng bịa ra một câu chuyện động trời như vậy được. Chúng chỉ có một lời, thậm chí con bé Augustine con ông thợ guốc Boittin, mới có khoảng 25 tháng, mà trả lời rành mạch rõ ràng đầu đuôi như mấy em kia, người lớn tuổi cũng bất cập ».

Khách hành hương, kể cả khách quan hiếu kỳ, thay nhau, hết người nọ đến người kia yêu cầu các em đã được chiêm ngắm Đức Mẹ thuật lại sự kiện cho mình nghe; họ còn nêu nên những câu bắt bí các em. Họ hỏi từng em, bất quản mai, trưa, chiều, tối... trong một thời gian nhiều ngày như thế. Các em đều vui vẻ thưa đáp hẳn hoi, không tỏ ra bực dọc :

- Chúng tôi cũng có mệt thật, song chúng tôi lại vô cùng sung sướng vì đã được tận mắt chiêm ngưỡng Đức Mẹ, nên chúng tôi tự thấy có bổn phận tường thuật cho những ai muốn biết để làm sáng danh Thiên Chúa và Mẹ rất thánh của Ngài.

Một ngày kia, có một sĩ quan đi qua Pontmain nghe chuyện lạ, thì đến trường các soeurs, tìm cho được Jeanne Marie Lebassé, yêu cầu thuật lại nhhững điều đã trông thấy. Viên sĩ quan không tin, rút kiếm sáng ngời châm đầu kiếm vào ngực Jeanne Marie mắng :

-Mày nói dối, mày là giống gì, miệng còn hôi sữa mà được chiêm ngắm Đức Mẹ? Tao đâm một kiếm vào tim mày cho mày chết!

Jeanne Marie không sợ đáp :

- Chết cũng được, tôi không thể không nói ra những gì tôi đã trông thấy tận mắt và kể cho đông người nghe!

Viên sĩ quan chịu thua, lủi thủi ra khỏi trường. Tắt một lời, tất cả năm em, trước bao nhiêu lời dỗ dành ngon ngọt, trước bao nhiêu lời khủng bố ngăm dọa, đều cùng trả lời giống nhau. Đơn sơ, chất phác, thành thật, rõ ràng. Các em nói : « Sự kiện cũng như sự việc, biến cố ấy rõ ràng là vậy. Chúng tôi biết gì mà thêm, mà chúng tôi không có quyền bớt đi được; chúng tôi không bịa đặt và không nói dối ».

 

3. Tòa Giám Mục chính thức điều tra.

Sự kiện Đức Mẹ hiện ra rại Pontmain là một giáo xứ nhỏ bé nghèo nàn, loan truyền nhanh chóng đến các giáo phận lân cận. Giáo dân và linh mục các giáo phận Laval, Rennes, Coutances, thỉnh cầu Đức cha Wicart, Giám mục Laval cho một cuộc điều tra công khai, chính thức, theo thủ tục của giáo luật.

Ngày 27-03-1871 cha tổng đại diện, có Đức ông Ernée và cha Landiry là linh mục hạt trưởng, thừa lệnh tòa Giám mục, đến giáo xứ Pontmain đặt văn phòng tại nhà cha Guérin. Cha xứ Pontmain cùng với đông đảo nhân chứng đều đặt tay lên sách Phúc âm, long trọng tuyên thệ khai đúng sự thật trên giấy trắng mực đen, ký tên đóng dấu, trình lên tòa Giám mục.

Ngày 14-05-1871 Đức cha Wicart, Giám mục Laval quang lâm đến giáo xứ Pontmain để ban phép thêm sức. Trong dịp này, ngài cho gọi từng em đã được trông thấy Đức Mẹ đến, để ngài đích thân điều tra. ...(thiếu)... để đi vào khuyên các em phải bình tĩnh, thành thật trả lời những câu hỏi, không bớt không thêm, có sao nói vậy cho rõ ràng; vì cha sở, các soeur và hàng trăm giáo dân chẳng một ai được trông thấy. Các em đều vâng dạ và ra khỏi phòng.

Cuộc điều tra bắt đầu, có linh mục lục sự làm thư ký ghi biên bản. Ngài cho gọi từng em vào. Ngài bảo : « Con hãy đặt tay lên sách Phúc âm », ngài đọc : « Nhơn Danh Đức Giêsu Kitô, con hãy tuyên thệ trả lời thành thật, ngay thẳng không thêm bớt, có sao nói vậy, từng câu cha sẽ hỏi con ». Từng em, đến phiên mình, đưa tay mặt lên cao, tuyên thệ : « Con xin thề! ».

Bốn em là : Eugène Barbedette, Joseph Barbedette, Jeanne Marie Lebassé và Françoise Richer. Khai xong, từng em ký vào cuốn bản cung. Cuộc điều tra diễn tiến đến mấy tiếng đồng hồ và các em ra về. Đức cha Wicart đăm chiêu nghĩ ngợi, xúc động, tâm hồn vui thỏa. Theo Giáo luật ngài kết luận : « Biến cố Đức Mẹ đã hiện ra là có thật. Tôi tin là có thật! ».

Tối hôm ấy, trong buổi kinh chiều tại thánh đường, Đức cha Wicart trên cung thánh hướng về cộng đoàn, ngài tuyên bố về Đức Mẹ đã hiện ra đêm ngày ngày 17-01-1871 bên trên nóc nhà của ông Guidecoq là có thật. Ngài xướng kinh Magnificat và khuyên giáo dân càng tích cực sùng kính Đức Mẹ Chúa trời để được hưởng nhờ muôn vàn hồng ân hồn xác.

 

4. Sau biến cố Đức Mẹ hiện ra.

Từ buổi chiều ngày 14-05-1871, Đức Giám mục giáo phận Laval công khai tuyên bố sự kiện Đức Mẹ đã hiện ra tại giáo xứ Pontmain đêm ngày 17-01-1871, đứng lồng lộng trên nóc nhà ông Augustin Guidecoq là có thật. Thì đoàn giáo dân tuôn đến hành hương kính viếng, thật là một cuộc lễ tuyên xưng đức tin liên tục. Người ta đến từng toán, từng nhóm gia đình, từng giáo xứ, từng hạt, từng tỉnh để chúc tụng ngợi khen Mẹ Maria và cầu bầu xin ơn cho cả hai phần hồn xác. Từ 5 giờ sáng, trong thánh đường tại ba bàn thờ, thánh lễ Misa được dâng lên liên tục. Có ngày, trong sổ sách của cha Guérin ghi đến 45 linh mục dâng thánh lễ.

Tại bàn thờ Đức Mẹ đèn nến sáng choang, hương hoa thơm ngát, các cộng đoàn đọc kinh nhất kinh. Đoàn này chưa ra đoàn khác đã chờ sẵn để vào. Trong nhà thờ đông đúc người, sốt sắng nguyện cầu. Thật là một thiên đàng thu hẹp trong một cõi.

Về ân huệ Đức Mẹ đã ban cho giáo xứ Pontmain, người đã ghi vào mấy vụ điển hình như sau :

* Ngày 23-09-1870, có 38 người trai tráng của giáo xứ bị động viên. Cha Guérin đã lo về cuộc sống thiêng liêng cho họ : xưng tội, rước lễ, ban phép lành cho họ, dâng họ cho Đức Mẹ, rồi tiễn họ lên đường tòng quân. Ngài đoán chắc với cộng đoàn rằng, thế nào 38 chàng trai ấy cũng được bằng yên đoàn tụ với gia đình. Đầu tháng 06-1871, 37 người trở về với gia đình, chỉ còn một người đang còn bị giam làm tù binh. Chị anh ta đến xin cha xứ dâng một thánh lễ cầu nguyện cho anh ta được trở về. Ngày 17-06-1871, khi cha xứ từ trong phòng thánh (sacristie) sắp ra dâng thánh lễ, thì chị của anh ấy đến trình với ngài biết là, cậu em đã về đến nhà.

* Ngày 29-06-1871, người ta dẫn đến thánh đường Pontmain, một bé trai tên là Emile Gratien, 10 tuổi, đi đứng khó khăn, phải chống hai nạng (béquilles), thuốc thang nhiều mà tiền mất tật mang. Mẹ cậu bé thầm thì cầu nguyện sốt sắng xin Đức Mẹ cứu chữa. Sau đó bà ta bảo con : « Con ơi, hãy trông cậy vào lòng từ bi của Mẹ Maria. Bây giờ con hãy thử đứng dậy mà không dùng nạng xem nào! ». Bắt đầu Emile đứng lên, ban đầu thì ngập ngừng, đi vài bước, rồi đi luôn. Hai mẹ con reo mừng. Đông đảo khách hành hương bao quanh, đưa Emile đến trước pho tượng Đức Mẹ để tạ ơn. Cậu bé dâng hai chiếc nạng, đặt dưới chân tượng. Buổi xế trưa trở về Marigné, cậu bé chạy sang các nhà láng giềng để mừng rỡ khoe khoang : « Bà con cô bác thấy không? Cháu đã đi được, nhờ Đức Bà Pontmain chữa lành ».

* Soeur Léonie Pigeon Evron, đương khi không bị tắt tiếng (extinction de voix) rồi câm luôn. Ngày 28-09-1871 soeur Léonie đi hành hương Pontmain cùng với 15 nữ tu, phụ trách trường nội trú Saint Etienne tại Laval sau thánh lễ, thì cộng đoàn hàng ngũ chỉnh tề đi kiệu. Đến địa điểm Đức Mẹ đã hiện ra, đoàn kiệu đứng bao quanh pho tượng, hát bài « Lạy Mẹ là ngôi sao sáng... », soeur Léonie hướng nhìn và nói trong lòng : « Lạy Mẹ ước gì con hát được để ca tụng Mẹ ». Điệp khúc thứ nhất cố gắng lắm nhưng không có giọng. Điệp khúc thứ nhì, thì bập bẹ vài tiếng. Điệp khúc thứ ba thì hát được. Tâm hồn cảm xúc, soeur Léonie nói với chị em : « Tôi hát được rồi! Cảm ơn Mẹ! ». Điệp khúc cuối cùng thì giọng hát rõ ràng, trong trẻo và thanh bai. Trở về trường Laval, soeur Léonie dạy âm nhạc và điều khiển luôn ca đoàn.

* Đầu năm 1872, cha Guérin (cha sở Pontmain) cho biết : « Trong các thơ từ gởi đến cho tôi hàng ngày để xin tạ ơn Đức Mẹ, tôi thấy có đến một trăm năm mươi vụ được lành bệnh tật mà tôi dám nghĩ rằng, là phép lạ ».

Tất cả hồng ân mà Thiên Chúa hằng ban cho con cái, nhờ lời cầu bầu của Đức Bà Pontmain, đã khuyến khích từng đoàn lũ người đến hành hương. Năm đầu tiên có đến hàng 100 000 người mặc dầu thời bấy giờ phương tiện giao thông còn hạn hẹp, cổ lỗ khó khăn. Tuy vậy trong các hồng ân được hưởng nhờ về phần xác, phải kể đến ơn phần hồn, thì có hằng hà sa số vụ ăn năn sám hối từ bỏ tánh hư nết xấu, ăn ở lành thánh. Bởi vậy mà nhiều người gọi Đức Bà Pontmain với tước hiệu « Đức Bà của ơn sám hối ».

* Tháng 01-1872, để ghi nhớ ngày Đức mẹ hiện ra, giáo xứ Pontmain đã tổ chức kỷ niệm đệ nhất chu niên, có trên mười ngàn giáo dân tham dự, mặc cho mùa đông tháng giá, tuyết phủ tứ bề, lạnh như cắt. Khi đoàn kiệu đến nhà lẫm của nhà ông Barbedette, trang hoàng lộng lẫy, người ta còn nhận thấy trước pho tượng có tấm bảng ghi « Mẹ là nguồn cậy trông ».

 

5. Tái điều tra.

Mặc dầu các chức sắc trong giáo phận đã điều tra, Đức cha Wicart đã tin sự kiện Đức mẹ hiện ra đêm 17-01-1871 tại Pontmain, song ngài còn muốn bổ túc để đả thông các thắc mắc về y lý và tâm lý. Ngài đã tổ chức một ủy ban gồm các cha tổng đại diện, hạt trưởng, cha xứ, nhiều bác sĩ trong tỉnh, nhiều giáo sĩ thần học, tâm lý học nữa. Ngài cho triệu tập hơn 60 nhân chứng với 4 em đã được trông thấy cảnh tượng lạ lùng trước tiên.

Trước hội đồng, mọi chứng nhân lần lượt từng người, đặt tay trên sách Phúc âm tuyên thệ nói thật, không dối trá bịa đặt, không thêm bớt. Sau đó, từng người riêng biệt để cung khai, sau đó thì ký tên vào biên bản.

Các nhà bác sĩ, các nhà thần học tâm lý học cũng khám nghiệm 4 trẻ em. Các chuyên viên đồng thanh công nhận sự sáng suốt minh mẫn, đơn sơ thành thật, trả lời giống nhau, gọn gàng, không thừa không thiếu; rồi kết luận : « Biến cố Đức Mẹ hiện ra tại giáo xứ Pontmain là có thật ».

Ngày 02-02-1872, Đức Giám mục Giáo phận Laval phát hành thông báo, chính thức công nhận Đức Bà Vô Nhiễm Nguyên Tội, Mẹ của Thiên Chúa đã hiện ra tại giáo xứ Pontmain; ngài khuyến khích con chiên của mình tôn sùng Đức Bà Pontmain dưới tước hiệu « Đức Mẹ của ơn trông cậy ». Ngài còn cho biết ý định xây dựng một thánh đường nguy nga, đồ sộ, theo kiểu Gothique, để ghi ơn Mẹ, xin Mẹ đặc biệt phù hộ cho giáo phận Laval. Ý đồ ấy làm cho cha Guérin vô cùng sung sướng vì đã cổ võ khuyến khích giáo dân phải tôn sùng Mẹ Maria.

Tiền giáo dân khắp nơi dâng cúng gởi đến tòa Giám mục tấp nập. Vật liệu xây cất ồ ạt chở đến.

Địa điểm...... thuận lợi đẹp đẽ thì không đâu bằng thửa ruộng của ông Morin. Đức cha Wicart dạm hỏi để mua thì ông Morin thưa : « Thân lạy Đức cha, con xin dâng cúng cho Đức Mẹ ».

Ngày 17-06-1873, Đức cha Wicart long trọng đặt viên đá đầu tiên trước mặt nhiều vị linh mục và hàng trăm giáo dân gần xa. Công trình xây cất tiến hành thuận lợi. Bốn năm sau, ngày 27-06-1877 thì làm phép thánh đường một cách long trọng với sự tham dự của 8 Đức Giám mục, hàng trăm linh mục và hàng vạn giáo dân. Bên ngoài có hai tháp vươn lên cao ngất, tượng trưng cho lời khẩn cầu với lòng cậy trông bền đỗ sẽ bay vút lên cõi trời xanh. Bên trong hai dãy cột chống đỡ hai mái, lòng nhà thờ rộng rãi thoải mái; trên cung thánh, đối diện với tòa giảng, có bàn thờ Đức Mẹ bằng cẩm thạch hoa, quanh cung thánh có cửa sổ bằng kiếng màu (vitrail) diễn lại đời sống của Đức Mẹ lúc còn sống ở trần gian. Xung quanh bên trong, còn có các bàn thờ dâng kính Rất Thánh Trái Tim Chúa Giêsu, Đức Bà Mân Côi, Thánh Cả Giuse, các thánh tông đồ... Trên các vách tường, có gắn những tấm bảng bằng đồng, bằng đá ghi nhớ ơn Mẹ (ex-voto).

Để phụ họa với lời ca hát ngợi khen Mẹ Thiên Chúa, người ta đã sắm một đại phong cầm (orgue) gồm 36 bộ ống. Trên hai tháp chuông, có một lô chuông 36 cái, cái lớn cân được 3.500 kg, có hệ thống máy móc điều động, thay nhau liên hồi, đánh lên những bài hát tung hô Mẹ Maria.

Để tăng cường việc tôn sùng Đức Bà trong thánh đường, Đức Cha Wicart đã tổ chức hội cầu nguyện. Năm 1877 Đức Giáo Hoàng Piô IX cho hội phát triển khắp hoàn cầu và chính ngài cũng tôn sùng Đức Bà Pontmain. Một hôm nọ, trước nhiều quan khách đến bái kiến, ngài nói : « Hằng ngày tôi cầu nguyện cùng Đức Bà của ơn trông cậy. Mẹ là sức sống và là nơi tôi nương tựa ».

Hai mươi năm sau, Đức Léon XII ban nhiều ân xá đại xá cho hội cầu nguyện. Hội viên mỗi ngày, chỉ phải đọc một kinh kính mừng với lời nguyện : « Lạy Đức Bà Pontmain, xin cầu cho chúng con và cho Hội Thánh Chúa ».

Đức Bà Pontmain cũng được chọn làm Mẹ... Thánh Thể.

Cuộc hành hương đầu tiên kính Đức Bà Pontmain của Nghĩa Binh Thánh Thể toàn nước Pháp được tổ chức năm 1931.

Lần thứ nhì, tổ chức ngày 28-06-1934, có trên mười ngàn đoàn viên Nghĩa Binh Thánh Thể được thành lập vào năm 1935-1936 sau này cải biến thành Thiếu Nhi Thánh Thể.

Các em được phước chiêm ngắm Đức Mẹ, về sau đều được ơn gọi làm linh mục hoặc tu sĩ.

Người ta cũng ghi nhận rằng, Đức Mẹ đặc biệt thương các em tàn tật :

* Em Eugènie Pioger, 13 tuổi, giáo xứ Saint Martin, tỉnh Manche hành hương Pontmain xin Mẹ chữa bệnh á khẩu. Từ ngày 07-06-1883 không hiểu vì sao mà bị á khẩu, nói không được. Em Eugènie hành hương đến lần thứ sáu là ngày 31-05-1887. Suốt ngày hôm ấy, em quỳ dưới pho tượng Đức Mẹ, đối mắt đăm chiêu ngắm Mẹ, lòng thầm thì cầu nguyện : « Lạy Mẹ nhân lành từ bi khoan hậu, Mẹ hay thương trẻ con, xin Mẹ cho con được lành bệnh ». Nguyện đến lần thứ ba thì bỗng nhiên em thấy trong lòng ngực đau nhói lên. Càng tin tưởng trông cậy, em gia tăng cầu nguyện và trong đầu cũng còn đau lắm. Eugènie không ngả lòng vẫn khấn vái kêu xin thảm thiết. Bấy giờ trong lương tâm có tiếng phán : « Hôm nay con sẽ nói được ». Đến lúc từ giã Đức Mẹ để về nhà trọ, em vẫn còn bị á khẩu và chịu đau đớn trong lòng ngực và trong đầu, song vẫn thì thầm nguyện xin. Thình lình em mở miệng và đọc : « Lạy Đức Bà Pontmain, xin cầu cho con », giọng em rõ ràng, tiếng nói minh bạch. Eugènie chạy báo tin cho cha mẹ. Sáng ngày ngủ dậy, mẹ tìm con và hỏi cho biết còn đau nhức nữa không, em đáp : « Thưa mẹ, con lành rồi và đêm nay con được ngủ ngon hơn bao giờ hết ». Chiều hôm ấy tại thánh đường, cộng đoàn đọc kinh chầu Mình Thánh Chúa để tạ ơn. Cộng đoàn được nghe em Eugènie đơn thanh bài hát « Mẹ là nguồn cậy trông », nước mắt hạnh phúc lăn tràn trên hai gò má hồng hào của em.

* Cậu Eugène Derenne, 13 tuổi, thuộc giáo xứ Saint Berthevin tỉnh Mayenne, bị câm và điếc, mặt khác đã một năm nay, bị chứng nhức đầu, mất ăn mất ngủ. Biết rằng tại Pontmain, Đức Mẹ đã chữa nhiều bệnh tật; cậu ta cũng cầu nguyện cho mình được lành mạnh và cũng muốn hành hương kính Đức Bà Pontmain. Vì không nói được cậu ta viết trên giấy rằng : « Xin bố mẹ cho con hành hương Pontmain, chắc Đức Mẹ sẽ cho con được lành bệnh ».

Eugène được mẹ và chị hướng dẫn. Ngày 07-06-1891, cả ba mẹ con vào vương cung thánh đường cầu nguyện. Đông đảo khách hành hương để ý đến Eugène đôi môi mấp máy động, đôi mắt chiêm ngắm pho tượng Đức Bà Một cách say sưa. Tiếp theo, gia đình tham dự thánh lễ, Eugène chẳng nghe được các bài hát của ca đoàn. Trước khi dùng cơm trưa, gia đình đến nhà lẫm của Barbedette để lần hạt mân côi. Eugène vẫn chịu « câm ». Nhưng trong lúc hướng về phía nóc nhà của Guidecoq là nơi Đức Mẹ đã hiện ra, thì Eugène reo lên : « Mẹ ơi! Con được trông thấy Đức Bà Maria ». Tiếng reo rõ ràng minh bạch, Eugène hoàn toàn lành bệnh. Mẹ của Eugène cũng reo lên : « Lạy Chúa tôi, đây là một phép lạ của Đức Bà Pontmain! ». Bấy giờ giáo dân xứ Pontmain đua nhau đến xem cậu bé câm điếc nói được và nghe được.

* Trong suốt thời kỳ đệ nhất thế chiến (1914-1918) toàn nước Pháp gia tăng lời cầu nguyện cùng Mẹ Maria. Ngày 17-01-191..., Đức cha Grellier giám mục Laval dâng lời khấn hứa, tổ chức hành hương liên tục trong mười năm sau khi hòa bình được vãn hồi.

* Năm 1939, đệ nhị thế chiến bùng nổ, Đức cha Richard giám mục Laval, phát động tổ chức cầu nguyện với Đức Bà Pontmain xin cho chiến tranh sớm chấm dứt. Khi hòa bình được vãn hồi đặc biệt là giới tù binh được phóng thích, tuôn đến Vương cung Thánh đường Pontmain để hành hương tạ ơn.

Tựu trung những ơn Mẹ đã ban cho về phần xác, thì có ông Michel Leblane, xứ Saint Ellier là đặc biệt. Ông này bị « ung xỉ lỗ mũi » và con mắt đã bốn năm. Ông đã đến nhờ bác sĩ Piotais là một nhà giải phẫu chuyên khoa xứ Fougère khám và chữa. Bác sĩ thấy bệnh tình đã đến hồi nguy cập, thuốc thang vô hiệu, phải khoét cạo cho hết chỗ ung thối. Bệnh nhân hỏi :

- Bác sĩ đòi bao nhiêu tiền?

- Một trăm francs. (Thời ấy 100 francs là lớn lắm).

Ông Michel Leblane nói :

-Cả mạng sống của con tôi cũng chẳng đến giá 100 francs. Chào bác sĩ!

Trở về nhà, suốt đêm không ngủ được, ông ta sực nhớ rằng ngày kia có gặp được một khách hành hương Pontmain được lành bệnh một cách phi thường, liền tự bảo : « Sáng mai mình cũng đi Pontmain xin ơn. Chắc Đức bà không đòi tiền công đến 100 francs, được ơn thì mình dâng một lễ Misa để tạ ơn ».

Michel Leblane đời sống rối rắm, ơ hờ đạo đức thật, song vẫn còn nhớ đến Đức Mẹ. Ngày 8-9-1881, lễ sinh nhật Đức Bà thì ông ta... Pontmain, vào trong tòa xưng tội, tham dự thánh lễ và rước Mình Thánh Chúa, cầu nguyện với Đức Mẹ, rồi về nhà, trong lòng phấn khởi, lòng tin sắt đá lòng cậy vững vàng, đinh ninh thế nào mình cũng được lành. Ông ta yên trí. Quả thật ba ngày sau, mũi và mắt đều lành không còn một vết sẹo. Ông ta vội vã quỳ xuống bên giường chắp tay cảm tạ : « Con lạy Đức Bà là Mẹ của con, con biết thế nào Mẹ cũng sẽ thương con, chữa lành cho con như từ xưa nay, Mẹ hằng nhậm lời con cái nguyện xin. Từ này về sau, con xin tuyệt đối trung thành kính Mẹ ». Ngay hôm ấy ông Leblane xin lễ tạ ơn.

Lòng nhân ái từ bi của Mẹ Mairia thật là dịu hiền êm ái, mênh mông bao la, núi Thái sơn không cao bằng, biển Thái bình không rộng bằng. Quyền năng của Mẹ cũng không bờ bến, lời Mẹ cầu bầu vô cùng hiệu nghiệm. Mẹ nhịn nhục, Mẹ nhẫn nại, Mẹ chờ đợi, im lặng thi ân, dù con cái cứng lòng ngỗ nghịch. Bằng chứng là trong giáo xứ Pontmain có một người hành khất ngang tàng hỗn láo, anh ta nghèo xác xơ, xin ăn từ nhà nọ đến nhà kia, được bố thí thì chẳng cám ơn, đôi khi còn mắng nhiếc kẻ làm ơn cho mình. Một ngày kia, đi qua Vương cung Thánh đường, anh ta bị lương tâm dày vò, xao xuyến trong lòng. Anh ta đọc kinh Kính mừng Maria... rồi rảo bước đi. Nhưng khi đến pho tượng Đức Bà, có một sức lực thiêng liêng bắt anh ta qùy xuống;… đoạn đứng dậy quyết định bỏ xứ ra đi. Nhưng Đức Bà nhân lành không bỏ anh ta. Sau đó mấy ngày, anh đến gõ nhà một cha xứ nọ, xin xưng tội. Sám hối ăn năn, trở về Pontmain, tạ ơn Đức Mẹ, từ đó về sau trở thành người lương thiện.

Năm 1896, kỷ niệm 25 năm Đức Mẹ hiện ra. Những cuộc hành hương được tổ chức long trọng rầm rộ, biểu dương đức tin. Ngày 11-10-1896, tháng mân côi, Đức Giám mục Laval đích thân làm phép rửa tội cho 32 quả chuông để lên những bản nhạc ngợi khen Đức Bà. Bốn năm sau, ngày 15-10 năm 1903 Đức cha Roulleause dâng hiến mạng sống và tài sản của ngài để phát triển hành hương Pontmain.

Tháng 9-1908, Đức cha Grellier, Giám mục Laval long trọng tổ chức đại thánh đường (église) Pontmain được Đức Giáo Hoàng Piô X nâng lên hàng Vương cung Thánh đường (basilique).

Trong trận đệ nhất thế chiến 1914 - 1918, các việc tôn sùng Đức Bà Pontmain được tăng cường, xin Mẹ cho chiến tranh sớm chấm dứt. Ngày 23-01-1915, toàn thể giáo phận Paris tổ chức hành hương Pontmain do các cha dòng Assomptionnistes hướng dẫn. Cha Baille, tổng vụ trưởng tuyên bố, kể từ nay, hội Đức Bà sẽ tổ chức hành hương Pontmain hàng năm cho toàn nước Pháp. Ngày tổ chức đầu tiên quy tụ trên 15.000 người.

Để giáo dân khắp nơi thêm lòng sùng kính và trông cậy vào Đức Bà Pontmain, năm 1922 Đức Thánh Cha Piô XI cho in bộ lễ riêng kính Đức Bà Pontmain. Năm 1933, Đức Hồng Y Pacelli, sau này là Đức Piô XII ra sắc lệnh đặt vương miện (mũ triều thiên) bằng vàng ròng, đội lên đầu Đức Bà Pontmain. Lễ đội triều thiên được tổ chức cực kỳ long trọng ngày 24-07-1933. Đức Hồng Y Verdier, tổng Giám mục Paris đích thân đội triều thiên cho Mẹ trước sự tham dự của 18 vị giám mục, hàng trăm linh mục, hàng ngàn giáo dân, chật cả Vương cung Thánh đường. Đến chiều Đức cha Grellier, giám mục Lộ Đức (Lourdes) chủ tọa lễ nghi tung hô quyền năng vô song của Đức Bà. Buổi lễ bế mạc, mọi người ra về tràn ngập hân hoan.

Năm 1946, để mừng kỷ niệm 75 năm Đức Bà hiện ra, Đức cha Richard giám mục Laval, tổ chức tam nhật vào ngày 16,17 và 18-07-1946 thật là huy hoàng. Ngày 18-07-1946, Đức Hồng Y Suhard, quê quán Mayenne, tổng giám mục Paris chủ tọa lễ bế mạc, trước sự tham dự của Hồng Y Roques, 24 giám mục và trên 30.000 giáo dân, đặc biệt hơn nữa, có Đức cha Roncalli, sứ thần tòa Thánh tại Paris đến dự, làm cho toàn thể khách hành hương được vinh dự trông thấy vị đại diện Đức Giáo hoàng đến quỳ ở giữa mình để cầu nguyện. Sau này Đức cha Roncalli được lên ngôi Giáo Hoàng, danh hiệu Gioan XXIII, ngài đã tổ chức Thánh Công đồng Vatican II.

Danh tiếng Đức Bà Pontmain được thế giới biết và tôn kính, cho nên các nước Pháp và Belgique, Canada, Luxembourg, Phi Châu cũng thường tổ chức hành hương. Hàng năm, cứ đến ngày 17-01 cũng như các lễ Thăng Thiên, Hiện Xuống, Mông Triệu và các lễ khác kính Đức Mẹ và suốt mùa hè, giáo dân hành hương kính viếng, mang theo hàng trăm bệnh nhân, xin Đức Bà Pontmain phù hộ, cầu bầu.

 

6. Số phận các em được trông thấy Đức Mẹ.

* Eugène Barbedette, được thọ phong linh mục, làm phó xứ Renagé, rồi làm chánh xứ Péton, rồi Châtillon-sur-Colmont. Ngài khiêm nhượng tế nhị và kín đáo, không bao giờ thuật lại việc đã được phước trông thấy Đức Mẹ, ngoài trừ khi có lệnh của bề trên. Ngài qua đời tại Châtillon-sur-Colmont ngày 02-05-1927 và được an táng tại đó.

* Joseph Barbedette vào chủng viện giáo phận, song theo ơn gọi xin chuyển sang dòng Thừa Sai Tận Hiến Đức Mẹ Vô Nhiễm, lo việc hành hương tại Pontmain. Chính ngài đã vâng lệnh bề trên, ghi chép sự kiện Đức Mẹ đã hiện ra đêm ngày 17-01-1871. Ngài qua đời ngày 03-11-1930.

* Francoise Richer (cô nữ sinh) không vào tu viện; tâm hồn vẫn đơn sơ, chất phác, đạo đức gương mẫu, lo việc cửa nhà chu tất để làm đẹp lòng Chúa và Mẹ Maria; cô dạy học tại các tư thục công giáo ở nông thôn, về sau theo giúp đỡ cha Eugène Barbedette, qua đời rất êm ái ngày 28-03-1915.

* Auguste Avice, vào dòng Tên năm 1882, làm trợ sĩ, được phái sang Trung Hoa.

* Eugène Friteau, sau khi được rước lễ lần đầu có mấy ngày mà thôi, thì qua đời ngày 04-05-1871.

* Jeanne Marie Lebassé, năm 1880, vào dòng Thánh Gia thất tại Bordeaux, lấy tên dòng là Soeur Saint André, qua đời ngày 12-12-1923.

* Augustine Boittin, con ông thợ guốc, được trông thấy Đức Mẹ lúc mới 25 tháng. Lớn lên ở với cha mẹ tại Fougères, làm thuê làm mướn, phụ thợ đóng giày. Đời sống đạo đức có phần chểnh mảng. Trong cơn bệnh, Augustine ăn năn sám hối, lãnh đầy đủ các bí tích của Hội Thánh, qua đời êm ái ngày 08-05-1942.

* Phần cha Guérin, từ ngày làm cha sở Pontmain, đã hết lòng dùng đủ mọi cách phổ biến và cổ động việc tôn sùng Mẹ Maria, đã êm ái qua đời ngày 29-05-1872.

Về phần giáo xứ Pontmain, trước ngày Đức Mẹ hiện ra, chỉ là một xóm nghèo vùng quê chẳng ai biết đến. Nhưng sau ngày Mẹ Thiên Chúa hạ cố, dần dần biến thành một thị trấn có đủ khách sạn, hàng ăn, phố xá mọc lên, buôn bán tấp nập, phục vụ khách hành hương; có hai trung tâm tĩnh tâm. Tuy vậy, Pontmain vẫn giữ được bầu không khí hiền hòa, dân tình chất phác, đạo đức lương thiện.

Nhà lẫm của ông Barbedette vẫn giữ mái tranh như cũ, bên trong biến thành nhà nguyện, có bức họa tả lại khung cảnh Đức Mẹ hiện ra đêm ngày 17-01-1871. Cũng trong nhà nguyện này, người ta thường đưa trẻ con đến trước bàn thờ để dâng cho Đức Mẹ.

Thánh đường cũ của Pontmain đối diện với công trường được trang trí lại chứa đựng những vật dụng của cha Guérin làm kỷ niệm; trên vòm nhà thờ sơn màu xanh da trời, có rất nhiều ngôi sao.

Gần Vương cung Thánh đường, có pho tượng Đức Mẹ bằng đồng đứng trên cột trụ xây bằng loại đá quặng vàng, óng ánh trước ánh sáng, đúng nơi địa điểm Đức Mẹ hiện ra.

Gần Vương cung Thánh đường, có chủng viện, có các cha dòng Thừa Sai Tận Hiến Đức Mẹ Vô Nhiễm, do Đức Giám mục Laval mới đến để phụ trách điều hành các chương trình hành hương cho đến năm 1903.

Ngày 17-01-1917, kỷ niệm đệ nhất bách chu niên Mẹ hiện đến Pontmain, đáp lời kêu gọi của Đức Giáo Hoàng Paul VI, hàng vạn khách hành hương đua nhau đến Pontmain. Trong thông điệp, ngài viết : « Cùng với Mẹ Maria, chúng ta hãy cầu xin, hãy bền bỉ đợi chờ, hãy chuẩn bị đón nhận muôn vàn hồng ân từ trời ban cho thế giới. Anh chị em hãy đi theo vết chân của bao nhiêu người, từ trước đã đến Pontmain cầu nguyện đặt mọi nguyện vọng ước mong dưới chân Mẹ Maria nhân lành ».

Gioan Baotixita Hồ Đắc Hóa

Bài viết khác

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

22/01/2024

Một số chất làm ngọt tự nhiên và ít gây hại cho cơ thể như đường cỏ ngọt, đường la hán, mật ong và đường nâu. Trong một bài báo tổng quan bao gồm 46 nghiên cứu về đường không ly tâm, tác dụng được báo cáo nhiều nhất là [tăng khả năng] miễn dịch (26%)...

Cá mắm xứ Huế

Cá mắm xứ Huế

09/02/2024

Viết về Cá và Mắm xứ Huế, tôi dựa vào ít ỏi vài tài liệu trong tay tuy không đầy đủ nhưng tôi hy vọng nêu lên phần nào một trong những nét đặc trưng ẩm thực của người dân Huế.

Art