Thứ Tư, 01 Tháng Tám, 2012

Ðài thiên văn Griffith ở Hollywood Hills

Ðài thiên văn Griffith ở Hollywood Hills

Ðài quan sát thiên văn Griffith Observatory nằm trên cao độ 1,134 feet (345.5m) của vùng núi Hollywood Hills là nơi ngoạn cảnh nhìn xuống thành phố rất đẹp, là điểm du lịch hấp dẫn du khách mỗi khi tới thăm Hollywood.

 

Ðài quan sát thiên văn Griffith ở Hollywood Hills.

Nơi đây có kính thiên văn to lớn để quan sát các vì sao, các rạp hát, nhà trưng bày dụng cụ thiên văn với mục đích khuyến khích tất cả mọi người có cơ hội quan sát, nghiên cứu và tìm hiểu về bầu trời vũ trụ.

Sau khi thăm thú dạo chơi trên đường phố kinh đô điện ảnh Hollywood, chúng tôi lấy xe trở ngược trên đường Hollywood Boulevard đi về hướng Ðông. Qua khỏi xa lộ 101 một block đường là rẽ trái vào đại lộ Western Avenue, tiếp tục Los Feliz Blvd., rẽ trái vào Vermont Ave. rồi từ đó theo bảng chỉ dẫn lên vùng núi Hollywood Hills để đến đài thiên văn Griffith. Về lịch sử vùng đồi núi này được quan thống đốc Tây Ban Nha, thời California là thuộc địa của nước Âu Châu này, phân chia cho viên hạ sĩ Vincente Felis vào thập niên 1770. Vùng đất vẫn thuộc gia đình Felis qua hơn một thế kỷ cho đến năm 1882 bán lại cho ông Griffith một người khai thác quặng mỏ giàu có, gốc người Anh. Gia đình Griffith cư ngụ tại nông trại Rancho Los Felis này cho đến khi ông qua đời năm 1919. Khi còn sinh tiền ông rất thích những công viên rộng lớn ở Âu Châu và ông muốn Los Angeles cũng có những công viên như vậy nên năm 1896 ông tặng khu đất rộng 3,015 acres cho thành phố (bao gồm cả khu sở thú Los Angeles hiện nay). Vốn mê say về thiên văn và mơ ước vùng núi Hollywood cũng có một đài viễn vọng kính như đài quan sát trên núi Wilson ở Pasadena nên năm 1912 ông tặng cho thành phố Los Angeles thêm $100,000 để xây dựng đài viễn vọng kính. Kế hoạch ông là xây đài quan sát với kính thiên văn miễn phí cho tất cả mọi người, một hội trường để công chúng vào xem triển lãm về thiên văn, khoa học và một phòng chiếu phim. Vì thế giới đại chiến lần thứ nhất (1914-18) việc xây đài thiên văn gián đoạn và ông đã qua đời một năm sau đó. Kế đến kinh tế khủng hoảng và trận động đất Long Beach vào Tháng Ba 1933 họa đồ xây dựng phải thay đổi cho vững chắc hơn nên mãi đến ngày 14 Tháng Năm, 1935 đài thiên văn Griffith Observatory mới được khánh thành và ban quản trị Griffith Fund trao quyền cai quản đài cho City of Los Angeles làm chủ và thành phố giao cho Sở Giải Trí và Công Viên (Department of Recreation and Parks) quản lý cho đến ngày nay. Ðầu năm 2002 đài thiên văn phải đóng cửa để tân trang và nới rộng, công tác kéo dài cho đến ngày 3 Tháng Mười Một, 2006 mới mở cửa lại. Kinh phí tân trang nới rộng lên đến $93 triệu.

 

Những cao ốc trung tâm Los Angeles nhìn từ đài thiên văn Griffith.

Lái xe trên đường dốc núi Vermont Canyon Rd. sẽ thấy đài thiên văn với 3 nóc tròn (domes) ở bên trái. Du khách có thể đậu xe dọc trên con đường này hay tiếp tục đi vào đài thiên văn và đậu ở bãi đậu chính. Nơi đây có rạp hát ngoài trời Greek Theatre Mùa Hè ban đêm có buổi hòa nhạc nên thường kẹt xe. Lên đến đài là bãi cỏ xanh chính giữa một ngọn tháp màu trắng với nhiều tượng người có lẽ những nhà thiên văn học. Ngôi nhà chính đài thiên văn nhìn về hướng Bắc, mới tân trang nên nước sơn trắng còn mới, giữa là nóc tròn “dome” lợp bằng nhôm xám và hai bên là hai đài quan sát chứa viễn vọng kính nên bên trên mái tròn có thể mở trống để ống kính có thể nhìn thẳng lên bầu trời.

Viếng đài thiên văn hoàn toàn miễn phí vì đó là nguyện ước của người thành lập là ông Griffith nhưng vào xem show ở đại sảnh Samuel Oschin Planetarium phải mua vé nhưng giá rất nhẹ nhàng từ $3 đến $7 tùy theo tuổi tác già trẻ. Samuel Oschin là tên của ông bà đã hiến tặng tài chánh đóng góp vào ngân khoản tân trang ngôi nhà. Ông Oschin đã qua đời vào Tháng Bảy, 2003. Ðại sảnh Samuel Oschin Planetarium như một rạp hát có 285 ghế ngồi, hiện mỗi ngày trình diễn 8 xuất từ 12:45 trưa cho đến 8:45 tối. Chương trình có 3 show khác nhau với người thuyết trình dẫn dắt sống thực được hỗ trợ bằng phim ảnh với các show: “Centered in the Universe” dẫn đưa du khách vào cuộc hành trình khám phá vũ trụ, “Water Is Life” nhằm truy tìm nguồn nước cũng là nguồn gốc của đời sống ở những hành tinh khác và show “Light of the Valkyries” (bắt đầu từ 18 Tháng Năm, 2010) nói về người Vikings ngày xưa tìm ánh sáng Valkyries trên phương Bắc nhằm kỷ niệm 75 năm thành lập đài thiên văn Griffith. Ngoài ra ở rạp Leonard Nimoy Event Horizon có 200 ghế còn chiếu một phim dài 24 phút “The Once and Future Griffith Observatory” nói về lịch sử đài thiên văn, công trình tân trang vừa qua cũng như viễn ảnh về tương lai đài thiên văn.

 

Bảng hiệu Hollywood ở phía Bắc rất gần đài thiên văn.

Hai bên cánh ngôi nhà là hai đài quan sát có mái tròn chứa viễn vọng kính to lớn bên trong, du khách có thể sắp hàng để vào dùng viễn vọng kính quan sát bầu trời. Bên đài quan sát phía Ðông là viễn vọng kính Zeiss được chế tạo từ Ðức, đài đã mua vào năm 1931 với giá thời ấy là $14,900. Kính thiên văn này dầy 12 inch dùng quan sát bầu trời về đêm, quan sát mặt trăng, các ngôi sao và những vật phát sáng trên bầu trời như sao chổi, vẩn thạch (comet). Lúc những sao chổi nổi tiếng to lớn như Halley, Hale-Bopp, Hyakutake xuất hiện người ta đến quan sát tại đài thiên văn này nhiều hơn bất cứ đài nào trên thế giới. Mỗi đêm có khoảng 600 du khách dùng kính thiên văn Zeiss và nó vẫn còn tốt từ 1935 đến nay không cần phải thay đổi trong kỳ tân trang vừa qua.


Ống kính thiên văn Zeiss để quan sát các vì sao.

 Ðài quan sát bên cánh Tây trang bị 3 kính thiên văn Solar Telescopes để quan sát mặt trời vào ban ngày và chỉ nhìn được khi trời trong, mặt trời không bị che khuất bằng những áng mây. Những tia sáng mặt trời phản chiếu qua những tấm gương, lọc bớt ánh sáng rồi mới được thu nhận vào ống kính. Hôm chúng tôi đến đài quan sát này đóng cửa có lẽ vì trời mây xám hoặc ít ai thích nhìn ánh sáng chói chang của mặt trời? Không rành về thiên văn cũng không thích... sao chổi nên tôi mù mờ không hiểu về nguyên tắc của ống kính này. Bên ngoài đài thiên văn trên sân thượng còn có nhiều viễn vọng kính nhỏ dùng để ngắm cảnh thành phố Los Angeles với nhiều nhà chọc trời ở phía Nam. Phía sau nhà thiên văn còn có quán cà phê giải khát, thức ăn nhẹ và bán quà kỷ niệm. Ðịa chỉ của đài thiên văn là:

Griffith Observatory

2800 East Observatory Road

Los Angeles, CA 90027

Ðiện thoại 213-473-0800

Từ khu Little Saigon đến đài thiên văn Griffith Observatory có thể dùng xa lộ 5 Exit Los Feliz rẽ trái đi về hướng Tây và rẽ mặt vào đường Vermont Ave. đi về hướng Bắc sẽ đến đài.

Ðài thiên văn mở cửa 5 ngày một tuần:

Ngày thường (Thứ Tư đến Thứ Sáu): Mở cửa từ 12:00 giờ trưa đến 10:00 giờ đêm.

Cuối tuần (Thứ Bảy và Chủ Nhật): Mở cửa từ 10:00 giờ sáng đến 10:00 giờ đêm.

Ðóng cửa các ngày Thứ Hai và Thứ Ba.

 

Thành phố Los Angeles mù sương ở phía sau đài thiên văn.

Ðài thiên văn Griffith Observatory xây trên ngọn núi cao phía Bắc thành phố thiên thần Los Angles là địa điểm ngắm cảnh rất đẹp nhất là về đêm, các đài truyền hình thường lên đây để lấy cảnh cho tin thời tiết. Ban đêm trời trong dưới chân du khách như vùng biển với muôn triệu ánh đèn, trên bầu trời hàng vạn ánh sao và thỉnh thoảng bắt gặp một vì sao lạc bay nhanh và tắt mất trên trời đêm.

Trịnh Hảo Tâm

Bài viết khác

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

22/01/2024

Một số chất làm ngọt tự nhiên và ít gây hại cho cơ thể như đường cỏ ngọt, đường la hán, mật ong và đường nâu. Trong một bài báo tổng quan bao gồm 46 nghiên cứu về đường không ly tâm, tác dụng được báo cáo nhiều nhất là [tăng khả năng] miễn dịch (26%)...

Cá mắm xứ Huế

Cá mắm xứ Huế

09/02/2024

Viết về Cá và Mắm xứ Huế, tôi dựa vào ít ỏi vài tài liệu trong tay tuy không đầy đủ nhưng tôi hy vọng nêu lên phần nào một trong những nét đặc trưng ẩm thực của người dân Huế.

Art