Thứ Ba, 28 Tháng Giêng, 2025

Theo dòng sách Xuất Hành

Lời mở đầu (1,1-2,22)

Tất cả bắt đầu khi nỗi sợ xâm chiếm vua Ai Cập trước sự gia tăng của một gia đình mà người tiền nhiệm đã đón tiếp với vòng tay rộng mở thời ông Giuse. Trước điều ông xem như một mối đe dọa, ông áp dụng các biện pháp phòng ngừa: bóc lột người Do Thái thông qua lao động khổ sai và áp bức, và bẻ gãy họ bằng cách loại bỏ trẻ sơ sinh nam. Nhưng những người phụ nữ sẽ liên kết để bảo vệ sự sống. Đầy « lòng kính sợ Thiên Chúa », các bà đỡ Sipra và Pua vi phạm lệnh Pharaô và lừa dối khi ông đòi giải trình. Một người phụ nữ (Giocabet, theo 6,20) và con gái của bà, rồi đến con gái Pharaô với những người hầu cứu Môsê khỏi cái chết do bạo chúa ra lệnh trước khi chăm sóc cuộc sống ông. Cuộc Xuất hành bắt đầu với những người phụ nữ làm cho các trẻ em Do Thái rồi cho Môsê điều ông sẽ làm một ngày nào đó cho Ítraen. Dù được nuôi dạy theo kiểu Ai Cập, Môsê vẫn biết ai là anh em của mình và, trước sự áp bức của họ, ông chọn phe của mình và lén lút giết một người Ai Cập đang hành hạ một người Do Thái. Bị vua đe dọa giết, ông phải chạy trốn. Ý thức công lý được xác nhận khi ông cứu giúp những cô gái bị xua đuổi khỏi giếng nước nơi họ đang cho gia súc uống nước. Một giải phóng đầu tiên mang lại cho ông được đón nhận vào một bộ tộc sa mạc và cưới con gái của tư tế Giêtrô.

Sự giải phóng (2,23-18,27)

Khi vua áp bức qua đời, dân Ítraen than khóc. Elohim đón nhận tiếng kêu vọng lên từ Ai Cập và nhớ lại giao ước với các tổ phụ. Người hiện ra trong bụi gai cháy với Môsê, người đang chăn đàn gia súc của Giêtrô gần núi Khô-rếp. Người gọi ông. Sau khi tự giới thiệu, Người chia sẻ kế hoạch giải phóng và yêu cầu ông cộng tác. Môsê phản kháng: con là ai mà đi đến gặp Pharaô? Con sẽ nói gì với dân Ítraen? Họ sẽ không tin con! Con không có tài ăn nói! Xin chọn người khác! Những phản đối là cơ hội để Adonai nói thêm về chính mình và làm rõ kế hoạch: Người vạch ra cho Môsê một lộ trình thực sự, đảm bảo với ông về sự hiện diện của Người và người anh là A-ha-ron hỗ trợ, và cho ông những dấu hiệu sẽ xác thực sứ mạng (2,23-4,17).

Khởi đầu thật đáng khích lệ: các nô lệ đồng ý với kế hoạch không chút do dự. Nhưng sau đó mọi việc trở nên khó khăn. Khi Môsê và A-ha-ron nhân danh Adonai yêu cầu để dân ra đi vài ngày, Pharaô đáp ông không biết Adonai và từ chối tuân theo ý muốn của Người. Ông thậm chí còn ra lệnh tăng công việc cho những nô lệ lười biếng, những kẻ đòi nghỉ ngơi. Bực tức, họ quay lại chống Môsê, đổ lỗi cho ông về việc họ bị ngược đãi. Ông lại đến với Adonai, Đấng xác nhận kế hoạch sẽ được thực hiện. Tuy nhiên, Ítraen từ chối lắng nghe Môsê một lần nữa (4,18-6,27).

Mọi việc sẽ diễn ra với Pharaô, nơi Môsê và A-ha-ron được sai đến. Ngay lập tức, Adonai tuyên bố, càng nhấn mạnh việc giải phóng Ítraen, nhà vua càng cứng lòng trong quyết định giữ họ phục vụ mình - chủ đề Pharaô chai lì sẽ là điệp khúc phần tiếp theo. Sự kháng cự sẽ cho Adonai cơ hội tỏ mình ra bằng cách áp đặt quyền năng của Người lên Ai Cập và giải phóng con cái Ítraen (6,28-7,7). Mười lần, Adonai yêu cầu Pharaô để dân ra đi để phụng sự Người, để ghi danh mình trong lịch sử như người đã giải phóng nô lệ. Nhưng ông không ngừng từ chối. Vì vậy Adonai gửi các tai ương đến đất nước ông để cố bẻ gãy ông. Sông Nil biến thành máu; ếch nhái, muỗi, sâu bọ tràn ngập Ai Cập; gia súc bị dịch bệnh và dân chúng bị ghẻ lở; mưa đá tàn phá mùa màng và châu chấu ăn sạch phần còn lại; bóng tối bao trùm đất nước. Dưới áp lực, đôi khi vua có vẻ nhân nhượng, nhưng điều đó không bao giờ kéo dài và ông nuốt lời, ngoan cố từ chối để Ítraen ra đi. Môsê thông báo cho ông tai ương cuối cùng, quyết định. Vì với sự đồng lõa của dân mình, ông cứ ngoan cố tước đoạt tự do con đầu lòng của Adonai, con đầu lòng của họ sẽ chết trong một đêm. Họ sẽ van xin Ítraen rời khỏi đất nước. Ngay cả trước một đe dọa như vậy, Pharaô vẫn không nhượng bộ (7,8-11,10).

Nhưng dân Ítraen cũng phải đồng ý rời khỏi Ai Cập, họ là những người không còn muốn kế hoạch của Adonai nữa. Vì vậy Người lại sai Môsê và A-ha-ron đến mời gọi họ bày tỏ sự đồng ý với việc giải phóng bằng cách cử hành các nghi thức Vượt Qua: họ phải tỏ lòng tin vào ý muốn sự sống của Adonai bằng cách bôi máu lên khung cửa để được thoát khỏi cái chết sẽ giáng xuống người Ai Cập. Khi tai ương xảy ra, như đã báo trước, Pharaô van xin Môsê và A-ha-ron đưa Ítraen đi để họ phụng sự Thiên Chúa của họ và đừng trở lại nữa! Và tất cả Ítraen vội vã rời khỏi đất nước - một cuộc vượt qua phải ghi nhớ từ đời này sang đời khác. Nhưng trong khi dân đang tiến về tự do, Adonai yêu cầu Môsê đưa họ quay lại để dụ Pharaô. Ông hối tiếc đã để nô lệ trốn đi và thấy mình có thể đuổi kịp họ, liền háo hức đuổi theo với quân đội của mình. Hoảng sợ vì biển chặn đường rút lui, Ítraen hối tiếc về Ai Cập và muốn quay về với chủ cũ. Nhưng Adonai cho họ tiến vào giữa biển, dụ người Ai Cập vào đó và họ chết khi nước ập lại. Chứng kiến kỳ công vừa được hưởng, Ítraen hát mừng vinh quang Adonai, Đấng họ nhận biết là vua của họ (12,1-15,21).

Được dẫn đường trong sa mạc bởi cột mây chỉ lối, Ítraen phải đối mặt với khát và đói. Qua trung gian Môsê, Adonai làm trong sạch nước Mara rồi ban chim cút và bánh - manna hằng ngày -, biến những ân huệ thiết yếu thành bài học để dạy Ítraen về vâng phục và tin tưởng. Nhưng điều này thật khó khăn, như thấy trong cuộc khủng hoảng ở Ma-xa và Mơ-ri-va, khi dân thử thách Adonai bằng cách nghi ngờ Người hiện diện ban sự sống. Và khi bị một bộ tộc sa mạc tấn công, chính nhờ Môsê chuyển cầu mà Giosuê đánh bại được A-ma-lếch. Còn một nguy hiểm cuối cùng: những xáo trộn nội bộ. Ở đây, chính Giêtrô, sau khi nhìn nhận kỳ công của Adonai, sẽ giúp Môsê tìm ra giải pháp bằng cách thiết lập các thẩm phán để phân xử các tranh chấp (15,22-18,27).

 Giao ước (19,1 -24,11 )

Tiếp tục kế hoạch của mình (6,7: « Ta sẽ nhận các ngươi làm dân Ta và Ta sẽ là Thiên Chúa của các ngươi »), vẫn thông qua Môsê, Đức Chúa đưa ra một đề nghị với Ítraen dựa trên việc giải phóng Người đã ban cho họ: « Nếu các ngươi nghe tiếng Ta và giữ giao ước của Ta, các ngươi sẽ là sở hữu riêng của Ta giữa muôn dân; phải, cả trái đất thuộc về Ta, nhưng các ngươi, các ngươi sẽ là một vương quốc tư tế và một dân thánh cho Ta » (19,5-6). Người mời gọi Ítraen trở thành một dân được tuyển chọn, được tách riêng ra để làm trung gian giữa vua của họ là Đức Chúa, và các dân tộc trên trái đất. Một « thánh hóa » như vậy đòi hỏi họ phải dấn thân tự do mới mẻ của mình vào một giao ước với Đấng đã ban tặng cho họ. Khi Ítraen đã đồng ý, Đức Chúa đến gặp họ trong một đám mây giông trên ngọn núi đang cháy trong khi dân chúng đến gần trong sự tôn trọng giới hạn đã được đặt ra. Mỗi người một vị trí, thật vậy, giao ước không phải hòa trộn hay hấp thụ bên này vào bên kia. Hơn nữa, Đấng tự mặc khải vẫn không thể nắm bắt được. Chỉ có tiếng nói của Người được nghe thấy khi Người công bố Mười Lời. Trong sợ hãi, dân chúng yêu cầu Môsê làm người phát ngôn cho Elohim, như vậy xác nhận người Đức Chúa đã thiết lập làm ngôn sứ.

Mười Lời là trọng tâm của Lề Luật, là những đòi hỏi không thể thiếu của giao ước, ban cho nhóm người nô lệ cũ một địa vị quốc gia, như các dân tộc khác, phải tôn trọng một số quy tắc cơ bản: kính trọng cha mẹ; từ chối giết người, ngoại tình, trộm cắp, làm chứng gian; đề phòng lòng tham làm hư hỏng các mối quan hệ xã hội (20,12-17). Nhưng trước hết và trên hết, những lời này tách biệt Ítraen như một quốc gia gắn kết với Đức Chúa: không có Elohim nào khác ngoài Người, cũng không có hình ảnh nào về Người - tóm lại, không có việc thờ phượng nào ngoài việc thờ phượng Đấng Giải Phóng khỏi bóng tối, Đấng có Danh đáng được tôn trọng nhất, Đấng Tạo Hóa thế giới, Đấng yêu cầu người ta theo nhịp điệu Người bằng cách dừng lại vào ngày thứ bảy - dấu hiệu sự chấp nhận thiếu thốn, điều kiện mọi giao ước (20,2-11). Những lời này, Đức Chúa sau đó giải thích cho dân chúng qua một tập hợp các giới luật (tôn giáo, phụng vụ và đặc biệt là xã hội) được điểm xuyết bằng lời chúc lành cho những ai tuân giữ chúng (20,22-23,33). Tập hợp luật lệ (được gọi « bộ luật giao ước ») phát triển và cụ thể hóa những gì đã được tóm tắt trong Mười Điều Răn.

Khi các điều kiện cam kết của Ítraen đã được làm rõ, còn lại việc ấn định giao ước bằng các nghi thức: dân đồng ý sau khi công bố các điều khoản, việc ghi chép những điều khoản và tuyên bố tuân thủ mới, các lễ tế được dâng cho đối tác thần linh và việc rảy máu kép trên dân chúng và trên bàn thờ tượng trưng cho Đức Chúa hiện diện. Nghi thức biểu thị cùng một sự sống giờ đây kết hợp các đối tác, là nghi thức tấn phong các tư tế có nghĩa việc tách riêng dân chúng cho một phục vụ tư tế, như đã được công bố ngay từ đầu trong lời đề nghị giao ước. Cuối cùng, sau khi leo lên núi theo lời Đức Chúa mời, các đại diện của dân được phép đến trước sự hiện diện của Người và "thấy" Đấng giờ đây là "Elohim của Ítraen" trong một chiêm ngưỡng rạng ngời, dấu chỉ giao ước đã hoàn thành (24,1-11).

Nơi cư ngụ cho Đức Chúa (24,12-40,38)

Phần cuối cùng của sách này là phần dài nhất và có cấu trúc đặc biệt. Thật vậy, các chỉ thị Đức Chúa truyền cho Môsê về việc xây dựng đền thánh (25-31) được thực hiện từng chữ một (35,1-39,32), dẫn đến nhiều sự lặp lại khiến câu chuyện trở nên đơn điệu và mang tính mô tả cao. Đó là vì cần phải cho thấy, đối với « nơi cư ngụ lều hội ngộ, [...] con cái Ítraen đã làm theo tất cả những gì Đức Chúa đã truyền cho Môsê » (39,32), thực hiện kế hoạch đã được chỉ định chính xác cho người trung gian về đền thánh và các vật dụng (25,8). Câu chuyện Môsê tiếp nhận công việc các thợ thủ công sẽ còn nhấn mạnh, khi ông nhận thấy họ « đã làm theo tất cả những gì Đức Chúa đã truyền » (39,33-43). Sau đó, sau khi nhận được chỉ thị về việc lắp ráp nơi cư ngụ (40,1-15), Môsê thực hiện từng điểm một, câu chuyện nhấn mạnh bảy lần mọi thứ được thiết lập « theo như Đức Chúa đã truyền cho Môsê » (40,16-33).

Cấu trúc bao quanh các chương này gợi ý nghĩa cốt yếu nơi cư ngụ. Khi giao ước đã được ấn định dứt khoát, Môsê được gọi lên núi để nhận hiến chương được viết trên hai bia đá. Khi đó núi được bao phủ bởi đám mây, nơi vinh quang Đức Chúa xuất hiện trước dân như một ngọn lửa thiêu đốt (24,12-18). Khi việc dựng lều hoàn thành, cũng chính đám mây đến bao phủ trong khi vinh quang Thiên chúa chiếm hữu, điều này cũng được thể hiện qua ngọn lửa nhà Ítraen nhìn thấy vào ban đêm (40,34-38). Như vậy, đền thánh là hình ảnh ngọn núi nơi Đức Chúa đã xuất hiện để đề xuất rồi kết thúc giao ước, một kiểu Sinai di động sẽ đồng hành với dân, sự hiện diện thường xuyên của vị thần không ai sánh bằng mà họ đã gắn kết với. Hơn nữa, toàn bộ công trình - các vật dụng nghi lễ khác, đền tạm chứa hòm bia, nơi thánh và sân - phát triển xung quanh một trung tâm: chiếc hòm chứa hiến chương (« hòm bia giao ước ») nơi Đức Chúa sẽ gặp Môsê để truyền đạt những lời dành cho con cái Ítraen (25,10-22). Được mặc áo dài và được thánh hiến long trọng, các tư tế sẽ dâng lễ tế và hương để tôn vinh Đấng sẽ ngự nơi đó để dân biết Người là Thiên Chúa của họ, Đấng Giải Phóng luôn ở giữa họ (29,45-46).

Bối cảnh lịch sử

Sách Xuất Hành như ta đọc ngày nay là kết quả một quá trình biên soạn lâu dài, có lẽ chủ yếu hoàn thành trong thời kỳ Ba Tư (538-333 trước Công nguyên). Ba nhóm truyền thống, đôi khi rất cổ xưa, ban đầu được truyền tải riêng biệt trước khi được hợp nhất: cuộc xuất hành khỏi Ai Cập (1-15), thời gian trong sa mạc (16-18, phát triển chủ yếu trong sách Dân Số), và các sự kiện tại Sinai (19-40, với phần mở rộng trong sách Lêvi và Dân Số 1-10). Một bản biên soạn liên tục đầu tiên có lẽ gắn liền với hoạt động của các tư tế, họ đã tiếp nhận và mở rộng tài liệu hiện có, từ thời lưu đày (587-538 trước Công nguyên) soạn thành một tường thuật mạch lạc trong đó câu chuyện và luật lệ được đan xen chặt chẽ. Chính công việc này đã tạo ra đặc biệt là các chương dài về đền thánh. Các yếu tố khác đa dạng hơn và khó xác định hơn. Một số có thể là cổ xưa: bên cạnh các yếu tố tường thuật có lẽ đến từ một tiểu sử của Môsê khó xác định niên đại, « bộ luật giao ước » (20,22-23,19) có thể được truy nguyên đến cuối thế kỷ VIII. Các yếu tố khác có thể được gắn với các nhóm Đệ nhị luật, thể hiện qua quan niệm mang tính đạo đức hơn về luật. Bản thân cuốn sách ngày nay được xem là kết quả thỏa hiệp giữa hai trào lưu Do Thái giáo thời kỳ Ba Tư: trào lưu tư tế và trào lưu Đệ nhị luật.

Còn về các sự kiện lịch sử nằm dưới câu chuyện của sách này thì sao? Nếu « bộ luật giao ước » phản ánh tình trạng xã hội Ítraen vào cuối thời kỳ quân chủ, thì quan niệm về giao ước đã được dùng để định hình câu chuyện về các sự kiện tại Sinai có lẽ cũng bắt nguồn từ thời kỳ này, khi đất nước nằm dưới sự kiểm soát của quyền lực người Átsua. Nhưng còn tính lịch sử cuộc xuất hành khỏi Ai Cập thì sao? Herbert Marks cho rằng một cách hợp lý những người nghĩ đây chỉ là chuyện bịa đặt thuần túy phải giải thích tất cả những truyền thống này đến từ đâu, và đặc biệt làm thế nào một dân tộc có thể tưởng tượng ra một quá khứ anh hùng ca trong đó họ bị biến thành nô lệ đến mức trở thành đồng phạm những kẻ nô dịch họ. Đa số các nhà chú giải cho rằng ở cơ sở các câu chuyện là những ký ức về các sự kiện cổ xưa được lưu giữ lâu dài trong ký ức dân gian trước khi được xây dựng thành tường thuật và thần học. Chắc chắn, không có dấu vết nào của câu chuyện này còn sót lại trong các tài liệu Ai Cập, « nhưng những gì người ta biết về Ai Cập giữa thế kỷ XVI và XI trước Công nguyên cho thấy một khung cảnh phù hợp với việc một nhóm người Xê Mít chạy trốn về hướng Palestine » . Nhiều sự kiện khác nhau đã được đề cập đến, đặc biệt việc trục xuất người Hyksos (Hyksos chỉ tất cả các dân tộc có nguồn gốc Tây Xê Mít đã thâm nhập vào vùng Delta phía đông sông Nil, và đã cai trị một phần Ai Cập từ khoảng năm 1650 đến 1550 trước Công nguyên) vào giữa thế kỷ XVI trước Công nguyên và triều đại Ramses II vào thế kỷ XIII. Tuy nhiên, nếu có các sự kiện lịch sử làm nền tảng cho cuốn sách, thì chính sự xây dựng thần học câu chuyện là kết quả đã định hình sâu sắc đức tin Ítraen rồi của các Giáo hội Kitô giáo. Chính điều này vẫn còn được đề xuất cho độc giả ngày nay chú ý.

Các thuật ngữ chủ chốt

Él, Élohim

Él là từ chỉ phạm vi thần linh, thần tính. Số nhiều « Élohim » thường được dùng để chỉ Thiên Chúa; từ này nhấn mạnh Thiên Chúa vĩ đại, sự viên mãn của Người.

YHWH

Trong sách Xuất Hành, Thiên Chúa mặc khải danh xưng riêng của Người cho Môsê. Vì tôn kính, truyền thống Do Thái không đọc danh xưng này. Họ giữ lại bốn phụ âm Thiên Chúa (YHWH) nhưng khi đọc thay thế bằng từ "Adonai".

Adonai

Từ "Chúa" dịch từ tiếng Do Thái Adon. Ban đầu, danh xưng chỉ bất kỳ chủ sở hữu nào. Adon sẽ được dùng để thay thế danh xưng Thiên chúa không được đọc ra. Người ta sẽ nói "Adonai" hay "Chúa của con".

Phỏng dịch theo André Wénin

giáo sư Cựu Ước tại đại học Công giáo Louvain

Báo Dân Chúa online khác