HỎI: Thưa cha, con thấy người Do thái thường dùng biểu tượng chân đèn 7 ngọn, nhưng đôi khi cũng có chân đèn 9 ngọn. Sự khác biệt như thế có ý nghĩa gì?
Một tín hữu
ĐÁP: Chân đèn (hay trụ đèn) bạn nói ở đây, trong tiếng Do thái là Menorah, là một biểu tượng tôn giáo thuộc hàng kỳ cựu nhất của Do thái giáo, và cũng được dùng trong huy hiệu của Quốc gia Israel ngày nay.
Nguyên thủy là chân đèn được đốt bằng dầu ôliu trong Đền thờ Jerusalem và là một vật thánh thiêng, quan trọng. Việc chế tạo chân đèn này được mô tả trong sách Xuất hành: "Ngươi hãy làm một chân đèn (Menorah) bằng vàng gò; đài hoa, nụ hoa và cánh hoa gắn liền với trụ đèn, tất cả được rèn từ một miếng vàng duy nhát” (Xh 25,31).
Chân đèn 7 nhánh tượng trưng 7 ngày trong công trình sáng tạo và ngày thứ 7, sabat, ở trung tâm, và cũng tượng trưng 7 hành tinh.
Ngoài ra có chân đèn 9 nhánh, gọi là Hanukkha (hay là Chanukkiyah), 4 nhánh mỗi bên nhánh ở giữa, mỗi nhánh ở hai bên được đốt lên mỗi buổi tối, trong dịp lễ Hanukkhah kéo dài 8 ngày. Lễ này kỷ niệm lễ thánh hiến bàn thờ mới trong Đền thờ Jerusalem sau sau giải phóng thành này khỏi người Hy lạp.
Ý nghĩa
Các chân đèn (menorah) mang nhiều ý nghĩa biểu tượng khác nhau trong Do Thái giáo. Một số sách cho rằng, menorah 7 ngọn là biểu tượng đẹp trong đời sống tinh thần của một tín hữu vì nó được thắp sáng bởi ngọn lửa trong 7 linh hồn của Thiên Chúa. Số 7 biểu tượng sự hoàn hảo hay sự viên mãn của Chúa. Menorah 7 nến đại diện cho Chúa và 7 ơn của Ngài, bao gồm sự khôn ngoan, hiểu biết, tư vấn, năng lực, kiến thức, biết kính sợ Chúa và niềm vui trong Chúa.
Các sử gia Do Thái cho rằng, 7 nhánh của menorah đại diện cho 7 hành tinh cổ điển theo thứ tự, bao gồm Mặt trăng, sao Thủy, sao Kim, Mặt trời, sao Hỏa, sao Mộc và sao Thổ.
Các Menorah cũng tượng trưng cho sự sáng tạo thế giới trong 7 ngày của Thiên Chúa, vơi ánh sáng trung tâm đại diện cho ngày Shabbat - ngày thứ 7 để nghỉ ngơi.
Menorah cũng được coi là tượng trưng cho bụi gai cháy theo cách nhìn của ông Môsê trên núi Horeb.