Chúa Nhật Lễ Lá năm C
Bài Ðọc I: Trích sách Tiên tri Isaia (Is 50, 4-7).
Chúa đã ban cho tôi miệng lưỡi đã được huấn luyện, để tôi biết dùng lời nói nâng đỡ kẻ nhọc nhằn. Mỗi sáng Người đánh thức tôi, Người thức tỉnh tai tôi, để nghe lời Người giáo huấn. Thiên Chúa đã mở tai tôi, mà tôi không cưỡng lại và cũng chẳng thối lui. Tôi đã đưa lưng cho kẻ đánh tôi, đã đưa má cho kẻ giật râu; tôi đã không che giấu mặt mũi, tránh những lời nhạo cười và những người phỉ nhổ tôi. Vì Chúa nâng đỡ tôi, nên tôi không phải hổ thẹn; nên tôi trơ mặt chai như đá, tôi biết tôi sẽ không phải hổ thẹn.
Bài đọc II: Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Philipphê (Pl 2, 6-11).
Chúa Giêsu Kitô, tuy là thân phận Thiên Chúa, đã không nghĩ phải giành cho được ngang hàng với Thiên Chúa; trái lại, Người huỷ bỏ chính mình mà nhận lấy thân phận tôi đòi, đã trở nên giống như loài người, với cách thức bề ngoài như một người phàm. Người đã tự hạ mình mà vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá. Vì thế, Thiên Chúa đã tôn vinh Người, và ban cho Người một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu, để khi nghe tên Giêsu, mọi loài trên trời dưới đất và trong địa ngục phải quỳ gối xuống, và mọi miệng lưỡi phải tuyên xưng Ðức Giêsu Kitô là Chúa để Thiên Chúa Cha được vinh quang.
Bài Thương Khó: Lc 22, 14 – 23. 56
Vài ý chính về bài Thương Khó Luca 22,14-23.56
Nhấn mạnh về Cuộc Khổ nạn và nơi diễn ra: Jerusalem
Phúc âm Luca thường ám chỉ đến sách tiên tri Isaia, đặc biệt "những bài ca về Người Tôi tớ" (xem bài đọc 1). Chúa Giêsu sẽ nói với các môn đệ ở Emmaus, khi giải thích Kinh Thánh cho họ: "Đấng Kitô chẳng phải chịu đau khổ như thế rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?" Luca nhấn mạnh đến đau khổ cứu độ, đã được các tiên tri báo trước, họ đã linh cảm tương xứng với tội lỗi, công trình cứu độ sẽ thử thách nặng nề Đấng Cứu chuộc đã được mong đợi. Theo nghĩa này, Luca nhấn mạnh việc Chúa Giêsu lên Giêrusalem, nơi diễn ra cuộc Khổ nạn của Người. Câu chuyện về những cám dỗ của Người kết thúc tại nơi ma quỷ dẫn Chúa Giêsu lên nóc Đền thờ, để gợi ý Người tự cứu mình như Con Thiên Chúa - điều này sẽ trở thành những lời chế nhạo chống lại Đấng bị đóng đinh - trong khi Chúa Giêsu, như người Con vâng phục, không tránh né thử thách đang chờ đợi Người: "Một ngôn sứ không thể chết ở đâu ngoài thành Giêrusalem" [Lc 13, 13). Và Luca kết luận: "Sau khi đã dùng mọi cách cám dỗ, ma quỷ bỏ Người mà đi, chờ đến thời cơ", hiểu là: cuộc Khổ nạn của Người. Trước ngưỡng cửa đó, Chúa Giêsu nói với Phêrô, theo Luca: "Này Satan đã xin được sàng các con như sàng gạo..." Trong cuộc Khổ nạn, Chúa Giêsu xót thương gặp gỡ những tội nhân là nạn nhân của Quỷ dữ.
Chúa Giêsu trên Thập giá
Cuộc Khổ nạn theo Luca có riêng ba đoạn: [1) những câu về thử thách sắp đến [22, 35-38), nơi Chúa Giêsu nói: "Điều đã chép về Thầy phải được ứng nghiệm: 'Người đã bị liệt vào hàng phạm pháp'" (trích dẫn Is 53, 12, từ bài ca thứ tư về Người Tôi tớ); [2) Chúa Giêsu trước mặt Hêrôđê rồi bị đưa trở lại cho Philatô (23, 4-16); và (3) câu chuyện về "người trộm lành". Chúa Giêsu trên Thập giá nói ba lần, theo Luca: hai lần với Cha Người, lúc đầu và lúc cuối: để cầu xin tha thứ cho những kẻ hành hình Người, để phó thác thần khí Người; và, giữa hai lời đó, để tuyên bố với người trộm lành: "Hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng". Câu chuyện của Luca do đó nhấn mạnh ý nghĩa cứu chuộc cái chết được dâng hiến dưới ánh mắt của Cha đầy lòng thương xót (Lc 6, 36).
Philippe Wargnies S.J
Giáo sư Kinh Thánh tại IET (Brussels)
Bài giảng: Tỉnh thức và cầu nguyện
Với việc lắng nghe câu chuyện về Cuộc Khổ nạn này, chúng ta đã bước vào tuần lễ trọng đại đưa chúng ta trở lại trọng tâm đức tin Kitô giáo. Vào thời điểm bắt đầu những sự kiện mà chúng ta vừa nghe một phần câu chuyện, Chúa Giêsu khuyến khích các môn đệ tỉnh thức và cầu nguyện.
Tỉnh thức, như bạn biết, được thực hiện vào ban đêm. Một phản kháng đối với màn đêm; một chứng nhận rằng nó sẽ dẫn đến điều ngược lại, là ban ngày; đó là phá vỡ sự giam cầm của đêm tối. Đó có lẽ là cuộc chiến lớn ngày nay, một cuộc chiến tinh thần: phá vỡ những giam cầm, dù là tôn giáo, kinh tế, văn hóa, chính trị, gia đình hay những thứ khác... Tỉnh thức không đơn giản duy trì niềm tin và truyền thống, nhưng để cho hành động đức tin Chúa Giêsu đã khởi xướng trỗi dậy trong chúng ta. Tỉnh thức không phải lặp lại những chân lý và những giá trị lớn - điều đó không đủ. Đó là thực hiện sự thật những chân lý, tập trung vào Tin Mừng ánh sáng đang chiếu soi trong trái tim mỗi con người, cũng như trong mọi nền văn hóa, mặc dù đôi khi bị màn đêm bao phủ, nhưng không bao giờ hoàn toàn bị che khuất.
Chúa Giêsu thiết lập mối liên hệ mật thiết giữa việc tỉnh thức và cầu nguyện. Chính trong cầu nguyện mà chúng ta tỉnh thức. Điều cho thấy cầu nguyện không phải là "mê tín": trong đó chúng ta trở về với nguồn cội, tình yêu làm cho chúng ta trở thành chính mình, cuối cùng, bất chấp tất cả. Sự tái sinh, buổi sáng Phục sinh...!
Mong Tuần Thánh của bạn là tuần tỉnh thức và cầu nguyện!
Luc Lysy
Theo Feu Nouveau 65/3