Chủ Nhật, 01 Tháng Mười, 2023

(9) Chương ba : Vương quốc miền Bắc (930-722)

Chương ba : Vương quốc miền Bắc (930-722)

Hai thủ đô đối nghịch Giê-ru-sa-lem và Sa-ma-rie chỉ xa cách nhau khoảng chừng 50 cây số. Về nhiều phương diện vương quốc miền bắc Ít-ra-en rất khác với vương quốc "anh em địch thù" miền Nam Giu-đa.

I. Một cái nhìn tổng quát về vương quốc miền bắc.

1. Vị trí địa dư.

Một cái nhìn lên bản đồ nói nhiều hơn một bài diễn văn dài. Giê-ru-sa-lem tọa lạc trên đồi núi, gần sa mạc Giu-đa. Đất sỏi chỉ trồng được một ít ngũ cốc, có thể trồng nho, trồng cây dầu vằ chăn nuôi cừu. Cả vương quốc không có cửa ra biển, - đồng bằng phì nhiêu Shê-phê-la lại bị người Phi-lít-tin chiếm cứ-, chỉ còn quay mặt về thung lũng sông Gio-đan và Biển Chết thôi.

Vương quốc miền Bắc trái lại, chiếm các đồi núi Sa-ma-rie đã vậy, chiếm các thung lũng xanh và đồng bằng trù phú của Sa-ron và Yz-rê-el. Việc di chuyển thủ đô nói lên sự tiến bộ đó : Giê-rô-bô-am, vua đầu tiên đặt thủ đô ở Tir-ça, hướng về sông Gio-đan. Vua Om-ri kế vị, mua đồi Sa-ma-rie và đặt thủ đô tại đó : Bây giờ hướng về mặt biển và việc buôn bán nên dễ dàng với các nước Ca-na-an phía bắc (Li-ban và Sy-rie ngày nay). Điều này giúp ta hiểu một phần hoàn cảnh kinh tế và tôn giáo.

2. Hoàn cảnh kinh tế.

Phải đọc sách ngôn sứ A-mốt ( chương 3,12; 5,11; 6,4) mô tả các dinh thự Sa-ma-rie, tường lát xà cừ, trang trí ngà voi, mới biết được dân xứ giàu có đến mức nào, nhưng với những bất công kéo theo. Những cuộc đào đất khảo cổ tại Tir-ça, thủ đô cũ, cho biết bên cạnh những dinh thự vững chải, được cách nhau một bức tường chi chít những hang ổ chuột, những nhà nghèo.

3. Hoàn cảnh tôn giáo.

Hơn Giu-đa, Ít-ra-en sống chung đụng với người Ca-na-an cư ngụ trên lãnh thổ của họ, cũng như với các lãnh chúa dân Tyr, dân Si-đon và Da-mas. Chúng ta sẽ xác định vái nét về tôn giáo của các dân này. Tôn giáo này hấp dẫn cho những nông dân vì nó nhắm vào sự tôn thờ sức mạnh thần linh thiên nhiên, thần Ba-al và thần As-tar-tê là những thần làm cho đất đai màu mở, những đàn vật và con người được sinh sôi nảy nở. Ít-ra-en muốn bắt cá hai tay, đi khập khiểng hai chân như ngôn sứ Ê-lia nói : vừa thờ Gia-vê vừa phục lụy Ba-al.

Để ngăn cản dân đi lên đền thờ Giê-ru-sa-lem, vua Giê-rô-bô-am cho dựng đài hai con bò tót (các Ngôn sứ sẽ nhạo là hai con bê) ở tuyến đầu vương quốc, giữa Dan và Beth-en (1Vua 12,26..). Những con bò tót thực sự phải được dùng để làm bệ chân cho Gia-vê Thiên Chúa thật đứng thôi. Đây là nơi Thiên Chúa ngự đến như dân Do thái đã làm với hòm bia giao ước ở Giê-ru-sa-lem. Nhưng vì bò tót biểu hiện thần Baal nên cơ nguy ngẫu tượng thật lớn lao.

4. Hoàn cảnh chính trị.

Chế độ quân chủ phục hồi thời Đa-vít – Sa-lô-môn tiếp tục ở Ít-ra-en. Nhưng ở đây các vua không còn những người kế vị hợp pháp của nhà Đa-vít : 8 trên 19 bị ám sát và các triều đại nối tiếp nhau. Vua không còn là con vua Đa-vít nữa, thì không thể làm con Thiên Chúa được. Chính Thiên Chúa phàn nàn : "Họ đã dựng nên những vua không cần đến Ta" (Hô-sê 8,4). Vì thế, vua không là hình ảnh thống nhất của dân, không đại diện cho dân trước Thiên Chúa như tại Giu-đa. Tại Ít-ra-en, đại diện dân là vị Ngôn sứ giữ vai trò đó, thường chống đối vua. Dầu sao các vua tại đây không hay cũng không dỡ hơn các vua ở Giu-đa và một số trong đó là những vị vua lớn.

5. Chính trị quốc tế.

Ít-ra-en thấy mình bị gắn chặt chẽ vào chính trị thời bấy giờ. Ai Cập đang suy yếu, As-sy-rie mạnh sẽ nhiều lần tấn công Ca-na-an. Miền bắc Ít-ra-en có vương quốc nhỏ người A-ra-mê ở Da-mas đang vươn lên. Thuộc gốc Sê-mít và có uy thế, họ gần với Ít-ra-en và Giu-đa, và lần lượt lúc thì đồng minh lúc thì đối thủ. Một sử liệu As-sy-rie cho biết, năm 853, As-sy-rie phải đối đầu với liên minh các vương quốc A-ra-mê trong đó A-kháp, vua Ít-ra-en có tới 200 chiến xa và 10.000 quân lính.

Cả Ít-ra-en và Giu-đa đã đạt tới đỉnh thế lực vào năm 750. As-sy-rie muốn đưa đế quốc của mình kéo dài ra tới phía Địa Trung Hải, nhưng cản trở đầu tiên là Da-mas. Cái may cho Ít-ra-en và Giu-đa là Da-mas bị hãm hại thì không hại được ai, lại còn trở nên tiền đồn chống As-sy-rie ! Không cần chính trị cao cũng biết rằng tình trạng đó không thể kéo dài được mãi. Nhưng lúc này đây, Ít-ra-en và Giu-đa được cai trị bởi những vị vua tài giỏi trong vòng khoảng bốn mươi năm. Cả hai vương quốc đều lợi dụng hoàn cảnh nên cả hai đều được thái bình thịnh vượng. Hai ngôn sứ Hô-sê và A-mốt dạy trong thời kỳ này. Nhưng năm 732, As-sy-rie chiếm Da-mas và năm 722 chiếm Sa-ma-rie. Một số nhân dân bị đi đày bên As-sy-rie và bị đồng hóa. Chúng ta mất dấu tích của ho, và là tận số nhà Ít-ra-en.

6. Những người Sa-ma-rie sau năm 722.

Dân trong xứ không phải tất cả bị lưu đày, còn một số ít ở lại Sa-ma-rie. As-sy-rie đưa sang đó nhiều kiều dân đến từ các tỉnh thuộc địa của đế quốc, những người này mang theo những truyền thống về những thần của họ. Đây là gốc tích một dân mới, có giòng máu pha trộn, vừa thờ Gia-vê Đức Chúa của Ít-ra-en vừa thờ các ngẫu tượng (xem trình thuật dí dỏm và tư vị sách 2Vua 17,24-41). Chúng ta sẽ thấy những xáo trộn và xung đột giữa những người Sa-ma-rie với nhiều Do Thái lưu đày trở về từ Ba-by-lone. Chúng ta hiểu tại sao người Do thái và người Sa-ma-rie thời Chúa Giêsu không nhìn mặt nhau.

7. Hoạt động văn chương.

Những truyền tụng về ngôn sứ Ê-lia (xem sách 1vua 17-19; 21; 2vua 1-2) được biên soạn từ hồi thế kỷ thứ 9 và vào khoảng năm 750 là những tích truyện về ngôn sứ Ê-li-sa (2Vua 3-9) cũng như những trang sử đẹp như trình thuật cách mạng của ông Giê-hu (xem 2Vua 9-10). Những sấm ngôn của ngôn sứ A-mốt và Hô-sê cũng được viết thành văn. Cuối cùng cũng được hoàn thành một số luật dựa theo luật cũ nhưng áp dụng vào hoàn cảnh xã hội mới. Những luật này bị ảnh hưởng bởi những sứ điệp các ngôn sứ nhất là ngôn sứ Hô-sê. Tất cả luật trên sau này trở thành cốt lõi sách Đệ Nhị Luật.

II. Các ngôn sứ vương quốc miền Bắc

Trong vương quốc này, Ngôn sứ bảo lãnh lòng tin chứ không phải vua.

1. Ê-lia.

Cũng như Na-than tại Giê-ru-sa-lem, ngôn sứ Ê-lia không có viết sách nào. Tuy vậy, ông và ông Mô-sê là hai vĩ nhân trong Cựu ước. Trong Tân ước, đặc biệt Lu-ca sẽ trình thuật Đức Giêsu như một Ê-lia mới.

Ê-lia là tắt của chữ Híp-ri Eli-Yahu = Thiên Chúa của tôi  là Gia-vê. Tên ông là một chương trình. Ông sinh ra thế kỷ thứ 9 thời vua A-Kháp. Vua này cưới nàng Giê-za-bel con vua xứ Tyr. Cuộc tình duyên đem lại thịnh vượng cho Ít-ra-en. Nhưng nàng công chúa rước cả thần Ba-al của nàng về. Và dân thờ Gia-vê và lạy cả Ba-al... Ê-lia đã chọn lựa.

Chúng ta đọc vài chương sau trong sách : 1Vua 17-19; 21; 2Vua 1-2. Thử nêu vài nét chính như sau :

con người đứng trước Thiên Chúa: Thành ngữ "Thiên Chúa tôi thờ" hay "trước mặt Người tôi đang đứng" được lập đi lập lại nhiều lần. Ê-lia đã chọn lựa không ngần ngại và ông muốn người dân cũng phải chọn lựa như vậy.

được Thần Khí mang đi. Hãy để ý câu trả lời đầy ý nhị của ông O-vad-ya-hou trong sách 1Vua 18,12. Sức mạnh tâm hồn và tự do nội tâm của Ê-lia là ở đó.

lòng tin không chia sẻ. Trong dịp tế lễ trên núi Car-mel (1Vua 18), ông bắt dân phải chọn giữa Thiên Chúa hằng sống, ngôi vị, can thiệp vào lịch sử và các thần thiên nhiên của Ba-al. Cũng như chúng ta, Ê-lia tin mà không thấy : vì Thiên Chúa đòi ông như vậy, ông báo sẽ có mưa... nhưng ông chẳng thấy gì cả (1Vua 18,41 tt).

Sống thân tình với Thiên Chúa. Thị kiến của ông (1Vua 19) cùng với thị kiến của Mô-sê (Xuất hành 33,18 tt) sẽ mãi mãi là mẫu gương đời sống thần bí. Đó là cái tối đa con người được phép trông thấy. Nhưng Ê-lia vẫn là người như ta, ngã lòng, lo sợ (19,1 tt). Câu 19,12 cần phải dịch như sau : "Có tiếng thì thào êm nhẹ". Thiên Chúa không ở trong sức mạnh thiên nhiên thần thánh hóa. Thiên Chúa nhiệm mầu nhưng ta có thể linh cảm được Người hiện diện trong thinh lặng và trống không : Người là Thiên Chúa ẩn kín. Khi cầu nguyện ông cũng như Mô-sê không dạt dào tình cảm thần bí : ông nói với Thiên Chúa về sứ vụ của mình.

bênh vực người nghèo. Trước mặt vua chúa quan quyền, ông bênh vực người nghèo (1Vua 21).

tinh thần đại kết. Vì ông tin vào Thiên Chúa và để cho Thần Trí hướng dẫn, nên ông rất tự do đi lại với dân ngoại cách thoải mái (1Vua 17), nhưng với một bà ngoại đạo nào đó, ông đòi phải tin vô điều kiện (17,13).

các tích truyện Ê-lia (2Vua 1). Những câu truyện bình dân, kiểu ông Ê-li-sa đẩy ông đến tư thế một pháp quan khiến lửa trời xuống thiêu hủy tội nhân.

Ê-lia được đưa lên trời (2Vua 2). Vì không khám phá ra mồ ông ở đâu, nên thiên hạ cho là ông đã được đưa lên trời ! Thánh sử Lu-ca dựa vào câu chuyện này, để viết trình thuật Chúa thăng thiên (Công vụ tông đồ 1,6-11) : Bởi vì thấy ông Ê-lia lên trời, nên ông Ê-li-sa nhận được tinh thần của thầy mình để tiếp tục sứ mạng. Sau này các tông đồ cũng thế được chứng kiến việc Chúa lên trời, nên đã nhận lãnh Thần Trí Đức Giêsu.

Đức Giêsu, một Ê-lia mới theo Thánh Lu-ca. Đọc những trang Tin Mừng do Thánh Lu-ca viết, chúng ta có thể liên tưởng rõ ràng đến chuyện Ê-lia như : Bài giảng ở hội đường Na-gia-rét (4,26), hồi sinh cho một thanh niên ở Na-im (7,1215), chửa bệnh cho đứa bé (9,42). Chúa lên thành Giê-ru-sa-lem (9,51.54.57.61.62). Chúa hấp hối tại vườn Cây Dầu có thiên thần đến an ủi (22,43.45). Chúng ta cũng nhận xét thấy Lu-ca bỏ lời Đức Giêsu nhận Gioan tẩy gỉa là Ê-lia (Mát-thêu 11,14; 17,11-13).

Chúng ta nhận ra những nét nổi bật nơi Ê-lia vẽ lên chân dung Đức Giêsu theo Lu-ca : Tương quan với Đức Chúa Cha thường được diễn tả và việc cầu nguyện luôn; sống thoải mái dưới sự thúc đẩy của Thánh thần; tinh thần đại kết và tình thương dành cho người nghèo, người tội lỗi, người bị khinh rẻ, các phụ nữ; tính nghiêm khắc đòi các môn đệ tin vô điều kiện. Cũng như Ê-lia, Đức Giêsu là người chỉ có mục đích : đi lên tới nơi để được bốc lên : vừa là đưa lên thập giá, vừa là đưa lên vinh hiển Đức Chúa Cha.

2. A-mốt. Thực thi chương trình.

Là người chăn chiên xứ Tê-quô-a gần Bê-lem. A-mốt được Thiên Chúa sai lên miền bắc, thời hoàng kim của vương quốc Sa-ma-rie, dưới triều vua Giê-rô-bô-am II. Ông giảng thuyết bình dân với tiếng lóng, xúc động trước cảnh xa xỉ của những ngôi nhà và nhất là bất công của những kẻ giàu : xem chương 3,13-4,3 (xa xỉ); 2,6-16; 8,4-8 (bất công xã hội).

Ông là ngôn sứ. Hai lần ông nói về ơn gọi của mình : 7,10-17 ông kể truyện đó ra; nơi 3,3-8 ông cho nó một ý nghĩa. Ngôn sứ là người được đưa vào trong kế hoạch của Thiên Chúa, và từ nay chỉ nhìn mọi sự dưới ánh sáng đó, và cố gắng nhận ra kế hoạch đó trong đời sống và trong các biến cố.

Học thuyết xã hội của ông dựa trên giao ước. Giao ước đây không là bảo hiểm để ta sống bừa bãi nhưng là một trách nhiệm : chỉ có các ngươi được Ta biết đến  và Gia-vê phán như vậy, vì thế Ta sẽ trừng trị các ngươi vì mọi tội các ngươi đã phạm (3,1-2).

Nếu Gia-vê sửa phạt là để hối cải. Ông tiên báo một số nhỏ "tồn tại". Một số được cứu khỏi tai ương (3,12) và như thế vẫn còn hy vọng (8,11-12; 9,11-15).

Thiên Chúa của ông không là một quốc Thần : không chỉ lo lắng cho dân nước mình, nhưng cho muôn dân muôn nước (1,3 & 2,3 nhiều lời sấm hay đẹp). Ngài là Đấng Hóa Công : ông dẫn chứng một bài thơ, cảm hứng theo thi ca người xứ Ca-na-an (xem 4,13 ; 5,8-9 ; 9,5-6).

3. Hô-sê :  yêu thương tha thiết.

Người xứ bắc, Hô-sê giảng đồng thời với A-mốt. Chính qua câu chuyện cá nhân ông nhận ra tình âu yếm của Thiên Chúa. Ông yêu vợ tha thiết, dù bị vợ phản bội ông vẫn thương yêu, nhờ đó ông đem lại cho vợ một quả tim thời thanh xuân. Chính Thiên Chúa cũng thương yêu ta như vậy : không phải vì chúng ta tốt, nhưng để chúng ta nên tốt (1-3). Thiên Chúa yêu thương chúng ta như chồng thương yêu vợ mình. Chủ đề này được lấy đi lấy lại nhiều lần trong Thánh Kinh, và như thế tin có một nghĩa mới : Luật núi Si-nai được coi như một khế ước tình yêu, một giao ước hôn nhân, và phạm tội như ngoại tình, đĩ điếm, là một lỗi chống lại tình yêu. Hô-sê làm một bảng kê khai tội trạng của dân : thất tín, thất trung, anh em như kẻ thù, không hiểu biết gì về lòng yêu mến Thiên Chúa.

Bài viết khác

Kinh Lạy Nữ Vương

Kinh Lạy Nữ Vương

02/09/2024

Thưa cha, tại sao trong kinh Lạy Nữ Vương Mẹ nhân lành... mà lúc thì gọi Mẹ Maria là Mẹ, lúc thì gọi là Bà? Có ý nghĩa gì và tại sao?

Cá mắm xứ Huế

Cá mắm xứ Huế

09/02/2024

Viết về Cá và Mắm xứ Huế, tôi dựa vào ít ỏi vài tài liệu trong tay tuy không đầy đủ nhưng tôi hy vọng nêu lên phần nào một trong những nét đặc trưng ẩm thực của người dân Huế.

Art