Thứ Ba, 12 Tháng Sáu, 2012

Người ném đá

Họ họp nhau tại nhà ông chủ tịch để tìm cách phản đối cha xứ về việc dung thứ cho người đàn bà tội lỗi một cách công khai. Theo họ thì cha xứ đã đồng lõa với người đàn bà này coi thường giáo dân, coi thường luật giáo hội. Điều làm họ khó chịu nhất là người đàn bà tội lỗi này đang làm gương xấu cho con cái họ. Người đàn bà này là sơ Tịnh-Nhân. Người nữ tu khoảng bốn mươi. Dáng thanh tao và môi lúc nào cũng nở nụ cười thân thiện. Bà là phụ nữ đẹp từ phong cách, nhan sắc đến tính tình. Vẻ đẹp của bà ăn xa các phụ nữ cùng tuổi trong giáo xứ dù bà không trang điểm và luôn luôn mặc áo dòng ngoài công cộng. Bà vừa đẹp vừa tài vừa nhiệt tâm nhiệt tình với giáo xứ này. Ngoài việc giảng dậy môn Tâm Lý học cho trường Đại Học công giáo của địa phận, bà còn trông coi chương trình giáo lý và các sinh hoạt thanh thiếu niên cho giáo xứ Việt Nam. Sơ Tịnh-Nhân là tấm gương sáng cho các thiếu nữ trong giáo xứ. Ai cũng kính trọng và thương mến sơ. Nhất là các em thiếu nhi và thiếu niên trong giáo xứ. 

             Người tỏ vẻ cực kỳ bực bội là ông chủ tịch hội đồng giáo xứ. Ông thật là người đạo đức từ cách sống bên ngoài lẫn những việc lành ông đóng góp vào nhà thờ. Cộng đoàn công giáo Việt Nam này có khoảng ba trăm gia đình. Họ là dân tị nạn đến Hoa Kỳ vào thập niên tám mươi. Sau gần hơn hai chục năm đa số đã có đời sống kinh tế ổn định, chính vì thế mà nhiều người lớn tuổi sẵn sàng nhận những chức vụ trong nhà thờ. 
       Buổi họp tối nay do ông chủ tịch mời khẩn nên bà chủ tịch đã lo bữa cơm thật thịnh soạn. Đúng là có thực mới vực được đạo. Bốn người đạo đức ngồi quanh bàn ăn với những đĩa thức ăn nóng hổi thơm ngon và những chai bia Hòa Lan lạnh toát. Bà chủ tịch vốn là người nấu nướng rất khéo. Bốn người đạo đức vừa uống bia vừa ăn ngồm ngoàm vừa bàn cãi sôi nổi. 
     “Mình không thể im lặng được nữa, cứ để tình trạng này kéo dài như thế tôi sợ con cái mình sẽ bỏ đạo hết,” ông chủ tịch nói to đến nỗi văng cả miếng thịt nhai chưa kỹ lên bàn. Ông ta là người hoạt bát, năng nổ từ cách đi đứng đến lời ăn tiếng nói. 
     “Đúng thế, không lẽ đứa bé này là con của cha xứ?” ông phó chủ tịch ngoại vụ chau mày lại, rồi ông đưa chai bia lên ngậm và tu ừng ực. Những sợi gân trên cổ ông nỗi lên như những sợi giây điện khi ông tu bia. Ông ta dáng người nhỏ thó, khuôn mặt gầy guộc, cổ nhỏ nhưng dài. Người ta nhìn vào ông là để ý ngay đến khuôn mặt và cái cổ dài. 
    
     Câu hỏi của ông làm bà chủ tịch đang gắp thức ăn cho chồng phải khựng lại. Bà bỏ vội miếng thịt vào bát chồng rồi lên tiếng, “Giê-Su-Maria lạy Chúa tôi. Bác nói thế tôi mới để ý là con mẹ đó nó hay nán lại sau lễ hội họp với cha xứ đấy. Có  ai mà ngờ. Bà sơ ở lại họp với cha là chuyện thường. Nghe đâu cha xứ và nó còn dẫn nhau đi họp xa nữa đấy.” Hai mắt bà chủ tịch sáng lên như người vừa nghĩ ra được điều gì chí lý lắm. Bà ta trạc tuổi năm mươi, da trắng xanh, hai má phúng phính mỡ. Nói chung thì bà là người vừa lùn vừa béo. Bà ta có tính hay xoi mói người khác. Không chuyện gì xẩy ra trong giáo xứ mà bà không biết. 
     “Bà nói thế tôi mới nhớ. Con mẹ này nó lẳng lắm. Lúc nó còn là bà sơ cho rước lễ, lần nào tôi lên cũng thấy nó mỉm cười lẳng lơ lắm. Thảo nào lũ con trai cứ xếp hàng lên rước lễ với nó,” ông thơ ký đập tay xuống bàn nói một cách thật quả quyết. Ông ta là người tầm vóc trung bình, da ngăm ngăm, hai mắt ti hý, nhưng sáng quắc. Khi còn trẻ ông đã chơi bời khắp nơi, mang đủ các chứng bệnh phong tình trong thân xác. Bây giờ đứng tuổi, ông sống đời đạo đức để làm gương cho con cháu. 
     Những người đạo đức đang bàn về việc sơ Tịnh-Nhân đã bỏ tu rồi mang con đến nhà thờ dự lễ hàng tuần. Họ nghĩ vậy vì sơ Tịnh-Nhân không còn mặc áo dòng đi lễ nữa. Và nhiều người xì xào, “Gái một con trông mòn con mắt.” Bây giờ sơ Tịnh-Nhân đẹp gấp mười lần lúc bà mặc áo dòng. Không ai ngờ có ngày sơ Tịnh-Nhân lại ôm con đi lễ. Bà ta chẳng tỏ vẻ gì xấu hổ hay ngại ngùng mà còn làm ra vẻ hãnh diện. Cha xứ thì cứ cuối lễ là chạy tới hỏi han hai mẹ con một cách đầy lo lắng. Ông bà chủ tịch rất quan tâm về việc này vì cô con gái út của họ đã bỏ nhà đi tu gần một năm rồi mà vẫn chưa báo tin về nhà là nó tu ở đâu. Khi nó bỏ nhà ra đi có để lại bức thư là nó đi tu và muốn biết việc nó đi tu có thật không thì cứ hỏi sơ Tịnh-Nhân vì bà là người cố vấn tinh thần cho nó. Ông bà đã hỏi sơ Tịnh-Nhân nhiều lần mà bà chỉ trả lời là con gái của họ đang ở một tu viện. Nó sẽ liên lạc với ông bà khi thuận tiện. Lúc đầu ông bà chủ tịch lo lắng điên lên, nhưng vì sự quả quyết của sơ Tịnh-Nhân là con mình đang thật sự sống trong một tu viện rồi dần dần họ cũng an tâm. Có một dạo tuần nào họ cũng xin lễ cho con họ được biết theo thánh ý Chúa. Cha xứ tuần nào cũng rao trước thánh lễ là ông bà chủ tịch xin lễ cho con gái theo đuổi ơn Thiên Triệu bền bỉ. 
     “Thế mà nó còn xúi con gái tôi bỏ nhà đi tu,” ông chủ tịch nói một cách châm biếm. 
     “Chúng ta phải gửi thư lên tòa giám mục để xin họ điều tra về vụ này cho đến nơi đến chốn,” ông thơ ký đề nghị. 
     “Đúng đấy! không thể để tình trạng này kéo dài được nữa,” ông phó chủ tịch nội vụ ủng hộ ý kiến của ông thơ ký. 
     “Nhưng trước hết chúng ta phải làm chuyện này cho ra lẽ trong cộng đoàn mình đã. Tại sao không gửi thư cho cha xứ và cho các gia đình trong cộng đoàn về việc này?” ông phó chủ tịch ngoại vụ bàn. Ông ta là người trầm tính nhất trong ban đại diện. Việc gì ông ta cũng tỏ ra là người suy tính cẩn thận. 
     “Hay lắm,” ông chủ tịch lên tiếng, “Chúng ta phải hỏi cha xứ ba việc trong lá thư này, thứ nhất, cha có biết ai là bố đứa con bà sơ Tịnh-Nhân không? thứ hai, tại sao cha không lên tiếng về việc này, và thứ ba là đề nghị cha cấm sơ Tịnh-Nhân bén mảng đến nhà thờ vì sự hiện diện của bà chỉ làm gương xấu cho thanh thiếu niên trong cộng đoàn.” 
         Chỉ vài ngày sau cha xứ đã nhận được thư nặc danh kết tội ngài đủ điều và còn ám chỉ là cha đang bị nghi là bố đẻ của con sơ Tịnh-Nhân. Lá thư đó cũng được sao và gửi đến các gia đình trong giáo xứ. Việc này tự nhiên nổ to. Có một số người vốn đã ghét cha xứ, họ thấy đây là cơ hội tốt để làm nhục cha. Như dầu đổ vào ngọn lửa đang lay lắt bỗng bừng bừng cháy sáng. Nhóm người này âm thầm làm truyền đơn có hình cha xứ và sơ Tịnh-Nhân. Họ dùng những xảo thuật của máy vi tính để ghép nối và tạo ra những hình ảnh trông như thật về cha xứ và sơ Tịnh-Nhân. Nhìn vào những tờ truyền đơn ai cũng nghĩ là phải có chuyện gì giữa cha xứ và sơ Tịnh-Nhân. Mười người coi thì chín người đồng ý là đứa bé sơ Tịnh-Nhân bế đi lễ là con của cha xứ. 
         Nhóm người đạo đức tìm đủ cách cấm sơ Tịnh-Nhân bén mảng đến nha thờ. Họ dọa nạn sơ qua điện thoại. Có người gặp riêng sơ để cảnh cáo là họ không chịu trách nhiệm về an toàn tính mạng cho sơ và đứa bé. Đại khái thì họ nghĩ là sơ coi thường giáo dân, những người từ xưa đến giờ vẫn kính mến các đấng tu sĩ. Họ coi các ngài như những tấm gương sáng về đạo đức. Bây giờ sơ Tịnh-Nhân không chỉ bỏ tu mà còn mang con đến nhà thờ một cách hãnh diện. Nhiều cha mẹ xì xào với nhau về gương mù gương xấu của sơ Tịnh-Nhân. Ban đại diện đã cử người đêm đêm đến nhà xứ rình xem cha xứ làm gì, nhưng họ rình mãi mà chẳng bắt quả tang được gì. 
       Tình hình trong giáo xứ càng ngày càng căng thẳng. Cha xứ đã được gọi lên tòa giám mục làm việc vì những lá thư tố cáo ngài. Tòa giám mục còn mời cả sơ Tịnh-Nhân lên nữa. Chuyện gì xẩy ra trong các cuộc họp ở tòa giám mục về việc này không ai biết. Nhưng trong một Thánh Lễ Chủ Nhật, cha xứ đã quả quyết rằng giữa cha và sơ Tịnh-Nhân không có liên hệ tội lỗi gì cả. Việc làm của sơ Tịnh-Nhân cha không thể nói giùm sơ được. Cha cũng mang dụ ngôn người đàn bà tội lỗi trong Phúc âm ra giảng. Chỉ khác là những kẻ kết tội người đàn bà tội lỗi trong Phúc Âm đã âm thầm bỏ đi không ai ném đá trừng phạt bà ta. Nhưng trong giáo xứ này đã có nhiều người hăm dọa và nhục mạ sơ Tịnh-Nhân. 
       Bài giảng của cha xứ chỉ làm những người đạo đức thêm tức giận. Họ nghĩ là cha gài bẫy họ. Nếu họ im lặng trước việc làm tồi tệ của sơ Tịnh-Nhân thì hóa ra họ cũng là người tội lỗi. Hay ít ra họ cũng có điều gì không tốt cần phải che giấu. Ông chủ tịch đã bàn với nhiều người trong giáo xứ là cách duy nhất để phản đối cha xứ về việc sơ Tịnh-Nhân là không đi nhà thờ này nữa. Việc này chưa thực hiện được thì có chuyện không may xẩy ra cho sơ Tịnh-Nhân. 
       Trên đường về lễ, sơ bị tại nạn xe. Bây giờ còn đang nằm hôn mê trong phòng cấp cứu. Đứa bé đã tử thương ngay tại chỗ. Sơ vốn là người cẩn thận. Hơn hai mươi năm lái xe tại Hoa Kỳ, chưa bao giờ sơ bị phạt về phạm lỗi lưu thông. Lần này tai nạn xẩy ra vì sơ không ngừng xe lúc đèn đỏ ở ngã tư. Một xe vận tải chuyển thực phẩm lớn đã đâm ngang xe sơ, ngay bên hông chỗ đứa bé ngồi. Tin sơ Tịnh-Nhân bị tai nạn làm nhiều người trong giáo xứ hoang mang. Có người nghĩ là Chúa phạt bà ta. Nhưng nếu Chúa phạt sơ Tịnh-Nhân thì tạo sao lại bắt đứa bé chết? Nó có tội gì? Người khác thì đổ lỗi là bà ta không cẩn thận nên đã làm chết con mình. 
       Người duy nhất biết lý do tại sao sơ Tịnh-Nhân gặp tai nạn là ông chủ tịch. Ông hối hận vì không ngờ đứa bé bị chết. Ông tưởng là chỉ cho sơ Tịnh-Nhân một bài học để bà ta tỉnh thức nhận ra việc làm của bà là tội lỗi. Chính ông đã âm thầm làm hư thắng xe của sơ. Hôm đó sau lễ ông chạy theo xe sơ để lúc sơ ngừng lại khi khám phá ra xe hư thắng ông sẽ giúp bà xửa rồi thuyết phục bà đừng mang con đi lễ ở nhà thờ này nữa. Ông ta hối hận nhưng cũng tự an ủi là Chúa rước đứa bé về thiên đàng trước khi nó trưởng thành để hiểu được mình là con rơi con rớt. Đến lúc đó ai đoán được nó sẽ ra sao?
       Cha xứ đã tổ chức lễ an táng cho đứa con của sơ Tịnh-Nhân lúc bà còn đang hôn mê. Buổi sáng thứ ba, ít người đi lễ. Chỉ có một vài cụ già ở quanh nhà thờ đến dự lễ. Người đứng ra lo chôn cất cho con sơ Tịnh-Nhân là bà bề trên nhà dòng của sơ. Trời tháng hai lạnh buốt tê cóng. Sân nhà thờ tuyết phủ đã thành băng. Trong đám người đến dự lễ có con gái ông chủ tịch. Lần đầu cô xuất hiện sau cả năm trời vắng bóng. Cô mang quần áo mầu đen và hai mắt đã sưng đỏ lên vì khóc. Hai nữ tu đi kèm bên cô vào nhà thờ dự lễ cầu hồn cho con sơ Tịnh-Nhân. Hình như cô không con sức để bước đi một mình nên đã lê chân một cách chậm chạp giữa hai nữ tu kèm hai bên hông. Vài người trong giáo xứ đã nhận ra cô. Chỉ tiếc là ông bà chủ tịch không đi lễ. Ai cũng đinh ninh là cô đã đi tu thật. Họ tưởng cô còn đang trong thời ky học tu nên không về thăm gia đình. 
    
       Chưa có lễ cầu hồn nào thảm thương như lễ cầu hồn cho con sơ Tịnh-Nhân. Cả nhà thờ ai cũng khóc. Mỗi người khóc vì một lý do riêng, nhưng cũng qui chung về sơ Tịnh-Nhân và đứa bé. Cha xứ khóc lúc dâng lễ và cả lúc giảng. Tiếng sụt sùi rưng rức khắp nơi trong nhà thờ. Đến cuối lễ thì cô con gái ông chủ tịch không kìm hãm nổi nửa. Cô òa lên khóc rồi chạy đến quan tài nằm phủ người lên. Cô gào lên dù giọng đã khàn, không còn hơi. Nhiều người sững sờ khi cô gọi đứa bé nằm trong quan tài là con của mình. Cô rên rỉ trong tiếng khóc, “Con ơi mẹ tưởng sau khi mẹ làm lại cuộc đời mẹ con mình sẽ đoàn tụ. Chỉ còn vài tháng nữa là mẹ học xong. Lúc đó có công ăn việc làm mẹ sẽ đón con về ở với mẹ. Không ngờ con chết. Cuối cùng thì mẹ cũng giết con. Dù mẹ đã định giết con lúc con còn trong bụng mẹ. Nếu ông bà con không khó khăn thì mẹ đâu có phải bỏ nhà ra đi để đến nông nỗi này. Con ơi....” 
Trần Thu Miên
(TRÌCH SỨ ĐIỆP Số 8. Bộ 4. Mùa Thu 2001)

Bài viết khác

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

22/01/2024

Một số chất làm ngọt tự nhiên và ít gây hại cho cơ thể như đường cỏ ngọt, đường la hán, mật ong và đường nâu. Trong một bài báo tổng quan bao gồm 46 nghiên cứu về đường không ly tâm, tác dụng được báo cáo nhiều nhất là [tăng khả năng] miễn dịch (26%)...

Cá mắm xứ Huế

Cá mắm xứ Huế

09/02/2024

Viết về Cá và Mắm xứ Huế, tôi dựa vào ít ỏi vài tài liệu trong tay tuy không đầy đủ nhưng tôi hy vọng nêu lên phần nào một trong những nét đặc trưng ẩm thực của người dân Huế.

Art