Thứ Ba, 12 Tháng Sáu, 2012

Tình thương của Mẹ

Khi tôi nghĩ đến gia đình của bạn Chinh, hạnh phúc là cái gì đến với tâm trí tôi trước nhất. Âm thanh của những tiếng cười rộn rã luôn luôn chào đón những cuộc thăm viếng của tôi. 
        Cách sống của họ rất khác biệt với lối sống của tôi. Mẹ của Chinh, bà Lê, tin rằng sự dưỡng nuôi tâm trí quan trọng hơn những công việc bình thường. Giữ gìn nhà cửa không là một ưu tiên cao. Với năm đứa con theo cỡ tuổi thứ tự từ Chinh, đứa lớn nhất 12 tuổi, đến đứa con trai nhỏ nhất 2 tuổi, sự thiếu thứ tự này đôi khi làm cho tôi hơi lưu tâm nhưng không lâu. Gia đình của họ luôn luôn ở trong tình trạng bất trật tự, xáo trộn, tối thiểu đời sống của một người ở trong tình trạng khủng hoảng, thật hoặc giả tạo. Nhưng tôi thích là một phần tử của nhóm vui nhộn này, với sự vô tư của họ, thái độ lạc quan đối với đời sống. Mẹ của Chinh không bao giờ quá bận rộn đối với chúng tôi. Bà ngưng ủi quần áo để giúp một chương trình cheerleading, hoặc tắt cái máy hút bụi và gọi tất cả chúng tôi kéo nhau vào rừng cây thu thập vật liệu cho chương trình khoa học của trẻ em. 
        Bạn không bao giờ biết những gì bạn có thể làm khi bạn thăm viếng nơi đó. Đời sống của họ đầy dẫy niềm vui và đầy yêu thương - thật nhiều yêu thương. Cho nên, ngày mà con cái gia đình họ Huỳnh bước xuống xe ‘bus’ của nhà trường với đôi mắt đỏ tươi và sưng vù lên, tôi biết một điều gì đó kinh khủng đã xảy ra. Tôi vội vã chạy đến với Chinh, kéo bạn ra xa, năn nỉ bạn kể lại chuyện gì đã xảy ra nhưng không chuẩn bị cho sự trả lời của bạn tôi. 
        Đêm trước, mẹ Chinh kể cho con cái rằng, bà đã bị mụt nhọt trên não, chỉ còn hai tháng để sống mà thôi. Tôi vẫn còn nhớ buổi sáng hôm ấy thật rõ. Chinh và tôi đi vòng ra phía sau nhà trường, chúng tôi cùng khóc, cùng nắm tay nhau, không biết cách chấm dứt sự đau khổ không thể tưởng tượng được. Chúng tôi ở đấy, chia sẻ sự đớn đau cho đến khi chuông reo giờ nghỉ đầu tiên!
        Nhiều ngày trôi qua trước khi tôi đến thăm gia đình ấy lần nữa. Lo âu, sợ hãi, thương tiếc, bi quan và đầy ắp mặc cảm cho rằng đời sống mình cũng như vậy, tôi trì hoãn cho đến khi mẹ tôi thuyết phục rằng tôi không thể hờ hững với bạn và với gia đình bạn trong lúc họ buồn bã như vậy. 
        Tôi đến thăm họ. Khi bước vào nhà, ngạc nhiên và lạ lùng quá đổi, tôi nghe nhạc sống động, những tiếng bàn cãi nhau ỏm tỏi với những tiếng cười lẫn lộn tiếng phàn nàn. Bà cụ Lê ngồi trên chiếc ghế bành chơi cờ với con cái ngồi vòng chung quanh. Mọi người chào tôi bằng những nụ cười tươi trong khi tôi tranh đấu cố dấu sự nghi ngờ của tôi. Điều này không phải là điều tôi ước mong. 
        Cuối cùng, bàn cờ đã xong, Chinh và tôi vào phòng của bạn và được cắt nghĩa mọi sự. Mẹ Chinh kể với các con rằng món quà to lớn nhất con cái có thể cho bà là coi như không có gì xảy ra. Bà muốn những kỷ niệm sau cùng của bà là hạnh phúc, cho nên mọi người đồng ý cố gắng chìu theo cách khó nhất của họ. 
        Một ngày kia, mẹ của Chinh mời tôi đến vào một dịp đặc biệt. Tôi nhanh nhẩu tìm cái khăn quấn đầu màu vàng rộng của bà. Bà nói, bà quyết định đội cái khăn quấn hơn là mang bộ tóc giả vì hiện giờ tóc bà đã rụng hết. Bà để những hột, keo, giấy mẫu, kéo và vải trên bàn, và chỉ dẫn chúng tôi để trang hoàng, trong khi bà ngồi giống như một công chúa Ấn độ. 
        Chúng tôi biến cái mấn trơn tru thành một cái vương miện đẹp đẽ sáng chói, mỗi đứa thêm vào sự cộng tác của chính họ....Ngay cả khi chúng tôi cãi nhau loạn xạ phải đặt để những vật trang sức kế tiếp ở đâu, tôi mới nhận thấy rõ sự xanh xao, vàng vọt, yếu đuối xuất hiện như thế nào của bà cụ Lê.
        Sau đó, chúng tôi cùng chụp hình chung với mẹ của Chinh, mỗi người hãnh diện trong sự hợp tác làm cái vương miện. Một kỷ niệm thích thú để nhớ, cho dù sự lo sợ nàng sẽ rời bỏ chúng tôi không xa lắm.
        Cuối cùng, ngày buồn bã đã đến khi mẹ Chinh ra đi. Những tuần lễ tiếp theo đó, sự thương tiếc và đớn đau của gia đình họ Huỳnh không thể diễn tả được.
        Rồi một ngày kia, tôi đến trường nhìn thấy tiếng cười sống động của Chinh, dáng điệu linh động với các bạn cùng lớp. Tôi nghe tên của mẹ Chinh được nhắc đến nhiều lần. Con người cũ của Chinh đã hồi phục trở lại. Khi tôi đến gần bên, bạn cắt nghĩa sự vui mừng đó. Buổi sáng ấy, Chinh chuẩn bị quần áo cho đứa em gái nhỏ đến trường, nàng tìm thấy một tờ giấy nhỏ của mẹ giấu trong những chiếc vớ của đứa em. Việc ấy giống như sự có mặt của người mẹ lúc còn sống. 
        Buổi chiều hôm đó, gia đình Chinh lục lạo tìm kiếm những tờ giấy với những lời nhắn nhủ của bà cụ Lê khắp hang cùng xó hẽm trong nhà. Mỗi lời nhắn nhủ mới được chia sẻ, nhưng một số khác không được tiết lộ. Lúc khởi đầu mùa Giáng Sinh, khi họ mở những thùng vật liệu trang trí, họ tìm thấy một thông điệp Giáng Sinh kỳ diệu.
        Những năm sau đó, những tờ ghi chú tiếp tục xuất hiện. Ngay cả một lần nhân dịp ngày Chinh tốt nghiệp. Một lần khác ở ngày cưới của Chinh nữa. Mẹ Chinh đã tin tưởng gởi những lá thư cho những người bạn để họ chuyển lại cho riêng từng người trong gia đình mỗi dịp đặc biệt. Trong ngày đứa con đầu lòng của Chinh được sinh ra, một tấm thiệp và một lời nhắn nhủ thật đánh động đúng dịp đặc biệt đến. Mỗi đứa con nhận những lời khuyên, lời chúc ngắn gọn, vui nhộn, hay những lá thư đầy yêu thương cho đến khi năm cuối cùng đến tuổi trưởng thành. 
        Ông cụ Vũ tái giá. Trong ngày cưới của ông, một người bạn trao ông một lá thư của vợ ông để đọc cho các con, trong đó bà mong ông hạnh phúc và dạy dỗ con cái biết mở lòng với người mẹ mới trong yêu thương, vì bà Lê có niềm tin vững chắc rằng cha của các con bà không bao giờ chọn một người đàn bà không tử tế, hoặc không yêu thương những đứa con vô giá của bà. 
        Tôi thường nghĩ đến sự đau đớn của mẹ Chinh đã phải cảm nghiệm khi bà viết những bức thư cho con cái bà. Tôi cũng tưởng tượng niềm vui lẫn đớn đau của bà cảm thấy, khi bà dấu những lời nhắn nhủ đơn sơ nhỏ bé này. Nhưng qua tất cả những điều ấy, tôi nghĩ đến những kỷ niệm tuyệt vời bà đã để lại cho các con, không kể gì sự đớn đau bà đã thầm lặng gánh chịu và những bực bội bà đã cảm nhận khi phải rời bỏ gia đình thân yêu của bà. Những hành động gương mẫu không vị kỷ đã làm mẫu gương tình yêu cao cả nhất của một người mẹ mà tôi chưa bao giờ biết. 
        Xin cho nhau những kỷ niệm đẹp khi còn sống.
        Xin cho nhau yêu thương khi ở gần nhau. 
        Xin cho nhau những chăm sóc mặn mà. 
        Xin cho nhau tấm lòng bao la. 
        Xin cho nhau những “hạnh phúc” cỏn con để còn nhớ nhau dài lâu...

Phỏng theo “Chicken Soup For The Mother’s Soul”

Elizabeth V. Nguyễn

Bài viết khác

Những món ăn nhẹ làm bằng nồi chiên không dầu

Những món ăn nhẹ làm bằng nồi chiên không dầu

03/10/2024

Thời gian gần đây, nồi chiên không dầu là thiết bị nấu ăn được rất nhiều người quan tâm bởi không chỉ tiện lợi, nhanh chóng mà còn tốt cho sức khỏe người sử dụng, hạn chế dùng dầu mỡ khi nấu ăn.

Art