Thứ Ba, 12 Tháng Sáu, 2012

Trở về Huế

Tôi trở về thăm Huế để làm lành với những trách cứ vẫn nặng lòng mình bao năm qua. Từ phố về, sông Hương trên mạn Kim Luông vẫn mượt mà dáng nguyên sơ như dòng sông chảy trong chiêm bao những đêm xa xứ. Chiếc đàn dương cầm trong ngôi nhà cổ kính duyên dáng như chiếc vòng đá xanh trên tay đứa cháu gái nhỏ. Tiếng đàn non nớt vọng ra đến cuối vườn im mát bóng dâu. Dòng nhạc cũ như giọt mưa đầu mùa hạ hắt lên cằn cỗi lòng tôi mùi hương nồng đất mẹ. Tôi nâng niu tập nhạc kẽ tay dày cộm mà tưởng nâng niu dòng kỷ niệm đời người. Phần đầu tập nhạc tôi chép vào những năm trung học. Cô em họ đã thu góp lại đóng thành tập và tiếp tục chép bài hát mới trong gần ba mươi năm qua. Phần việc đó giờ đây mẹ giao lại cho con gái mình. Nét chữ ở phần cuối tập nhạc cũng non nớt dễ thương như tiếng đàn vọng nhẹ trong gió thoảng. 
        Tôi đã ngồi lại trong chiều bên dòng sông tuổi nhỏ. Nghĩ về những thành phố, dòng sông đã đi qua. Mai một bể dâu. Giữa gió trời và dòng nhạc bàng bạc kỷ niệm có tiếng ve rang bên dòng sông lan xa lóng lánh vô thường. Có tiếng ru bên vườn ầu ơ cơn ngái ngủ. Có tôi nhỏ nhoi sâu lắng trong cõi ban sơ. Thời gian và không gian quyện vào nhau thành nỗi cô đơn kỳ diệu. Một hạnh phúc ứa lệ. Trong cơn thảng thốt vĩnh cửu, sự ra đi và quay về đã trở nên vô nghĩa. Chỉ còn lại dòng sông trôi qua đời. Tắm mát. Lớn lên. Ứa máu. Mệt nhoài. Những dòng sông nối liền nhau bởi số phận. Và tôi mãi loay hoay trên đó. Khóc cười. 
        Ngồi trên con đò dọc dõi mắt nhìn về phố, vai cầu cong như một khung sầu. Ở cuối tầm ngoái nhìn hụt hẫng dòng đời hơn ba mươi năm, tôi thấy tôi chậm bước qua cầu buổi chiều cuối cùng ở Huế. Hình ảnh người đi xiêu đổ trên triền dốc, cô đơn như một nét chấm phá oan khiên. Sự đứt đoạn của thân cầu là khoảng cách ray rứt, nỗi dự cảm lìa xa làm buồn cả một trời sông nước. Ba mươi năm. Con đò tôi vừa qua khỏi Thương Bạc. Có đò ai vừa tách bến qua sông. Ðò dọc. Ðò ngang. Mây. Nước. Thấy nhau đó mà đã ba mươi năm sông dài. Ðầu sông. Cuối sông. Bao nhiêu con nước, mấy buổi triều dâng cho vừa đủ một tiêu tương? Có ai còn ai trong từng nỗi nhớ? Có mấy cuộc đời trôi cho vừa dòng chảy một thời gian? Tà áo em bay hồn nhiên buổi chiều qua phố, đắm say ánh mắt thuyền nâu. Bao nhiêu dòng sông bến nước lạ quen chúng ta đã đi qua, trôi nổi đắm chìm. Hỡi người bao năm cũ, hồn có còn nhuốm chút sầu riêng. 
        Tôi vẫn thường mơ về đôi cánh hạc vàng những đêm nằm mộng mị từ bên kia biển. Mơ về những ngày thật xưa trong ký ức. Hình như có một dòng sông chảy qua tuổi nhỏ, bờ nước lao xao ngờ ngợ chiêm bao. Dòng nước xanh Bến Ngự và mấy chiếc cầu trắng vắt qua sông. Chiều theo mẹ đi bộ ngược lên Phủ Cam. Trái thị vàng thơm mùi cổ tích dịu dàng. Nhìn những con đò nhỏ chèo ngược xuôi trên sông, tần ngần hỏi mẹ ngả nào thì ra tới biển. Ngã nớ về An Cựu, ngã ni thì về Ga rồi ra sông lớn, đi ngược lên Kim Long Thiên Mụ, xuôi về Ðập Ðá, Vỹ Dạ hay Bao Vinh rồi đi nữa đi nữa thì tới cửa Thuận... Tôi đã lặn hụp trên giòng sông đời, trôi xa khỏi vùng cửa biển êm đềm, lênh đênh trên từng vùng sông biển khắp cùng quê hương mà lòng thì mãi u hoài về một dòng sông nhỏ êm đềm dáng mẹ. 
        Tôi có nhiều kỷ niệm với Huế. Vui nhiều hơn buồn. Mấy năm cuối trung học gia đình trở về sinh sống ở Huế. Tôi ở lại Ðà Nẵng trọ học, thích thú nôn nao từng chuyến xe đi về qua ngọn Hải Vân vào những dịp nghỉ hè tết lễ. Nhà tôi ở gần Tòa Ðại Biểu, đầu đường Nguyễn Huệ, số ba. Nhà số một của một bà Tây khùng khùng điên điên thỉnh thoảng uống rượu say để ngực trần hát nghêu ngao. Johnny, mon amour... Phía bên tê đường là nơi kín cổng cao tường của một tiểu thư cổ cao như con gái trong tranh Trịnh Cung. 
        Tôi lớn lên theo mùa hè xứ Huế. Con gái đi tắm sông theo bầy, Bến Ngự áo đỏ Phủ Cam áo xanh, da trắng bến nước xanh, xôn xao bóng tre. Huế với những dòng họ vang bóng một thời. Kim Long, Nguyễn Cửu. Vỹ Dạ, Nguyễn Khoa. Cô bé Tôn Nữ đảm đang giúp mẹ trong quán nhỏ sân Ga. Ly chè đậu ngự ngọt lịm như môi. 
        Sau ngày thi Tú Tài, đạp xe qua Vạn Xuân nhờ người quen coi kết quả giùm. Ngôi nhà xưa kín đáo nằm giữa khu vườn trưa thiếu gió im cứng bóng lá dâu đồng lõa với sự khát khao ăm ắp mà âm thầm của người đàn bà lỡ thì. Cơn giật động bùng vỡ từ những phiếm mơ thân xác lâu đời đã chuyền qua tôi cơn sốt lạ lẫm ngờ nghệch thời mới lớn. May mà còn những đêm thanh thoát đi thuyền trên sông Hương. Tiếng hò Nam Ai từ phía thôn Nguyệt Biều quyện lẫn vào tiếng chuông Thiên Mụ rồi lan xa theo con sóng vàng hoang đường bóng trăng. May mà dọc bến sông đời tôi còn có những trang đài.
        Bến Ngự những ngày cuối thu sáu chín. Căn phòng trọ cuối đường Trần thúc Nhẫn. Trăng sáng quá. Khu vườn đêm thơm lừng hương ngọc lan. Tôi nghe mình ngồi hát vu vơ.
Hoàng hạc bay, bay mãi bỏ trời mơ. 
Về đồi sim, ta nhớ người vô bờ. 
Ta vẫn chờ em dưới gốc sim già đó.
Ðể hái cho người một đóa đẫm tương tư
(Vũ Ðức Sao Biển)
        Cám ơn bài hát của Hợi đã níu lại bước chân ai cuống quít... Chỉ để rồi tôi bỏ đó mà đi. Bỏ Huế mà đi. Ðành đoạn. Từ lâu, tôi tưởng đã yên tâm làm người ra đi và bằng lòng giữ lại nỗi hồ nghi của những ngày tháng cũ trong lòng. Sự giãi bày tưởng đã không cần thiết. Và như thế, khoảng cách đã như một nung nấu làm ấm mãi những kỷ niệm đẹp. Có lẽ để được nhớ được nuối tiếc. Mãi mãi. Ðêm ngọc lan huyền diệu. Mắt thuyền ngời ánh trăng... Một buổi chiều mùa đông tàu neo trốn gió gần Thuận An. Phiên trực và chút phiền hà trong lòng đã khiến con đường mười mấy cây số về Huế trở thành truông phá quá xa. Nhìn bóng hàng dương rũ đầu phiền muộn che tầm mắt nhìn về phía Tam Giang, tôi mường tượng tới căn nhà nhỏ trong Thành Nội và bóng dáng ai đó mảnh mai. 
        Sóng biển và số phận đã xô giạt bèo bọt đời người vào kiếp sống lưu vong. Từ lâu lắm, bên trời luân lạc, bó thân trên đầu cõi tuyết vùng Trung Tây, tôi sống yên lặng chẳng muốn đi đâu. Bạn bè thì chỉ biết tin, thỉnh thoảng nghe tiếng mà chưa hề thấy mặt. Những đêm xa xứ, gã trung niên với mái đầu sương điểm vẫn thường dỗ dành giấc ngủ bằng ước ao được sống lại ngày vui buồn trên quê hương.
        Những ngày mùa đông đi về trên chiếc cầu bắc qua sông lạnh cứng tuyết băng, tôi vẫn thường nhớ về dòng sông quê nhà. Dòng sông lưu lạc phù sa nặng nỗi niềm riêng của đá sỏi ngìn xưa. Con người nổi trôi trên dòng số phận với giấc mơ của đá. Dòng sông trôi đi cuốn theo cơn mơ bất tận kiếp người. Phải chăng chỉ có dòng sông mới hiểu thấu được sự trở mình của đất đá trong buổi hóa thân. Phải chăng chỉ có dòng sông mới nghe được tiếng khóc lặng lẽ, thấy được giọt lệ đã khô vì nắng gió đợi chờ. Và có lẽ cũng chỉ dòng sông mới thấu hiểu được nỗi buồn riêng của từng giọt nước mắt mặn xát hồn người. 
        Mặt trời đã lặn về phía đầu sông mơ hồ dáng núi. Tiếng đàn im bặt tự lúc nào mà tôi vẫn cơ hồ nghe đâu đó tiếng mình, tiếng bạn bè, từ những năm xưa. Con đường dẫn xuống bờ sông đầy xác lá khô. Tôi nghĩ tới sân cỏ mát, bước chân trần và tiếng hát lãng đãng sương khói trần gian. Nhìn đứa cháu gái nhỏ với tập nhạc trên tay, chân sáo tung tăng, tôi nghe lòng thật bình yên . 
        Chiếc đò nhỏ vừa cập bến bên tê sông. Hàng cau cao vút trong bóng chiều, mảnh mai mà cao ngạo. Tôi đang trở về với dòng sông của riêng mình. 

(từ Mùa Trăng Ướt)
Phan Thái Yên 

Bài viết khác

Kiếng đeo mắt: Một ổ vi trùng!

Kiếng đeo mắt: Một ổ vi trùng!

14/10/2024

Những người phải mang kiếng, dù là kiếng đeo hay kiếng áp tròng đều cần phải cẩn thận hơn trong việc bảo vệ sức khỏe “cửa sổ tâm hồn” của mình.

Những món ăn nhẹ làm bằng nồi chiên không dầu

Những món ăn nhẹ làm bằng nồi chiên không dầu

03/10/2024

Thời gian gần đây, nồi chiên không dầu là thiết bị nấu ăn được rất nhiều người quan tâm bởi không chỉ tiện lợi, nhanh chóng mà còn tốt cho sức khỏe người sử dụng, hạn chế dùng dầu mỡ khi nấu ăn.

Art