Thứ Bảy, 22 Tháng Sáu, 2024

Ai hát Kinh Sanctus : Thánh ! Thánh ! Thánh !?

Ai hát Kinh Sanctus ?

Quyển Trình bày chung Sách lễ Rôma (2002) ba lần xác định rằng "toàn thể cộng đoàn, hiệp với các quyền lực trên trời, cùng hát kinh Thánh Thánh Thánh. Lời tung hô này, là một phần của Kinh nguyện Thánh Thể, được toàn dân cùng đọc với linh mục" (số 79b); trong Kinh nguyện Thánh Thể, giáo dân tham gia với linh mục bằng cách đáp lại lời mở đầu, hát kinh Thánh Thánh Thánh. "Khi [lời mở đầu] kết thúc, [...] cùng với toàn thể cộng đoàn, [linh mục] hát hoặc đọc lớn tiếng: Thánh! Thánh! Thánh!" (số 148); cuối cùng, "kinh Thánh Thánh Thánh được hát hoặc đọc bởi tất cả các linh mục đồng tế cùng với giáo dân và ca đoàn" (số 216). Điều này phù hợp với lời mời gọi rõ ràng trong mỗi lời mở đầu: "Vì thế, cùng với các thiên thần và toàn thể các thánh, chúng con tuyên xưng vinh quang Chúa, đồng thanh tung hô rằng: Thánh! Thánh! Thánh! Chúa là Thiên Chúa các đạo binh. Trời đất đầy vinh quang Chúa..."

SỰ ĐỒNG THUẬN NGUYÊN THỦY

Sự nhấn mạnh như vậy đã cho thấy rõ rằng việc tham gia toàn diện này không thể tùy chọn hay phụ thuộc vào đánh giá của những người soạn hoặc chọn bài hát cho Thánh lễ. Hơn nữa, cách thể hiện đồng lòng đã được chứng thực từ thời cổ đại: ở phương Đông, Giáo phụ Grêgôriô thành Nysse (thế kỷ IV) thúc giục các dự tòng chịu phép rửa "để có thể cùng hát với các tín hữu những gì các thiên thần Sêraphim hát"; ở phương Tây, vào đầu thế kỷ V, lần đề cập đầu tiên về kinh Thánh Thánh Thánh trong Thánh lễ khẳng định "trong hầu hết các nhà thờ phương Đông và một số nhà thờ phương Tây, giáo dân cùng hát một giọng với linh mục: Thánh! Thánh! Thánh!...". Năm 789, vua Charlemagne yêu cầu kinh này phải được hát toàn bộ bởi cả vị chủ tế và giáo dân.

TỪ TRỜI XUỐNG ĐẤT

Nhưng tại sao lại có sự đồng thuận như vậy về việc thực hiện bài hát này trong Thánh lễ, ngay từ khởi đầu? Nếu tất cả các phụng vụ Kitô giáo, từ Đông sang Tây, đã áp dụng "bài thánh ca của các thiên thần Sêraphim" để bước vào lời ca ngợi của kinh nguyện Thánh Thể, là vì nó cho phép kết hợp trời và đất, dân chúng cử hành trên trái đất và các thiên thần cử hành trên thiên đàng, Giáo hội hữu hình của các tín hữu quy tụ và Giáo hội vô hình của các thánh nam nữ Thiên Chúa, bao gồm cả những người đã qua đời đang ở trong vinh quang vĩnh cửu.

Hơn nữa, qua các tham chiếu Kinh Thánh, từ Cựu Ước đến Tân Ước (xem Is 6,1-5; Dn 7,10; Mt 21,9; Kh 4,8), còn nhắc nhở chúng ta phụng vụ được cử hành trên trái đất được kêu gọi trở thành tấm gương phản chiếu phụng vụ trên thiên đàng, trong khi cụm từ Kinh Thánh "trời và đất" có nghĩa kinh Thánh Thánh Thánh bao trùm toàn bộ tạo vật trong lời ca ngợi.

NGUỒN GỐC DO THÁI

Bài thánh ca này cũng kết nối chúng ta với phụng vụ Do Thái: vào sáng thứ Bảy ngày Sabát, tại hội đường, người ta hát kinh Keddousha, là sự thánh hóa Danh Thiên Chúa, theo gương các thiên thần Sêraphim trong Đền Thờ, trong thị kiến của tiên tri Isaia (xem Is 6,3). Tuy nhiên, khác với Đền Thờ, nơi chỉ một thầy tư tế được phép vào "Nơi Thánh" để dâng hương trên bàn thờ trước sự hiện diện của Chúa, trước khi ban phép lành cho dân chúng tụ họp ở tiền đường, trong phụng vụ Kitô giáo, toàn thể cộng đoàn, trước hoặc xung quanh bàn thờ, cùng tham gia với linh mục trong bài ca của các thiên thần. Kinh Thánh Thánh Thánh, tiên đoán về "nghi thức vinh quang tương lai của chúng ta" (Tertullien), do đó là bài hát tập thể và đồng lòng, nhấn mạnh rõ nhất rằng Thánh lễ trước hết là lễ tế ca ngợi chúng ta dâng lên Thiên Chúa.

Vì vậy, việc hát kinh Thánh Thánh Thánh không bao giờ nên - trừ khi trong trường hợp hoàn toàn đặc biệt - chỉ dành riêng cho ca đoàn. Bởi vì sự tham gia của tất cả mọi người, vào thời điểm này của phụng vụ, là một phần không thể thiếu trong biểu hiện cộng đồng của phụng vụ: thật vậy, "nghi thức hoặc [...] hành động yự có giá trị" (QTTL, số 37a), kinh Thánh Thánh Thánh thể hiện và thúc đẩy hành động của toàn thể cộng đoàn, nhưng cũng thực hiện sự hiệp thông giữa linh mục và giáo dân, giữa Đông phương và Tây phương, giữa trời và đất. Qua hành động hát này, tính phổ quát của cộng đoàn được thể hiện một cách tuyệt vời.

Theo linh mục François-Xavier Ledoux OP.

Bài viết khác

Cách dùng nồi cơm điện

Cách dùng nồi cơm điện

16/01/2025

Thay vì mua sắm nhiều đồ, tôi nhận ra tận dụng triệt để 1 thiết bị gia dụng vẫn rất hữu ích mà lại tiết kiệm. Mặc dù nồi cơm điện thông minh đã tích hợp nhiều chức năng như nấu cơm, cháo, hầm canh... nhưng hầu như chúng ta chỉ dùng để nấu cơm..

Art