Thứ Năm, 14 Tháng Ba, 2024

Chúa Nhật V Mùa Chay năm B

Chúa Nhật V Mùa Chay

Bài Ðọc I: Trích sách Tiên tri Giê-rê-mi-a (Gr 31, 31-34)

Chúa phán: “Ðây tới ngày Ta ký kết giao ước mới với nhà Ít-ra-en và nhà Giu-đa, giao ước này không giống như giao ước Ta đã ký kết với tổ phụ của chúng trong ngày Ta cầm tay chúng dắt ra khỏi đất Ai-cập; giao ước ấy chính chúng đã phản bội, mặc dầu Ta thống trị chúng”. Chúa phán: “Ðây là giao ước Ta sẽ ký kết với nhà Ít-ra-en sau những ngày đó. Ta sẽ đặt lề luật của Ta trong đáy lòng chúng, và sẽ ghi trong tâm hồn chúng; Ta sẽ là Chúa của chúng, và chúng sẽ là dân của Ta”. Chúa phán: “Người này sẽ không còn phải dạy người nọ, anh sẽ không còn phải dạy em rằng: “Ngươi hãy nhìn biết Chúa”, vì mọi người từ nhỏ chí lớn đều nhìn biết Ta, vì Ta sẽ tha tội ác của chúng, và sẽ không còn nhớ đến tội lỗi của chúng”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 50, 3-4. 12-13. 14-15

Ðáp: Ôi lạy Chúa, xin tạo cho con quả tim trong sạch (c. 12a).

Xướng: Lạy Chúa, nguyện thương con theo lòng nhân hậu Chúa, xoá tội con theo lượng cả đức từ bi. Xin rửa con tuyệt gốc lỗi lầm, và tẩy con sạch lâng tội ác.

Xướng: Ôi lạy Chúa, xin tạo cho con quả tim trong sạch, và canh tân tinh thần cương nghị trong người con. Xin đừng loại con khỏi thiên nhan Chúa, chớ thu hồi Thánh Thần Chúa ra khỏi con.

Xướng: Xin ban lại cho con niềm vui ơn cứu độ, với tinh thần quảng đại, Chúa đỡ nâng con. Con sẽ dạy kẻ bất nhân đường nẻo Chúa, và người tội lỗi sẽ trở về với Ngài.

Bài Ðọc II: Trích thư gởi tín hữu Do-thái (Dt 5, 7-9)

Khi còn sống ở đời này, Chúa Kitô đã lớn tiếng và rơi lệ dâng lời cầu xin khẩn nguyện lên Ðấng có thể cứu Người khỏi chết, và vì lòng thành tín, Người đã được nhậm lời. Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã học vâng phục do những đau khổ Người chịu, và khi hoàn tất, Người đã trở nên căn nguyên ơn cứu độ đời đời cho tất cả những kẻ tùng phục Người.

Ðó là lời Chúa.

Bài trích sách Tin Mừng theo Thánh Gioan 12, 20-33

Khi ấy, trong số những người lên dự lễ, có mấy người Hy-lạp. Họ đến gặp Philipphê quê ở Bêtania, xứ Galilêa, và nói với ông rằng: “Thưa ngài, chúng tôi muốn gặp Ðức Giêsu”. Philipphê đi nói với Anrê, rồi Anrê và Philipphê đến thưa Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đáp: “Ðã đến giờ Con Người được tôn vinh. Quả thật, quả thật, Ta nói với các con: Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không thối đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình; nhưng nếu nó thối đi, thì nó sinh nhiều bông hạt. Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất, và ai ghét sự sống mình ở đời này, thì sẽ giữ được nó cho sự sống đời đời. Ai phụng sự Ta, hãy theo Ta, và Ta ở đâu, thì kẻ phụng sự Ta cũng sẽ ở đó. Ai phụng sự Ta, Cha Ta sẽ tôn vinh nó. Bây giờ linh hồn Ta xao xuyến, và biết nói gì? Lạy Cha, xin cứu Con khỏi giờ này. Nhưng chính vì thế mà Con đã đến trong giờ này. Lạy Cha, xin hãy làm vinh danh Cha”. Lúc đó có tiếng từ trời phán: “Ta đã làm vinh danh Ta và Ta còn làm vinh danh Ta nữa”. Ðám đông đứng đó nghe thấy và nói đó là tiếng sấm. Kẻ khác lại rằng: “Một thiên thần nói với Ngài”. Chúa Giêsu đáp: “Tiếng đó phán ra không phải vì Ta, nhưng vì các ngươi. Chính bây giờ là lúc thế gian bị xét xử, bây giờ là lúc thủ lãnh thế gian bị khai trừ và khi nào Ta chịu đưa lên cao khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người lên cùng Ta”. Người nói thế để chỉ Người phải chết cách nào.

Ý nghĩa vài từ trong bài Tin Mừng

- Những người Hy Lạp ở đây không phải là những người Do Thái sinh sống ở Hy Lạp hay nói tiếng Hy Lạp. Từ ngữ này chỉ những người ngoại giáo mới theo đạo (những người thiện cảm với đạo Do Thái nhưng không muốn chịu phép rửa).

- Từ “giờ” được sử dụng 26 lần trong Tin Mừng của Gioan, thường thường ám chỉ một thời điểm đặc biệt thuận tiện trong đó ơn cứu độ được thực hiện. Xuyên suốt phần thứ nhất của Tin Mừng, giờ này còn chưa đến. Thân mẫu của Chúa Giêsu, khi muốn cậy nhờ đến con mình, được nghe trả lời rằng “Giờ của con chưa đến” (2,4). Việc tìm bắt Chúa Giêsu không thực hiện được cũng vì lý do đó (7,30; 8,20). Nhiều lần Chúa Giêsu tiên báo tình trạng sắp xảy ra vào một giờ mà từ đó mọi sự sẽ trở nên rõ ràng hơn (16,25). Việc thờ phượng sẽ ở trong Thần Khí (4,21-23), sự sống sẽ chiến thắng sự chết (5,25).

Trong đoạn này, chính “giờ” của Chúa Giêsu là trọng tâm xét trên bình diện lịch sử lẫn thần học. Về phương diện Kitô học, “giờ” này đánh dấu việc Ngôi Lời nhập thể hoàn tất sứ mệnh mặc khải và cứu chuộc thế gian. Nó đặc trưng tất cả cuộc đời Chúa Kitô, vốn luôn quy hướng về nó. Vì chính lúc bấy giờ xảy ra cuộc “phán xét” (krisis) nhân loại, xảy ra sự phân chia (krisml) những kẻ tin hay từ chối tin mầu nhiệm Chúa Kitô tử nạn và được tôn vinh. Ai tin thì được cứu rỗi và được sống, còn ai từ chối tin thì bị luận phạt và phải chết muôn đời.

Suy Niệm

Đức Giêsu loan báo bằng dụ ngôn những gì chính Ngài sẽ phải trải qua. Con đường Ngài vẻ ra cho các môn đệ, Ngài cũng vạch cho chúng ta và sống điều đó trước trong cái chết và sự sống lại. Đó là điều Đức Giêsu luôn luôn thực hành: Ngài không bao giờ nói điều gì nếu như đã không sống qua. Việc này khích lệ cho ta theo Ngài với lòng tin tưởng, cho dù đôi khi những Lời Đức Giêsu nói làm ta chán ngán.

“Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất”. Những từ ngữ vang vọng cho ta hoàn toàn trái ngược với những gì thế gian không ngừng lập lại. Trước cái lôgíc ân sủng của bản thân và theo hình ảnh Đức Giêsu, thế gian để bị cám dỗ bằng sự lắng mình và tích trữ tiền của.

Mỗi đứa bé được sinh ra với nắm tay khép chặt, sẳn sàng vồ lấy tất cả những gì qua tầm tay. Khi lớn lên, bàn tay của chúng ta mở rộng lại khép lại một cách tự nhiên nếu như ta không để ý tới; nếu như một cố gắng cho dù nhỏ nhoi không phát sinh để giữ lòng bàn tay ta mở rộng. Cuộc sống vĩnh hằng mà Đức Giêsu mạc khải cho loài người bắt đầu khi chúng ta mượn lấy con đường Ngài vạch ra : con đường mở rộng và trần trụi sự an toàn của chúng ta.

Theo ý Lm Michel de Meulenaer

Cầu nguyện

Sau khi đốt cây nến nơi cầu nguyện, lấy thời gian hồi tâm những gì mình đã làm trong ngày hôm nay dưới ánh nhìn của Thiên Chúa. Và đọc: Tôi thú nhận cùng Thiên Chúa…

Con Người được giương cao trên thập giá; Qua Ngài mọi người nhận được cuộc sống

Sáng Danh Chúa Cha Chúa Con

Cùng sánh Danh Thánh Thần Thiên Chúa

Từ muôn đời như chính hiện nay đến thiên thu vạn đại. Amen

Hát: Hạt Lúa Vùi Chôn - Lm. Thái Nguyên

1. Nếu hạt lúa rơi vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình. Khi nhìn đồng lúa chín thơm ai hay đâu rằng hạt giống đã âm thầm chịu nát tan.

2. Con cần chết đi lòng ghen ghét và bao thói hư cùng với những tham vọng đời này. Con cần phải biết dấn thân hy sinh quên mình tận hiến mới mong ngày được sáng tươi.

3. Bao lần đắn đo và giằng co vì sợ hiến thân sợ cay đắng mang nặng nhọc nhằn. Trông cậy nơi Chúa chí nhân cho con can trường.

Cầu nguyện với Thánh Vịnh 51 (50)

Thánh vịnh 51 hay « Miserere » được coi như Thánh vịnh được biết đến nhiều nhất trong Bộ Thánh vịnh. Một trong những Thánh vịnh cảm động nhất. Khi mới đọc sơ qua đã thấy được lòng nhiệt tâm một người tội lỗi hối tội mình và khẩn cầu xin tha thứ, và chờ đợi nhận niềm vui hòa giải với Thiên Chúa.

Thánh vịnh 51 thường được liệt kê vào « những Thánh vịnh sám hối » thuộc thể loại văn chương khẩn cầu cá nhân, và coi như viên ngọc của Bộ Thánh vịnh. Tội lỗi bị coi như không trong sạch và tha thứ như việc thanh tẩy. Yếu tố nổi nhất trong Thánh vịnh nơi lời xin tha thứ tội lỗi được kéo dài qua tới lời người ca viên kêu gọi canh tân nội tâm. Vì thế Thánh vịnh 51 còn được coi rất gần với tinh thần tin mừng.

Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con,

mở lượng hải hà xoá tội con đã phạm.

Xin rửa con sạch hết lỗi lầm

tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy.

Vâng, con biết tội mình đã phạm, lỗi lầm cứ ám ảnh ngày đêm .

Con đắc tội với Chúa, với một mình Chúa,

dám làm điều dữ trái mắt Ngài.

Như vậy, Ngài thật công bằng khi tuyên án,

liêm chính khi xét xử.

Ngài thấy cho : lúc chào đời con đã vương lầm lỗi,

đã mang tội khi mẹ mới hoài thai.

Nhưng Ngài yêu thích tâm hồn chân thật,

dạy con thấu triệt lẽ khôn ngoan.

Xin dùng cành hương thảo

rảy nước thanh tẩy con, con sẽ được tinh tuyền ;

xin rửa con cho sạch, con sẽ trắng hơn tuyết.

Xin cho con được nghe

tiếng reo mừng hoan hỷ,

để xương cốt bị Ngài nghiền nát được nhảy múa tưng bừng.

Xin ngoảnh mặt đừng nhìn bao tội lỗi

và xoá bỏ hết mọi lỗi lầm.

Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng,

đổi mới tinh thần cho con nên chung thuỷ.

Xin đừng nỡ đuổi con không cho gần Nhan Thánh,

đừng cất khỏi lòng con thần khí thánh của Ngài.

Xin ban lại cho con niềm vui vì được Ngài cứu độ,

và lấy tinh thần quảng đại đỡ nâng con ;

đường lối Ngài, con sẽ dạy cho người tội lỗi,

ai lạc bước sẽ trở lại cùng Ngài.

Lạy Thiên Chúa con thờ là Thiên Chúa cứu độ,

xin tha chết cho con, con sẽ tung hô Ngài công chính.

Lạy Chúa Trời, xin mở miệng con,

cho con cất tiếng ngợi khen Ngài.

Chúa chẳng ưa thích gì tế phẩm,

con có thượng tiến lễ toàn thiêu,

Ngài cũng không chấp nhận.

Lạy Thiên Chúa, tế phẩm dâng Ngài là tâm thần tan nát,

một tấm lòng tan nát giày vò, Ngài sẽ chẳng khinh chê.

Xin rộng lòng tuôn đổ hồng phúc xuống Xi-on,

thành luỹ Giê-ru-sa-lem, xin Ngài xây dựng lại.

Bấy giờ Ngài vui nhận tế phẩm luật truyền,

lễ vật toàn thiêu, lễ vật hiến tế.

Bấy giờ thiên hạ giết bò tơ dâng trên bàn thờ Chúa.

Suy tư Thánh vịnh thêm với Tân ước

Không ai có thể tha thứ cho ai đó không nhìn nhận mình tội lỗi. Thêm nữa, lòng tin nơi lòng Thiên Chúa thương xót vô bờ bến cần tăng trưởng theo cùng nhịp điệu với ý thức tội lỗi. Đó là điều Kinh thánh mạc khải. Vị tông đồ loan báo tha thứ phong phú bằng cách tái tạo con người triệt căn, cùng lúc tội lỗi phổ quát, và trong cùng tinh thần, ngôn sứ Giêrêmia đã loan báo Thiên Chúa có thể ban một con tim mới cho một dân tộc hoàn toàn hư hỏng : « Ta sẽ ban cho chúng một tâm hồn để nhận biết rằng chính Ta là ĐỨC CHÚA. Chúng sẽ là dân của Ta, còn Ta, Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng ; bởi vì chúng sẽ hết lòng trở về với Ta » (Giêrêmia 24,7) ; « Ta sẽ ban tặng các ngươi một quả tim mới, sẽ đặt thần khí mới vào lòng các ngươi. Ta sẽ bỏ đi quả tim bằng đá khỏi thân mình các ngươi và sẽ ban tặng các ngươi một quả tim bằng thịt » (Êdêkien 36,26).

Lắng nghe

Chúng ta lấy thời giờ đọc lại bài trích Tin mừng theo Thánh Gioan 12, 20-33 được đề nghị cho ngày Chúa Nhật hôm nay. Trong thinh lặng mở lòng vào Lời Chúa. Lời dạy cho ta biết gì về Thiên Chúa, và biết gì về chính chúng ta.

Chuyển cầu

Thiên Chúa luôn kiên tâm: hãy trao phó cho Ngài tất cả mọi người đang chậm chạp trở về với Ngài.

Thiên Chúa luôn trung tín: hãy trao phó cho Ngài những cặp vợ chồng đang gặp thử thách..

Thiên Chúa là Đấng Tốt lành: hãy trao phó cho Ngài những anh chị em dự tòng đang nghi ngờ.

Thiên Chúa đầy lòng thương xót: hãy trao phó cho Ngài những ai phản bội bạn đồng hành.

Thiên Chúa là Đấng khôn ngoan : hãy trao phó cho Ngài những ai dấn thân cho sự công chính.

Thiên Chúa là tình yêu: hãy trao phó cho Ngài cho những ai tận hiến đời mình để phục vụ Ngài.

Thiên Chúa là Đấng hằng sống: hãy trao phó cho Ngài những ai đang trên đường Vượt qua về bên Ngài.

Với lòng tin tưởng, chúng con cùng đọc lại những lời kinh mà Chúa Giêsu đã dạy:  Cha chúng con ở trên trời…

Cầu nguyện

Lạy Chúa, xin cho ân sủng của Ngài giúp chúng con noi theo niềm vui bác ái của Chúa

Kitô đã trao ban cuộc sống vì tình yêu cho nhân loại. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu,

Chúa Chúng Con Amen.

Xin Thiên Chúa là Đấng cứu độ ta bằng thập giá, trở nên cho ta sự sống lại và là sự sống.

Bài viết khác

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

22/01/2024

Một số chất làm ngọt tự nhiên và ít gây hại cho cơ thể như đường cỏ ngọt, đường la hán, mật ong và đường nâu. Trong một bài báo tổng quan bao gồm 46 nghiên cứu về đường không ly tâm, tác dụng được báo cáo nhiều nhất là [tăng khả năng] miễn dịch (26%)...

Cá mắm xứ Huế

Cá mắm xứ Huế

09/02/2024

Viết về Cá và Mắm xứ Huế, tôi dựa vào ít ỏi vài tài liệu trong tay tuy không đầy đủ nhưng tôi hy vọng nêu lên phần nào một trong những nét đặc trưng ẩm thực của người dân Huế.

Art