Tại sao phải hát phần « vinh tụng ca »?
Khi kết thúc lời cầu nguyện Thánh Thể, linh mục chủ tế hát Vinh Tụng Ca kêu gọi cộng đoàn đáp: « Chính nhờ Người, với Người và trong Người, mà mọi danh dự và vinh quang đều quy về Chúa là Cha toàn năng, trong sự hợp nhất của Chúa Thánh Thần đến muôn đời. Amen ». Vinh tụng ca kết hợp hai thuật ngữ Hy Lạp “doxa” và “logos” có nghĩa “vinh quang” và “lời”, diễn tả bản chất khen ngợi. Một lời tôn vinh quang Thiên Chúa. Vinh tụng ca hoàn thành lời cầu nguyện Thánh Thể từ kinh tiền tụng. Công thức được hát này đòi hỏi một tiếng đáp “Amen”, một câu trả lời từ cộng đoàn như nhận lời cầu nguyện và chỉ định người được cầu nguyện. Do đó, lời ca ngợi và sự phê chuẩn dẫn các tín hữu đến với Thiên Chúa trong cùng một lời ca ngợi, đồng thời khám phá ra rằng họ được mời gọi biến toàn bộ cuộc sống thành một bài ca mới cho Chúa. Tại trung tâm tiệc mừng Thánh Thể, ca hát chúc mừng mới thể hiện hết sự năng động.
Tính năng động tiệc Thánh Thể
Khi đến giờ chúc tụng, lời cầu nguyện Thánh Thể kết thúc. Sau đó, công thức giống như một dấu chấm than, một điểm ngạc nhiên lơ lửng nhằm chỉ định người được cầu nguyện là Chúa Cha và người mang thông điệp là Chúa Kitô. Khi xưng hô với Thiên Chúa, lời chúc tụng, giống như chính kinh nguyện Thánh Thể, hướng lời người cầu nguyện tới Đấng duy nhất có khả năng chào đón họ trong sự thật. Các cử chỉ đi kèm càng làm nổi bật động tác này. Việc nâng bánh và rượu lên trở thành Mình và Máu Chúa, cho thấy lời cầu nguyện tràn ngập người bày tỏ nó. Nội dung những lời được đọc trong kinh nguyện Thánh Thể dần dần trở nên nặng nề với sức nặng cuộc sống mà chỉ có ca hát mới cho phép chúng ta đảm nhận và những thái độ thể xác mới có thể cảm nhận được. Thánh Cyprien đã nói khi bình luận về Kinh Lạy Cha, “Chúa Cha phải nhận ra trong lời nói của chúng ta những lời của Con Ngài”! Đây là những gì Vinh Tụng ca đạt được. Bằng cách hợp nhất tiếng nói của mọi người thời nay nhờ ân sủng Chúa Thánh Thần, lời tung hô dệt nên mối liên kết sống còn giữa con cái với Chúa Con trong một lời ca ngợi biểu lộ liên minh giữa Thiên Chúa và con người mà Chúa Kitô là trung gian: « nhờ Người, với Người và trong Người »
Làm cho cuộc đời ta tuyệt vời
Tiếng Amen cuối cùng của cộng đoàn vang lên như lời tán thành việc rèn luyện đức tin mà mọi người được mời gọi tham dự thánh lễ. Lời Amen dựa trên một nhận thức kép: tạ ơn Thiên Chúa vì những hồng ân Ngài ban và khám phá hành trình liên minh Ngài đã mở ra trước con người qua lễ vật của Chúa Kitô. Lắng nghe lời Chúa, các tín hữu nhận ra câu chuyện của họ có thể là câu chuyện về một cuộc gặp gỡ đích thực với Người Cha giàu lòng thương xót. Dần dần, họ học cách dâng lên Thiên Chúa “sự thờ phượng đích thực” (Rm 12,1), “hy tế chúc tụng” này là một cuộc sống được sống trong hơi thở của Chúa Thánh Thần. Bằng cách kiên nhẫn bước vào năng động của Thánh Thể, họ khám phá ra rằng hy sinh không phải là mất mát hay từ bỏ, mà là tặng ân và sinh hoa trái. Vinh tụng ca là con dấu. Bài ca chúc tụng, giữa lời chủ tế và câu đáp của cộng đoàn, vạch ra con đường diễn tả đức tin của mình.
“AMEN, Vinh quang và Ca Ngợi đến Thiên Chúa”
Bằng cách triển khai từ “amen” bằng cách thêm các thuật ngữ “vinh quang” và “ca ngợi”, cho phép mọi người mở rộng phản ứng của mình như niềm vui và lòng biết ơn. Việc hát Vinh tụng ca gắn kết mọi người lại với nhau trong cùng một hành động ca hát, đồng thời cho thấy công việc của Thiên Chúa không bao giờ dừng lại. Khi hiệp thông với Mình và Máu Chúa Kitô, mọi người khám phá ra bằng cách tự hiến chính mình, Thiên Chúa mời gọi chúng ta noi gương Ngài. Cuối cùng Vinh tụng ca không phải là kết thúc lời cầu nguyện, mà là nguồn gốc mọi lời khen ngợi đích thực.
Theo ý Linh mục Olivier Praud, địa phận Luçon (Pháp), giáo sư thần học tại Học viện Paris.
“Vì vương quyền, uy lực và vinh quang là của Chúa đến muôn đời”
Trong phụng vụ Thánh Thể, kể từ cuộc cải cách phụng vụ của Công đồng Vatican II, việc đọc chung Kinh Lạy Cha được theo sau bởi lời cầu nguyện cá nhân của chủ tế (được gọi là “kinh phụ thêm”), sau đó cộng đoàn tiếp tục: “ Vì vương quyền, uy lực và vinh quang là của Chúa đến muôn đời ”. Câu này xuất phát trực tiếp từ một “vinh tụng ca” (công thức ca ngợi) xuất hiện ở cuối Kinh Lạy Cha trong một số bản viết tay của Tin Mừng Thánh Matthêu (Mt 6,9-13). Chúng ta có thể cho rằng điều này đã được sử dụng đến trong một số cộng đồng Kitô giáo ngay từ buổi đầu của Giáo hội.
Nhưng, thành thật mà nói, nó còn xuất phát từ xa hơn nhiều, bởi vì một cách diễn đạt hoàn toàn tương đương đã xuất hiện trong lời cầu nguyện của Đa-vít. Khi hấp hối, được vây quanh bởi các cố vấn, ông đã chỉ dẫn cho con trai mình là Sa-lô-môn và cầu nguyện bằng những lời này: « Lạy CHÚA, Ngài vĩ đại quyền năng, Ngài oai vệ, vinh quang, rực rỡ, vì mọi sự trên trời dưới đất thuộc về Ngài. Ngài nắm giữ vương quyền, lạy CHÚA, và địa vị tối cao, vượt trên tất cả » (1Sbn 29, 11). Thật cảm động khi nghĩ rằng ngày nay chúng ta vẫn tiếp nhận lời cầu nguyện của Vua Đa-vít, tổ tiên xa xôi của Chúa Giê-su Kitô
Marie-Noëlle Thabut