Thứ Bảy, 07 Tháng Mười, 2023

(10) Chương bốn : Giai đoạn chót của vương quốc Giu-đa (722-587)

Chương bốn : Giai đoạn chót của vương quốc Giu-đa (722-587)

Chúng ta dừng vừa nói qua vương quốc thống nhất Đa-vít-Sa-lô-môn, từ đó chúng ta đi đến vương quốc miền bắc, nay chúng ta trở lại vương quốc miền nam hay Giu-đa, trong giai đoạn chót trải dài từ khi vương quốc miền bắc sụp đổ (722) cho tới khi Giê-ru-sa-lem thất thủ (587).

I. Một cái nhìn tổng quát về vương quốc miền bắc.

1. Giu-đa giữa những năm 930 đến 722.

Một tiểu quốc bị kềm kẹp giữa hai gọng kìm Ít-ra-en và Phi-lít-tin, co mình trên đồi núi chung quanh Giê-ru-sa-lem và kéo dài ra tới sa mạc Né-gu-ev. Họ sống nghề trồng tỉa, chăn nuôi, nhất là nuôi cừu, cũng có buôn bán với Ai-cập và Á-rập.

Về chính trị, dĩ nhiên phải chịu ảnh hưởng tình hình quốc tế. Trong một phần khoảng thời gian này, khi hai cường quốc Ai cập và As-sy-rie suy yếu, inh hoạt chính trị và quân sự tập trung vào Ca-na-an : lúc thì đấu tranh, giao hòa, thắng và bại giữa các tiểu vương quốc Giu-đa, Ít-ra-en và Da-mas.

Cục diện đổi hẳn, từ năm 745, với sự tái xuất hiện của As-sy-rie. Để chống lại, Da-mas và Ít-ra-en bắt tay nhau, và họ muốn kéo Giu-đa vào : Đó là cuộc chiến Sy-rô-E-phra-im mà ngôn sứ I-sa-ia đã có những sấm ngôn. A-chaz vua Giu-đa cầu cứu vua As-sy-rie. Vua As-sy-rie tới chiếm Da-mas năm 732, rồi chiếm Sa-ma-rie năm 722. Xúc động lớn cho vương quốc Giu-đa về cả hai phương diện chính trị và tâm lý.

2. Giu-đa giữa những năm 722 và 587.

Tất cả lãnh thổ miền bắc Giê-ru-sa-lem (cựu vương quốc miền Bắc) trở thành một tỉnh của As-sy-rie. Vua A-chaz vì đã cầu cứu As-sy-rie, nên phải chịu phần nào trách nhiệm trong cuộc đổ vỡ và ông trung thành với As-sy-rie cho tới khi băng hà.

E-ze-chi-as lên ngôi thay cha, trị vì khoảng 30 năm. Tất cả là 42 năm vì vua cha đã cho ông tham chính từ 12 năm trước. Ngôn sứ I-sa-ia cố vấn cho E-ze-chi-as, nhưng ông cai trị với chính sách mập mờ, khi đi với Ai cập, khi đi với Ba-by-lone, kẻ thù của As-sy-rie.

Năm 701, vua As-sy-rie tên là Sen-na-ché-rib vừa mới lên ngôi, xua quân đánh Giu-đa. E-ze-chi-as đắp lũy đào trong đá và kênh đào mang tên E-ze-chi-as. Đây là một thứ hầm chuyển nước từ suối Gui-hon tới giếng Si-lo-ê trong nội thành. Nhưng vua As-sy-rie nhốt nó lại trong thành như nhốt con chim vào lồng. Sau đó vua Sen-na-ché-rib rút quân (có lẽ vì nạn dịch) chỉ bắt E-ze-chi-as triều cống.

Ma-nas-sê, vua hung ác, cai trị 45 năm, ngoan ngoãn phục tùng vua As-sy-rie. Vua As-sy-rie lúc ấy là As-sour-ba-ni-pal, là vua nghệ sĩ và văn sĩ, có một tủ sách chứa đựng trên 20.000 bảng sách sử ký biên niên các vương quốc và văn chương của Trung Đông. Nhưng thế giới đang muốn xoay chiều, một triều đại khác xuất hiện ở Ba-by-lone; phía đông, I-ran bây giờ, dân Me-dès nổi dậy, và phía Tây, Ai cập tỉnh giấc.

Chính trong bối cảnh này, vua Jo-si-as cai trị Giê-ru-sa-lem 30 năm. Sau hai triều đại với các vua Ma-nas-sê (697-642) và A-mon (642-640) là hai người coi như nghịch đạo, sự đăng quang cuả vị vua đạo dức được chào đón nhiệt tình, nhất là vua Jo-si-as đã thành công lấy lại một số đất đai của vương quốc miền Bắc. Vua Jo-si-as phải chăng là một Đa-vít mới ? Dưới triều đại của ông, năm 622, người ta khám phá ra trong đền thờ một cuộn sách dài ghi chép những luật dùng trong cựu vương miền Bắc : những cuộn luật này được bổ sung vào để biến thành Đệ Nhị Luật sau này. Cuộc khám phá rất đúng thời vì nhà vua dựa vào đó làm cuộc canh tân chính trị và tôn giáo của mình (2Vua 22-23). Một thế hệ ngôn sứ mới rao giảng trong thời đại này như Xô-phô-ni-a, Na-Khum, Kha-ba-cúc và nhất là ngôn sứ Giê-rê-mi-a.

Năm 612, thành Ni-ni-ve, thủ đô As-sy-rie thất thủ vào tay người Me-dès và người Ba-by-lone sống dưới triều đại vua Na-bo-po-las-sar. Năm 610 liên minh này đến bao vây thành Ha-ran. Vua Jo-si-as muốn chận đường tiến của vua Ai cập Né-kao II, tử trận tại Meg-gui-do cả nước khóc thương và cuộc canh tân tàn lụi.

Năm 605, sau chiến thắng ở Kar-ké-mish, Na-bu-cho-do-no-sor trực chỉ Pa-les-tine, chiếm Giê-ru-sa-lem năm 597, phát lưu nhà vua và một số dân thường, trong đó có tư tế-ngôn sứ Ê-dê-ki-en. Na-bu-cho-do-no-sor đặt vua bù nhìn cho Giê-ru-sa-lem rồi ra về. Vừa quay lưng về, thì Giê-ru-sa-lem cầu cứu Ai cập. Giận dữ Na-bu-cho-do-nos-or trở lại, phá hủy thành, đốt đền thờ, và bắt tất cả lưu đày. Hôm ấy là ngày 9 tháng 7 năm 587, tận số của vương quốc Giu-đa. Cuộc thất thủ thành Giê-ru-sa-lem gây một xúc động tâm lý mạnh mẽ cho những kẻ tin. Trước hết, xúc động giải thích phần nào suy tư tại Giu-đa bắt đầu từ năm 722.

3. Xúc động đến từ cuộc thất thủ Ít-ra-en năm 722.

Trong vương quốc Giu-đa, cuộc thất thủ thành Sa-ma-rie và cuộc viễn chinh chiếm đất bởi người As-sy-rie đã làm cho những người Giu-đa sáng suốt phải suy nghĩ. Vương quốc miền Bắc tận số là một vương quốc anh em. Dẩu rằng hai vương quốc bị chia cách và chiến đấu chống lẫn nhau, nhưng họ có cùng một Thiên Chúa, cùng truyền thống và cùng niềm xác quyết họ là “dân Thiên Chúa” mà Thiên Chúa đã cho họ đất đai. Cuộc thất thủ thành Sa-ma-rie, đặt lại vấn đề hai cực của đức tin : dân tộc và đất đai. Dân tộc chỉ còn lại Giu-đa sao ? Nhờ các vị ngôn sứ và các hiền triết, hy vọng còn tồn tại mạnh mẽ thấy rằng Thiên Chúa hoàn thành một ngày nào đó sự thống nhất dân tộc : đó mới thật sự là dân tộc bao gồm Giu-đa và Ít-ra-en.

Bối cảnh chính trị và tôn giáo giải thích một phần lớn hoạt động văn hóa cực thịnh tại vương quốc Giê-ru-sa-lem dưới triều đại các vua E-ze-chi-as và Jo-si-as.

4. Hoạt động văn hóa.

Sau khi thành Sa-ma-rie thất thủ, Giê-ru-sa-lem trở thành trung tâm hoạt động văn hoá cực thịnh. Các người di cư đến từ miền Bắc mang theo truyền thống, những sưu tập trình thuật như chu kỳ về ngôn sứ Ê-lia và ngôn sứ Ê-li-sa, những bản luật và những sấm ngôn các ngôn sứ ví dụ như ngôn sứ Hôsê.

Một sưu tập về những luật lệ được hoàn thành, trở thành cốt lõi của bộ Đệ Nhị Luật sau này, nhưng dầu sao bộ luật trên vẫn chưa được thi hành và phải chờ tới cuộc canh tân của vua Jo-si-as mới thấy được áp dụng.

Dưới triều vua E-ze-chi-as, người ta bắt đầu thực hành những tổng hợp văn chương trộn lẫn những truyền thống đến từ hai miền Nam và Bắc. Đó là một tiến trình trên đường soạn bộ Ngũ Kinh.

Nội dung xưa của các sách Giô-suê (2-9), Thẩm Phán (3-16) và sách các Vua được hoàn thành. Sau này, các sách kể trên và thêm vào đó có sách Sa-mu-en được đọc lại theo lăng kính thần học của trường phái Đệ Nhị Luật. Từ đó, các sưu tập Thánh vịnh được hoàn thành. Những sưu tập về cách ngôn cũng được các thầy ký lục của vua E-ze-chi-as soạn thảo (Cách ngôn 25,1) 

II. Các ngôn sứ xứ Giu-đa ở thế kỷ thứ 6

Tiếng nói ngôn sứ I-sa-ia đã im bặt không biết tự bao giờ. Theo truyền tụng Do thái, có lẽ ông đã bị vua Ma-nas-sê giết. Tuy nhiên, một thế hệ các ngôn sứ mới chỗi dậy...

1. Na-khum.

Chúng ta cần đọc lại trận chiến xa giữa thủ đô Ninivê bị tràn ngập nước : Biến cố này từ lâu ông đã tiên báo. Ông sống ở đó từ năm 660 và đọc thấy biến cố như ngày tàn lụi của thủ đô As-sy-rie vào năm 612. Thật là một cử chỉ lạ lùng về lòng tin vào khả năng Thiên Chúa, biểu hiện trong câu Thánh vịnh đầu cuốn sách (1,2-8) vào giữa thời mà As-sy-rie đang ở tột cùng một cường quốc.

2. Xô-phô-ni-a

Ông bắt đầu sứ vụ vào lúc triều ác vương Ma-nas-sê vừa chấm dứt. Còn tân vương Jo-si-as lên ngôi năm 640 thì chưa khởi công cải cách về đạo.

Phần 1 sách của ông (1,1-3,8) như một bản thống kê bi phẩn. Ông thất vọng vì không sao tìm ra được một người hiền đức công chính giữa dân, trừ Thiên Chúa. Nhưng Thiên Chúa bị bỏ rơi ! Giê-ru-sa-lem đã không tới gần Thiên Chúa của mình nữa (3,2), vì thế ngày Thiên Chúa nổi trận đã gần (1,14).

Các Thần thế, các vua, các ngôn sứ, các tư tế đã thất bại, nên ông quay về với người nghèo trong lòng, những người không ỷ lại vào sức riêng, chỉ tin cậy vào Thiên chúa (2,3). Ông đã khai mào chủ đề "nghèo khó tâm hồn" là chủ đề sẽ phát triển mạnh trong Tân ước. Nhưng tình yêu Thiên Chúa mạnh hơn. Thiên Chúa thấy trước trong tương lai giây phút Ngài ngự giữa cung lòng thiều nữ Sion, ở giữa dân Ngài, ở giữa muôn dân đã được tình yêu Ngài thanh luyện và chỉ nghĩ tới đó, Thiên Chúa đã nhảy mừng (3,9-20).

3. Kha-ba-cúc

Ông lên tiếng rao giảng vào năm 600, khi quân Ba-by-lone bắt đầu xâm nhập Pa-les-tine. Theo ông, Ba-by-lone là cái roi Thiên Chúa dùng để trừng phạt As-sy-rie vì đã đàn áp Ít-ra-en. Nhưng vấn nạn nêu ra : làm sao Thiên Chúa lại dùng cái roi bẩn thỉu như thế ? Tại sao kẻ dữ cứ mãi thành công. Ông đặt vấn đề cái ác trên bình diện các quốc gia. Thiên Chúa trả lời một câu mà thánh Phaolô sẽ tóm lược sứ điệp của mình : Người Công Chính sống bằng đức tin (2,4). Lời cầu nguyện của ông (chương 3) là lòng tin và niềm vui trong Thiên Chúa giữa những thử thách đen tối nhất.

4. Giê-rê-mi-a

Không có con người khác thường này, lịch sử tôn giáo của loài người đã theo một một quỹ đạo khác... đã không có Kitô giáo (Renan). Ông đã sống tấn kịch thảm khốc đè bẹp dân tộc năm 597 rồi năm 587. Ông đã tiên báo và cố dọn lòng dân vô tư đón chịu, nhưng họ bách hại ông. Ông khởi sự giảng dưới thời vua Jo-si-as. Lời ông giảng không khác lời các vị tiền nhiệm. Ông chỉ muốn dân ý thức mình đã lầm đường, sống thế này dẫn đến diệt vong. Hai từ  chính ông thường nói đi nói lại là : dân đã bỏ Thiên Chúa, dân phải trở về với Thiên Chúa... Nhưng đến thời kỳ vua Jo-si-as lo việc chấn hưng đạo thì ông lại im lặng !

Năm 605, vua Na-bu-cho-do-no-sor đánh bại người Ai-cập ở Kar-ké-mish ở miền Bắc xứ Sy-rie. Năm 604 ông trở thành vua và ít lâu sau đó đi đến chiếm thành Giê-ru-sa-lem và dân thành phục tùng ông. Ngôn sứ Giê-rê-mia hiểu rằng kẻ thù đến từ phương bắc tận bên Ba-by-lone. Ông thấy trước thảm họa và sửa soạn lòng dân. Khi một biến cố đau thương đến với ta như bệnh hoạn tai nạn..., và chúng ta không thể làm gì khác hơn thì chỉ còn điều tìm một ý nghĩa cho nó. Chúng ta chỉ hiểu sau đó. Đó là những gì như ngôn sứ Ê-dê-ki-en cũng như các đồ đệ của I-sa-ia sống lưu đày ở Ba-by-lone cố gắng thực hành. Cái hay của Giê-re-mia là ông thấy và hiểu trước. Ông cho biến cố thảm hại đó một ý nghĩa trước khi chuyện xảy ra. Nhưng dân chúng không nghe theo còn loại bỏ và hành hạ ông. Họ thích nghe theo lời các ngôn sứ giả bảo đảm nhất thời cho họ hơn. Khi biến cố xảy ra và cho biết Giê-rê-mia có lý, người ta liền nhớ lại sứ điệp của ông. Nhờ đó, dân vượt qua biến cố khó khăn trước với một ý nghĩa. Chính vì điều này đã giúp người dân sống lưu đày với đức tin và hy vọng, chứ không vùi dập trong đau khổ nhưng tìm thấy lại một ý nghĩa mới cho cuộc sống.

4.1. Chúng ta cùng nhau đọc vài nét chính trong bản văn của ông :

            - đạo thật : Dân giữ đạo tưởng tôn kính Hòm Bia và đi lễ Đền thờ là đủ rồi. Họ dâng của lễ, giữ ngày Sa-bát, cắt bì cho con cái... Họ giữ đạo bề ngoài, lòng họ không có ở đó. Họ tưởng cứ giữ đủ lễ nghi Chúa sẽ phù hộ cho họ, cho Giê-ru-sa-lem là thành Thánh. Họ coi việc giữ đạo như một bảo hiểm, miễn cho họ khỏi yêu mến... Giê-rê-mi-a bảo : Thiên Chúa phá hết bảo hiểm đó : cả hoà ước (3,6), cả Đền thờ (7,1-5;26) vì điều Thiên Chúa đòi, không cắt bì ngoài da thịt nhưng trong tâm hồn (4,4; 9,24-25). Các lời đó đều là lộng ngôn phạm thượng đến nỗi ông thoát chết là phép lạ. Ông tiên trưng cho Đức Giêsu vậy.

            - Giao ước mới : Chương 31 là cao điểm sứ điệp của ông. Ở bên kia tai ương ông giảng hy vọng : Thiên Chúa tha thứ và làm mới mọi sự. Ông căn cứ vào đâu mà quả quyết như vậy ? Đọc 32,20 : Trách nhiệm cá nhân (câu 29-30) như điệp khúc bài giảng của ông (chương 18). Những nét nào làm nên giao ước mới (31,31-34). Lu-ca (22,20) và thánh Phaolô sau này trong thư thứ 1Cô-rin-tô 11,25 nhìn thấy sẽ được thể hiện trong máu Chúa Kitô.

            - Những hành vi ngôn sứ. Như và còn hơn các ngôn sứ khác, Giê-rê-mi-a giảng bằng hành vi và bằng lời. Ngôn sứ  nói Lời chúa là Lời hiệu nghiệm. Ngôn sứ loan báo biến cố và làm cho biến cố hiện diện trước khi điều đó xảy ra.

            - Nhật ký Giê-rê-mi-a. Ông với thánh Phaolô là nhân vật Thánh kinh được biết nhiều hơn cả. Ông thổ lộ tâm tình, những phản ứng cá nhân, lòng tin và nghi ngờ, những lời tự thú. Đọc 12,1-5 và 20,7-18 để thấy làm cách nào những lời cầu nguyện này giúp chúng ta hiểu biết Thiên Chúa ? Tự biết mình ? và mối tương quan giữa ta và Thiên chúa ?

            - ơn gọi (1,4-19). Cách một ngôn sứ trình bày ơn gọi, được Thiên Chúa gọi mời thường soi rõ sứ điệp của mình. Đối với Giê-rê-mi-a không có gì khác thường. Tất cả mọi sự dường như xảy ra trong lời cầu nguyện riêng tư thân mật. Chúng ta hãy đọc kỷ lại đoạn văn này để khám phá ra sứ mệnh nào Giê-rê-mi-a được giao phó và những nét nào về cá tính của ông ?  Sự bảo đảm cho ông dựa vào đâu ? Hai thị kiến (câu 11 và 13) cho biết thế nào một ngôn sứ thấy Thiên Chúa trong những biến cố. Điều này cách nào giúp chúng ta khám phá ra Lời Chúa trong cuộc sống của mình và trong những biến cố thế sự ?

Bài viết khác

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

22/01/2024

Một số chất làm ngọt tự nhiên và ít gây hại cho cơ thể như đường cỏ ngọt, đường la hán, mật ong và đường nâu. Trong một bài báo tổng quan bao gồm 46 nghiên cứu về đường không ly tâm, tác dụng được báo cáo nhiều nhất là [tăng khả năng] miễn dịch (26%)...

Cá mắm xứ Huế

Cá mắm xứ Huế

09/02/2024

Viết về Cá và Mắm xứ Huế, tôi dựa vào ít ỏi vài tài liệu trong tay tuy không đầy đủ nhưng tôi hy vọng nêu lên phần nào một trong những nét đặc trưng ẩm thực của người dân Huế.

Art