Chương năm : thời Lưu đày Babylone (587-538)
Việc Giê-ru-sa-lem bị thất thủ trước quân đội Ba-by-lone là một biến cố kinh hoàng. Đất nước giờ đây bị tàn phá. Đền thờ, trung tâm Đức tin, bị phá hủy, vua, người kế vị Đa-vít, biến mất. Phải chăng Thiên Chúa đã bỏ rơi dân Ngài ?
1) Lưu Đày (587-538)
Tháng 7 năm 587 : sau một năm trời bao vây, quân đội Ba-by-lone tiến vào thành Giê-ru-sa-lem, phá thành và đốt Đền thờ. Vương quốc Giu-đa đến ngày tận số. Thực ra, vua Na-bu-cho-do-no-sor đã chiếm thành Giê-ru-sa-lem từ năm 597. Ông chỉ đòi nộp thuế nắng và bắt một sồ dân đi lư đày trong số đó cố ngôn sứ Ê-dê-ki-en, và để cho vị vua cai trị Giê-ru-sa-lem. Điều này có phải là bài học cho dân chúng ? Ta có quyền nghĩ như thế ; nhưng họ bị các Ngụy Ngôn sứ mê hoặc, ru ngủ cho là "bĩ cực thái lai", nên họ cứ ăn chơi và sống 10 năm thật điên rồ. Họ sống vô tư và kết liên minh với Ai cập chống lại Ba-by-lone.
Tại Giê-ru-salem, ngôn sứ Giê-rê-mia rao giảng kêu gọi phục tùng Ba-by-lone. Theo ông, điều cốt yếu không là tự do hay bị trị nhưng là công lý và tự do giữ đạo, thực thi công bằng. Ông bị kết tội "phản quốc" và bị ném xuống bùn...
Tại Ba-by-lone, ngôn sứ Ê-dê-ki-en cũng rao giảng với anh em đồng hương bị lưu đày cùng một tư tưởng như thế, và chẳng ai nghe. Họ lén lút may cờ chờ nghênh đón đoàn quân gỉai phóng... Năm 587, đoàn quân đến nhưng không để giải phóng nhưng cổ bị cột với thân xác tiều tụy vì phải đi cả 1500 cây số, theo sau là vị vua bị móc mắt.
Dĩ nhiên, đa số dân chúng vẫn còn ở lại xứ. Nhưng không người điều khiển, hoàn cảnh của họ trở nên điêu đứng. Một số khác trốn sang Ai cập. Giới nhân sĩ, có đến hàng chục ngàn người, bị lưu đày sang Ba-by-lone nhưng chính họ sẽ giữ vai trò quan trọng cho tương lai Ít-ra-en. Số phận họ dĩ nhiên không được đếm xỉa đến (Thánh vịnh 137,1-5). Tình trạng người Do thái đi lưu đày bị giao động mạnh về tâm lý và luân lý kinh khủng. Họ thật đau khổ thấu da thịt. Thời bấy giờ khi một thành phố bị tiến chiếm và đưa dân đi lưu đày còn có nghĩa phụ nữ bị hãm hiếp, trẻ con bị chặt đôi, binh sĩ bị lột da hay móc mắt... Thánh vịnh 137 còn ghi lại âm vang nổi đau khổ đó.
Thế nhưng thành Ba-by-lone không phải như trại tập trung. Dân Do thái được hưởng tự do đi lại cho dù phải làm việc bắt buộc. Ngôn sứ Ê-dê-ki-en được tự do thăm viếng đồng hương lo việc canh tác. Vào cuối thời lưu đày, một số làm ăn phát đạt đã ở lại Ba-by-lone. Các sử liệu của ngân hàng "Murashu" ở thành Nip-pour (phía nam Ba-by-lone) cho biết 1 thể kỷ sau thời lưu đày, một số dân Do thái đã ký thác trong ngân hàng một số tiền lớn.
Thành Ba-by-lone với những tập quán riêng đã hấp dẫn người Do thái. Ba-by-lone xây dựng trong một hình với 13 cây số vuông và có dòng sông Eu-phra-te chảy ngang qua. Con đường chính là thánh lộ bắt đầu từ cửa thần Ish-tar xây bằng gạch men nhiều màu, chạy dọc theo bờ tường đến tháp Zig-gou-rat (tháp nhiều tầng) : tháp Ba-by-lone hay tháp Ba-bel. Mỗi năm, vào dịp lễ đầu năm, họ được nghe những thi ca quan trọng như E-nou-ma E-lish, Gil-ga-mesh... kể lại việc thần Mar-douk, sáng tạo thế giới, còn thần E-a cứu loài người khỏi hồng thủy... Họ khám phá tư tưởng các hiền nhân về thân phận loài người... Người Do thái được tiếp xúc trực tiếp với tư tưởng phổ cập khắp miền Trung Đông và điều đó giúp họ suy tư nhiều.
Những người bị lưu đày được quyền tụ họp và tự do tổ chức. Họ bổ khuyết những tế tự xưa dâng kính tại Đền thờ Giê-ru-sa-lem bằng những lời nguyện và bài đọc sách Luật trong các phòng họp, gọi là hội đường.
Ngày 29 tháng Mười 539 "không một tiếng súng", chắc hẳn nhờ sự đồng tình của dân thành Ba-by-lone. Cy-rus, vua Ba tư đánh chiếm thành Ba-by-lone. Cy-rus nguyên là vua một tỉnh nhỏ thuộc đế quốc Me-des kéo dài từ phía đông đến phía nam Ba-by-lone. Vào năm 550, ông lên nắm chính quyền tại Me-die, rồi đi tới Tiểu Á lấy kho tàng của vua Cre-sus rồi mới trở lại thành Ba-by-lone. Sự thăng tiến mau lẹ của ông được dân Do thái lưu đày và tác giả I-sa-ia II để tâm theo dõi. Ông phải chăng là đấng Thiên Chúa chọn "xức dầu" đến để giải phóng họ ?
Quả thế, năm 538, từ thủ đô nghỉ hè Ech-tane, Cy-rus ký sắc lệnh cho người Do thái xây dựng đền thờ (Ét-ra 6,2-5) và ông còn tài trợ tài chánh cho họ. Phải chăng đây là chính sách khoan hồng tự nhiên của ông hay là một đòn chính trị cao tay ? Cy-rus làm vậy để dân Do thái sẽ là tiền đồn của đế quốc ông trước người Ai cập, và họ sẽ nhiệt tâm trung tín với ông. Dù sao đi nữa, đối với người Do thái đây thực sự chấm dứt cơn ác mộng. Một số lớn lưu dân đã trở về đất tổ.
Thời gian lưu đày đối với Ít-ra-en còn là một thời kỳ phát xuất nhiều tác phẩm văn chương.
1.1. Bài ca bi ai của những người ở lại
Trước hết, đây là một bản văn ngắn gọn, một bản văn độc nhất chúng ta có thể nói chắc chắn là do những người Do thái ở lại sáng tác ra : bài ca than khóc. Năm bài thơ này, do nhiều tác giả sáng tác ngay sau thảm họa năm 586, biến cố đã làm cho toàn xứ phải buồn thảm. Bài than khóc này cùng một cung điệu với những bài ca bi ai rất danh tiếng trong truyền thống Do Thái (2 Sa-mu-en 1,17...) và (Ai ca 5,1-22) : "Lạy ĐỨC CHÚA, xin Ngài nhớ cho: chúng con khổ cực biết chừng nào. Xin đưa mắt nhìn xem, nỗi nhục nhằn chúng con phải chịu. 2 Sản nghiệp chúng con đã về tay ngoại kiều, nhà cửa chúng con lại thuộc về kẻ khác. 3 Chúng con mồ côi cha mẹ chúng con goá bụa. 4 Đến như nước uống còn phải trả tiền, củi để đun cũng phải mua mới có. 5 Chúng con bị săn đuổi, cổ đeo gông nặng nề, xác thân rời rã mà chẳng được nghỉ ngơi. 6 Chúng con ngửa tay xin Ai-cập, chờ Át-sua cho miếng bánh độ thân. 7 Cha ông chúng con phạm tội, nhưng đã khuất, chúng con nay gánh chịu vạ các ngài gây nên. 8 Đám tôi đòi thống trị chúng con, chẳng ai cứu chúng con khỏi tay chúng. 9 Chúng con đánh liều vào hoang địa, bất chấp lưỡi gươm, kiếm bánh về. 10 Da thịt nóng ran như lò lửa, bụng dạ cồn cào vì cơn đói. 11 Tại Xi-on, chúng hãm hiếp đàn bà, trong các thành Giu-đa, chúng làm nhục trinh nữ. 12 Chúng tra tay treo cổ các thủ lãnh chúng con, hàng kỳ mục, chúng chẳng thèm kiêng nể. 13 Đám thanh niên phải khiêng cối đá, còn thiếu niên lảo đảo dưới khối gỗ nặng nề. 14 Cổng thành vắng bóng hàng kỳ mục, thanh niên hết đàn ca xướng hát. 15 Tim chúng con hết rạo rực niềm vui, tang tóc sầu thương thay thế cho vũ điệu. 16 Triều thiên đội đầu nay đã rớt, khốn thân chúng con: chúng con đã lỗi phạm đến Ngài. 17 Hỏi vì đâu mà lòng chúng con sầu muộn, vì đâu mắt chúng con mù tối ? 18 Âu cũng vì núi Xi-on vắng lặng điêu tàn, trở thành nơi cho sói rừng lảng vảng. 19 Còn Ngài, lạy ĐỨC CHÚA, Ngài muôn đời tồn tại, vương quyền Ngài bền vững thiên thu. 20 Sao Ngài đành quên chúng con mãi mãi, đành bỏ mặc chúng con suốt chuỗi ngày dài ? 21 Xin đưa chúng con về với Ngài, lạy ĐỨC CHÚA, để chúng con trở về. Xin đổi mới cuộc đời chúng con cho được như thời xa xưa ấy. 22 Hay Ngài đã thực sự ruồng rẫy chúng con, đã giận chúng con hết mức rồi ? ".
2. Sinh hoạt văn hóa.
Đi lưu đày, người Do thái mất tất cả. Họ chỉ còn lại truyền thống tiên tổ. Họ đem ra đọc một cách say mê.
Trong mỗi thời kỳ thử thách đều có những người của Thiên Chúa xuất hiện, những ngôn sứ. Trong những người bị lưu đày, bên cạnh Ab-di-as, còn có hai người đặc biệt của Thiên Chúa Ê-dê-ki-en và I-sa-ia thứ hai. Ngôn sứ Ê-dê-kien rao giảng thời kỳ đầu buổi lưu đày và ngôn sứ I-sa-ia II rao giảng vào thời cuối cuộc lưu đày.
2.1. Ê-dê-ki-en.
Ông là một tư tế bị đem sang Ba-by-lone trong cuộc lưu đày lần thứ nhất năm 597. Ông hiểu rằng chính Thiên Chúa muốn ông trở nên người chuẩn bị tương lai cho nhà Ít-ra-en hầu kêu gọi họ xét lại cuộc đời (Ê-dê-ki-en 3,17; 33,1 tt...). Chính bởi vì dân đã quay lưng lại Thiên Chúa nên Ngài rời bỏ Giê-ru-sa-lem (Ê-dê-ki-en 10,18 tt...; 11,22 tt...) và Do thái chịu lưu đày. Tuy nhiên, chẳng bao lâu nữa Thiên Chúa sẽ tập trung lại dân Ngài như những đám xương khô dựng dậy khởi mồ (Ê-dê-ki-en 37,1-14), Ngài sẽ ban cho họ một trái tim mới và một thần trí mới (Ê-dê-ki-en 36,26) và Ngài sẽ đem họ trở về đất mình. Một Đền thờ mới sẽ được xây dựng nơi đó bắt nguồn suối nước hằng sống mang lại hoa màu tốt tươi trong mọi mùa.
Sau đây là một đoạn đầy ý nghĩa trích từ bài giảng ngôn sứ Ê-dê-ki-en - Thiên Chúa dùng miệng lưỡi của ngôn sứ (Ê-dê-ki-en 39,23-29) mà nói : "Các dân tộc cũng sẽ nhận biết điều này: chính vì các tội chúng đã phạm đến Ta, mà nhà Ít-ra-en đã phải đi đày; chính vì chúng không trung thành với Ta, nên Ta đã ẩn mặt đi, đã trao chúng vào tay quân thù và tất cả đã bị ngã gục dưới lưỡi gươm. 24 Ta đã xử với chúng tương xứng với những điều ô uế, những tội ác của chúng và Ta đã ẩn mặt đi. 25 Chính vì thế, ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng phán thế này: Giờ đây, Ta sắp đổi số phận của Gia-cóp và xót thương toàn thể nhà Ít-ra-en. Ta sẽ nổi ghen cho danh thánh của Ta. 26 Chúng sẽ quên đi những nỗi nhục nhằn đã phải chịu cũng như mọi tội bất trung đã phạm đến Ta, khi chúng sống yên hàn trên đất của chúng, mà không còn ai làm cho chúng phải lo sợ nữa. 27 Khi Ta đem chúng từ các nước trở về và quy tụ chúng lại từ các xứ thù địch với chúng, khi Ta biểu dương sự thánh thiện của Ta trước mắt nhiều dân tộc, 28 bấy giờ chúng sẽ nhận biết chính Ta là ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của chúng, Đấng đã bắt chúng phải lưu đày trong các dân tộc, rồi lại quy tụ chúng về đất của chúng và không để một ai trong chúng phải ở lại đó. 29 Ta sẽ không còn ẩn mặt đi, vì Ta sẽ đổ tràn thần khí của Ta xuống nhà Ít-ra-en-sấm ngôn của ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng".
Ê-dê-ki-en là một con người kỳ khôi, không thể làm việc gì như mọi người. Ông cũng được huyền kiến như các vị tiền nhiệm, nhưng những huyền kiến của ông cũng rất kỳ lạ. Chúng ta đọc chương 1 nói về ơn gọi của ông sẽ thấy rỏ hơn. Ông cũng có những hành vi ngôn sứ nhưng đôi khi đến mức tạm chấp nhận được như những điều ghi lại nơi các chương 4-5. Ngoài ra còn một số đoạn ám dụ rất thô tục như hai chương 16 và 23.
Nhưng qua cái thái quá đó lại gây cảm xúc, và khi muốn ông có thể tỏ lộ như một thi sĩ trữ tình như tiếng kêu của ông chống lại ông hoàng thành Tyr (chương 28). Đọc chương này xong ta có thể đem so sánh với văn bản Sáng thế 2-3. Từ đó, chúng ta sẽ nhận thấy hai văn bản cùng lấy lại một truyền thống huyền thoại nhưng lại trình bày rất khác nhau.
Sứ điệp của Ê-dê-ki-en sẽ là cơ sở căn bản cho Do thái giáo như một lối sống trước Thiên Chúa và với mọi người mà sẽ được thành hình sau thời lưu đày. Ông có ý thức sắc bén về sự Thánh thiện của Thiên Chúa, vì theo ông điều đó biểu lộ toàn hữu thể. Là một tư tế ông đặt trọng tâm vào lễ nghi và phụng tự. Ông cũng lấy cảm hứng từ bộ "Luật thánh" (Lê-vi 17-26 do các tư tế ở Giê-ru-sa-lem soạn thảo trước thời lưu đày.
Nếu như ngôn sứ Giê-rê-mia nhấn mạnh đến phương diện nội tâm của tôn giáo và lý tưởng của ông nuôi dưỡng lòng đạo đức các người nghèo của Thiên Chúa, và nguy hiểm có thể đưa tôn giáo xuất thể. Ê-dê-ki-en cũng rao giảng một tôn giáo nội tâm nhưng còn nhấn mạnh thêm rằng lòng tin cần phải diễn đạt bằng thân xác, trong những nghi lễ, và nguy cơ cũng có thể làm cho người ta quá chú trọng đến các chi tiết nhưng không ý nghĩa.
2.2. I-sa-ia II.
Ngôn sứ thứ hai trong thời kỳ thử thách này, mà tác phẩm nổi bật trong nền văn chương Do thái, cũng là người bị lưu đày, vô danh như bao nhiêu người khác. Lời của ông sớm được thâu thập lại thành sách ngôn sứ I-sa-ia bởi các môn đệ vào thế kỷ thứ 8 - làm thành những chương 40 đến 55 của sách ngôn sứ I-sa-ia, thường gọi là I-sa-ia thứ II.
Ít khi đức tin vào một Thiên Chúa duy nhất, vua lịch sử được khẳng định cách thâm tính như thế. Thiên Chúa sẽ đưa dân Ngài thoát khỏi lưu đày như xưa thoát khỏi ách nô lệ Ai cập; đây sẽ là một Xuất hành mới, một hành trình khải hoàn của dân Do thái qua sa mạc mà Thiên Chúa sẽ san bằng tất cả trên lối đi (I-sa-ia 40,1-5) : "Thiên Chúa anh em phán: "Hãy an ủi, an ủi dân Ta : 2 Hãy ngọt ngào khuyên bảo Giê-ru-sa-lem, và hô lên cho Thành: thời phục dịch của Thành đã mãn, tội của Thành đã đền xong, vì Thành đã bị tay ĐỨC CHÚA giáng phạt gấp hai lần tội phạm." 3 Có tiếng hô: "Trong sa mạc, hãy mở một con đường cho ĐỨC CHÚA, giữa đồng hoang, hãy vạch một con lộ thẳng băng cho Thiên Chúa chúng ta. 4 Mọi thung lũng sẽ được lấp đầy, mọi núi đồi sẽ phải bạt xuống, nơi lồi lõm sẽ hoá thành đồng bằng, chốn gồ ghề nên vùng đất phẳng phiu. 5 Bấy giờ vinh quang ĐỨC CHÚA sẽ tỏ hiện, và mọi người phàm sẽ cùng được thấy rằng miệng ĐỨC CHÚA đã tuyên phán."
Người ta thấy trong tác phẩm này những bài ca của tôi tớ Thiên Chúa. Tùy theo các bài, tác giả hoặc ngụ ý Cy-rus, vua Ba tư mà Thiên Chúa sẽ dùng để đưa dân Ngài trở về nước, hoặc ngụ ý Do thái, hoặc chính tác giả ngôn sứ đã được giao phó sứ mệnh loan báo công cuộc giải phóng. Sứ mệnh của ông, vì một lý do nào đó chúng ta không biết, đã tạo nên cho ông một sự đối lập mạnh mẽ và đưa ông đến cuộc tử đạo (I-sa-ia 52,13 tt...; 53,1 tt...) truyền thống Kitô giáo nhìn nhận nơi ông là người tôi tớ đau khổ, như Chúa Giêsu, Vua Thiên sai của thời đại cứu thế.
2.21. Đọc I-sa-ia 52,13-53,12 : Người tôi tớ của Thiên Chúa
Bản văn này là cao điểm sứ điệp của I-sa-ia II. Lời chú giải đoạn văn này còn đang được nhiều tranh luận.
- Thiên Chúa loan báo vinh quang đang chờ người tôi tớ (52, 13-15)
- Các dân tộc bách hại người tôi tớ ngạc nhiên và thú nhận mính đã lầm (53, 1-6)
- Ngôn sứ suy niệm về thân phận người tôi tớ bị xử oan... (53,7-9) và ông cầu nguyện : ĐỨC CHÚA đã muốn người phải bị nghiền nát vì đau khổ. Nếu người hiến thân làm lễ vật đền tội, người sẽ được thấy kẻ nối dõi, sẽ được trường tồn, và nhờ người, ý muốn của ĐỨC CHÚA sẽ thành tựu.
- Thiên Chúa nhận lời cầu (53,11-12.
Người tôi tớ chắc hẳn hiện thân của dân Ít-ra-en, bị hạ nhục, khinh chê, tử hình. Gian khổ đè nặng trên mình không thể làm gì cả ngoại trừ cho nó một ý nghĩa.
Cái chết của người tôi tớ đã biến đổi cách nào ? Kết cục ra sao ? Tại sao ? (hãy xem kỷ hai dạng thái : thái độ của người tôi tớ – hành động của Thiên Chúa)
Hình ảnh người tôi tớ này đã giúp Kitô Hữu tiên khởi rất nhiều để hiểu về Đức Giêsu. Làm sao việc này gíup chúng ta khám phá ra ý nghĩa :
- sứ mệnh của Chúa Kitô ?
- cái chết của Ngài cho muôn người ( Mác-cô 10,45 ; thư gửi Rô-ma 4,25 ; Mát-thêu 26,28 và các đoạn văn song đối trong Mác-cô và Lu-ca)
- mầu nhiệm Vượt Qua (Phi-lip-phê 2,6-11)
2.3. Bộ Luật Thánh.
Trong thời lưu đày, một nhóm tư tế đã thu thập tất cả những dữ kiện có các nguồn gốc khác nhau, đôi khi rất cổ, để làm thành bộ luật, bàn đến nhiều khía cạnh khác nhau của đời sống và việc phụng tự. Đó là sách Lê-vi. Các chương từ 17 đến 26 có nội dung riêng, quen gọi là Bộ Luật Thánh vì nhiều lần bộ luật ấy nhấn mạnh đến sự Thánh thiện của Thiên Chúa và của dân Ngài : "Các ngươi phải thuộc về Ta, phải thánh thiện, vì Ta, ĐỨC CHÚA, Ta là Đấng Thánh, và Ta đã tách biệt các ngươi ra khỏi các dân để các ngươi thuộc về Ta. " (Lê-vi 20,26).
Bộ Luật thánh có nhiều điểm chung với Sách Đệ nhị luật. Cũng giống như vậy, bộ luật thánh mở đầu với lời dẫn giải, Thiên Chúa xác định một nơi đặc biệt để gặp gỡ dân Ngài, Đền thờ Giê-ru-sa-lem (Lê-vi 17,3 tt...; Đệ nhị luật 12,1 tt...). Cũng như sách Đệ nhị luật, bộ luật thánh kết thúc bằng một lời khuyến dụ dài gồm có những lời loan báo về nền thịnh vượng cũng như những lời cảnh cáo nghiêm trọng (Lê-vi 26; Đệ nhị luật 28).
Ít-ra-en không còn là một quốc gia, phải chấp nhận không còn là một cộng đoàn hoàn toàn tận hiến cho Thiên Chúa. Vì thế Do thái sẽ lo tuân giữ mọi lề luật Thiên Chúa đã xác định (Lê-vi 18-22), cử hành các đại lễ hằng năm (Lê-vi 23), thực hành công chính đối với người nghèo và kẻ bị áp bức, đặc biệt thi hành luật chuộc lại (Lê-vi 25) nhờ đó dân Do thái sẽ nhớ rằng trước đây họ đã làm nô lệ tại Ai cập và chính Thiên Chúa đã giải thoát họ (Lê-vi 25,42).
2.4. Tác Phẩm Tư Tế
Nhưng một lần nữa, sau các tác phẩm Gia-vít và Ê-lô-hít, đến việc hòa lẫn các tác phẩm, sau Sách Đệ nhị luật, người ta đọc lại lịch sử cổ thời của các tổ phụ trong hoàn cảnh hiện tại như các tư tế bị lưu đày xa Đền thờ nhìn thấy; đó chính là tác phẩm tư tế, đi từ cuộc tạo thành trời đất (Sáng thế 1,1 -2,4a) đến lúc Mô-sê từ trần (Đệ nhị luật 34,7-9). Chủ ý tác giả : cũng như ngôn sứ Ê-dê-ki-en, là để nâng đỡ lòng tin những người bị lưu đày và kêu gọi họ, theo gương những việc vĩ đại Thiên Chúa đã làm trong quá khứ, hãy hoàn toàn tín thác nơi Người cho đến lúc trở về quê hương.
Xuất thân từ những môi trường tư tế thời Giê-ru-salem phải đối phó với hoàn cảnh đau thương trong cuộc lưu đày, tác giả giúp cho những người bị lưu đày ý thức rằng họ thuộc về dân Chúa. Vì họ không lui tới Đền thờ được nữa, nên nghi lễ cắt bì cũng như lễ nghi ngày thứ bảy phải được phổ biến rộng rãi. Và để chuẩn bị việc trở về, nghi thức phụng tự và chức tư tế đã được tổ chức lại một cách rất chi tiết.
Mặt khác, tác phẩm tư tế này viết lại những gia phả nhằm mục đích nhắc cho các gia đình biết họ bắt nguồn trong quá khứ Do thái. Hơn nữa, sách tiếp tục suy niệm về những biến cố cổ thời để cho họ hiểu chương trình của Thiên Chúa không hề bị phá đổi vì những thử thách, lại càng không bị thay đổi bởi biến cố năm 586.
Ngoài ra, ngay từ đầu, Thiên Chúa đã bộc lộ ý định Ngài khi chúc lành cho con người, nghĩa là khi ban cho con người quyền sinh sản, quyền phát triển tràn đầy, chế ngự thiên nhiên, thống trị mọi loài vật - điều kiện sinh sống này hoàn toàn trái ngược với hoàn cảnh lưu đày hiện tại của Do thái. Tuy nhiên, nếu vậy, Thiên Chúa lại không tỏ hiện lời chúc lành của Ngài khi mang dân trở về đất họ để cho họ hưởng lại hạnh phúc sao ? Ngày nay, không ai còn nghi ngờ những lời xưa có một ý nghĩa hoàn toàn hiện đại (Sáng thế 1,28) : " Thiên Chúa ban phúc lành cho họ, và Thiên Chúa phán với họ: "Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất. Hãy làm bá chủ cá biển, chim trời, và mọi giống vật bò trên mặt đất."
2.41. Đọc trình thuật Sáng tạo : Sáng thế 1,1-2,4.
Đoạn văn kể lại cuộc tạo dựng nên trời đất muôn vật và sau hết là con người được trình bày theo truyền thống Tư tế (ký hiệu viết tắt là P, chữ đầu của từ Priesterschrift), nên rất chú trọng đến các ngày lễ (1,14 ; 2,2-3). Trình thuật này ra đời sau trình thuật tạo dựng trong Sáng thế 2 đến từ nguồn văn Gia-vít.
Sáng thế 1 và giòng văn Tư tế.
Sáng thế I được viết bởi truyền thống Tư tế, được viết vào khoảng thế kỷ thứ VI trước Công nguyên. Ở một đoạn trên, chúng ta thấy Sáng thế 2 được viết dưới triều đại vua Sa-lô-môn. Đọc lại lịch sử Do thái, Sa-lô-môn qua đời năm 930 và vương quốc bị chia ra làm hai. Miền Nam gọi là Yu-đa với thủ đô là Giê-ru-sa-lem, và miền Bắc gọi là Ít-ra-en với thủ đô là Sa-ma-rie.
Nhà Giu-đa trung thành với triều đại Đa-vít. Vua giữ vai trỏ thống nhất đất nước và đại diện dân trước Thiên Chúa : Thiên Chúa thì ngự giữa dân trong Đền thờ. Từ thời Sa-lô-môn, các truyền thống được ghi lại thành bản văn. Thế kỷ thứ VIII có những Ngôn sứ đi rao giảng như Mi-kha và I-sa-i-a.
Nhà Ít-ra-en thì ly khai với triều đại đa-vít, nhưng cũng có một vị vua. Triều đại này trải qua những khủng hoảng liên tiếp. Đối đầu với vua có những vị Ngôn sứ trung thành với hình ảnh Gia-vít. Họ kêu gọi dân chúng trung thành với Thiên Chúa của Mô-sê, chống lại ảnh hưởng tôn giáo tôn thờ thần Ba-al. Những truyền thống cổ đôi khi có đối chiếu với truyền thống Giu-đa cũng được ghi lại thành văn bản. Tại đây có những Ngôn sứ rao giảng như Ê-li, Ê-li-sa và Hô-sê.
Năm 722 Ít-ra-en bị quân As-sy-rie tiêu diệt và năm 587, thành Giê-ru-sa-lem ở miền Nam cũng bị thiêu hủy và dân chúng bị lưu đày sang Ba-by-lone (587-538). Họ mất tất cả những gì làm nên một dân một nước như đất đai, vua chúa và đền thờ và chắc chắn còn bị nguy cơ đồng hoá và mất gốc. Họ chỉ còn ký ức và truyền thống. Nhìn thấy được nhưng điều nguy hại trên, có một số Ngôn sứ như Ê-dê-ki-en, I-sa-i-a, hoặc là tập thể Tư tế tìm cách đọc lại lịch sử cho dân nghe và để trả lời những câu hỏi do dân đặt ra như : "nếu có Thiên Chúa thì tại sao Ngài làm thinh khi thấy dân bị lưu đày ?", "có thể xảy ra một cuộc xuất hành mới hay không ?", hoặc "nếu có Thiên Chúa thật thì làm thế nào tin vào Ngài được giữa một xã hội tôn thờ thần Mar-douk là Đấng Tạo Hóa ?", hay "các dân tộc khác giữ chổ đứng nào trong chương trình của Thiên Chúa ?". Các Tư tế lại cho dân một lần nữa đọc về những truyền thống để tìm thấy trong đó ý nhĩa của đau khổ. Truyền thống Tư tế được khai sinh trong hoàn cảnh đó và họ nhấn mạnh rằng Lời Thiên Chúa hứa với tổ phụ Ít-ra-en vẫn luôn luôn có giá trị. Họ muốn mang đến cho dân niềm hy vọng trong lúc tối tăm cuộc đời ly huơng.
Dân đang bị lưu đày, vì vậy cố nhiên biến cố duy nhất mà họ còn nhớ tới là biến cố Xuất hành. Thiên Chúa đã giải thoát cha ông của họ khi xưa thì ngày hôm nay Ngài cũng sẽ làm như thế. Họ tưởng tượng sự khởi đầu nhân loại khi suy tư lại từ biến cố Xuất hành. Lúc vượt Biển Đỏ họ thấy rõ ràng quyền năng của Thiên Chúa là Đấng Sáng tạo. Ngài đã xẻ nước ra làm đôi để dân Ngài đi về miền đất Tự do. Và với họ, sự sáng tạo ban đầu cũng là một hành động của Thiên Chúa là Đấng Cứu Độ. Ngài cũng phân chia nước khởi thủy ra làm hai hầu nhân loại có thể cư ngụ trên đó hoàn toà tự do.
Làm sao chúng ta biết được Sáng thế 1 thuộc truyền thống Tư tế ? Khi nghiên cứu các bản văn , các nhà chú giải khám phá ra một văn thể của "P" mang vài nét riêng như : -văn thể rất khô khan, chỉ thích các con số và liệt kê. Tác giả thường hay lặp đi lặp lại những thể thức "Thiên Chúa phán"..."Thiên Chúa làm" như chúng ta thấy trong đoạn vượt biển trong sách Xuất hành 13,17 - 14,31; đọan sáng tạo trong sách Sáng thế 1; (xem thên Xuất hành 25-31 và 35-40)
- ngữ vựng thường có tính cách chuyên môn, phụng tự.
- thích viết về gia phả, điều này cũng dể hiểu vì dây là cách cho dân bị lưu đày tìm lại nguồn gốc của họ.
- Phụng tự là chủ yếu. Ông Mô-sê đã hoàn thành như vậy, cho nên A-a-rôn và những kẻ thừa kế có trách nhiệm làm cho vững chắc bằng những cuộc hành huơng, những buổi lễ tế, công việc tại Đền thánh vì là nơi hiện diện của Thiên Chúa. ChứcTư tế là thể chế cơ bản bảo đãm sự tồn tại của dân. Họ thay thế cả cơ chế của vương quốc.
- lề luật thường được nhắc lại trong các trình thuật. Sở dĩ luật được gắn liền vào những biến cố lịch sử là vì những biến cố này cho lề luật ý nghĩa, ví dụ như luật về sinh sản trong trình thuật Đại hồng thủy (Sáng thế 9,1); luật về lễ Vượt Qua (Xuất hành 12,1 tt) được gắn liền vào tai ương thứ 10...
Với tất cả những nét riêng đó cho nên những trình thuật thuộc truyền thống Tư Tế thường được dễ nhận ra trong sách Ngũ Kinh.
Trình thuật Sáng thế 1 dù rất khô khan nhưng mang ngôn ngữ trang trọng theo thể văn Thánh Vịnh, có một cấu trúc chặt chẻ. Đoạn văn không chủ ý kể lại vũ trụ thành hình bằng cách nào, nhưng đây là lời tuyên xưng đức tin, một suy tư thần học mang giáo huấn Thiên Chúa là nguồn gốc muôn loài. Tác giả hình dung vũ trụ theo những quan niệm bình dân thời xa xưa. Vì thế trái đất và thế giới được hiểu như cái bè trôi, ở trên là bầu trời có cái vòm như cái chảo lật ngược. Mọi sự đi từng bước một thứ tự từ dưới lên trên. Từ hỗn mang đi đến một thế giới có trật tự và trên hết có loài người là "hình ảnh của Thiên Chúa".
Khi đọc đoạn văn Sáng thế này, nên lưu ý những cụm từ được lập đi lập lại như :
- Thiên Chúa phán ... tất cả 10 lần. Điều này gợi nhớ lại Thập giới. Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ thế giới như Ngài lập ra dăn tuyển chọn tại núi Sinai.
- Thiên Chúa hành động với nhiều động từ . Thiên Chúa sáng tạo bằng lời nói và bằng hành động như thể đối chọi nhau. Điều này là dấu chỉ đoạn văn Sáng thế 1 có thể đến từ truyền thống với hai bài khác nhau và được soạn giả gộp lại ; nhưng cũng có thể là lối hành văn quen thuộc của dòng truyền thống tư tế.
- Cụm từ "Qua một buổi chiều... " chia việc sáng tạo ra 6 ngày, và chấm dứt vào ngày Sa-bát là lối trình bày theo phụng vụ (chứ không theo khoa học). Chủ yếu đặt nền tảng về sự quan trọng của ngày Sa-bát.
Đoạn văn được biên soạn vào thời kỳ lưu đày nhưng tác giả vẫn khẳng định "mọi sự đều tốt đẹp" nói lên lòng tin vào Thiên Chúa muốn một thế giới tốt đẹp và công chính. Ngoài ra còn có những cụm từ và những thực tại mang ý nghĩa riêng của thời bấy giờ. Ngày Sa-bát đối với dân lưu đày rất quan trọng ; và nói rằng Thiên Chúa cũng giữ ngày Sa-bát tức là chính Ngài đã đưa ngày hưu lễ một tính cách thánh thiêng. Tác giả không nói mặt trời và mặt trăng nhưng là hai vầng sáng. Từ này thuộc ngữ vựng phụng tự của các tư tế, ám chỉ đền sáng trong Đền thờ (xem Xuất hành 25,6 ; 27,20...). Vì thế mặt trời và mặt trăng không là các thần như tại Ba-by-lone, nhưng là dấu chỉ Thiên Chúa hiện diện. Cho dù Đền thờ đã bị tàn phá nhưng toàn thể vũ trụ là Đền thờ của Thiên Chúa.
2.5. Tác Phẩm Đệ nhị luật.
Từ ngày khám phá, năm 622, Sách Đệ nhị luật đã có một ảnh hưởng mạnh. Trong khi đi lưu đầy, những vị như ngôn sứ Ê-dê-ki-en, chú ý đến công cuộc thiêng liêng cho dân tộc càng nhận thấy việc tái sáng tác, một lần nữa, câu chuyện từ Mô-sê cho đến thời lưu đày là cần thiết. Chính vì thế mà một khung cảnh lịch sử mới mẻ phát hiện. Vì tác phẩm có nhiều tương quan với sách Đệ nhị luật, người ta quen gọi là tác phẩm Đệ nhị luật. Tác phẩm này, ngoài chứng thư của Mô-sê trong chính sách Đệ nhị luật, còn có những sách Giô-suê, sách Thủ lãnh, sách Sa-mu-en và sách các Vua. Niềm thâm tín sâu xa của tác phẩm được diễn đạt bằng những lời như sau (Đệ nhị luật 30,1-4) : "Vậy khi tất cả những điều ấy xảy đến cho anh (em), tức là lời chúc phúc và lời nguyền rủa tôi đã đưa ra cho anh (em) chọn, anh (em) sẽ để tâm suy niệm những điều ấy, giữa các dân tộc, nơi mà ĐỨC CHÚA đã đuổi anh (em) đến; 2 anh (em) sẽ trở về cùng ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), anh (em) và con cái anh (em) sẽ nghe tiếng Người, hết lòng hết dạ, theo mọi điều tôi truyền cho anh (em) hôm nay. 3 ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), sẽ đổi vận mạng anh (em), sẽ chạnh lòng thương và sẽ lại tập trung anh (em) về từ mọi dân, từ nơi mà ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), đã phân tán anh (em). 4 Dù anh (em) có bị đuổi xa đến tận chân trời, thì ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), cũng sẽ tập trung anh (em) từ đó về, và từ đó Người sẽ đón anh (em)".