Thứ Năm, 04 Tháng Giêng, 2024

(12) Chương sáu : Ít-ra-en dưới đô hộ Ba Tư (538-333)

Chương sáu : Ít-ra-en dưới đô hộ Ba Tư (538-333)

Nữa thế kỷ sau khi bắt đầu cuộc lưu đày, vị vua trẻ của Ba tư, Cy-rus, đã thăng tiến sáng ngời. Tại Ba-by-lone, ông được đón tiếp như một vị sai đến từ các thần. Làm chúa xứ sở, vào năm 538, ông công bố sắc chỉ đình chiến cho phép những người lưu đày thuộc mọi quốc tịch được trở về trên xứ sở của họ.

1. Đế quốc Ba tư.

Sau khi chiếm được Ba-by-lone, Cy-rus tiến quân về mạn đông. Ông qua đời tại đó vào năm 530. Con ông là Cam-by-se(530-522) tiến chiếm Ai cập nhưng thất bại tại E-thi-o-pie.

Da-ri-us 1 (522-486) lên kế ngôi và bắt đầu tổ chức lại đế quốc bao la của mình. Ông chia đế quốc ra thành 20 tỉnh, với một tỉnh trưởng, một chưởng ấn và một đại tướng. Các tỉnh phải nộp thuế nặng. Hệ thống đường xá được mở mang với một đường "hoàng đạo" chạy dài từ Su-se đến thành E-phê-sô ở Địa Trung Hải. Da-ri-us tiến chiếm Thra-ce và Ma-cé-doi-ne, phía bắc Hy lạp, nhưng ông lại thất bại ở Ma-ra-thon năm 490.

Sau đó vua Xer-xès 1 (486-465) cũng bị người Hy lạp đánh thảm bại tại Salamine năm 480. Vua Ar-ta-xer-xès 1 (465-424) cần phải dẹp loạn bên Ai cập. Ông Nơ-khê-mi-a, một công chức Do Thái phục vụ tại triều đình Ba tư, được gửi qua Giê-ru-sa-lem.

Hy lạp đang ở thời Hoàng Kim -  thế kỷ của Pé-ric-lès, về nghệ thuật với Par-thé-non, về văn chương có So-pho-cle, Eu-ri-pi-de, và về triết lý có So-cra-te, Pla-ton...

Da-ri-us II lên ngôi (424-404) lo chiến tranh bên Ai cập. Tại đảo E-le-phan-tine, gần đập As-sou-an ngày nay, có một nhóm binh sĩ Do thái trấn thủ với đền thờ Thiên Chúa Ya-hô. Họ thường liên lạc với các chức sắc tại Giê-ru-sa-lem và triều đình Ba tư cho ta biết chút ít về tôn giáo của họ.

Khi Ar-ta-xer-xès II xưng vương (404-359), Ai cập phục hồi độc lập. Tỉnh Giê-ru-sa-lem trở thành quan trọng. Năm 398, vua cử ông Ét-ra đến giải hòa giữa người Do thái và người Sa-ma-rie, cả hai đều hưởng qui chế đặc biệt trong đế quốc. Họ phải tuân giữ "Luật Chúa Trời" (Ét-ra 7,21) dưới sự lãnh đạo của Thượng tế. Sự hiệp nhất mong mang này chỉ kéo dài được khoảng 60 năm.

Những vua Ba tư cuối cùng : Ar-ta-xer-xès III (359-338) ; Ar-sès (338-336) và  Da-ri-us III (336-330) chỉ lo dẹp loạn tại các tỉnh trước khi bị cường quốc Ma-cé-doi-ne mới nổi dậy. Năm 338, vua Phi-lip-pe thống nhất lại Hy lạp. Năm 336, khi A-le-xan-dre con của ông lên ngôi bắt đầu thật sự một kỷ nguyên lịch sử mới bắt đầu.

2. Tự do trên quê hương, nhưng một lần nữa bị khuất phục

Sắc lệnh của Cy-rus chấm dứt 50 năm người Do thái lưu đày ở Ba-by-lone. Chúng ta không có nhiều sử liệu cho biết sự trở về của người Do thái.

Năm 538, ông Shesh-ba-çar có sứ mệnh trao lại một số vật phụng tự cho Đền thờ Giê-ru-sa-lem. Đây là những vật dụng phụng tự bằng vàng và bạc do vua Na-bu-cho-do-no-sor lấy đưa về Ba-by-lone (Ét-ra 1,7-11). Chắc hẳn có số người Do Thái bị lưu đày, trong đó có rất nhiều tư tế, tháp tùng trở về quê cha đất tổ.

Nhiều nỗi khó khăn đang chờ họ. Khó khăn về tài chính, nhưng hơn thế nữa, cuộc kháng chiến bất ngờ của dân chúng địa phương, vì họ không còn muốn nhường đất và địa vị cho những người mới đến.

Giữa khoảng năm 522-520, dưới triều vua Da-ri-us, một nhóm người lưu đày khác lại trở về quê hương Giê-ru-sa-lem dưới sự điều hành của một người thuộc hoàng tộc Đavít là Zo-ro-ba-bel và thầy tư tế Giô-suê. Đoàn người này khá đông đảo (Ét-ra 2 ; Nơ-khê-mia 7). Nhờ sự vận động của hai ngôn sứ Khác gai và Da-ca-ria nên Đền thờ được xây dựng và thánh hiến vào năm 515.

3. Năm 515 : Đền thờ thứ hai.

Đền thờ được tái thiết sau 5 năm cố gắng. Một Đền thờ thứ hai, như người ta sẽ gọi, khiêm tốn hơn Đền thánh của Sa-lô-môn, chỉ được hoàn thành vào năm 515. Các kỳ mục đã từng biết cảnh rực rỡ huy hoàng của Đền thờ do vua Sa-lô-môn xây cất không khỏi ngậm ngùi rơi lệ trước sự tồi tàn, vá víu của đền thờ mới (Ét-ra 3,10-13 ; Khác gai 2,3).

 Nhưng dù sao Đền thờ đã có lại, và sau này từ năm 19 trước công nguyên cho đến năm 64 công nguyên được vua Hê-rô-đê tu sửa lại đẹp hơn và lớn hơn, và rồi sẽ bị quân La mã phá hủy vào năm 70 công nguyên.

Cụm từ "Đền thờ thứ hai" không những chỉ đền thờ nhưng còn có ý nói về thời đại kéo dài từ thời lưu đày về cho đến năm 70 công nguyên. Đó là thời đại Do thái giáo.

Ngoài ra, dẫu được tụ tập trên quê hương của mình, dân chúng không mấy được tự do. Những người giải phóng họ, là người Ba tư, bây giờ trở nên những người chủ mới, và tồn tại được hai thế kỷ, cho đến năm 333 khi A-le-xan-dre khuất phục họ dưới chế độ Hy lạp.

Nơi đây, hai nhân vật sẽ giữ vai trò quyết định. Trước hết là Nơ-khê-mi-a, một công chức Do Thái phục vụ tại triều đình Ba tư. Vào năm 445, ông đã nhận trách nhiệm tái thiết bức tường thành Giê-ru-sa-lem và năm 433 ông bắt đầu thực hiện một số cải tổ xã hội. Kế tiếp là Ét-ra, một vị tư tế làm bí thư tại triều đình, ông đã nhận sứ mệnh làm cho dân Giu-đa và Sa-ma-rie quy tụ cuộc sống, lấy Thiên Chúa và Đền thánh độc nhất tại Giê-ru-sa-lem làm trung tâm. Với bàn tay sắt, ông đêm lại sự trong sạch cho lòng tin. Ông bãi bỏ các vụ hôn nhân dị giáo và công bố Luật Thiên Chúa là quốc Luật. Luật đó là bộ Ngũ thư như ta có ngày hôm nay do ông biên soạn đến từ nhiều truyền thống khác nhau.

Nghi lễ long trọng mô tả trong sách Nơ-khê-mi-a 8-10 coi như những giờ phút quan trọng nhất của lịch sử Ítraen : từ đó đã khai sinh ra Do thái giáo. Hội họp không còn tụ tập trong Đền thờ nhưng ngoài công trường ; và ta không giết chiên hiến lễ nhưng đọc sách Lề Luật và cầu nguyện. Nghi thức tại hội đường thật sự khai sinh.

Một thời kỳ lịch sử khuấy động, quyền bính của các tư tế lên dần trong mọi lãnh vực sinh hoạt. Chính các tư tế đứng ra tổ chức cộng đoàn. Họ thật sự lãnh đạo tôn giáo và chính trị.

Nhưng đồng thời, dân Do thái cũng khai lối về viễn tượng phổ quát. Tiếng A-ra-mê, một ngôn ngữ chính thức của đế quốc Ba tư, thay thế cho tiếng Híp-ri tại Pa-les-tine để giao thiệp và buôn bán. Thời Đức Giêsu, người dân dùng tiếng A-ra-mê và không còn hiểu tiếng Híp-ri nữa. Tiếng A-ra-mê đã đưa dân Do thái vào thế giới đại đồng. Tiếng Híp-ri trở nên ngôn ngữ dành riêng cho phụng vụ.

Ngoài ra còn thấy có người Do thái lưu lại tại Ba-by-lone, tại E-le-phan-tine bên Ai cập, bắt đầu tạo nên nhiều trao đổi với nhau.  Tại Ai cập, cộng đoàn Alexandrie mỗi ngày một bành trướng và giữ vai trò quan trọng... Những cộng đoàn khác nhau ấy sẽ thấy được tình liên đới trong một đức tin, tập quán chung, và chẳng bao lâu - đó là khúc ngoặc lịch sử - được chứa đựng trong những quyển sách chung.

2. Hoạt động văn chương : thành hình sách Thánh

Từ khi lưu đày trở về, hoạt động văn chương tăng cường phát triển, và kéo dài hơn ba thế kỷ, đưa đến thành hình cuốn sách Thánh; từ đó, đối với những người Do thái sống xa Đền thánh Giê-ru-sa-lem, sách này trở nên trung tâm việc phụng tự mới mẻ nơi hội đường.

Hoạt động văn chương này quy về bốn chiều hướng chính.

a) Những ngôn sứ cuối cùng

Trước hết là những bản văn ngôn sứ. Vì vào khoảng năm 530-520, lời ngôn sứ mà người ta thường quy cho tác giả I-sa-ia thứ ba, được in thành sách cũng như trước đây người ta đã làm thành cuốn sách ngôn sứ I-sa-ia đệ nhị - hiện cuốn I-sa-ia III gồm những chương tiếp theo đó, tức những chương 56-66. Cuốn sau này xuất hiện đồng thời với những sách ngôn sứ Khác-gai và  Da-ca-ri-a (chương 1-8). Những năm 480-460, còn thêm sách Ma-la-khi.

a.1. Khác gai.

Năm 520, Khác gai loan báo cho dân một sứ điệp ngắn nhưng nghiêm khắc : "Thế là đã 20 năm lưu đày trở về ! Các ngươi đã cất nhà cho mình, nhưng nhà của Thiên Chúa vẫn hoang tàn ! ". Vấn đề là dân tộc Ítraen lập lại cuộc sống với Thiên Chúa hay không có Thiên Chúa... Đây là câu hỏi luôn luôn có giá trị.

a.2. Da-ca-ri-a.

Sách này gồm tất cả 14 chương chứa đựng lời giảng của hai ngôn sứ. Chương 1-8 gọi là Da-ca-ri-a 1 được soạn theo bài giảng của ngôn sứ Khác gai, nhưng với cung điệu riêng của tác giả nên đã mang âm hưởng giọng văn Khải Huyền.

a.3. Ma-la-khi.

Khi Ma-la-khi đi rao giảng Đền thờ đã xây xong. Nghi lễ phụng tự áp dụng như thời trước lưu đày với những hiến lễ... con người hoàn thành nghi lễ một cách lung tung nên đồng thời sống thiếu công bình và thất trung... Ma-la-khi phản ứng dữ dội và sứ điệp gây tiếng vang kéo dài tới trong Tân ước.

Sách Ma-la-khi trình bày như cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa với dân Ngài, khai mào cho cuộc đối thoại chung cuộc trong Tin Mừng : "Xưa Ta đói... Lạy Chúa có khi nào chúng tôi thấy Ngài đói ? " Thiên Chúa phán : Ta yêu các con ! và các ngươi vặn lại : Ngài yêu chúng tôi ở chổ nào ?... Cụm từ "các ngươi nói "... được lập đi lập lại tất cả 8 lần như một điệp khúc chống lại một dân tộc hay tranh cải để vạch trần tội lỗi. Tội của những ai dâng cho Thiên Chúa của cặn bã (1,6 tt...), tội Tư tế không còn rao giảng Lời Chúa (2,1), tội bỏ vợ 2,10 tt... đoạn này là một suy niệm tuyệt đẹp về hôn nhân), tội không còn biết phân biệt Thiện và Ác (2,17 tt)...

Thiên Chúa loan báo sẽ sai ngôn sứ Ê-li-a đến trước ngày phán xét. Bản văn này đưa khuôn mặt Ê-li-a quan trọng trong Do thái giáo. Đức Giêsu sẽ công bố ông Gioan Tẩy Giả đã giữ vai trò đó (Mt 17,9 tt).

a.4. Giô-en.

Chúng ta không biết Giô-en như ngôn sứ giảng về "môi sinh" này hoạt động lúc nào. Môi sinh bị ô nhiễm là dấu hiệu ngày Chúa đến. Ngày đó Ngài lột trần con người khỏi tội lỗi. Thiên Chúa sẽ mặc cho họ Thần Khí của Ngài. Thánh Phêrô đã trích dẫn sách Giô-en chương 3 vào bài giảng trong ngày lễ Ngũ Tuần (Công vụ 2).

a.5. I-sa-ia III ( Isaia 56-66).

Người dân lưu đày đang hy vọng vào lời hứa về một cuộc Xuất Hành mới ghi trong sách I-sa-ia II và họ tìm về cố hương. Nhưng tương lai quá mịt mùng và nỗi háo hức đưa đến chán nản, ngã lòng. Làm cách nào để xây dựng lại một dân tộc không còn tin vào số mệnh của mình nữa ? Một môn đệ của ngôn sứ I-sa-ia cố gắng đưa dân lấy lại niềm tin qua sứ mệnh của ông.

Công việc rất khó khăn, vì những người nghe ông đang chia rẽ nhau : người về từ Ba-by-lone, kẻ _ơ lại trong nước, người kiều dân mới định cư và còn thêm những kiều dân Do thái sống ở hải ngoại... Họ chia rẽ, hận thù, ghét người kiều dân, thờ ngẫu tượng... làm mất hết hy vọng. Với tất cả mọi người, ngôn sứ truyền đạt sự phấn khởi của ông.

Sách I-sa-ia III trình bày như một vòng cung và các văn bản tương ứng từng cặp đôi một chung quanh nơi cao điểm là chương 61.

I-sa-ia 56,18 : người ngoại kiều cũng có thể làm dân Thiên Chúa, vì nhà cầu nguyện dành cho mọi mọi nước (66,17-24). Thiên Chúa tập họp muôn dân làm dân của Ngài

I-sa-ia 56,9-57,21 : Ngôn sứ than phiền có người cứ tưởng mình đương nhiên thuộc về dân Thiên Chúa (66,1-16). Nhưng Thiên Chúa có quyền cho "Nữ tử Sion" sinh sản dân mới.

I-sa-ia 58 : Cách sống đạo, cách ăn chay đẹp lòng Thiên Chúa là chia sẻ cơm bánh, xóa bỏ bất công, giải thoát kẻ bị áp bức. Kẻ có tình yêu được chúc phúc, kẻ chối tình yêu bị chúc dữ.

I-sa-ia 59,1-5 : Lời kết tội mang kết quả : dân sám hối 63,7-64,11. Một thánh vịnh kêu cầu như thể dọn đường cho bản Kinh Lạy Cha sau này; kêu gọi lòng nhân từ của Thiên Chúa để Ngài xé Trời xuống. Theo thánh Máccô, điều này thể hiện qua biến cố Đức Giêsu chịu phép rửa (1,10).

I-sa-ia 59,15-20 và 63,1-6 : Đừng trêu chọc Thiên Chúa. Ngài nghiền nát họ như nghiền bồn nho. Sách Khải Huyền (19,13) áp dụng câu này cho Đức Kitô : máu Ngài đổ ra vì tội nhân loại.

Đọc I-sa-ia 60-63.

I-sa-ia 61 là cao điểm của cuốn sách, nhưng chương 60 đến chương 62 họp lại thành một khối.

1. Nữ tử Sion, hãy vui lên... I-sa-ia 60 và 62.

Đọc và tìm các diễn viên :

Thiên Chúa : khuôn mặt nào trình bày Thiên Chúa ? Ghi những hình ảnh diễn đạt tâm tình Thiên Chúa.

Nữ tử Sion.  là ai ? Ghi nhận những hình ảnh diễn tả thay đổi địa vị.

Những con trai... là ai ? Họ từ đâu đến ? Cái gì thu hút họ ?

Ở đây chúng ta có hình ảnh dân Thiên Chúa (giờ đây là Giáo hội) : như một Vương Cung Thánh đường, được tỏa rực bởi ánh đèn, chiếu soi cho người đi trong đêm tăm tối. Dân tộc là dấu chỉ sáng rở trong thế giới để định hướng. Nhưng ánh sáng không đến từ nơi họ nhưng từ Thiên Chúa ở trong họ.

 2. Thần Khí Thiên Chúa ngự trên tôi... I-sa-ia 61.

Chương này có 3 phần :

61,1-4 : Ngôn sứ tự giới thiệu, được gọi như thế nào, có sứ mệnh gì ? Đưa Tin Mừng cho ai ?

61,5-9 : Ông nói với dân. Thiên Chúa nói qua ông về tương lai : Ngài hứa gì ? Dân làm gì ?

61,10-11 : Ngôn sứ và dân, cả hai đều phấn khởi. Lý do tại sao ?

Đọc chung cả 3 chương 60, 61 và 62. Tin Mừng nào đã làm cho người lưu đày trở về được phấn khởi ? Sau đó đọc Tin Mừng Lu-ca 4,16-21.  Cách nào chương I-sa-ia 61 diễn đạt theo Lu-ca sứ mệnh của Đức Giêsu ? Làm sao nó giúp để hiểu ý nghĩa của các phép lạ cũng như sứ điệp Bát phúc của Đức Giêsu ?

Tất cả những tác phẩm này chuẩn bị cho một nền văn chương khải huyền đánh dấu một cách sâu xa thời kỳ chớm nở của Do Thái giáo cũng như Kitô giáo. Đặc điểm chính của nền văn chương này là loan báo vào cuối thời, án quyết của Thiên Chúa và cuộc khải hoàn chung cuộc như chúng ta đọc thấy trong bản văn sau đây (Ma-la-khi 3,22 - 24) : " Các ngươi hãy ghi nhớ Luật Mô-sê, tôi trung của Ta. Trên núi Khơ-rếp, Ta đã truyền cho nó các chỉ thị và phán quyết để tòan thể Ít-ra-en thi hành. 23 Này Ta sai ngôn sứ Ê-li-a đến với các ngươi, trước khi Ngày của ĐỨC CHÚA đến, ngày trọng đại và kinh hồn .24 Nó sẽ đưa tâm hồn cha ông trở lại với con cháu và đưa tâm hồn con cháu trở lại với cha ông, kẻo khi Ta đến, Ta sẽ đánh phạt xứ sở đã bị án tru diệt..."

b) Sách Torah. Sách Luật

Ít lâu sau năm 400, một biến cố đáng kể góp phần vào việc hình thành thực thụ cuốn sách Torah = Lề Luật. Trước khi lưu đày, người ta còn nhớ nhiều tác phẩm đã được viết ra theo những khẩu truyền Do Thái, đặc biệt là truyền thống Gia-vít (thế kỷ thứ 10) và truyền thống Ê-lô-hít (thế kỷ thứ 8), được thu thập lại thành một cuốn kể từ sau khi Sa-ma-rie thất thủ (năm 722); sau đó đến việc ấn bản đầu tiên cuốn sách Đệ nhất luật, được công bố là luật của quốc gia dưới thời Jo-si-as (năm 622) và trong suốt thời kỳ lưu đày được tăng thêm bởi tác giả chịu ảnh hưởng sách Đệ nhị luật. Ít lâu sau, được thành hình tác phẩm tư tế bổ túc các luật cũ bằng những luật mới của sách Lê-vi (Bộ luật thánh : luật về tế tự, luật về thanh tịnh và các ngày lễ), và được đúc kết trong lịch sử về nguồn gốc Ít-ra-en.

Dưới sự thúc đẩy của tư tế ký lục Ét-ra, các bản văn khác nhau này giờ đây đã được thu thập và liệt kê trong toàn bộ duy nhất gọi là Torah. Sách Đệ nhị luật bấy giờ được tách rời khỏi các sách Giô-suê, Thủ Lãnh, Sa-mu-en và các Vua và cùng với những sách đó, sách Đệ nhị luật làm thành một tác phẩm theo tinh thần Đệ nhị luật, và sách Torah kể từ đây làm thành trọn bộ 5 cuốn, gọi là Ngũ thư, 5 cuốn do người Hy lạp đặt tên : sách Sáng thế, sách Xuất hành, sách Lê-vi, sách Dân số và sách Đệ nhị luật. Toàn bộ 5 sách này đã thực thụ trở nên bản hiến chương của Ít-ra-en, làm cho dân Ngài trở nên dân Thiên Chúa và không ngừng được chính Ngài giải phóng.

c) Thánh Vịnh.

Một biến cố khác, dĩ nhiên kém quan trọng hơn sách Torah, nhưng cũng đáng chú ý trong lịch sử Ít-ra-en, đó là việc kiện toàn sách Thánh vịnh. Sách Thánh vịnh tiếng Do Thái gọi là Ca ngợi. Danh gọi chúng ta quen dùng do bản dịch tiếng Hy lạp là Bản 70 gọi là Psaltérion = huyền cầm , phong hạc cầm, ly cầm -  hoặc Psalmoi = tiếng nhạc đệm xướng lên với phong hạc cầm để hòa nhịp lời ca.

Sách Thánh vịnh là một tuyển tập càng ngày càng nhiều thêm, từ ngay thời đại Đavít, bằng những lời cầu nguyện của Do Thái. Người ta thường chia thành ba nhóm khác nhau :

Trước hết, những lời ca ngợi chính thức được sáng tác để dùng vào việc phụng vụ trong các dịp lễ lớn của dân Do hái, trong đó có những thánh ca dâng lên Chúa của Giao ước (Thánh vịnh 8; 19; 33; 100; 103; 145-150), những "bài ca Vương quốc" cử hành vương quyền của Thiên Chúa (Thánh vịnh 93; 96-99), cách Thánh vịnh Sion (Thánh vịnh 46; 48; 76; v.v...) và những thánh vịnh về hành hương (Thánh vịnh 120-134), Thánh vịnh vương đế   (Thánh vịnh 2; 18; v.v...).

Kễ đến, những lời nguyện kêu cầu, đặc biệt có tính cách cá nhân (Thánh vịnh 5; 22; 42; 57; 86; 130; v.v...) nhưng cũng có những thánh vịnh tập thể (Thánh vịnh 44; 79; 90 137; v.v...), những lời nguyện tỏ niệm trông cậy (Thánh vịnh 16; 23; 27; 121; v.v..) và những thánh vịnh tỏ lòng biết ơn (Thánh vịnh 9; 10; 32; 34; 116; 138; v.v...).

Sau cùng, những thánh vịnh giáo huấn, những bài học lịch sử (Thánh vịnh 78; 105; 106), những bản ca phụng vụ (Thánh vịnh 15; 24; 134; v.v...), những thánh vịnh huấn dụ thiêng liêng (Thánh vịnh 14; 50; 52; 82; v.v...), những bài thơ về khôn ngoan (Thánh vịnh 1; 37; 49; 119; v.v...).

Trải qua các thời đại, Thánh vịnh luôn nuôi dưỡng đức tin và lời cầu nguyện của các tín hữu, Do Thái cũng như Kitô hữu. Chúng ta không cần phải trích dẫn ở đây.

d) Các Sách Khôn Ngoan

Trong những thế kỷ bị người Ba tư đô hộ, một số sách xuất hiện, phần đông thuộc luồng tư tưởng quốc tế, suy nghĩ về cuộc sống và xác định một nghệ thuật sống, một triết lý hạnh phúc. Đó là dòng tư tưởng được gọi là khôn ngoan.

Một trong những tác phẩm đầu tiên là sách Châm ngôn, thu thập và bổ túc, những câu cổ ngữ, đôi khi được mượn từ những tập tục ngoại quốc (sách Châm ngôn 30,1tt... và 31,1-9) thí dụ (sách Châm ngôn 2,1-6) : " Này con, nếu lời thầy, con luôn nhận lấy, và huấn lệnh thầy, con hằng ấp ủ, 2 nếu con lắng tai nghe lẽ khôn ngoan, và hướng lòng theo sự hiểu biết, 3 phải, nếu con cầu xin trí thông minh, van nài ơn hiểu biết, 4 nếu con tìm khôn ngoan như tìm bạc, và lùng kiếm như thể kho tàng, 5 thì lúc đó con sẽ hiểu thế nào là kính sợ ĐỨC CHÚA, và sẽ khám phá ra hiểu biết Thiên Chúa có nghĩa là gì. 6 Vì chính ĐỨC CHÚA ban tặng khôn ngoan ; tri thức và hiểu biết là nhờ Người mà có".

Cùng một trào lưu tư tưởng, cần phải kể đến Sách Gióp. Đây là tiếng kêu và suy tư não nùng của một người, gặp nhiều thử thách trong cuộc đời, đang cố gắng tìm hiểu tại sao đồng thời tín thác vào Thiên Chúa, dầu bao gian lao. (Sách Gióp 9,1-35) : " Bấy giờ ông Gióp lên tiếng nói: 2 Quả thật, tôi biết rõ thế này: Trước nhan Thiên Chúa, phàm nhân cho mình là công chính thế nào được? 3 Nếu ai thích tranh luận với Người, thì ngàn lần Người cũng không đáp lại một. 4 Có ai lòng trí khôn ngoan, sức lực dũng mãnh, đương đầu với Người mà vẫn còn nguyên vẹn? 5 Người chuyển núi dời non mà chúng không hay, Người lật nhào chúng trong cơn thịnh nộ, 6 Người làm rung chuyển móng nền cõi đất và cột trụ của nó phải lung lay. 7 Người ra lệnh là mặt trời không mọc, Người niêm ấn lên các vì sao. 8 Duy mình Người trải rộng các tầng trời, đạp lên trên ba đào biển cả. 9 Người làm ra Hùng tinh, Lạp Hộ, chòm Sao Mão và tinh tú Phương Nam. 10 Người làm nên những điều vĩ đại khôn dò và những điều kỳ diệu không đếm xuể. 11 Này, Người có đi qua tôi, tôi cũng chẳng thấy, Người có lướt tới, tôi cũng chẳng nhận ra. 12 Này Người bắt đi, ai giành lại được? Ai dám hỏi Người: "Ngài làm gì thế? " 13 Thiên Chúa không rút lại cơn thịnh nộ của Người, các đồng minh của thuỷ thần Ra-háp phải nằm rạp dưới chân Người. 14 Chẳng lẽ tôi lại tranh cãi, hay tìm lý để chống đối Người sao? 15 Cho dù tôi có lý, tôi cũng không tranh cãi, nhưng sẽ xin Đấng xét xử tôi thương xót. 16 Tôi có kêu cầu và Người đáp lại, tôi cũng chẳng tin là Người nghe tiếng tôi. 17 Người vùi dập tôi trong cơn dông bão, lại vô cớ bắt tôi chịu thêm nhiều thương tích. 18 Người chẳng để tôi kịp thở, mà lại dìm tôi trong bao nỗi đắng cay. 19 Cậy vào sức ư? Chính Người lại là Đấng hùng mạnh! Cậy vào toà xét xử? Nhưng ai cắt cử Người? 20 Cho dù tôi có lý, miệng tôi cũng kết án tôi; cho dù tôi có vẹn toàn, nó vẫn chứng minh là tôi bất chính. 21 Tôi vẹn toàn ư? Chính tôi cũng không hay, tôi chẳng màng sống nữa! 22 Tất cả đều như nhau; vì thế tôi mới bảo: đứa gian ác cũng như kẻ vẹn toàn, chính Người tiêu diệt hết! 23 Nếu thình lình xảy ra tai ương gây chết chóc, thì Người vẫn thản nhiên nhạo cười trước cảnh khốn cùng của người vô tội. 24 Miền đất có bị trao vào tay kẻ dữ, thì Người cũng che mặt các quan toà, nếu không phải là Người thì ai đây? 25 Ngày đời tôi trôi nhanh hơn kẻ chạy đua, nó qua mau, mà không thấy hạnh phúc. 26 Nó lướt đi như những chiếc thuyền nan, như phượng hoàng bổ xuống bắt mồi. 27 Nếu con nói: con sẽ quên đi lời than thở, đổi nét mặt mà hớn hở vui tươi, 28 thì con lại khiếp sợ mọi nỗi đớn đau; con biết rằng: Ngài chẳng kể con là vô tội. 29 Vậy nếu con đã làm điều dữ, thì nhọc nhằn vô ích mà làm chi? 30 Nếu con có tắm bằng nước tuyết, có lấy thuốc tẩy mà rửa tay cho sạch, 31 bấy giờ, Ngài sẽ nhận chìm con xuống bùn, khiến áo xống con cũng coi con là ghê tởm. 32 Vì Người không phải là người phàm như tôi, để tôi tranh cãi với Người, để cùng với Người ra trước toà xét xử. 33 Giữa chúng tôi chẳng ai làm trọng tài để đặt tay lên cả hai chúng tôi. 34 Phải chi Người đẩy xa tôi ngọn roi của Người, và đừng làm tôi kinh hoàng sợ hãi! 35 Bấy giờ tôi sẽ nói mà không còn sợ Người, vì tôi thấy tôi đâu có như vậy! ".

Đầu thế kỷ thứ tư, các Sách thánh Rút và Diễm ca, dầu không thuộc văn chương khôn ngoan, cũng không xa gì các Sách khôn ngoan vì chúng đề cập đến vấn đề đạo hiếu của một người ngoại lại là tổ tiên Đa-vít, và bàn đến tình yêu đam mê.

Sách Giô-na, mà sau này người ta sắp vào hàng các sách ngôn sứ, cũng thuộc về trào lưu các sách khôn ngoan. Như một người biện hộ sống động và kỳ diệu, ông bảo vệ tính cách phổ quát về tình yêu Thiên Chúa chống lại tính cách cá biệt của những người mộ đạo (Hasidim), tổ tiên của phái Pha-ri-sêu. Được Thiên Chúa sai đi rao giảng lòng sám hối tại Ninivê, ngôn sứ Giô-na một mực từ chối. Hoàn cảnh đặc biệt của một con cá khổng lồ đưa đẩy ông đến đó, nhưng vừa khi ông rao giảng sứ điệp thì cả thành đã xức tro mà ăn năn thống hối. Bản văn này vừa kích động và vừa có ý nghĩa (Giô-na 3,10-4,4) : " Thiên Chúa thấy việc họ làm, thấy họ bỏ đường gian ác mà trở lại, Người hối tiếc về tai hoạ Người đã tuyên bố sẽ giáng trên họ, Người đã không giáng xuống nữa. Ông Giô-na bực mình, bực lắm, và ông nổi giận. 2 Ông cầu nguyện với ĐỨC CHÚA và nói: "Ôi, lạy ĐỨC CHÚA, đó chẳng phải là điều con đã nói khi còn ở quê nhà sao? Chính vì thế mà con đã vội vàng trốn đi Tác-sít. Thật vậy, con biết rằng Ngài là Thiên Chúa từ bi nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương, và hối tiếc vì đã giáng hoạ.3 Giờ đây, lạy ĐỨC CHÚA, xin Ngài lấy mạng sống con đi, vì thà con chết còn hơn là sống! "4 ĐỨC CHÚA hỏi ông: "Ngươi nổi giận như thế có lý không?".

Bài viết khác

Cách dùng nồi cơm điện

Cách dùng nồi cơm điện

16/01/2025

Thay vì mua sắm nhiều đồ, tôi nhận ra tận dụng triệt để 1 thiết bị gia dụng vẫn rất hữu ích mà lại tiết kiệm. Mặc dù nồi cơm điện thông minh đã tích hợp nhiều chức năng như nấu cơm, cháo, hầm canh... nhưng hầu như chúng ta chỉ dùng để nấu cơm..

Art