Thứ Hai, 12 Tháng Hai, 2024

(13) Chương bảy : Ít-ra-en dưới đô hộ Hy lạp (333-63) và La mã sau 63...

Chương bảy : Ít-ra-en dưới đô hộ Hy lạp (333-63) và La mã sau 63...

Trong khi đế quốc Ba tư ngày càng bành trướng, thì Hy lạp một quốc gia nhỏ bé, nhờ một nhà lãnh đạo lỗi lạc, A-le-xan-dre, giữ một vai trò quốc tế vô tiền khoáng hậu. Chỉ trong vòng một vài năm. A-le-xan-dre đại đế đã bá chủ thế giới. Lúc từ trần năm 323, đế quốc của ông bị phân chia thành ba vương quốc : Vương quốc Hy lạp, vương quốc Ai cập và vương quốc Sy-rie.

A-le-xan-dre đại đế.

Năm 333 : sau cuộc chiến thắng tại Is-sos (phía bắc An-ti-o-che), A-le-xan-dre mở cửa ngỏ vào Trung đông. Năm 332, ông đi vào Ai cập và lập thành A-le-xan-drie. Năm 331, ông tiến chiếm Ba-by-lone, Suse và Per-sé-po-lis. Năm 327, ông tiến ráp ranh giới Ấn Độ. Ông qua đời năm 323 lúc mới 33 tuổi tại thành Ba-by-lone. Chỉ trong vòng 10 năm, ông đã đi từ chiến thắng này tới chiến thắng nọ với một quãng đường dài 18.000 cây số và gây dựng một đế quốc rộng lớn với hơn 70 thành phố (hầu hết đều mang tên ông). A-le-xan-dre truyền bá văn hóa và nghệ thuật Hy lạp, với những hồ tắm, các vận động trường và một ngôn ngữ chung là tiếng Hy lạp phổ thông KOINE. Tiếng phổ thông được dùng tại Hy lạp, trở thành ngôn ngữ chung trong vòng 8 thế kỷ cho tới năm 500 công nguyên mới được tiếng Latinh dùng trong khu vực Địa Trung Hải thay thế.

 2. Ít-ra-en dưới triều nhà La-gi-des : 333-198.

Khi A-le-xan-dre từ trần, các tướng nổi dậy và tranh chia đế quốc ra làm ba và lập nên ba triều đại như : nhà An-ti-go-nides bên Hy lạp, nhà La-gi-des bên Ai cập và nhà Sé-leu-ci-des cai quản miền Sy-rie từ Địa Trung hải tới Ấn độ.

Trong vòng 100 năm, xứ Pa-les-tine dưới thống trị nhà La-gi-des. Các vua La-gi-des thường mang tên Pto-lé-mée tôn trọng những khác biệt của các dân,và người Do thái sống an hòa theo quy chế Ét-ra đề ra trước đây. Họ được quyền tự trị rộng rãi.

Trong thời gian này, có tất cả ba trung tâm chính của Do thái giáo hoạt động với ít nhiều khác biệt :

Tại Ba-by-lo-nie, cộng đoàn kiều cư Do thái tiếp tục sinh hoạt cho dù chúng ta ít có tài liệu để hiểu họ rõ ràng hơn. Vài thế kỷ sau từ đây cho ra đời một số tác phẩm quan trọng cho Do thái giáo như bộ Kinh Tal-mud Ba-by-lone.

Tại Ai cập, cộng đoàn Do thái tại A-le-xan-drie phát triển nhanh chóng. Thời Đức Kitô, họ chiếm 1/5 dân số trong thành phố. Họ sáng tạo ra một hình thức Do thái giáo, sống hài hòa với tư tưởng Hy lạp. Tại đây, Thánh Kinh được dịch ra tiếng Hy lạp gọi là bản Bảy mươi (LXX); ngoài ra còn cómột số sách Khôn Ngoan được biên soạn và đương thời với Đức Kitô, triết gia Phi-lon người Do thái cố gắng suy nghĩ lại lòng tin với tư tưởng Hy lạp.

Tại Pa-les-tine, cộng đoàn chia rẽ. Một số muốn theo văn minh Hy lạp qua các trò chơi, hồ tắm, và có người thay thế việc cắt bì bằng thủ thuật khác. Một số khác lại rất băn khoăn trước ý chí Hy lạp hóa này. Họ gắn bó vào đức tin Do thái giáo và vào cách diễn đạt cho đến ngày hôm nay qua việc thực hành các nghi lễ. Họ muốn diễn đạt điều đó giúp triển nở về nhân bản và muốn gìn giữ lòng tin Do thái cần phải giữ những biểu lộ cụ thể đó. Trong bối cảnh này khai sinh những tác phẩm như sách Giảng viên, Tô-bia, Huấn ca...

Nhưng cộng đoàn cũng bắt đầu bị nhà Sé-leu-ci-des bách hại, đưa hố chia rẽ thêm sâu và đảo lộn cộng đoàn tại Pa-les-tine.

3. Ít-ra-en dưới triều nhà Sé-leu-ci-des : 198-63

Năm 198, những đàn voi Sy-rie đã đè bẹp quân Ai cập và bắt đầu thế kỷ của những người tử đạo Ít-ra-en. Tại Pa-nei-on, nguồn mạch sông Gio-đan, vua Sé-leu-ci-de An-ti-o-chus II lấy Pa-les-tine khỏi tay người Ai cập.

Khác với nhà La-gi-des, nhà Sé-leu-ci-des cưỡng bách người Do thái nhận lấy văn hóa và tôn giáo Hy lạp. Năm 167, An-ti-o-chus IV bãi bỏ các đặc ân dành cho người Do thái, cấm cử hành ngày Sa-bát và làm phép cắt bì, truyền phải ăn thịt heo và cúng tế các thần Hy lạp, và ngay cả dựng trong Đền thờ Giê-ru-sa-lem một tượng thần Zê-us. Cơn khủng hoảng còn lớn lao hơn nữa vì các Thượng tế không còn đồng ý với nhau, có vị còn chấp nhận Hy hóa.

Thầy tư tế Mat-ta-thi-as liền phất cờ khởi nghĩa. Ông  chặt cổ viên khâm sai của vua An-ti-o-chus gửi đến để dâng lễ tế thần. Ông trốn vào bưng cùng với năm người con. Người con thứ năm tên Giu-đa và ông tự cho mình biệt hiệu là Mar-tel hay Ma-ca-bê. Giu-đa thành công giải phóng thành Giê-ru-sa-lem và lễ tế phụng tự lại bắt đầu cử hành tại Đền thờ ngày 15 tháng 12 năm164. Lễ cung hiến Đền thờ tưởng nhớ lại biến cố này. Hai người anh em khác của Giu-đa cùng với con cháu nối tiệp lập nên triều đại nhà Ma-ca-bê hay triều đại Has-mo-né-en-ne. Họ cũng xưng vương, tái lập lại được một thời nền quân chủ cho Ít-ra-en.

Thế nhưng, lịch sử nhà Has-mo-né-en-ne được khai sinh ra bằng máu người tử đạo, lại kết thúc trong bùn nhơ. Những kẻ thừa kế ông Giu-đa đã trả giá bằng tiền bạc để được nhà Sé-leu-ci-des bổ nhiệm làm thượng tế. Một số người lại còn đóng đinh những người Do thái trung thành chống lại hành động của họ...

Năm 63, họ chia rẽ ra thành hai phe nhóm rõ rệt. Mỗi bên đều ủng hộ vua của mình và chống lại nhau. Cuối cùng, họ đi cầu cứu Rô-ma xin can thiệp. Tướng La mã Pom-pée cầm một đạo quân tiến về Trung đông, chiếm thành Giê-ru-sa-lem sau ba tháng vây hãm. Đây là khởi đầu thời kỳ người La mã đô hộ Pa-les-tine kéo dài cho tới khi người Hồi giáo xâm chiếm vào thế kỷ thứ VII công nguyên.

4. Các giáo phái Do thái.

Dựa trên niềm tin căn bản nêu trên, người Do thái mang nhiều định hướng khác biệt. Điều này thấy rõ nơi các nhóm hay giáo phái được biết tới trong Tin Mừng hay các tài liệu. Những tổ chức đảng phái thời Đức Giêsu vẫn còn tồn tại cho đến cuộc chiến Do thái vào những năm 66-70.

Trong giai đoạn này cần phải nói đến nhóm ẩn sĩ Ét-xê-nô tại Qum-ran. Họ sống ly khai với Do thái giáo, ẩn tu trong sa mạc, xa lánh văn minh băng hoại, chuyên cần trong kinh nguyện và suy gẩm Thánh Kinh chờ đợi ngày tận thế. Cuộc sống ẩn tu này như sự khước từ thầm lặng trước những khó khăn của xã hội Do thái thời bấy giờ.

Nhóm quốc gia cực đoan Xê-lô-tê. Danh từ này nguyên nghĩa lấy từ Hy lạp có nghiã là “sốt sắng”. Quân La mã gọi người Xê-lô-tê là “bọn dao găm” vì họ đều mang dao găm trong mình. Họ là thành phần quốc gia cực đoan, chống quân đội La mã bằng du kích chiến. Về phương diện tôn giáo, họ không chấp nhận ý tưởng của người Pha-ri-sêu chờ đợi đấng Thiên Sai chỉ bằng cách tuân giữ lề luật và sống đạo đức. Nhóm Xê-lô-tê pha trộn dễ dàng chính trị và tôn giáo và diễn tả bằng bạo động hầu khôi phục vương quốc Ít-ra-en. Họ muốn cải cách xã hội và đả phá lạm dụng của chế độ thời bấy giờ. Họ đấu tranh bảo vệ đền thờ chứng tỏ họ muốn giữ những cơ chế Do thái. Người Xê-lô-tê từ chối gọi hoàng đến La mã là “Chúa” vì tước hiệu ấy chỉ dành cho Thiên Chúa mà thôi. Họ thường sống ẩn núp tại vùng rừng núi để hoạt động du kích.

Nhóm người Sa-ma-rie bị tách rời khỏi Do thái giáo. Đúng ra họ không tổ chức thành một nhóm riêng biệt có hệ thống như các ẩn sĩ bên bờ Biển Chết. Thời Đức Giêsu, người Sa-ma-rie nguyên là dân bị người As-sy-rie đưa đi lưu đày sau khi vương quốc miền bắc thất thủ năm 721. Vào khoảng năm 538-520, người gốc Do thái lưu đày bên Ba-by-lo-ne được hồi hương. Hai cộng đoàn bắt đầu mầm mống đối nghịch và không thể nào tránh khỏi ly khai. Vì thế mối giao hảo giữa người Do thái và người Sa-ma-rie rất căng thẳng (Lu-ca 9,52-54; Gio-an 4,9; 8,48). Người Sa-ma-rie chỉ giữ sách Ngũ Kinh và có đền thờ riêng biệt tại núi Ga-ri-zim. Họ trông chờ một ngôn sứ cho thời cánh chung.

Những nhóm vừa nêu sống bên lề Do thái giáo chính thức. Hệ phái chính thức gồm nhóm Pha-ri-sêu và nhóm Sa-đu-xê. Phong trào Pha-ri-sêu xuất hiện hồi thế kỷ thứ hai trước công nguyên từ nhóm những người nhân đức (Has-si-dim) ủng hộ ông Giu-đa Ma-ca-bê chống lại An-ti-o-chus E-pi-pha-ne : “Bấy giờ hội đoàn những người Hassidim, những người kiên cường can đảm, hết thảy đều tận tình với Lề Luật đã sát nhập với họ” (1Ma-ca-bê 2,42). Người Pha-ri-sêu tinh thông lề luật và có nhiệm vụ phổ biến dạy dỗ dân chúng. Họ giữ những lề luật và truyền thống một cách khắt khe (Mát-thêu 15,1-20). Họ không tin chính quyền. Với trách nhiệm dạy quần chúng nên phong trào Pha-ri-sêu có mối quan hệ gần gủi với dân. Tuy nhiên, họ giữ khoảng cách đối với những người không tuân giữ lề luật thánh. Họ tin có sự sống lại và bổ sung lời Thánh Kinh với những truyền thống.

Nhóm Sa-đu-xê tự cho mình là hậu duệ ông Sa-đốc thầy cả thượng phẩm dưới triều đại Sa-lô-môn (1Vua 2,35). Phe này thuộc hạng quý phái quý tộc tại Giê-ru-sa-lem được tuyển chọn trong hàng tư tế. Họ sống xa dân chúng và chỉ ảnh hưởng trong việc phụng tự trong đền thánh Giê-ru-sa-lem, rất bảo thủ trên phương diện đạo giáo. Trong Đền thánh, Thiên Chúa ngự nơi cực thánh và phải tuân giữ lề luật nghiêm ngặt từng chữ một. Các nhà Nhất lãm đều ghi nhận nhóm Sa-đốc không tin vào sự sống lại, không tin có thiên thần và sự thưởng phạt đời sau (Mát-thêu 22,23; Công-vụ 23,8). Trên bình diện chính trị, nhóm này chấp nhận hợp tác với chính quyền La mã để củng cố quyền hành.

5. Hoạt động văn chương : Giê-ru-sa-lem là trung điểm

Trước tiên, khi ngôi sao A-le-xan-dre vụt tắt, nước Giu-đê lại sáng lên một niềm hy vọng : có lẽ Thiên Chúa sẽ can thiệp cho dân Ngài ! Những chương 9-14 Sách Da-ca-ria được viết ra vào lúc này. Kế đến, cuộc đoạn giao giữa người Sa-ma-rie và Do thái việc xây đền thánh trên núi Ga-ri-zim, tại Sa-ma-rie làm cho người Do thái tức giận.

Một số ký lục tại Giê-ru-sa-lem quyết định viết lại lịch sử các vua để chứng tỏ đời sống xứ sở chỉ luôn tập trung về Giê-ru-sa-lem, đó là 2 cuốn Sử Biên Niên. Đền thánh và việc phụng tự dĩ nhiên là trung tâm điểm của mối bận tâm - người ta quen gọi họ là các nhà ký sự. Trong khi kể lại các nguồn gốc cách kỹ càng (xem sách Sử Biên Niên thứ nhất 29,29-30; Sách Sử Biên Niên thứ hai 9,29-30; 12,15...), ngoài ra còn phải kể đến các Sách Sa-mu-en và sách các Vua. Nhà ký sự cho thấy vua Đa-vít, mà ông cố gắng dựng nên như hình ảnh lý tưởng, là vị vua đã làm cho Giê-ru-sa-lem trở thành một thủ đô, một thành Thánh, chuẩn bị cho đến cả những chi tiết nhỏ mọn nhất trong việc xây Đền thánh và việc phụng tự.

Các Sách Ét-ra và Nơ-khê-mia, lúc đầu chỉ chung một cuốn, cũng là tác phẩm của nhà Ký sự. Dựa trên nhiều tài liệu khác nhau mà ông đã dày công sao chép, ông chứng minh Giê-ru-sa-lem và Đền thánh trội vượt hơn tất cả, áp dụng vào thời kỳ lưu đày trở về và định cư những người lưu đày trên đất đai của họ.

6. Truyền thống vẫn còn cởi mở

Tại Giê-ru-sa-lem, sau này thành phần của nước Ai cập (320-200) rồi Sy-rie, dân chúng ngày càng chịu ảnh hưởng phong tục tập quán và tư tưởng Hy lạp. Cộng đoàn tôn giáo bị chia rẽ. Người mộ đạo, nghi ngờ tất cả những gì không được tôn kính đối với lề luật Do thái. Các sách Huấn ca và Tô-bi-a, chỉ lưu truyền bản dịch tiếng Hy lạp - trừ cuốn thứ nhất - những mãnh vụn tiếng Do thái được khám phá tại Qum-rân, Ma-xa-da và trong một hội đường Le Caire - chứng tỏ sự khinh miệt này.

Cũng thời gian này (khoảng năm 200) phát sinh sách Giảng viên, viết bằng tiếng Do thái theo truyền thống lâu đời của sách Khôn ngoan, cống hiến một suy tư... nhưng thực đầy lương tri và tín thác vào Thiên Chúa.

Tại Ai cập, nhiều người Do thái thuộc xứ Pa-les-tine, lôi cuốn bởi đời sống phồn thịnh nơi thủ đô mới, A-le-xan-dre, cùng đến với những người đã lập nghiệp tại đó từ thời ngôn sứ Giê-rê-mia. Nhiều người ngoại giáo trở lại đạo. Vì những người tân tòng này không đọc được tiếng Do thái, người ta phải dịch sách Thánh (Ngũ thư), và những sách khác của Thánh Kinh sang tiếng Hy lạp. Chính vì thế, năm 250, bản dịch 70 (LXX) đã được thực hiện, theo tục truyền, bởi 70 nhà hiền triết đến từ Giê-ru-sa-lem. Việc dịch Thánh Kinh này mạnh mẽ mở rộng Do Thái giáo với các ảnh hưởng Hy lạp, kết quả là những người Pha-ri-sêu chống đối đòi phải đọc sách Thánh bằng tiếng Do Thái trong các hội đường.

7. Thiên Chúa đã không bỏ dân Ngài.

Một cuốn sách khác cũng được viết ngay sau cuộc nổi loạn, của Giu-đa Ma-ca-bê vào năm 164, Sách Đa-ni-en, khai mào một thể văn khải huyền, với một giọng nói đầy hình ảnh, hữu ý siêu thời đại - để khỏi làm cho kẻ thù mình nhận biết - nhằm mục đích tăng cường niềm hy vọng của Do Thái, an ủi họ rồi đây Thiên Chúa sẽ can thiệp cách quyết liệt.

Năm 124, Sách Ma-ca-bê thứ hai nói tới lịch sử cuộc nổi loạn của Do thái đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của Đền thánh và việc cầu nguyện. Năm 100, Sách Ma-ca-bê thứ nhất chứng tỏ, trong một thể văn thuần túy nhất về các khung cảnh sốt dẻo lịch sử Do Thái, Thiên Chúa không ngừng hướng dẫn dân Ngài và giải phóng họ.

Các Sách Ét-te và Giu-đi-tha cũng truyền rao một sứ điệp hy vọng.

Sách Ba-rúc và lá thơ ngôn sứ Giê-rê-mia, từ các cộng đoàn ly hương, có thể cả An-ti-o-che, một phần gồm những lời cầu nguyện thống hối, phần khác gồm những lời khuyến dụ dân chúng nên tránh xa việc thờ các thần tượng. Sau cùng, sách khôn ngoan, bằng tiếng Hy lạp vào năm 50 trước Đức Giêsu trong cộng đoàn Do thái thành A-le-xan dre tại Ai cập, theo truyền thống hiền triết xa xưa, theo kiểu diễn tả của các Sách Cách ngôn, Giảng viên, và Gióp, giới thiệu sự khôn ngoan như một hồng ân của Thiên Chúa không thể bỏ qua.

Bài viết khác

Những món ăn nhẹ làm bằng nồi chiên không dầu

Những món ăn nhẹ làm bằng nồi chiên không dầu

03/10/2024

Thời gian gần đây, nồi chiên không dầu là thiết bị nấu ăn được rất nhiều người quan tâm bởi không chỉ tiện lợi, nhanh chóng mà còn tốt cho sức khỏe người sử dụng, hạn chế dùng dầu mỡ khi nấu ăn.

Art