Thứ Ba, 27 Tháng Hai, 2024

(14) Chương kết : Văn chương Do thái ngoài Thánh Kinh

Chương kết : Văn chương Do thái ngoài Thánh Kinh

            Những sách cuối cùng trong Cựu ước được biên soạn 1 thế kỷ trước công nguyên (trừ sách Khôn ngoan không nằm trong Kinh bộ Thánh Kinh Do thái). Trong Thánh Kinh Công giáo, giữa sách Khôn Ngoan được soạn khoảng năm 30 trước công nguyên, với cuốn đầu tiên trong Tân ước là thư thứ nhất gửi tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca viết vào năm 51 công nguyên. Thời gian đó là khoảng gần 1 thế kỷ chẳng lẽ không có nền văn chương nào hay sao ? Đây cũng là giai đoạn quan trọng đối với Kitô hữu vì chính thời đại Đức Giêsu sinh sống.

            Thật ra, khoảng thời gian đó, một nền văn chương to lớn đã ra đời; và ngày nay các nhà chú giải Thánh Kinh đang khai thác các tài liệu quan trọng đó.

            1. Lề Luật.

            Thiên Chúa trao ban Lề Luật cho ông Mô-sê trên núi Si-nai, nhưng đối với người Do thái chỉ có một số được viết ra thôi, còn lại là Luật theo truyền thống truyền khẩu.

            Luật viết thành văn gồm có Ngũ Kinh (TORAH) là năm cuốn sách đầu trong Thánh Kinh. Các Luật này được soi sáng bởi những sách Ngôn sứ (NEBIIM), và được suy niệm bởi các sách khác (KETUBIM). Tất cả gom lại thành cuốn Thánh Kinh.

            Theo cùng chiều hướng các sách khác (KETUBIM), một số lớn sách được biên soạn trong thời kỳ đầu thời đại Kitô giáo. Một số đã được biết tới còn một số khác chỉ được biết tới sau cuộc khám phá tại Qum-rân vào năm 1947.

            Truyền thống truyền khẩu rất khó kiểm điểm, vì là truyền thống nói. Nó truyền đạt những truyền thống song song với Luật được viết, thường là những suy niệm về Thánh Kinh, hiện tại hóa cho hôm nay và kéo theo những truyền thống mới... cho nên rất khó xác định được khai sinh vào thời điểm nào.

             2. Những sách của người Do thái.

                        - thể loại Khải Huyền.

                        Các sách này đã được biết đến từ lâu như sách kể truyện ông Hé-noch, sách Giô-ben, Thánh vịnh Sa-lô-môn, di chúc mười hai tổ phụ, sự lên trời của ông Mô-sê, Khải huyền của ông Ê-lia, A-bra-ham, sách Ét-ra thứ 4 (có trong bản dịch La-tinh Vul-ga-te)...

                        - văn bản Qum-ran.

                        Những văn bản này được khám phá trong các hang động gần Biển Chết vào năm 1947. Thủ bản Qum-ran cho chúng ta biết rất nhiều về nhóm Ét-xê-nô. Họ là những ẩn sĩ sống trong một tu viện tại Qum-ran vào thời đại nhà Ma-ca-bê, và tồn tại cho tới thời quân La mã đến tàn phá vào năm 70 công nguyên.

                        - các văn bản khác.

                        Tưởng cần phải nhắc ở đây các tác phẩm của sử gia Do thái Fla-vi-us Jo-sè-phe (sinh khoảng năm 37, chết đầu thế kỷ thứ II). Tác giả trình bày lịch sử dân tộc Do thái trong tác phẩm Do thái thời cổ đại. Ngoài ra còn có các tác phẩm của triết gia philon thành A-le-xan-drie (năm 13 trước công nguyên, và qua đời năm 50 công nguyên).

            3. Nền văn chương "rab-bi".

            Rabbi thường là ký lục theo hệ phái Pha-ri-sêu. Họ rất thông hiểu Lề Luật và thường làm chú giải đặt ra cách thức phải thực hành Lề Luật. Sau khi thành Giê-ru-sa-lem bị tàn phá vào năm 70, họ tụ họp nhau tại Jav-né (gần thành Tel-Aviv hiện nay) và tái lập lại Do thái giáo cùng thu thập các truyền thống. Nền văn chương thường thuộc truyền khẩu và được các rab-bi thu thập lại. Công việc suy tư về Lề Luật này cũng rất quan trọng cho việc tìm hiểu Do thái giáo lúc bấy giờ. Nó cũng cho ta hiểu bối cảnh khi Tân ước được khai sinh ra. Các Kitô hữu tiên khởi cũng là người Do thái, được đào tạo cùng một cách hiện tại hóa lời Thánh Kinh. Các sách Tin Mừng cũng trải qua thời gian hình thành và truyền khẩu trước khi được viết lại. Đó là trường hợp của truyền thống rabbi.

            - Truyền thống truyền khẩu.

            Các rabbi truyền đạt cho các môn sinh những gì họ thu nhận được (xem 1Côrintô 15,1-3). Các truyền thống này gồm hai loại : Halakak là những chú giải về Lề Luật dể hành động, những qui tắc cụ thể cho cuộc sống (nguyên ngữ halak = con đường); Aggadah  giúp nêu gương tốt.

Cuối thế kỷ đầu, những truyền thống này được viết lại. Và sưu tập đầu tiên được gọi là Mish-na. Các rab-bi tại Ba-by-lone cũng như tại Pa-les-tine đã chú giải bộ Mish-na. Lời chú giải của họ được gom lại và kết thành Ge-ma-ra.

Kinh Tal-mud (Giáo huấn) là tổng hợp lại các truyền thống trên : Mish-na là văn bản cơ bản, được thêm với truyền thống Ge-ma-ra cũng như các truyền thống khác như bộ To-seph-ta. Kinh Tal-mud Giê-ru-sa-lem hay Pa-les-tine được gom lại vào thế kỷ thứ 4; bộ Tal-mud Ba-by-lone đầy đủ hơn được hoàn thành vào thế kỷ thứ V.

Mishna một sưu tập viết bằng Híp-ri về lề luật được truyền rao bằng truyền thống nói; Những lời này chỉ được viết thành văn chương bác học (viết) bởi rab-bi Ye-hu-da ha Na-si (thế kỷ thứ 2 công nguyên). Bộ luật này thành lõi của bộ luật Tal-mud Ba-by-lone (5 công nguyên) và bộ luật Tal-mud Giê-ru-sa-lem (4 công nguyên).

Tar-gum có gốc "Ak-ka-dien" : tar-gum-mum hay "Hit-ti-te" : tar-kam-mai = cắt nghĩa, dịch hay loan báo. Đối với người Do-thái, từ này bắt nguồn như sau : Trong khi dân Do-thái bị lưu đày sang Ba-by-lone, có những ngoại kiều cũng bị đưa về trú ngụ tại Giu-đê. Một trong những hậu quả là tiếng A-ra-mê thay thế lần lần tiếng Híp-ri như tiếng nói bản xứ. Khi đến tụ họp tại hội đường để nghe đọc Kinh Torah, dần dần số người nghe không hiểu tiếng Híp-ri càng ngày càng tăng dần; vì thế những người phụ trách bắt buộc phải đọc tiếp theo bản Híp-ri một bản dịch thóat bằng tiếng A-ra-mê. Bản dịch bằng miệng này được gọi là Tar-gum, vì dịch bằng miệng và thóat nên chắc chắn người dịch chỉ dịch ý theo như họ hiểu lúc bấy giờ chứ không phải dịch chữ.

 

Thư mục : Phỏng theo 2 cuốn :

Pour Lire L 'Ancien Testament, Etienne Charpentier, nhà xuất bản Cerf, Paris, ấn bản 1994.

La Bible n’est pas tombée du ciel, Bernard Gillièron, nhà xuất bản du Moulin, Suisse, ấn bản 1996.

 

 

Bài viết khác

Cách dùng nồi cơm điện

Cách dùng nồi cơm điện

16/01/2025

Thay vì mua sắm nhiều đồ, tôi nhận ra tận dụng triệt để 1 thiết bị gia dụng vẫn rất hữu ích mà lại tiết kiệm. Mặc dù nồi cơm điện thông minh đã tích hợp nhiều chức năng như nấu cơm, cháo, hầm canh... nhưng hầu như chúng ta chỉ dùng để nấu cơm..

Art