Thứ Sáu, 04 Tháng Mười, 2024

Bài ca hiệp lễ hay tạ ơn?

Ngày nay, người ta thường tự hỏi liệu nên hát trong hoặc sau khi rước lễ. Thật vậy, nếu bài hát hiệp lễ đã được chứng thực từ thời Kitô giáo cổ đại, dưới hình thức thánh ca hoặc thánh vịnh (như Thánh vịnh 33), thì bài hát sau rước lễ xuất hiện với việc canh tân phụng vụ của Công đồng Vatican II, nhằm làm phong phú thêm bài hát của cộng đoàn: "Trong khi linh mục nhận lãnh Bí tích, bắt đầu hát bài ca hiệp lễ [...]. Bài hát kéo dài trong khi giáo dân rước lễ. Nhưng sẽ dừng lại vào thời điểm thích hợp nếu có một thánh ca sau hiệp lễ." (Quy chế tổng quát Sách lễ Rôma (QCTQ), số 86).

Do đó, chúng ta hiểu rằng cần phải có sự phân định. Và, nếu phải lựa chọn tùy theo hoàn cảnh (có hoặc không có nhạc công và ca sĩ, triển khai nghi thức theo không gian và cộng đoàn hiện diện), cũng nên tự hỏi thái độ thiêng liêng nào mà bài hát sẽ đặc biệt khuyến khích, không chỉ theo nghi thức và cộng đoàn, mà còn theo lời Chúa trong ngày, mùa phụng vụ hoặc lễ được cử hành.

HÁT ĐỂ HIỆP NHẤT

Phụng vụ của Giáo hội  ấn định ba chức năng cho bài hát đi kèm với nghi thức hiệp lễ: "thể hiện qua sự hợp nhất của tiếng hát sự hiệp nhất thiêng liêng giữa những người rước lễ, thể hiện niềm vui trong tâm hồn và làm nổi bật hơn đặc tính "cộng đoàn" của đoàn rước tiến lên lãnh nhận Thánh Thể" (như trên). Chúng ta hiểu rằng việc rước lễ không chỉ là vấn đề cá nhân tiếp cận với bánh thánh đã truyền phép: ước muốn hiệp nhất được thể hiện rõ ràng cho thấy rằng sự kết hợp mật thiết này với Chúa Kitô trong mỗi chúng ta sẽ không đầy đủ nếu không có sự hiệp thông với tất cả các chi thể khác của Thân Thể Người. Nói cách khác, chính vì chúng ta cùng rước lễ mà sự hiệp nhất thiêng liêng giữa chúng ta được hoàn thành và bộc lộ. Đó là lý do tại sao việc bài hát bắt đầu khi linh mục rước lễ là rất quan trọng, thể hiện rằng cử chỉ của ngài được kết hợp với cử chỉ của các tín hữu khác và đó là một hành động "cộng đoàn" duy nhất và đồng nhất.

Hơn nữa, bài hát không chỉ phải cho phép " hợp nhất của tiếng hát" mà còn của thân thể: đoàn rước đặt mọi người vào cùng một nhịp bước đi, bài hát sẽ góp phần cho thấy rằng chúng ta cùng nhau tiến bước về sự hiệp thông trọn vẹn được kêu gọi thực hiện cách dứt khoát trên thiên đàng. Âm điệu của bài hát cũng phải "thể hiện niềm vui trong tâm hồn". Và, về phần lời, sự hiện diện của đại từ "chúng ta" và ý tưởng được chia sẻ "cùng một tấm bánh" sẽ thúc đẩy việc thể hiện "hiệp nhất thiêng liêng giữa những người rước lễ" và kích thích ước muốn "trở thành một thân thể", để phát triển ý thức thuộc về cùng một Giáo hội, dưới sự hướng dẫn của Chúa Kitô.

"Khi việc phân phát Mình Thánh Chúa đã hoàn tất, tùy nghi, linh mục và giáo dân cầu nguyện thầm trong giây lát. Nếu thấy thích hợp, toàn thể cộng đoàn cũng có thể hát một thánh thi, thánh vịnh hay một bài ca ngợi khen khác" (QCTQ, số 88). Nếu việc lựa chọn hình thức là mở, một lần nữa, việc hát phải gắn kết chặt chẽ với điều mà phụng vụ của Giáo hội mong muốn vào lúc đó, sẽ không phải là chọn một bài hát chầu Thánh Thể, mà là một bài hát tạ ơn sẽ tạo nên chính nghi thức: không có gì khác ngoài việc cùng nhau ca ngợi và tạ ơn, trong sự tham gia đồng lòng, thể hiện sự hiệp thông của tất cả, trước khi cộng đoàn giải tán.

Cuối cùng, đây cũng là một thời điểm tốt để chọn một bài hát kết nối phụng vụ Lời Chúa và phụng vụ Thánh Thể, đặc biệt là trong tháng Tám của năm B này, khi phụng vụ cho chúng ta nghe mỗi Chúa nhật một đoạn trích từ chương 6 của Tin Mừng theo thánh Gioan, nói về bài giảng về Bánh Hằng Sống, vừa là lời Chúa vừa là bánh Thánh Thể. Sau khi rước lễ, mỗi người đã nhận lãnh lời Chúa và bánh thánh này, bài hát tạ ơn sẽ thực sự thể hiện sự hiệp nhất của hai phần của Thánh lễ, "gắn bó chặt chẽ đến nỗi chúng tạo thành một hành vi phụng tự duy nhất", từ đó "dọn bàn tiệc Lời Chúa cũng như Mình Thánh Chúa, nơi các tín hữu được giáo huấn và bổ dưỡng" (QCTQ, số 28).

cha François-Xavier Ledoux, dòng Đa Minh, là nhạc sĩ và ca sĩ, có bằng thạc sĩ về thần học bí tích và phụng vụ đã đóng góp vào việc suy tư về âm nhạc và hát trong phụng vụ. Giáo sư văn học cổ điển, hiện nay cha dành mình cho việc giảng dạy các ngôn ngữ cổ.

 

Bài viết khác

Những món ăn nhẹ làm bằng nồi chiên không dầu

Những món ăn nhẹ làm bằng nồi chiên không dầu

03/10/2024

Thời gian gần đây, nồi chiên không dầu là thiết bị nấu ăn được rất nhiều người quan tâm bởi không chỉ tiện lợi, nhanh chóng mà còn tốt cho sức khỏe người sử dụng, hạn chế dùng dầu mỡ khi nấu ăn.

Art