Tại sao hát trong khi rước lễ?
Giáo Hội luôn đi kèm việc rước lễ với bài hát. Có thể nói Giáo Hội coi việc hát là điều đương nhiên vì trong Quy chế Tổng quát Sách Lễ Rôma có viết rằng, ngay khi vị chủ tế rước lễ, "bắt đầu hát bài ca hiệp lễ" (QTTL, số 86). Việc rước lễ đi kèm với bài hát, một hành động bằng giọng nói và chung của cộng đoàn, nằm trong động lực các nghi thức hiệp lễ, bao gồm kinh Lạy Cha, giúp các tín hữu nhận ra mình là con cái cùng một Cha và là thành viên cùng một thân thể, việc trao ban bình an đến từ Chúa Kitô và lan tỏa trong thân thể Giáo hội của Ngài, hướng đến việc đón nhận Mình Thánh Chúa làm cho chúng ta trở thành điều chúng ta lãnh nhận, theo lời thánh Augustinô. Do đó, rước lễ không chỉ là nhận bánh thánh đã được truyền phép, mà còn đón nhận Mình Chúa Kitô theo hai chiều kích: thân thể Thánh Thể và thân thể Giáo hội. Đón nhận cái này đồng nghĩa với việc đón nhận cái kia vì "chúng ta là một thân thể, vì chúng ta cùng chia sẻ một tấm bánh". Do đó, bài hát đi kèm với việc rước lễ thể hiện "qua sự hợp nhất của các giọng hát, sự hiệp nhất tinh thần giữa những người rước lễ" (QTTL, số 86).
TRỞ THÀNH MỘT THÂN THỂ
Thánh Phaolô đã khẳng định với người Rôma khi ngài loan báo ơn cứu độ: Chúng ta tuy nhiều người, nhưng trong Đức Kitô, chúng ta chỉ là một thân thể duy nhất (Rm 12, 5). Cùng nhau tiến về phía Chúa Kitô giúp chúng ta trải nghiệm chiều kích cơ bản này của sự hiệp thông. Việc đi trong đoàn rước cũng cho chúng ta nếm trải ý nghĩa đời sống Kitô hữu: một cuộc sống theo sau và gặp gỡ Chúa Kitô, hiệp thông với anh chị em hiện diện, và cả với những người đã đi trước và sẽ đến sau chúng ta, cũng như với tất cả anh chị em đồng loại mà Chúa Kitô đã chết và sống lại cho họ. Qua bài hát đi kèm với đoàn rước, chúng ta hòa giọng với Giáo hội đang tiến bước, chúng ta trở thành một thân thể ca hát, một thân thể tạ ơn vì hồng ân đã được ban tặng. Do đó, mục đích của bài hát không phải để mô tả hành động đang diễn ra, mà để đưa chúng ta vào tất cả các chiều kích việc hiệp lễ bao hàm, nâng đỡ bước chân chúng ta, mở rộng niềm vui tiến về phía Chúa, nói lên những hoa trái thiêng liêng mà chúng ta sẽ gặt hái và thúc đẩy tình yêu của chúng ta đáp lại bằng một "Amen" đức tin trước lời công bố khó tin: "Mình Thánh Chúa Kitô."
HỒNG ÂN BÁC ÁI
Bài hát hiệp lễ đi kèm với đoàn rước có thể có nhiều hình thức: hoặc sử dụng điệp ca hiệp lễ được đề xuất trong Sách Lễ Rôma, có thể mở rộng bằng một thánh vịnh hoặc không, hoặc chọn một bài hát có nhịp phù hợp với việc đi trong đoàn rước. Lời tạ ơn là trọng tâm của bài hát này, nhưng các điệp ca hiệp lễ dạy chúng ta lời tạ ơn được triển khai theo mọi chiều kích không chỉ tập trung vào Mình và Máu Thánh Chúa Kitô. Ví dụ như điệp ca Chúa nhật 28 thường niên: "Người giàu có phải thiếu thốn và đói khổ; còn ai tìm kiếm Chúa sẽ chẳng thiếu của gì." Đức tin về Thánh Thể được triển khai rộng rãi. Chấp nhận trở thành thành viên của Thân Thể Chúa Kitô là mở lòng ra với nhiều hình thức hiệp thông khác nhau, vì vậy bài hát trở thành lời mời gọi triển khai ân sủng đã nhận được bằng cách "đón nhận tình yêu Chúa Giêsu Kitô", vì đón nhận có nghĩa thừa nhận "chúng ta đã nhận được mọi sự từ tay Chúa", đặc biệt là đức bác ái.
GIỮA LỜI CA NGỢI VÀ CHIÊM NIỆM
Hơn nữa, việc hát cộng đồng ngăn chặn việc đắm chìm trong sự tôn thờ quá cá nhân. Vì Thánh Thể dạy chúng ta tự hiến như Thiên Chúa tự hiến, nên cần thiết phải chia sẻ cùng một hành động ca ngợi và chiêm niệm. Đó chính là để làm cho tình yêu (caritas) của Thiên Chúa trở nên hữu hình qua chúng ta và thể hiện rằng không có tình yêu nào cao cả hơn việc hy sinh mạng sống vì những người mình yêu thương (Ga 15,13). Bài hát dẫn chúng ta từ lời ca ngợi đến sự chiêm niệm để rồi nở rộ thành lời tạ ơn Thánh Thể. Việc hát trong khi rước lễ dần dần dẫn dắt các tín hữu tham gia ngày càng sâu sắc hơn vào mầu nhiệm của Thiên Chúa, Đấng là tình yêu và lòng bác ái.
Theo Linh mục Olivier Praud, giáo phận Luçon (Pháp), giáo sư Thần học tại Học viện Công giáo Paris.