Thứ Hai, 16 Tháng Mười Hai, 2024

Chúa Nhật IV Mùa Vọng Năm C

Chúa Nhật IV Mùa Vọng Năm C

Bài Ðọc I: Mk 5, 2-5a : “Nơi ngươi sẽ xuất hiện Ðấng thống trị Israel”.

Bài trích sách Tiên tri Mi-kha.

Ðây lời Chúa phán: “Hỡi Bê-lem Ép-ra-tha, ngươi nhỏ nhất trong trăm ngàn phần đất Giu-đa, nhưng nơi ngươi sẽ xuất hiện một Ðấng thống trị Ít-ra-en, và nguồn gốc Người có từ nguyên thuỷ, từ muôn đời. Vì thế, Người sẽ bỏ dân Người cho đến khi một người nữ phải sinh, sẽ sinh con. Số còn lại trong anh em Người, sẽ trở về với con cái Ít-ra-en. Người sẽ đứng vững và chăn dắt trong sức mạnh của Chúa, trong thánh danh cao cả của Chúa là Thiên Chúa của Người. Và họ sẽ trở về, vì bấy giờ Người sẽ nên cao trọng cho đến tận cùng trái đất. Vì vậy, Người sẽ là chính sự bình an”.

Bài Ðọc II: Dt 10, 5-10 : “Này đây con đến để thi hành thánh ý Chúa”.

Bài trích thơ gởi tín hữu Do-thái.

Anh em thân mến, khi đến trong thế gian, Chúa Giê-su phán: “Chúa đã không muốn của hy tế và của lễ hiến dâng, nhưng đã tạo nên cho tôi một thể xác. Chúa không nhận của lễ toàn thiêu và của lễ đền tội. Nên tôi nói: ‘Lạy Chúa, này con đến để thi hành thánh ý Chúa, như đã nói về con ở đoạn đầu cuốn sách'”.

Sách ấy bắt đầu như thế này: “Của lễ hy tế, của lễ hiến dâng, của lễ toàn thiêu và của lễ đền tội, Chúa không muốn cũng không nhận, mặc dầu được hiến dâng theo lề luật. Ðoạn Người nói tiếp: Lạy Chúa, này đây con đến để thi hành thánh ý Chúa”. Như thế đã bãi bỏ điều trước để thiết lập điều sau. Chính bởi thánh ý đó mà chúng ta được thánh hoá nhờ việc hiến dâng Mình Chúa Giê-su Ki-tô một lần là đủ.

Phúc Âm: Lc 1, 39-45 : “Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa đến viếng thăm tôi”.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Lu-ca.

Ngày ấy, Ma-ri-a chỗi dậy, vội vã ra đi tiến lên miền núi, đến một thành xứ Giu-đê-a. Bà vào nhà ông Da-ca-ri-a và chào bà I-sa-ve. Và khi bà I-sa-ve nghe lời chào của Ma-ri-a, thì hài nhi nhảy mừng trong lòng bà, và bà I-sa-ve được đầy Chúa Thánh Thần, bà kêu lớn tiếng rằng: “Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ, và Con lòng Bà được chúc phúc! Bởi đâu tôi được Mẹ Chúa tôi đến viếng thăm tôi? Vì này, tai tôi vừa nghe lời Bà chào, hài nhi liền nhảy mừng trong lòng tôi. Phúc cho Bà là kẻ đã tin rằng lời Chúa phán cùng Bà sẽ được thực hiện”.

Vài ý chính đoạn Luca 1,39-45

"Đẹp biết bao trên núi đồi bước chân người loan báo tin mừng, người loan báo bình an, người mang tin mừng, người loan báo ơn cứu độ và nói với Sion rằng: 'Thiên Chúa ngươi hiển trị!'" (Is 52,7). Trong tường thuật của Luca, chúng ta vừa mới chiêm ngưỡng thiên thần Gabriel rời xa Đức Maria sau khi Truyền Tin, và đoạn Tin Mừng Chúa nhật này cho chúng ta thấy Đức Maria vội vã đến thăm bà Isave để chia sẻ niềm vui và cùng vui mừng về những điều kỳ diệu Chúa đã ban cho bà.

1. Hạnh phúc và đức tin

Bà Isave tuyên bố một mối phúc cho Đức Maria: "Phúc thay người đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với bà." Thánh sử Luca đặt song song đức tin và hạnh phúc. Tin vào Thiên Chúa và bước đi trên đường lối của Người chắc chắn có thể gặp nhiều thử thách và gian nan, nhưng con đường Người vạch ra vẫn là con đường hạnh phúc, con đường mang lại lời hứa về sự thăng hoa. Sự Truyền Tin là một biến cố mạnh mẽ, bất kể những hình ảnh êm đẹp thường làm ta ngập tràn khi tưởng tượng cảnh này. Thiên thần Gabriel đến phá vỡ mọi giấc mơ của một thiếu nữ đã đính hôn, mọi giấc mơ đơn sơ và bình yên về một gia đình tương lai. Đức Maria từ bỏ sự yên bình để nhận lấy phần của mình, một phần to lớn trong lịch sử Cứu Độ. Chúng ta chiêm ngưỡng Mẹ đã tỏa sáng qua sự ưng thuận với ý Chúa, không thể giữ riêng cho mình niềm hạnh phúc tràn đầy này.

2. Cuộc gặp gỡ thầm kín

Trong Tin Mừng Luca, Gioan Tẩy Giả giữ một vị trí đặc biệt. Theo một cách nào đó, ông đại diện cho chúng ta, đại diện cho tất cả những ai chưa bao giờ được chiêm ngưỡng Đức Kitô bằng mắt thịt, nhưng một ngày nào đó đã cảm nhận được sự hiện diện của Người trong thâm tâm mình. Luca không bao giờ cho Chúa Giêsu và Gioan Tẩy Giả gặp nhau. Ông đã bị tù (Lc 3,20) trước khi diễn ra cảnh Chúa Giêsu chịu phép rửa (Lc 3,21-22). Ông được Tin Mừng hóa qua hai nhân chứng khi đang ở trong tù (Lc 7,18-23). Cuộc gặp gỡ duy nhất của họ trong Tin Mừng thứ ba này là cuộc gặp gỡ trong lòng mẹ, qua trung gian của những người mẹ. Như mỗi người trong chúng ta, câu chuyện giữa Thiên Chúa và Gioan Tẩy Giả là một cuộc gặp gỡ khó diễn tả với Người trước khi các nhân chứng đến đặt lời lên kinh nghiệm này. "Trước khi cho ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi; trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hiến ngươi, Ta đặt ngươi làm ngôn sứ cho chư dân" (Gr 1,5).

Tôi có sẵn sàng đón nhận ý Chúa hay những an toàn nhỏ nhoi của tôi ngăn cản tôi phụng sự Người?

Ai đã loan báo Tin Mừng cho tôi? Ai đã đặt lời lên những gì vẫn luôn ở trong tim tôi? Chúa nhật này là cơ hội để tạ ơn tất cả những ai đã góp phần cho tôi thấy được dung nhan Đấng hằng ở với tôi từ thuở ban đầu.

Yann Billefod

Bài Giảng

Vai trò của người bé nhỏ

Ngôn sứ Mikha nói: "Hỡi Bêlem, ngươi là nơi nhỏ bé nhất, nhưng ngươi sẽ mang Đấng cao cả nhất". Thiên Chúa nói qua những người bé nhỏ, khiêm nhường. Nếu việc Chúa Kitô sinh ra được bao quanh bởi sự nghèo khó và bé nhỏ, không phải vì hoàn cảnh xấu, mà vì Thiên Chúa luôn chọn điều yếu đuối. Khi Thiên Chúa cần một tổ phụ các tín hữu, Người chọn cặp vợ chồng Abraham với điểm yếu là hiếm muộn. Khi Thiên Chúa cần người phát ngôn, Người chọn Giêrêmia với điểm yếu là nói lắp. Khi cần một thủ lãnh tông đồ, Người chọn người có điểm yếu là đã chối Chúa. Khi cần một người mẹ cho Đức Kitô Vua, Người chọn một thiếu nữ không có dòng dõi hoàng gia (một thường dân). Và khi Chúa Giêsu sinh ra, Người không ở trong cung điện của kinh đô, mà trong một chuồng bò. Khi đến lúc tôn thờ Hài Nhi, Người mời gọi các mục đồng với điểm yếu là không thanh sạch. Tóm lại, Thiên Chúa có một ý định nhất quán: kết hợp những người khiêm nhường nhất vào việc mặc khải vinh quang của Người và để những người yếu đuối nhất mang quyền năng của Người. Nếu bạn biết những giới hạn của mình, hãy lắng nghe: Thiên Chúa nói với bạn "con yếu đuối, con có những thiếu sót, nhưng Ta sẽ dùng con để làm cho Nước Ta tiến triển". Chúng ta hãy dành một phút để cầu nguyện: "Chúa muốn con, với những thiếu sót của mình, phụng sự Nước Chúa" (thinh lặng).

Sự dâng hiến bản thân

Điều đặc trưng của Đức Kitô là thái độ con thảo khiến Người nói "Con đây, con đến để thực thi ý Cha". Mà ý Cha là đem sự sống đến nơi có sự chết, nói với người có tội rằng họ được tha thứ, biến đổi người không thương xót thành người giàu lòng thương xót, làm cho người sống không mục đích được tái sinh để trở thành người mang tình yêu.

Điều đặc trưng của Đức Maria cũng là lòng tín thác con thảo khiến Mẹ nói "Này tôi là nữ tỳ của Chúa", nghĩa là "Con đây, con đến để thực thi ý Cha". Chúng ta, những người đã gặp Đức Kitô, hãy dành một phút để cầu nguyện: "Trong gia đình con, trong khu phố con, trong môi trường làm việc của con, con đến để thực thi ý Chúa" (thinh lặng).

Thánh lễ

Việc Đức Maria thăm viếng bà Isave - thực ra là việc Chúa Giêsu thăm viếng Gioan Tẩy Giả - chúng ta kể lại trong khuôn khổ thánh lễ, nơi Đức Kitô vẫn đến thăm viếng chúng ta để thực hiện "sự hoàn tất" lời hứa của Người, như bà Isave nói. Sự hoàn tất mà thánh lễ mời gọi chúng ta tin được thực hiện khi các tín hữu trở nên điều họ lãnh nhận: là Mình Thánh Chúa Kitô, khi hoa trái công việc của con người được thánh hiến, khi bình an được trao ban, khi Lời Chúa được công bố và vâng phục... tóm lại khi Chúa tuôn đổ Thần Khí trên mọi xác phàm. Về phần Thiên Chúa, trong thánh lễ, Người làm tất cả để điều đó được hoàn tất. Nhưng chúng ta có sẵn sàng "tin vào sự hoàn tất của lời Chúa" không? Hãy lắng nghe lại lời của người tin vào sự hoàn tất này: "Chúa đã tạo cho con một thân xác; bấy giờ con nói 'này con đến để thực thi ý Cha'" (bài đọc 2). Tin đi đôi với "con đến để thực thi ý Cha". Thật vậy, việc chuẩn bị mừng lễ Giáng Sinh không phải là chuyện cá hồi hay gà tây, mà là chuyện đức tin. Chúng ta hãy canh tân đức tin của mình (thinh lặng).

Louis Groslambert

Bài viết khác

Cách dùng nồi cơm điện

Cách dùng nồi cơm điện

16/01/2025

Thay vì mua sắm nhiều đồ, tôi nhận ra tận dụng triệt để 1 thiết bị gia dụng vẫn rất hữu ích mà lại tiết kiệm. Mặc dù nồi cơm điện thông minh đã tích hợp nhiều chức năng như nấu cơm, cháo, hầm canh... nhưng hầu như chúng ta chỉ dùng để nấu cơm..

Art