Thứ Ba, 30 Tháng Giêng, 2024

Chúa Nhật V Thường Niên – Năm B

Chúa Nhật V Thường Niên – Năm B

Bài Ðọc I: G 7, 1-4. 6-7

Trích sách Gióp.

Bấy giờ Gióp nói rằng: “Khổ dịch là đời sống của con người trên trái đất, ngày của họ giống như ngày của người làm công. Cũng như người nô lệ khát khao bóng mát, như người làm công ước mong lãnh tiền công thế nào, thì tôi cũng có những tháng nhàn rỗi, có những đêm người ta bắt tôi làm việc cực nhọc. Nếu tôi đi ngủ, thì tôi lại nói: “Chừng nào tôi mới thức dậy, và chừng nào là đến chiều? Tôi phải buồn sầu mãi cho đến tối”. Ngày của tôi qua nhanh hơn chiếc thoi đưa, nó tàn lụn đi mà không mang lại tia hy vọng nào. Hãy nhớ rằng đời sống tôi chỉ là một hơi thở! Mắt tôi sẽ không nhìn thấy hạnh phúc”.

Ðáp Ca: Tv 146, 1-2. 3-4. 5-6

Ðáp: Hãy chúc tụng Chúa, Ðấng cứu chữa những kẻ giập nát tâm can

Xướng: Hãy ngợi khen Chúa, vì Người hảo tâm; hãy ca mừng Thiên Chúa chúng ta, vì Người êm ái, thực Người rất đáng ngợi khen. Chúa xây dựng lại Giêrusalem, tập họp con cái Israel phân tán.

Xướng: Chính Người chữa những kẻ giập nát tâm can, và băng bó vết thương của lòng họ. Người ấn định con số các ngôi sao, và gọi đích danh từng ngôi một.

Xướng: Chúa chúng ta cao cả và mãnh liệt quyền năng, sự khôn ngoan của Người thực là vô lượng. Chúa nâng cao những kẻ khiêm cung, Người đè bẹp đứa ác nhân xuống tận đất.

Bài Ðọc II: 1 Cr 9, 16-19. 22-23

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, nếu tôi rao giảng Tin Mừng, thì không phải để làm cho tôi vinh quang, mà vì đó là một nhu cầu đối với tôi. Vô phúc cho tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng. Giả như nếu tôi tự ý đảm nhận việc ấy, thì tôi có công; nhưng nếu tôi bị ép buộc, thì tôi phải làm trọn nghĩa vụ đã giao phó cho tôi. Vậy thì phần thưởng của tôi ở đâu? Khi rao giảng Tin Mừng, tôi đem Tin Mừng biếu không, tôi không dùng quyền mà Tin Mừng dành cho tôi. Mặc dầu tôi được tự do đối với tất cả mọi người, tôi đã đành làm nô lệ cho mọi người, hầu thu hút được nhiều người hơn. Tôi đã ăn ở như người yếu đau đối với những kẻ yếu đau, để thu hút người yếu đau. Tôi đã nên mọi sự đối với tất cả mọi người, để làm cho mọi người được cứu rỗi. Tất cả những việc đó, tôi làm vì Tin Mừng để được thông phần vào lợi ích của Tin Mừng.

Phúc Âm: Mc 1, 29-39

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu ra khỏi hội đường, Người cùng với Giacôbê và Gioan đến nhà Simon và Anrê. Lúc ấy bà nhạc gia của Simon cảm sốt nằm trên giường, lập tức người ta nói cho Người biết bệnh tình của bà. Tiến lại gần, Người cầm tay bà, và nâng đỡ dậy. Bà liền khỏi cảm sốt và đi tiếp đãi các ngài.

Chiều đến, lúc mặt trời đã lặn, người ta dẫn đến Người tất cả những bệnh nhân, tất cả những người bị quỷ ám: và cả thành tụ họp trước cửa nhà. Người chữa nhiều người đau ốm những chứng bệnh khác nhau, xua trừ nhiều quỷ, và không cho chúng nói, vì chúng biết Người.

Sáng sớm tinh sương, Người chỗi dậy, ra khỏi nhà, đi đến một nơi thanh vắng và cầu nguyện tại đó. Simon và các bạn chạy đi tìm Người. Khi tìm thấy Người, các ông nói cùng Người rằng: “Mọi người đều đi tìm Thầy”. Nhưng Người đáp: “Chúng ta hãy đi đến những làng, những thành lân cận, để Ta cũng rao giảng ở đó nữa”. Và Người đi rao giảng trong các hội đường, trong khắp xứ Galilêa và xua trừ ma quỷ.

Chú giải : Máccô 1,29-34: Chữa bệnh trong nhà ông Simôn và ông Anrê

Phân tích

Tác giả Máccô nhận từ truyền thống trình thuật ngắn về việc chữa bệnh cho bà nhạc gia ông Phêrô và cũng mang vài nét tiểu sử. Ông bắt đầu trình thuật với công thức thường dùng “lập tức = euthus” và nêu tên hai ông Giacôbê và Gioan để nhấn mạnh đến sự hiện diện bốn người được kêu gọi nơi 1,16-20. Đối với bản tóm tắt với các câu 32-34, các học giả tranh luận coi như tác giả Máccô hoàn toàn biên soạn hay chỉ sửa đổi lại một chút. Bản tóm tắt kết thúc một ngày điển hình của Đức Giêsu nhưng cho một khuynh hướng chung chung hơn, và chứa đựng nét đặc trưng riêng của tác giả như việc ngăn cấm quỷ mạc khải căn tính Đức Giêsu (câu 34).

Đọc

- Câu 29-31: Trình thuật đuổi thần ô uế được tiếp theo trình thuật chữa bệnh cho bà nhạc gia ông Phêrô (1,29-31), một số bệnh tật và trừ quỷ trong cùng một nơi ở trong cùng một nhà. Sau khi rời khỏi hội đường, Đức Giêsu và bốn môn đệ đến nhà hai ông Simôn và Anrê. Ngôi nhà dường như trở nên điểm dựa của Đức Giêsu. Nhà hai ông được các nhà khảo cổ khai quật gần đây, nằm trong một làng ở vào thế kỷ thứ nhất trước công nguyên hướng về phía biển hồ. Ngôi nhà rộng khoảng 7 X 6,5 m được khách hành hương đến viếng thăm rất sớm như thấy những hàng chữ ghi vội trên vách. Với trình thuật mới biết ông Simon lập gia đình như lời thứ thứ 1 Côrintô 9,5 xác nhận: “Đây là lời biện hộ của tôi chống lại những kẻ hạch sách tôi. Phải chăng tôi không có quyền ăn uống, không có quyền đem theo một người chị em tín hữu như các tông đồ khác, như các anh em của Chúa và như ông Kêpha?

Các môn đệ lúc này bên cạnh Đức Giêsu và đang “học nghề” bằng cách quan sát Đức Giêsu làm, và sẽ tới phiên họ được mời gọi rao giảng và trừ quỷ (3,13-14; 6,7-13). Chính họ báo cho Đức Giêsu biết bà nhạc gia ông Phêrô đang bị ốm, nhưng ở đây không thấy họ xin chữa cho bà như thường thấy trong những trình thuật về phép lạ. Lời xin tiềm ẩn vì họ đã báo cho Người biết bà nhạc gia ông Phêrô đang đau.

Trình thuật chữa bệnh cho bà nhạc gia Phêrô không được khai triển, nhưng chỉ được nói lướt qua một cách nhanh chóng. Một số chi tiết cũng cần được nêu lên, như hành vi cứu chữa không được kể theo thứ tự. Bình thường việc cầm tay bệnh nhân là điều đầu tiên phải làm, sau đó mới nâng người bệnh lên. Nơi đây, Máccô nêu lên một cách làm khác ngược lại và nêu giá trị động từ “đỡ dậy = egeirô”. Động từ cũng được sử dụng nói về sự sống lại của con người (12,26), cũng như sự sống lại của Đức Giêsu (14,28; 16,6). Động từ được dùng trong trình thuật Đức Giêsu làm cho cô con gái ông Giai sống lại (6,41), cũng như trong trình thuật chữa cho một trẻ em được coi như đã chết (9,26-27).

Như thần ô uế ra khỏi người bị ám, cơn sốt đã ngừng hẳn với bà nhạc gia ông Phêrô. Đối với người thời Đức Giêsu có thể giải thích cơn sốt đến từ bốn nguồn gốc: bệnh lý, chiêm tinh, thần thánh hay ma quỷ. Máccô chắc chắn không cho cơn sốt có nguồn gốc chiêm tinh, nhưng bối cảnh cho thấy tác giả nêu rõ một cơn bệnh thể lý. Chính vì thế, sau khi nói đến cuộc chữa lành người bị thần ô uế nhập, Máccô kể lại cuộc chữa lành bệnh tật. Sau đó từ câu 34, tác giả nêu rõ hai hành động: “Người chữa lành nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỷ”. Cơn sốt không phải hành động của quỷ nhưng dù một hành động đến từ quỷ hay một bệnh thể lý đều bị hành động Đức Giêsu hóa giải. Sau đó bà đi phục vụ các người như việc các Thiên thần phục vụ tức là được gắn liền vào chiến thắng trên sức mạnh cái chết. Động từ “phục vụ = diakoneô” được dùng trong Tin mừng Máccô nói lên Đức Giêsu phục vụ (10,45) và việc phục vụ một số các bà tại Galilê (15,41). Việc bà nhạc gia ông Phêrô dậy rồi sau đó phục vụ các người là điều tiếp đón khách rất bình thường, nhưng với những điều vừa ghi lại trên còn cho thấy Máccô nêu lên đây một chủ đề quan trọng trong cuốn Tin mừng.

- Câu 32-34 do Máccô hoàn toàn biên soạn cho thấy ý nghĩa việc làm cứu chữa do Đức Giêsu hoàn thành tại Caphácnaum. Máccô cho biết cho tới khi mặt trời lặn đám đông bệnh tật và những người bị quỷ ám mới tuôn đến. Đức Giêsu không vi phạm luật ngày sabát, vì mặt trời lặn đánh dấu ngày sabát chấm dứt. Khi nói “Cả thành tụ họp lại trước cửa”, Máccô dùng ở đây một từ gợi lại hội đường “tụ họp lại = épisunemène” (câu 33). Đức Giêsu quy tụ mọi người để ban cho họ hồng ân Thiên Chúa, nhưng việc tụ họp tất cả mọi người bệnh tật thể lý và tinh thần lại trước nhà hai ông Simôn và Anrê cho thấy toàn cảnh như không thật vì con đường dẫn vào nhà hẳn rất chật hẹp.

Cuối cùng ở đoạn văn, Đức Giêsu đưa ra ý chỉ ngăn cấm các quỷ không được nói (câu 34), gợi lại mệnh lệnh Người truyền cho thần ô uế nơi câu 1,25, nhưng trong câu 34, Đức Giêsu bắt quỷ im lặng vì họ biết Người, những cách phản kháng lại trước sức mạnh những kẻ chống lại và để thoát khỏi Người. Khi quỷ loan báo trước mọi người Đức Giêsu là một con người siêu nhiên, quỷ làm hại thanh danh Người có thể nói lên Đức Giêsu thỏa hiệp với quỷ để thành công trong cuộc chiến chống lại những thần ô uế.

Trong Tin mừng Máccô thường thấy Đức Giêsu ngăn cấm các quỷ không được nêu danh tính Người, còn có những lúc Đức Giêsu ngăn cản những người được cứu chữa hay các môn đệ mạc khải những hiểu biết của họ về Người. Ba loại thể văn vừa nêu làm nên nền tảng giả thuyết “bí mật thiên sai” do học giả William Wrede khởi xướng vào năm 1901. Một số nhà chú giải tân ước dựa vào lý thuyết này và cho chủ đề “bí mật thiên sai” đóng vai trò quan trọng trong Tin mừng Máccô. Theo Wrede, Đức Giêsu không bao giờ coi mình là Đấng Thiên sai, và chỉ sau Phục sinh, Giáo hội mới tuyên xưng lên điều đó. Truyền thống tiên khởi ý thức điều Đức Giêsu không bao giờ tự cho mình là Đấng Mêsia nên muốn hoà giải điều thiếu vắng với niềm tin Giáo hội. Với ý hướng đó, Đức Giêsu ý thức ẩn giấu thân phận thiên sai của mình và nghiêm ngặt ngăn cấm những ai biết không được nêu danh tính Người. Họ chỉ có thể làm điều đó sau khi Người được sống lại (9,9). Giả thuyết không hoàn toàn phù hợp với các văn bản Tin mừng. Chủ đề “bí mật thiên sai” lại thiếu tính nhất quán và mở ra quá nhiều viễn tượng. Chỉ có hai văn bản có thể nói lên rõ ràng “bí mật thiên sai” là trình thuật ông Phêrô tuyên xưng đức tin tại Césarée-Philipphê (8,30), và lời ngăn cấm lúc trên đường xuống núi sau cuộc Biến hình (9,9). Lời ngăn cấm đến các môn đệ và được họ tuân theo cho tới khi Đức Giêsu sống lại. Nhưng khi đọc kỹ lại Tin mừng, lời ngăn cấm đã không còn được nói đến bắt đầu từ đoạn 9,3 và Đức Giêsu cũng chấp nhận cho người ta gọi “Con vua Đavít”. Những kẻ thù địch cũng biết rõ ý nguyện Đức Giêsu (12,35-37) và Thượng tế cũng dựa vào lý do đó để kết án Người (14,6-64). Vì thế điều ngăn cấm ở đây như cách thức Máccô báo trước điều Đức Giêsu loan báo (9,12). Thân phận Thiên sai, Con Thiên Chúa như Thiên Chúa đã vạch sẵn trong Kinh thánh chỉ thực sự đầy đủ một khi Đức Giêsu uống chén đắng Thương Khó và ánh sáng chỉ bừng lên nơi ngôi mộ Đấng bị đóng đinh. Trong một bối cảnh hoàn toàn khác, Đức Giêsu ngăn cấm các quỷ (1,24-25-34; 3,11-12), nhưng điều đó xảy ra khi quỷ nêu danh tính Người. Còn đối với những người được Đức Giêsu chữa trị, Người có ngăn cấm nhưng điều đó cũng bị vi phạm hết hai lần. Đức Giêsu không muốn được coi như các nhà phù thủy trong thời đại đó, nhưng những người được cứu chữa đã nêu lên vinh quang Người.

Lê Phú Hải omi.

Bài Suy niệm

Tuy nhiên, chính Chúa Giêsu, Thiên Chúa và là Chúa, Đấng có sức mạnh không cần cô đơn nâng đỡ, cũng không bị cản trở bởi sự kết hợp của con người, đã quan tâm để lại cho chúng ta một gương mẫu. Trước chức vụ rao giảng và làm phép lạ, Người đã chịu khuất phục trước thử thách của cám dỗ và ăn chay (Mt 4,1). Kinh thánh kể cho chúng ta rằng, rời khỏi đám đông môn đệ, Người lên núi cầu nguyện một mình (Mc 6,46). Rồi vào giờ Cuộc Khổ Nạn sắp xảy ra, Người bỏ các môn đệ và đi cầu nguyện một mình (Mt 26,36): một tấm gương cho mọi người thấy rõ rằng sự cô tịch có lợi cho việc cầu nguyện như thế nào, vì Người không muốn cầu nguyện trước sự chứng kiến ​​của các bạn đồng hành, kể cả các Tông đồ. Chúng ta không được bỏ qua dưới im lặng một mầu nhiệm liên quan đến tất cả chúng ta như vậy. Ngài, Chúa, Đấng Cứu Độ nhân loại, nêu lên nơi con người của Ngài một mẫu gương sống động. Một mình trong sa mạc, ngài chuyên tâm cầu nguyện và thực hành đời sống nội tâm - ăn chay, canh thức và các hoa quả khác của việc sám hối - nhờ đó vượt qua những cám dỗ của Kẻ Thù bằng vũ khí của Thánh Thần.

Lạy Chúa Giêsu, con chấp nhận rằng ở bên ngoài không có ai; nhưng hãy để như vậy để bên trong có Ngài. Khốn thay cho người cô đơn nếu không ở một mình với Ngài! Và có bao nhiêu người vẫn còn trong đám đông và thực sự cô đơn, bởi vì họ không ở bên Ngài. Con muốn ở với Ngài, để không bao giờ cô đơn.

Guigues le Chartreux, Méditations, số 1 (trad Feux du désert, t. 1, p. 406 rév., cf. SC 163, p. 127) in Parole et Prìere, nùmro 164, février 2024, page 51.

Bài viết khác

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

22/01/2024

Một số chất làm ngọt tự nhiên và ít gây hại cho cơ thể như đường cỏ ngọt, đường la hán, mật ong và đường nâu. Trong một bài báo tổng quan bao gồm 46 nghiên cứu về đường không ly tâm, tác dụng được báo cáo nhiều nhất là [tăng khả năng] miễn dịch (26%)...

Cá mắm xứ Huế

Cá mắm xứ Huế

09/02/2024

Viết về Cá và Mắm xứ Huế, tôi dựa vào ít ỏi vài tài liệu trong tay tuy không đầy đủ nhưng tôi hy vọng nêu lên phần nào một trong những nét đặc trưng ẩm thực của người dân Huế.

Art