Thứ Hai, 06 Tháng Giêng, 2025

Lễ Chúa Giêsu chịu Phép Rửa Năm C

Lễ Chúa Giêsu chịu Phép Rửa

Bài đọc 1 : Is 40,1-5.9-11

Bài trích sách ngôn sứ I-sai-a.

Thiên Chúa phán : “Hãy an ủi, an ủi dân Ta : Hãy ngọt ngào khuyên bảo Giê-ru-sa-lem, và hô lên cho Thành : thời phục dịch của Thành đã mãn, tội của Thành đã đền xong, vì Thành đã bị tay Đức Chúa giáng phạt gấp hai lần tội phạm.”

Có tiếng hô :“Trong sa mạc, hãy mở một con đường cho Đức Chúa, giữa đồng hoang, hãy vạch một con lộ thẳng băng cho Thiên Chúa chúng ta. Mọi thung lũng sẽ được lấp đầy, mọi núi đồi sẽ phải bạt xuống, nơi lồi lõm sẽ hoá thành đồng bằng, chốn gồ ghề nên vùng đất phẳng phiu.

Bấy giờ vinh quang Đức Chúa sẽ tỏ hiện, và mọi người phàm sẽ cùng được thấy rằng miệng Đức Chúa đã tuyên phán.”

Hỡi kẻ loan tin mừng cho Xi-on, hãy trèo lên núi cao. Hỡi kẻ loan tin mừng cho Giê-ru-sa-lem, hãy cất tiếng lên cho thật mạnh. Cất tiếng lên, đừng sợ, hãy bảo các thành miền Giu-đa rằng : “Kìa Thiên Chúa các ngươi !” Kìa Đức Chúa quang lâm hùng dũng, tay nắm trọn chủ quyền. Bên cạnh Người, này công lao lập được, trước mặt Người, đây sự nghiệp làm nên. Như mục tử, Chúa chăn giữ đoàn chiên của Chúa, tập trung cả đoàn dưới cánh tay. Lũ chiên con, Người ấp ủ vào lòng, bầy chiên mẹ, cũng tận tình dẫn dắt.

Bài đọc 2 : Tt 2,11-14 ; 3,4-7

Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi ông Ti-tô.

Anh thân mến, ân sủng của Thiên Chúa đã được biểu lộ, đem ơn cứu độ đến cho mọi người.  Ân sủng đó dạy chúng ta phải từ bỏ lối sống vô luân và những đam mê trần tục, mà sống chừng mực, công chính và đạo đức ở thế gian này. Sở dĩ như vậy, là vì chúng ta trông chờ ngày hồng phúc vẫn hằng mong đợi, ngày Đức Ki-tô Giê-su là Thiên Chúa vĩ đại và là Đấng cứu độ chúng ta, xuất hiện vinh quang. Vì chúng ta, Người đã tự hiến để cứu chuộc chúng ta cho thoát khỏi mọi điều bất chính, và để thanh luyện chúng ta, khiến chúng ta thành Dân riêng của Người, một dân hăng say làm việc thiện.

 Khi Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta, biểu lộ lòng từ bi và nhân ái của Người, Người đã cứu chúng ta, không phải vì chúng ta đã làm những việc công chính, mà là vì Người thương xót. Người cứu chúng ta nhờ phép Rửa ban ơn tái sinh và đổi mới do Thánh Thần thực hiện. Thiên Chúa đã tuôn đổ đầy tràn Thánh Thần trên chúng ta, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Đấng cứu độ chúng ta. Như vậy, một khi nên công chính nhờ ân sủng của Đức Ki-tô, chúng ta được thừa hưởng sự sống đời đời như chúng ta vẫn hy vọng.

Phúc Âm: Lc 3, 15-16. 21-22

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Lu-ca.

Khi ấy, trong lúc dân chúng đang mong đợi, và mọi người tự hỏi trong lòng rằng: “Gio-an có phải là Ðấng Ki-tô không?”, Gio-an lên tiếng bảo mọi người rằng: “Phần tôi, tôi rửa anh em trong nước, nhưng Ðấng cao trọng hơn tôi đang đến, và tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Người, chính Người sẽ rửa anh em trong Chúa Thánh Thần và trong lửa!”

Vậy khi tất cả dân chúng đã chịu phép rửa, và chính lúc Chúa Giê-su cũng đã chịu phép rửa xong, Người đang cầu nguyện, thì trời mở ra và Thánh Thần Chúa ngự xuống trên Người dưới hình chim bồ câu, và có tiếng từ trời phán: “Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha”.

Vài ý chính Tin mừng Lc 3, 15-16. 21-22

Sự thắc mắc của dân chúng

Không có gì ngạc nhiên khi "tất cả dân chúng đang chờ đợi" tự hỏi liệu Gioan có phải là Đấng Mê-si-a hay không, vì vào thời điểm đó, người dân đang rất mong đợi một vị cứu tinh quyền năng và giải phóng trong một đất nước bị người La Mã ngoại đạo thống trị. Gioan trả lời rằng "Đấng đến sau tôi quyền năng hơn tôi" đến nỗi ông không xứng đáng làm công việc của người nô lệ: "cởi dây giày cho Người", và ông so sánh phép rửa bằng nước của mình với phép rửa "trong Chúa Thánh Thần và lửa", nghĩa là "trong Chúa Thánh Thần là lửa", vì trong ngày Lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần đã ngự xuống trên các môn đệ dưới hình lưỡi lửa (Cv 2, 1-4).

Một phép rửa gây bối rối

Giống như ba tác giả Tin Mừng khác, Luca cảm thấy lúng túng về phép rửa của Chúa Giêsu. Tại sao Chúa Giêsu, người mà Gioan giới thiệu "quyền năng hơn mình", người mà ông nói rằng mình "không đáng cởi dây giày", lại chịu phép rửa từ Gioan Tẩy Giả, người "rửa bằng nước"? Phải chăng điều này thể hiện sự phụ thuộc của Người vào vị Tẩy Giả?

Rõ ràng các cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên không thể tránh khỏi câu hỏi này. Mỗi tác giả Tin Mừng đã cố gắng đưa ra cách giải thích riêng. Mác-cô kể lại sự kiện một cách ngắn gọn. Mát-thêu thuật lại sự kiện nhưng thêm vào cuộc đối thoại giữa vị Tẩy Giả và Chúa Giêsu. Gioan nhắc đến chứng từ mà Chúa Cha làm cho Chúa Giêsu và việc Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Người, nhưng không nêu rõ hoàn cảnh. Còn Luca thì trả lời bằng cách tránh trả lời: ông đặt việc Gioan Tẩy Giả bị Hê-rô-đê bắt giam ngay trước phép rửa của Chúa Giêsu, và không nói ai đã rửa tội cho Chúa Giêsu.

Chúa Giêsu chịu phép rửa cùng với dân chúng

Luca đề cập đến phép rửa của dân chúng và của Chúa Giêsu một cách ngắn gọn, và ông viết ở thì quá khứ. Vì vậy nên dịch là: "Khi tất cả dân chúng đã chịu phép rửa, và khi Chúa Giêsu cũng đã chịu phép rửa...". "Tất cả dân chúng" có nghĩa là đám đông mà qua lời rao giảng và phép rửa của Gioan, trở thành dân mới của Thiên Chúa, cộng đoàn Mê-si-a. Giống như và cùng với đám đông này, Chúa Giêsu chịu phép rửa vào đầu đời sống công khai để chuẩn bị cho thời đại Mê-si-a và việc thiết lập dân mới của Thiên Chúa.

Chúa Giêsu và Thiên Chúa

Cảnh tiếp theo, tách biệt với phép rửa, chỉ liên quan đến Thiên Chúa và Chúa Giêsu đang cầu nguyện (ở thì hiện tại) như trong các biến cố chính của cuộc đời Người: sau khi chữa người phong cùi (5, 16), trước khi chọn nhóm mười hai (6, 12), lời tuyên xưng của Phê-rô (9, 18), sự biến hình (9, 28-29), trước và trên thập giá (23, 46). Tương tự, dân chúng đang cầu nguyện khi thiên thần loan báo sự ra đời của vị Tiền Hô, các môn đệ cầu nguyện lúc Chúa Lên Trời và khi họ chờ đợi Chúa Thánh Thần ngự xuống (Cv 1, 14). Việc nhắc đến lời cầu nguyện của Chúa Giêsu vào đầu biến cố sau phép rửa này cho thấy tầm quan trọng Chúa Giêsu sẽ được chỉ định là Đấng Mê-si-a.

Việc trời mở ra, đáp lại lời khẩn cầu trong Is 63,19, hướng cách đọc hiểu theo nghĩa cá nhân và cộng đồng. Điều được đề cập ở đây là sự xuất hiện một dân mới của Thiên Chúa. Đấng Mê-si-a đóng vai trò quan trọng trong cảnh này, nhưng với tư cách người đứng đầu cộng đoàn Mê-si-a, giống như Mô-sê được nhắc đến hai lần trong lời cầu nguyện của Isaia (Is 63, 11. 12) nhưng như người đứng đầu dân cũ của Thiên Chúa, như "người chăn đàn chiên" YHWH.

Luca nêu rõ rằng Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Chúa Giêsu: "trên Người", nhắc nhớ Is 11, 12 và 42, 1. Việc ngự xuống diễn ra "dưới hình thể hữu hình", nhưng vẫn thuộc về điều không thể diễn tả: "như chim bồ câu". Tiếng Thiên Chúa phán trích dẫn Tv 2, 7, thánh vịnh về việc tấn phong vương quyền. Như vậy biểu thị việc tấn phong Mê-si-a cho Chúa Giêsu. Sự trao quyền này, khởi đầu hoạt động của Người với dân mới của Thiên Chúa, đồng thời cũng là lời loan báo về Lễ Ngũ Tuần, sẽ khai mạc phép rửa trong Thánh Thần cho Hội Thánh (Cv 1, 5; 11, 16) và cho tất cả những ai sẽ gia nhập (Tt 3, 5-7).

Jean Riaud

 

Câu hỏi

Lời Chúa, lời người. Tiếng của ngôn sứ, của Giê-ru-sa-lem, của Gioan Tẩy Giả, của tông đồ,... của Thiên Chúa từ trời: làm thế nào tất cả những lời này có thể hợp nhất trong Thần Khí và dìm chúng ta, cùng với Chúa Giêsu trong cầu nguyện?

Bài giảng : Hồng ân kỳ diệu của Bí tích Rửa tội Kitô giáo

Tìm lại niềm vui của phép rửa

Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa mà phụng vụ đề nghị cho chúng ta trong Chúa nhật này là một lời mời gọi các Kitô hữu tìm lại niềm vui của chính phép rửa của mình. Đây là cơ hội để mọi người đã chịu phép rửa sống lại niềm vui sự tái sinh, điều đã ban cho họ sự sống Thiên Chúa: niềm vui được gia nhập Giáo Hội, cộng đoàn tín hữu, dân Chúa, Nhiệm Thể Chúa Kitô; niềm vui chính Giáo Hội, hân hoan trong thiên chức làm mẹ mỗi khi sinh ra một Kitô hữu mới qua phép rửa. Vậy đây là dịp để nhìn lại điều "chúng ta phải tự hào mãi mãi" (Đức Giáo Hoàng Phanxicô): hồng ân kỳ diệu một Thiên Chúa đã làm người để sinh ra chúng ta vào sự sống của Người.

Niềm vui của dân đã chịu phép rửa

Niềm vui là trọng tâm của sứ điệp trong các bài đọc và Tin Mừng hôm nay. Trước hết, niềm vui tin mừng về Thiên Chúa quan tâm đối với dân Người đang bị lưu đày; một Thiên Chúa biến những con đường quanh co thành nẻo giải phóng; một Thiên Chúa bước đi giữa dân Người, như người mục tử chăm sóc đàn chiên; một Thiên Chúa mà lời nói thực hiện điều Người loan báo. Tiếp đến, niềm vui tuôn trào ân sủng Thiên Chúa để cứu độ mọi người. Làm sao không hớn hở vui mừng khi nghĩ rằng niềm hy vọng diễm phúc, tức là hạnh phúc chúng ta trông đợi, đã được ban cho chúng ta; không phải nhờ công trạng, nhưng nhờ lòng Thiên Chúa thương xót, qua phép rửa tái sinh và đổi mới chúng ta trong Chúa Thánh Thần. Cuối cùng, niềm vui hoàn thành một thời gian dài chờ đợi. Đấng Mê-si-a mà dân chúng đang chờ đợi, "Đấng quyền năng hơn" được Gioan loan báo và sẽ làm phép rửa trong Chúa Thánh Thần và lửa, nghĩa là "trong Chúa Thánh Thần là lửa", đã ở giữa dân chúng đang chịu phép rửa: Chúa Giêsu, con người giữa nhân loại. "Sau khi Người cũng đã chịu phép rửa", thánh Luca thêm: "Chúa Giêsu cầu nguyện", như sau này, trong các biến cố chính của cuộc đời Người. Câu trả lời cho lời Chúa Giêsu cầu nguyện sau phép rửa là việc tấn phong Người làm Đấng Mê-si-a và sự ra đời của một dân mới của Thiên Chúa.

Một niềm vui "phi thường"

Lễ Chúa Giêsu chịp phép rửa kết thúc mùa Giáng Sinh. Phụng vụ bước vào "mùa thường niên", chỉ có tên gọi thường niên thôi. Thường niên không có nghĩa thời gian tầm thường, thời gian có tầm quan trọng thứ yếu. Đây là thời gian cho phép chúng ta sống cái Hôm Nay của ơn cứu độ Thiên Chúa trong đời sống thường nhật taĐây là thời gian triển khai, từ Chúa nhật này sang Chúa nhật khác, mầu nhiệm Vượt Qua, tin mừng phi thường về một Thiên Chúa đã làm người để con người tìm lại phẩm giá làm con Thiên Chúa, tin mừng về chiến thắng của tình yêu trên mọi quyền lực sự chết. Đây là thời gian "trở thành môn đệ-thừa sai", nghĩa là thời gian đặt bước chân chúng ta vào bước chân Chúa Kitô để bước theo Người và loan báo cho mọi người niềm vui Tin Mừng.

Ước gì trong suốt mùa thường niên đang mở ra này, chúng ta không ngừng trở về với phép rửa của mình, như một biến cố nền tảng và một nguồn mạch vọt lên sự sống vĩnh cửu.

Robert Sebisaho

Bài viết khác

Cách dùng nồi cơm điện

Cách dùng nồi cơm điện

16/01/2025

Thay vì mua sắm nhiều đồ, tôi nhận ra tận dụng triệt để 1 thiết bị gia dụng vẫn rất hữu ích mà lại tiết kiệm. Mặc dù nồi cơm điện thông minh đã tích hợp nhiều chức năng như nấu cơm, cháo, hầm canh... nhưng hầu như chúng ta chỉ dùng để nấu cơm..

Art