Thứ Năm, 02 Tháng Giêng, 2025

Lễ Hiển Linh

Lễ Hiển Linh

Bài Ðọc I: Is 60, 1-6

Trích sách Tiên tri I-sai-a.

Hãy đứng lên, hãy toả sáng ra, hỡi Giê-ru-sa-lem! Vì sự sáng của ngươi đã tới, vì vinh quang của Chúa đã bừng dậy trên mình ngươi.

Kìa tối tăm đang bao bọc địa cầu, vì u minh phủ kín các dân, nhưng trên mình ngươi Chúa đang đứng dậy, vì vinh quang của Ngài xuất hiện trên mình ngươi. Chư dân sẽ lần bước tìm về sự sáng của ngươi, và các vua hướng về ánh bình minh của ngươi.

Hãy ngước mắt lên chung quanh, và hãy nhìn coi: tất cả những người đó đang tập họp, đang tìm đến với ngươi; các con trai của ngươi tự đàng xa đi tới, và các con gái ngươi đứng dậy từ khắp bên hông.

Bấy giờ ngươi sẽ nhìn coi, và ngươi trở nên rực rỡ, tim ngươi sẽ rạo rực và sẽ phồng lên. Bởi vì những kho tàng bể khơi tuôn đến với ngươi, nguồn phú túc của chư dân sẽ tới tay ngươi. Những con lạc đà tràn ngập vây phủ lấy ngươi, những lạc đà một bướu tự xứ Ma-đi-an và Ê-pha; tất cả những ai từ Sa-ba đi tới, đem theo vàng và nhũ hương, và họ sẽ tuyên rao lời ca ngợi Chúa.

 

Bài Ðọc II: Ep 3, 2-3a. 5-6

Trích thư Thánh Phao-lô Tông đồ gửi tín hữu Ê-phê-xô.

Anh em thân mến, (chắc) anh em đã nghe biết rằng: Thiên Chúa đã ban cho tôi việc phân phát ân sủng cho anh em, là theo ơn mạc khải cho tôi biết, tôi đã được thấu hiểu mầu nhiệm mà con cái loài người các thế hệ khác không được biết, nhưng nay đã mạc khải cho các thánh Tông đồ của Người, và cho các vị Tiên tri, nhờ Thánh Thần. Và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được nên đồng thừa tự, đồng một thân thể và đồng thông phần với lời hứa của Người trong Chúa Giê-su Ki-tô.

Phúc Âm: Mt 2, 1-12

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mát-thêu.

Khi Chúa Giê-su sinh hạ tại Bê-lem thuộc xứ Giu-đa, trong đời vua Hê-rô-đê, có mấy nhà đạo sĩ từ Ðông phương tìm đến Giê-ru-sa-lem. Các ông nói: “Vua người Do-thái mới sinh ra hiện đang ở đâu? Chúng tôi đã nhận thấy ngôi sao của Người ở Ðông phương, và chúng tôi đến để triều bái Người”. Nghe nói thế, vua Hê-rô-đê bối rối, và tất cả Giê-ru-sa-lem cùng với nhà vua. Vua đã triệu tập tất cả các đại giáo trưởng và luật sĩ trong dân, và hỏi họ cho biết nơi mà Ðức Ki-tô sinh hạ. Họ tâu nhà vua rằng: “Tại Bê-lem thuộc xứ Giu-đa, vì đó là lời do Ðấng Tiên tri đã chép: Cả ngươi nữa, hỡi Bê-lem, đất Giu-đa, không lẽ gì ngươi bé nhỏ hơn hết trong các thành trì của Giu-đa, vì tự nơi ngươi sẽ xuất hiện một thủ lãnh, Người đó sẽ chăn nuôi Ítraen dân tộc của Ta”.

Bấy giờ Hê-rô-đê ngầm triệu tập mấy nhà đạo sĩ tới, cặn kẽ hỏi han họ về thời giờ ngôi sao đã hiện ra. Rồi vua đã phái họ đi Bê-lem và dặn rằng: “Các khanh hãy đi điều tra cẩn thận về Hài Nhi, rồi khi đã gặp thấy, hãy báo tin lại cho Trẫm, để cả Trẫm cũng đến triều bái Người”. Nghe nhà vua nói, họ lên đường. Và kìa ngôi sao họ xem thấy ở Ðông phương, lại đi trước họ, mãi cho tới nơi và đậu lại trên chỗ Hài Nhi ở. Lúc nhìn thấy ngôi sao, họ hết sức vui mừng. Và khi tiến vào nhà, họ đã gặp thấy Hài Nhi và Bà Ma-ri-a Mẹ Người, và họ đã quỳ gối xuống sụp lạy Người. Rồi, mở kho tàng ra, họ đã dâng tiến Người lễ vật: vàng, nhũ hương và một dược. Và khi nhận được lời mộng báo đừng trở lại với Hê-rô-đê, họ đã qua đường khác trở về xứ sở mình.

 

Vài ý chính Mt 2, 1-12

Sự ra đời đã được định sẵn

Như Luca, Mátthêu mở đầu Tin Mừng của mình bằng một câu chuyện thời thơ ấu, không nhằm mục đích lịch sử theo nghĩa hiện đại, mà sử dụng các yếu tố huyền thoại để trình bày cho độc giả ngay từ đầu một hiểu biết thần học về nhân vật chính của sách, là Chúa Giêsu. So với Luca, ông sử dụng Kinh Thánh nhiều hơn để cho thấy đức tin Kitô giáo thực sự hoàn thành kế hoạch Thiên Chúa. Nhưng ngay cả trước khi được Kinh Thánh xác nhận, kế hoạch đã được thấy trong hoàn cảnh sinh ra của Chúa Giêsu: việc xảy ra vào một thời điểm nhất định trong lịch sử, sau ba lần mười bốn thế hệ kể từ Abraham, điều này không thể trùng hợp ngẫu nhiên: đó là điều chương 1 gợi ý. Trong chương 2 chúng ta đang xem xét, Matthêu diễn tả cùng một ý tưởng nhưng từ góc độ không gian: sự ra đời của Đấng Mêsia tương ứng với một sự kiện vũ trụ rất đặc biệt và phi thường, sự xuất hiện của một ngôi sao. Tất cả đều được Thiên Chúa dự định.

Ngôi sao

Nhưng motif ngôi sao (cũng như gia phả trong chương 1) cũng được hiểu qua tham chiếu Kinh Thánh, cụ là một trong những lời sấm Balaam trong Dân Số 24,17: "Một ngôi sao mọc lên từ Giacóp, một vương trượng trỗi dậy từ Ítraen". Các truyền thống Do Thái cổ đọc lời sấm này theo nghĩa rõ ràng về Đấng Mêsia. Balaam là một tiên tri ngoại giáo, bị Thiên Chúa buộc phải chúc lành cho Ítraen. Và những người đầu tiên thấy được sự thực hiện lời tiên tri cũng là người ngoại giáo, trong trường hợp này là các "đạo sĩ", tức là những nhà thông thái (vừa là nhà chiêm tinh vừa là phù thủy) đến từ phương Đông (c. 1), có lẽ ở đây chỉ vùng Chaldea, nổi tiếng với kiến thức sâu rộng về các vì sao.

Sự tôn kính của các vua ngoại bang

Những lễ vật gồm ba món, đã dẫn đến truyền thống tính là ba đạo sĩ. Vàng và nhũ hương gợi nhớ đến Isaia 60,6 cũng như Thánh vịnh 71,10-11.15 mà chắc chắn Matthêu đã nghĩ đến: những đoạn văn nói về sự thờ phượng của các vua ngoại bang, nên các đạo sĩ cũng trở thành các vua. Do đó nổi bật một tương phản mạnh mẽ giữa họ và vua xứ Giuđêa, Hêrôđê, người báo trước số phận Chúa Giêsu, bị các nhà chức trách Do Thái từ chối, và sự thành công của đức tin Phục sinh nơi dân ngoại. Theo tác giả Tin Mừng, chính thông qua sự thành công này mà đức tin Ítraen được hoàn thành, theo ý nghĩa phổ quát một số lời tiên tri. Thông điệp đương nhiên được gửi đến các Kitô hữu trong cộng đoàn (những người xuất thân từ Do Thái giáo và ngoại giáo), nhưng cũng gửi đến những cựu Biệt phái, những người vào thời đó (sau sự sụp đổ của Giêrusalem năm 70, trong những thập kỷ cuối thế kỷ thứ nhất), phải cứu vãn nền văn hóa dân tộc khỏi sự biến mất bằng cách tái lập Do Thái giáo. Nhưng đối với họ, chủ nghĩa phổ quát của những người Do Thái Kitô hữu nhất định là một mối đe dọa. Mátthêu lấy làm buồn về hướng đi mà Do Thái giáo đang theo đuổi, nhưng sự đảo ngược này (Đấng Mêsia bị Ítraen từ chối và được dân ngoại đón nhận) là điều không thể tránh khỏi.

Stéphane Beauboeuf

Câu hỏi để tiếp tục suy tư:

Làm thế nào những bài đọc này giúp chúng ta hiểu rõ hơn về tính phổ quát của Kitô giáo?

Bài giảng: Vượt qua ranh giới

Trong các bài đọc hôm nay, tất cả cư dân thế giới đều hướng về Chúa. "Tất cả họ tụ họp và đến với ngươi" bài đọc một nói với chúng ta. "Mọi vua phủ phục trước Người, mọi dân tộc phụng sự Người" thánh vịnh đáp lại. Thánh Phaolô, người đã đi khắp thế giới được biết để loan báo Tin Mừng cũng không kém phần: "Mọi dân tộc được cùng thừa hưởng... cùng một lời hứa trong Đức Kitô Giêsu". Trong Tin Mừng, việc các đạo sĩ thờ lạy gợi nhớ đến các vua ngoại bang thờ lạy, đại diện cho mọi dân tộc tiến về phía Chúa.

Liệu chúng ta có thể cáo buộc các tác giả những văn bản này có tham vọng quá lớn không? Trong khi ngày nay, ít nhất ở các nước chúng ta, việc thực hành tôn giáo đang suy giảm rõ rệt và nhiều người dường như đang quay lưng lại với tôn giáo, có phải hơi tự phụ khi tin rằng tất cả đều hướng về Chúa Kitô, rằng họ "sấp mình dưới chân Người và thờ lạy Người" không?

Kể từ buổi sáng Phục sinh, các nhân chứng sự phục sinh đã mang trong mình một niềm tin: điều đã được mặc khải cho họ quá lớn lao, quá tuyệt vời để họ giữ riêng cho mình. Họ nắm giữ một kho báu cần được chia sẻ, một tin mừng cần được loan báo, không chỉ cho người láng giềng hay những người giống họ, mà cho tất cả mọi người, không trừ ai. Và những người dường như xa cách nhất với lời hứa này phải là những người đầu tiên được nhận thông điệp. Những ai có thể nghĩ rằng họ bị tước mất kho báu phải khám phá ra họ có thể là những người đầu tiên được hưởng.

Chính vì thế các môn đệ đầu tiên cảm thấy được thúc đẩy loan báo Tin Mừng không chỉ cho người Do Thái, còn cho cả dân ngoại, một điều gây phẫn nộ cho các nhà lãnh đạo tôn giáo thời đó. Hôm nay cũng như ngày xưa, các Kitô hữu được mời gọi vượt qua các rào cản, thoát khỏi mọi sự giam hãm để đi gặp gỡ người khác, người bị loại trừ, người nghèo, người khác biệt, người bị khinh miệt, người bị kết án... Lễ hôm nay nhắc nhở rằng văn hóa gặp gỡ là một phần trong gen của Kitô giáo. Nếu tất cả mọi người đều hướng về Chúa Kitô, đó là để chỉ ra tất cả mọi người đều được Chúa Kitô mời gọi và đón nhận. Ơn cứu độ của Người không dành riêng cho người được khai tâm hay người có công, trước hết là cho người bị lãng quên và người thống hối.

Trong xã hội ngày càng toàn cầu hóa, Tin Mừng mời gọi chúng ta cảm thấy ngày càng có trách nhiệm với toàn thế giới. Nếu Chúa Kitô đến vì mọi người, chẳng phải chúng ta cũng phải vun đắp mối quan tâm đến tất cả mọi người sao? Nếu thánh Phaolô khẳng định "không còn là Do Thái hay Hy Lạp, không còn là nô lệ hay tự do, không còn là đàn ông hay đàn bà; vì tất cả anh em chỉ là một trong Đức Kitô Giêsu" (Gl 3,28), điều đó có nghĩa mọi nỗi sợ hãi về khác biệt ngày nay phải có thể được vượt qua.

Đấng quy tụ mọi người không sử dụng sự quyến rũ lừa dối của những bài diễn văn hay ho cũng không dùng sức mạnh của vũ khí. Các đạo sĩ phủ phục trước một hài nhi nằm trong máng cỏ. Không kiêu căng không tự phụ, chỉ đơn giản sức mạnh tình yêu trong tất cả sự đơn sơ của nó.

Patrice Eubelen

Bài viết khác

Cách dùng nồi cơm điện

Cách dùng nồi cơm điện

16/01/2025

Thay vì mua sắm nhiều đồ, tôi nhận ra tận dụng triệt để 1 thiết bị gia dụng vẫn rất hữu ích mà lại tiết kiệm. Mặc dù nồi cơm điện thông minh đã tích hợp nhiều chức năng như nấu cơm, cháo, hầm canh... nhưng hầu như chúng ta chỉ dùng để nấu cơm..

Art