Thứ Hai, 25 Tháng Mười Hai, 2023

Liên quan về Đức Giêsu giáng sinh

ISAIA VÀ VIỆC SINH NỞ ĐỒNG TRINH

Hỏi: Con nghe nói rằng trong Cựu ước chúng ta không tìm thấy chứng từ ủng hộ đức tin của chúng ta về việc Đức Giêsu được thụ thai và sinh ra bởi một người nữ đồng trinh. Tuy nhiên, thời trước chúng ta được dạy rằng Isaia chương 7 chỉ về Đức Kitô và Mẹ Maria khi nói:” Người trinh nữ sẽ thụ thai và sinh một con trai”. Chúng ta có thể hay không sử dụng câu này để hỗ trợ, chứng minh việc sinh nở đồng trinh?

Đáp: Đúng là Giáo hội thường dùng đoạn văn này của tiên tri Isaia, để móc nối lại việc Đức Giêsu được thụ thai và sinh nở bởi một người nữ đồng trinh. Cũng như toàn bộ cuốn sách Isaia rất tuyệt diệu này, đoạn 7,14 cho chúng ta những cái nhìn sâu sắc, phong phú về việc Đấng Cứu Thế đến.

Tuy nhiên, có một số điều ngăn cản việc dùng những lời ấy như là ‘ bằng chứng’ cho sự kiện Đức Giêsu được thụ thai và sinh nở bởi một trinh nữ.

Trước hết, cuốn Isaia nguyên tiếng Do Thái, được viết khoảng 600 năm trước Đức Kitô, không nói một trinh nữ, nhưng một thiếu nữ- ‘almah’-. Khi được dịch ra tiếng Hy Lạp vài trăm năm sau đó, người ta đã chọn chữ ‘parthenos’, chư này thường có nghĩa là trinh nữ. Khi viết về thời thơ ấu của Chúa Giêsu, Matthêu đã trích dẫn câu này từ bản dịch Hy lạp đó (Mt 1,23).

Bởi vì tiên tri Isaia đã không thực sự dùng chữ ‘trinh nữ’, do đó, phần nhiều các bản dịch mới từ nguyên bản đã dùng chữ thiếu nữ hoặc phụ nữ trẻ trong đoạn này. Bộ New American Bible dùng chữ ‘trinh nữ’, những có một cước chú giải thích mập mờ trong ý nghĩa đích thực của câu ấy.

Hơn nữa, vẫn còn có vấn đề: khi dùng các chữ này, Isaia thực sự có ý dùng chúng như một lời tiên tri chỉ về Đấng Mêsia sẽ đến hay không? Có thể ông dùng những từ ấy để chỉ những nhân vật đặc biệt có liên hệ với ông trên bình diện chính trị, ở vào thời đó. Dù sao đi nữa, rõ ràng là bản văn này đã không được hiểu trong tương quan với Đấng Mêsia hoặc với việc thụ thai mà vẫn đồng trinh, cho tới lúc Thánh Mathêu dùng.

VỀ VIỆC THỤ THAI CỦA ĐỨC MARIA

Hỏi: Con vẫn còn bối rối về đoạn Kinh thánh nói về việc Đức Giêsu sinh ra. Nó liên quan đến vấn đề được đặt ra với Giuse khi ông khám phá bà Maria đã mang thai. Rõ ràng là đối với mọi người việc Đức Maria mang thai thì bình thường ngay cả trước khi cưới. Hình như, không có vấn đề già đối với Giuse ngay cả sau khi ông khám phá ra có sự can thiệp của Chúa.

Các bà mẹ “ chưa cưới” là chuyện phổ biến trong thời đó không?

Đáp: Thật ra không khó giải thích lắm đâu. Chắc bạn đã có lần nghe nói trong thời cổ (trong thực tế, ở một vài nơi tập tục này còn kéo dài cho tới ngày nay), sự ưng thuận trong hôn nhân không phải chỉ do cô dâu chú rể quyết định, nhưng còn có sự can thiệp của cả hai gia đình. Việc hứa hôn này thường được cử hành trong một nghi lễ chính thức, mặc dù không nhất thiết phải tỉ mỉ phức tạp. Một thời gian về sau khi hứa hôn, lễ cưới mới được thực sự cử hành, khi chú rể chính thức đưa cô dâu về nhà.

Vào thời Giuse và Maria, tục lệ Do Thái hình như cũng theo một thủ tục tương tự. Trước tiên là lễ hứa hôn, gồm sự ưng thuận của tất cả mọi người liên hệ và cha mẹ của cô dâu trao của hồi môn cho chú rể. Sau đó là lễ cưới với tiệc tùng, hình ảnh mà Đức Giêsu thường dùng trong giảng dạy của Ngài và Ngài còn so sánh nước trời như một tiệc cưới.

Cô dâu chú rể có thể sống với nhau như vợ chồng ngay sau lễ đính hôn, hoặc đợi đến sau lễ cưới. Thánh Luca và Mathêu có vẻ như nói rằng Đức Maria đã thụ thai trong thời kỳ giữa hai biến cố này. Điều đó không phải là bất bình thường.

ĐỨC MARIA LÀ MỘT CÔ GÁI ĐỒNG TRINH?

Hỏi: Con luôn luôn nghĩ: Giáo hội công giáo dạy rằng Đức Maria vẫn còn đồng trinh sau khi sinh hạ Đức Giêsu. Bây giờ con nghe nói một số nhà thần học nổi tiếng chối bỏ điều này. Có thật thế không?

Đáp: Không. Điều đó không đúng. Không một nhà thần học công giáo có hạng nào mà tôi biết lại chối bỏ việc Đức Giêsu sinh bởi Mẹ Đồng Trinh, mặc dù nhiều khía cạnh của giáo hấn này vẫn còn là những vấn đề sâu xa trong giới chuyên viên Công giáo cũng như Tin lành.

Chẳng hạn, một trong những vấn đề đó là: các tuyên bố chính thức của Giáo Hội về việc sinh nở đồng trinh (ví dụ trong các tuyên xưng đức tin và trong một số văn kện của các công đồng chung) thực sự có ý nghĩa gì. Các tuyên bố như thế thường nhằm chống lại những luận thuyết sai lạc thời đó. Như vậy, biết và hiểu được điều mà Giáo hội muốn bác bỏ là điều cần thiết để nắm hiểu được ý nghĩa chính xác của những xác quyết tín lý.

Cũng như với Kinh thánh, thật sai lạc và nguy hiểm khi tiếp cận tìm hiểu, các tài liệu của Giáo hội nhằm để trả lời các câu hỏi không được đặt ra vào các thời điểm đó, hoạc các tài liệu ấy không nhằm nói về các câu hỏi ấy.

Thật thú vị trong khi nhiều đoạn Kinh thánh ủng hộ giáo huấn về việc sinh nở đồng trinh của Đức Maria thì nhiều đoạn khác lại tạo ra vấn đề. Phần đông trong Giáo hội tiên khởi có vẻ như không hay biết một giáo thuyết nào về việc sinh nở đồng trinh trong nhiều thập niên sau cuộc tử nạn của Đức Kitô. Ngoài câu chuyện của Thánh Luca về việc thụ thai và sinh hạ Đức Giêsu, trên thực tế toàn bộ Tân ước không nói gì về một truyền thống về việc sinh nở- đồng trinh.

Như bạn thấy, vấn đề khá rắc rối và đáng được tìm hiểu một cách công khai. Nhưng, một lần nữa, tôi xin nói là không một nhà thần học có hạng nào ‘phủ nhận’ việc sinh nở đồng trinh của Đức Giêsu. Các nhà thần học thường nhấn mạnh- như chúng ta hằng mong muốn điều này nơi họ- họ không hề sợ rằng một cuộc bàn cãi nghiêm túc về sự kiện Đức Giêsu thành thai từ một trinh nữ sẽ đưa tới một sự chọn lựa đau lòng giữa học thuyết tân thời và giáo huấn của Giáo Hội.

AI LÀ CHA MẸ CỦA GIUSE?

Hỏi: Chúng ta biết cha mẹ của Trinh nữ Maria là ông Yoakim và bà Anna. Chúng ta có biết tên cha mẹ của thánh Giuse không?

Đáp: Ngoài Kinh thánh, truyền thống Kitô giáo không cho chúng ta một chỉ dẫn nào về cha mẹ của thánh Giuse.

Trên thực tế, Kinh thánh cũng không giúp được gì. Trong các sách Phúc âm, người ta gán cho thánh Giuse hai người cha. Ở Matthêu (1,16) cha của Giuse có tên là Giacóp. Ở Luca(3,23) Giuse

Tuy nhiên, cả hai gia phả đều không có ý định cung cấp cách đầy đủ danh sách một dòng tộc. Matthêu thì rõ ràng muốn nhấn mạnh Chúa Giêsu thuộc dòng dõi Đavít và Abraham, trong khi Luca quan tâm khía cạnh Đức Giêsu thuộc dòng dõi con người từ Adam. Do đó, chúng ta không thể nói ai trong hai “người cha” đó liên hệ gần nhất với Giuse. Một trong hai có thể là cha thật của Giuse. Đúng hơn, cả hai đều là tổ tiên hơi xa. Về thân mẫu của Giuse, ngay cả Kinh thánh cũng không cung cấp một dấu vết nào.

ĐỨC GIÊSU CÓ THỰC SỰ HIỆN HỮU KHÔNG?

Hỏi: Con là một sinh viên đang học thơ của T.S.Eliot. Một trong những tác phẩm của ông được hiểu như tương đương với câu chuyện về cái chết và sống lại của Đức Kitô. Một nhà phê bình chỉ ra rằng, trong thế kỷ 19, khoa nhân loại học đã bắt đầu chứng minh: nhiều quan niệm được coi như của Kitô giáo thực ra là những tư tưởng cổ điển có gốc xa xôi, từ thời tiền sử. Câu hỏi của con là: Đức Giêsu Kitô có thức sự hiện hữu như một nhân vật lịch sử không? Con biết có nhiều câu chuyện trong Cựu ước có thể chỉ là những huyền thoại, những câu hỏi về Đức Kitô như một nhân vật có thật, có tính lịch sử, đối lại một Đức Kitô như một huyền thoại, một biểu tượng là một câu hỏi quan trọng hơn nhiều. Con hy vọng cha có thể cho con vài tia sáng về vấn đề này?

Đáp: Trước hết, ngày nay không một sử gia nổi tiếng nào có thể lý luận rằng Đức Giêsu Nazaret lịch sử là không có thật. Tính hiển nhiên của sự việc quá lớn, mang tính áp đặt từ hơn một thế kỷ về trước, khi mà nhiều kho tàng lịch sử và nhân học có giá trị còn chưa được biết đến.

Sự hiểu biết của chúng ta về các nền văn hóa mà văn chương cổ đại đã tăng lên rất nhiều trong vòng 200 năm qua. Ngày nay, chúng ra biết nhiều trình thuật trong các nền văn hóa đa thần cổ tương đường với các câu chuyện của Kinh thánh, và một phần nào đó song song với câu chuyện của Chúa chúng ra và của đức tin Kitô giáo. Điều đó sẽ không làm chúng ta ngạc nhiên và sợ hãi nếu chúng ta ý thức một vài dữ kiện quan trọng.

Trước tiên, Đức Giêsu, những giáo huấn và Giáo hội của Ngài, trong nhiều điểm quan trọng ( như chính Ngài đã nhấn mạnh) bắt nguồn từ tôn giáo và văn hóa của người Do thái xưa, mà chính những người này lại cũng song hành với các dân tộc chung quanh trong lãnh vực văn hóa, tôn giáo.

Trong các lời giảng dạy cũng như trong chính cuộc sống của các Ngài, Đức Giêsu đối diện và sống với những nhu cầu, các hy vọng, tình yêu, những thất bại và những khả năng sâu xa của con người. Gạt bỏ thái độ hoảng hốt, chúng ta sẽ thấy rằng nhiều điều Ngài giảng dạy phản ánh sự khôn ngoan của người xưa khi phải đối diện với cùng những thực tại như thế, và phản ứng theo cách thức tôn giáo.

Thực ra, không có vấn đề gì khi nói rằng Đức Giêsu, con người và cuộc sống của Ngài là một ‘huyền thoại’ theo ý nghĩa chính xác của từ ấy, một cái gì đi vào tận trung tâm của kinh nghiệm nhân loại và phản ánh điều gì phổ quát trong mối tương quan giữa tạo dựng và Đấng Tạo hóa.

Vấn đề phát sinh khi chúng ta nói Đức Giêsu ‘không là gì khác’ hơn là một huyền thoại. Ngài là thế nhưng Ngài còn hơn thế nhiều. Đây không phải là vấn đề ‘hoặc là hoặc là’, nhưng đúng hơn là ‘cả hai và hơn nữa’.

Ngài phản ánh những ước ao và những thiên hướng tôn giáo của nhiều nền văn hóa của nhân loại. Tuy nhiên, trong Ngài, Thiên Chúa Đấng sáng tạo đã trực tiếp đi vào lịch sử loài người qua việc Ngôi Hai Nhập thế. Bởi vì Đức Giêsu Kitô vừa là Thiên Chúa vừa là một thành viên toàn hảo của gia đình nhân loại, giống chúng ta trong mọi sự, ngoại trừ tội lỗi như thư Do thái, mà Ngài có khả năng là Chúa chúng ta và là Đấng Cứu Chuộc trong một cách thức mà những người sống trước Ngài chỉ có thể mơ ước và hy vọng được thấy.

TÊN CỦA ĐỨC GIÊSU

Hỏi: Câu hỏi của con có liên quan đến Đức Giêsu. Đấy là tên đầu tiên hay tên cuối cùng của Ngài. Chúng ta thường gọi Ngài là Giêsu Kitô, nhưng trong vài sách thiêng liêng con đọc, người ta lại gọi Ngài là Kitô-Giêsu hoặc dùng một vài công thức khác để gọi tên Giêsu. Tại sao lại dùng những tên khác nhau như thế?

Đáp: Trước tiên hãy xem cả hai tên gọi này. Tên Giêsu là một dạng của nhiều tên gọi khác tương tự nhau trong tiếng Do Thái (Joshua, Yeshua v.v…), tất cả đều có nghĩa: “Yavê”.

Luca nói với chúng ta đây là tên đặt cho Đấng Cứu Thế khi sứ thần truyền tin cho Đức Maria. Đây cũng là tên được truyền cho ông Giuse: “Ông sẽ đặt tên con trẻ là Giêsu, bởi vì Ngài sẽ cứu dân khỏi tội lỗi” (Mt 1,21).

Tên Kitô không phải là tên họ theo nghĩa chúng ta hiểu bây giờ. Chữ Kitô (trong tiếng Latinh, Hy lạp, Anh, Pháp) tương đương với chữ ‘Messia’ trong tiếng Do thái, có nghĩa là Đấng được xức dầu, là Người được chọn hoặc được Chúa xức dầu phong làm vua và Chúa để cứu Dân Người.

Chữ ‘Christening’ trong tiếng Anh có khi được dùng thay cho phép Thanh tẩy vì xức dầu là một phần của bí tích này.

Chúng ta gặp nhiều lối dùng kết hợp các tên này ở trong Tân ước. Dĩ nhiên có tên Giêsu, mặc dù người ta rất ít khi dùng tên này cách riêng lẻ để chỉ về Chúa Giêsu Kitô được dùng nhiều lần mặc dù trong tiếng Anh, chữ Kitô được dịch khá đúng như một tính từ. Một đôi lần, vị trí các chữ này cũng bị đảo ngược, chẳng hạn như “ không có việc kết án đối với những ai trong Đức Kitô Giêsu” (Rm 8,1).

Tuy nhiên, trong Tân ước, tên thường đưuọc dùng nhất để chỉ Chúa chúng ta là tên Kitô, xuất hiện hàng mấy chục lần. VIệc dùng tước hiệu này như một tên riêng để chỉ Đức Giêsu đã rất sớm trở nên phổ biến sau biến cố Phục sinh.

Tất cả các lối gọi trên đều đúng hoàn toàn, mặc dầu cách gọi tên “Giêsu Kitô” là cách thường dùng nhất trong các bản văn hoặc trong phụng vụ.

ĐỨC GIÊSU CÓ SINH ĐÚNG VÀO NGÀY “NOEL, SINH NHẬT” KHÔNG?

Hỏi: Một tối nọ, tổ học tập của chúng con biết được rằng không ai biết đích xác Đức Giêsu sinh ra ngày nào. Làm sao chúng ta lại lấy ngày 25/12 làm ngày Sinh nhật của Ngài? Chúng ta có biết Ngài sinh năm nào không?

Đáp: Có vẻ hơi kỳ quặc là chúng ta không biết ngày tháng Đức Kitô được sinh ra. Các Phúc âm cũng hoàn toàn không giúp được gì. Từ những thông tin đặc biệt trong Phúc âm theo thánh Luca, các học giả chung chung đã tin rằng Đức Kitô được sinh ra trong khoảng năm 8 và  trước Công nguyên. Mặc dù lịch của chúng ta hiện thời đặt nền tảng trên năm sinh của Đức Kitô là năm thứ nhất, khoa học lịch sử chưa đi đến chỗ xác minh thật chính xác được năm sinh của Ngài, do đó có một sai biệt từ 6-8 năm.

Nhiều giả thuyết được đưa ra để giải thức ngày 25/12 là ngày Sinh Nhật. Tuy nhiên, có một giả thuyết có vẻ đúng và được phần đông các học giả chấp nhận. Thuyết này cho rằng ngày sinh của Đức Kitô được quy vào ngày Đông chí. Ngày đó là ngày 21/12 theo lịch của Âu Mỹ, nhưng lại là ngày 25/12 theo lịch Julia, có trước lịch Âu Mỹ, và là ngày 6/1 theo lịch Ai cập. Một số Giáo hội Kitô giáo theo nghi lễ Đông phương chọn ngày 6/1 này.

Đông chí là ngày khi bắt đầu dài ra trong phần Bắc bán cầu, được các người ngoại giáo xem là “ngày sinh của Mặt Trời vô địch”. Vào thế kỷ thứ 3, Hoàng đế Aurelus công bố chọn ngày 25/12 là ngày đặc biệt kính Thần Mặt Trời, vị thần được thờ mãnh liệt ở Rôma vào thời bấy giờ. Trước thời điểm đó, các văn sĩ Kitô giáo đã bắt đầu xem Đức Giêsu như là Mặt trời công chính. Do đó, xem ra hoàn toàn hợp lý khi Kitô giáo bắt đầu bá chủ lãnh vực tôn giáo trong đế quốc Rôma thì “ngày sinh của Mặt Trời” được chọn như ngày sinh của Đức Kitô.

CÓ CÁC ĐẠO SĨ KHÔNG?

Hỏi: Vào dịp Giáng sinh, trong chương trình truyền hình, một Linh mục đã nói rằng có thể đã không có các đạo sĩ đến viếng máng cỏ của Đức Kitô. Nhưng câu chuyện này lại có trong Phúc âm. Giáo hội nói gì về niềm tin của chúng ta vào Ba Vua? Câu chuyện này có thể đã không xảy ra không?

Đáp: Trước hết, ở đây chúng ta không nói về bất cứ điều gì được xem là một phần của đức tin bắt buộc đối với người Công giáo hoặc Kitô giáo. Một cách đặc biệt cần lưu ý: Không có vấn đề niềm tin vào Ba Vua. Phúc âm theo thánh Matthêu, cuốn duy nhất kể câu chuyện này, không gọi ho là “vua”, cũng như không xác định con số bao nhiêu người. Các tín hữu Công giáo phương Đông chẳng hạn, theo truyền thống, nói đến 12 vua chứ không phải chỉ có 3.

Câu trả lời cho thắc mắc bạn nêu ra đụng đến nhiều kỹ thuật trong việc chú giải Kinh Thánh liên quan đến hình thái văn chương, bút pháp thường được dùng trong Phúc âm.

            Nghiên cứu kỹ càng Phúc âm và các tài liệu khác cùng thời được viết, chúng ta cảm thấy khá chắc rằng Phúc âm Matthêu chứa đựng nhiều thí dụ được gọi là “haggadie midrash” nghĩa là những câu chuyện được dùng để minh họa và sáng tỏ ý nghĩa của một biến cố hoặc giáo huấn đặc biệt.

            Các câu chuyện như thế có mục đích truyền đạt chân lý của mầu nhiệm được nói đến, một cách rõ ràng bao nhiêu có thể được. Các tác gia không có ý cho chúng ta hiểu câu chuyện ấy theo mặt chữ. Lối dùng những câu chuyện trên như những câu chuyện giảng dạy có hiệu quả, thì khá phổ biến ở nơi người Do Thái.

            Người ta có thể tin rằng câu chuyện về các đạo sĩ xảy ra đúng như được mô tả trong Phúc âm, hoặc một phần câu chuyện được sáng tác dựa trên những cuộc du hành thực sự của các đạo sĩ đến Jerusalem trong thời điểm Đức Giêsu được sinh ra, hoặc câu chuyện ấy chỉ là một huyền thoại nhằm mục đích lôi kéo sự chú ý vào việc thực hiện trọn vẹn các lời tiên tri được Matthêu trích dẫn.

            Bất cứ cách hiểu nào như trên cũng thích hợp với quan điểm Công giáo về ý nghĩa và linh hứng của Kinh Thánh.

ĐỨC GIÊSU CÓ BIẾT MÌNH LÀ THIÊN CHÚA KHÔNG?

Hỏi: Mới đây, trong một bài giảng, con nghe một vị linh mục nói: Theo các học giả Kinh Thánh, Đức Giêsu ý thức ngài là Thiên Chúa trong suốt những năm tháng đời sống Ngài. Con đã nghe ý tưởng ấy hằng chục năm trước trong một lớp thần học ở trường Trung học Công giáo. Phản ứng của con là: “Nếu Đức Giêsu không biết chắc chắn Ngài là Thiên Chúa tại sao chúng ta lại theo các giáo huấn của Ngài?” Giáo huấn của Giáo hội nói gì về vấn đề này? Tại sao chúng ta lại nhấn mạnh trên nhân tính của Đức Giêsu?

Đáp: Câu nói cả bạn đụng chạm đến một trong hai mầu nhiệm nền tảng của đức tin chúng ta (mầu nhiệm kia là mầu nhiệm Chúa Ba ngôi). Chúng ta tin rằng Đức Giêsu là Chúa thật và là người thật. Làm sao một ngôi vị lại có thể mang trong mình cùng một lúc tất cả các phẩm tính của một Thiên Chúa vô hạn và tất cả các phẩm tính (ngoại trừ tội lỗi) của bản tính con người rất hữu hạn? Đó là mầu nhiệm. Đó là câu hỏi mà các Kitô hữu đã phải vật lộn ngay từ đầu và chúng ta hiện nay vẫn phải cố gắng tìm hiểu sâu xa hơn, tuy nhiên vẫn ý thức rằng một sự giải thích trọn vẹn đầy đủ luôn vượt qua trí khôn của chúng ta. Chắc chắn tôi không dám nói mình biết rõ câu trả lời.

            Khi nói bất cứ điều gì, chúng ta cũng phải tôn trong cả hai bản tính này hoặc nếu không, chúng ta sẽ đánh mất điều chính yếu chúng ta muốn nói khi tuyên xưng Đức Giêsu là Cứu Chúa. Chúng ta không thể chối bỏ bất cứ khía cạnh nào của Thiên Chúa hiện diện nơi Đức Giêsu. Mặt khác, đức tin của chúng ta và cả chính Tân ước xác quyết rằng Đức Giêsu đã không đùa giỡn đóng vai con người chỗ này chỗ khác. Ngài có một bản tính nhân loại hoàn toàn, bao gồm một trí khôn nhân loại thực sự và ý chí của một con người thực sự với tất cả hệ lụy của chúng.

            Một vài người và một số nhà thần học, đặc biệt trong những thế kỷ đầu, đã bàn đến trí khôn của Đức Giêsu theo một cách làm người ta đi đến chỗ nghĩ rằng trí khôn này không còn là một trí khôn của một con người. Có vẻ như họ muốn nói rằng Đức Giêsu có một thứ như là cánh cửa sắp nối kết trí khôn của Ngài với trí khôn của Thiên Chúa, đặc biệt trong những biến cố và giây phút quan trọng, hậu quả là trí khôn của Ngài không còn phải là của con người nhưng là trí khôn của Thiên Chúa.

            Chúng ta có thể theo lập trường này dến mức nào mà không dẫn tới chỗ cho rằng Đức Giêsu không thực sự có, nhưng chỉ có vẻ có một trí khôn nhân loại, một nhân tính? Ngay cả Tân ước cũng rõ ràng trong sự phân biệt này: Luca nói với chúng ta Đức Giêsu sống trong gia đình ở Nazareth, Ngài ‘lớn lên’, vững mạnh trong sự khôn ngoan, tuổi tác và ân sủng trước mặt Thiên Chúa và con người (Lc 2,52. Thư gửi tín hữu Do Thái viết: “Ngài đã phải đau khổ dãi dầu mà học cho biết vâng phục” (5,8) và có nhiều xác quyết khác nữa về nhân tính của Đức Giêsu.

            Qua lá thư, bạn cũng đã nhận định chính xác: làm sao chúng ta có thể nói những điều ấy về Thiên Chúa Chúng ta không biết. Nhưng rõ là Lucas và tác giả Do Thái đã cảm thấy thoải mái khi viết những điều đó về Đức Giêsu. Chúng ta phải vô cùng thận trọng để lời nói của chúng ta không bao hàm việc phủ nhận thiên tính của Đức Giêsu.Tuy nhiên, ngược lại, chúng ta cũng phải thận trọng như thế để tránh nói bất cứ điều gì đưa tới hàm ý phủ nhận nhân tính đích thực của Ngài. Đây không phải là vấn đề ‘nhấn mạnh’ khía cạnh này khía cạnh kia, nhưng là chấp nhận Ngài là con người thật và cũng là Thiên Chúa thật

            Như tôi đã trình bày, sự kết hợp hai bản tính nơi Chúa chúng ta là một mầu nhiệm. Chúng ta có thể cố gắng đào sâu một mầu nhiệm. Chúng ta đừng bao giờ liều lĩnh giải quyết vấn đề bằng cách đẩy vấn đề đi quá xa. Chúng ta có thể đi đên chỗ đó nế chúng ta phủ nhận ở nơi Đức Giêsu cái gì đó cần thiết cho một bản tính nhân loại thực sự.

            Còn đối với phản ứng của các học sinh mà bạn kể trong câu hỏi thì mầu nhiệm nhập thể luôn là một hòn đá vấp ngã cho những ai muốn làm môn đệ của Đức Giêsu. Và tôi không hàm ý chấp thuận tất cả mọi điều mà một vị linh mục nào đó nói về Đức Giêsu khi tôi nói như trên. Mỗi người chúng ta sẽ phải đụng một thách thức đức tin lớn lao khi chúng ta đối diện với tất cả những hệ lụy của mầu nhiệm này. Đối với một số người chúng ta ngày nay, cũng như đối với dân chúng của thành phố quê hương Ngài ngày xưa khi Ngài về thăm quê quán. Ngàn vẫn là “Đấng vượt quá sức hiểu biết của họ”.

Bài viết khác

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

22/01/2024

Một số chất làm ngọt tự nhiên và ít gây hại cho cơ thể như đường cỏ ngọt, đường la hán, mật ong và đường nâu. Trong một bài báo tổng quan bao gồm 46 nghiên cứu về đường không ly tâm, tác dụng được báo cáo nhiều nhất là [tăng khả năng] miễn dịch (26%)...

Cá mắm xứ Huế

Cá mắm xứ Huế

09/02/2024

Viết về Cá và Mắm xứ Huế, tôi dựa vào ít ỏi vài tài liệu trong tay tuy không đầy đủ nhưng tôi hy vọng nêu lên phần nào một trong những nét đặc trưng ẩm thực của người dân Huế.

Art