Thứ Năm, 23 Tháng Năm, 2024

Tại sao người ta (vẫn) đọc Cựu Ước?

Tại sao người ta (vẫn) đọc Cựu Ước? - 1

piosi / Shutterstock

Moïse et les Tables de la Loi.

Valdemar de Vaux - publié le 13/05/23

Tại sao người ta (vẫn) đọc Cựu Ước?

*Phụng vụ dành một phần lớn cho các văn bản của Cựu Ước, mặc dù bị giảm bớt trong mùa Phục sinh bởi vì sự chết và sự sống lại của Đức Kitô mở ra Giao Ước Mới. Đọc các văn bản của Ít-ra-en sau sự ra đời của Chúa Giê-su không phải là điều hiển nhiên, tuy nhiên lại rất quan trọng.

Tà thuyết đầu tiên của đức tin Kitô giáo là gì? Nhiều người trong chúng ta sẽ gặp khó khăn trong việc trả lời câu hỏi này, và tuy nhiên, tà thuyết này tương ứng với một sự cám dỗ phổ biến: đó là chọn lựa trong Thiên Chúa và đức tin điều gì thích hợp với chúng ta. Tà thuyết Marcionism, được đặt theo tên của người khởi xướng Marcion, phát triển vào khoảng năm 140 sau Chúa Giêsu. Về cơ bản, nó rất đơn giản: Thiên Chúa thì bạo lực trong các tác phẩm Do Thái, nhưng lại đầy lòng thương xót nơi Chúa Giêsu, và vì vậy người ta chỉ nên giữ lại các tác phẩm miêu tả khía cạnh đáng mến này của Thiên Chúa. Marcion chỉ giữ lại Phúc Âm Luca và mười lá thư của Thánh Phao-lô.

Bị lên án vào năm 144, nhà lạc giáo này qua đời vào năm 160. Mặc dù việc hình thành bộ kinh thánh mất nhiều thời gian và ý thức về di sản Cựu Ước còn chậm được nêu rõ, nhưng các môn đệ của Chúa Giêsu đã hiểu một cách trực giác sự cần thiết phải ghi nhớ lịch sử của dân tộc Thiên Chúa được ghi chép trong luật pháp, thi ca và các lời tiên tri. Trong một bài viết được đăng trong cuốn sách cuối cùng [Ce qu'est le christianisme], Đức Giáo Hoàng Bênêdictô XVI khẳng định: "Các tác phẩm này [của Tân Ước] không tự chúng mà đều tham chiếu đến "Cựu Ước", tức là Kinh Thánh của Ít-ra-en" (trang 76).

**Giao Ước của Thiên Chúa không bao giờ bị hủy bỏ**

Vậy việc đọc Cựu Ước có ý nghĩa gì đối với một người Kitô hữu, ngày hôm qua và càng hơn thế nữa ngày nay? Trước hết là đo lường lòng trung tín tình yêu Thiên Chúa dành cho dân tộc được tuyển chọn và cho mỗi người trong lịch sử riêng của họ, thường cũng đầy biến động và thiếu nhất quán giống như lịch sử của người Do Thái. Bởi vì chúng ta thờ phượng cùng một Thiên Chúa, và Áp-ra-ham cũng là "cha đức tin" của chúng ta vì Ngài là cha đức tin của Đấng Kitô, Con của Ít-ra-en và Ma-ri-a, con gái của Xi-on. Chẳng phải chính Chúa Giêsu đã tự nói với người đàn bà Samari rằng: "sự cứu rỗi bởi người Giu-đa mà ra" (Ga 4:22) hay sao?

Như vậy, Giáo Hội tôn vinh Cựu Ước và tuyên bố rằng Giao Ước Thiên Chúa không bao giờ bị hủy bỏ (xem Rm 11:29), mà được kiện toàn nơi Chúa Giêsu. Điều Đức Giáo Hoàng Bênêdictô XVI nói rằng Chúa Giêsu là chìa khóa để đọc hiểu các văn bản Cựu Ước bởi vì Ngài ban cho các văn bản này ý nghĩa và đồng thời thực hiện chúng qua thân xác chịu chết và phục sinh của Ngài, mở ra Đất Hứa trên trời và sự sống đời đời. Đó là thiên đàng mở ra cho tất cả mọi người ngay từ lúc tạo thành thế giới: sách Sáng Thế, mở đầu Thánh Kinh, thực sự là khởi đầu của lịch sử loài người được Thiên Chúa yêu thương và muốn có.

Nếu ngày nay đạo Do Thái nhấn mạnh vào Torah (hay Luật), thì người Kitô hữu gắn bó với các lời tiên tri chuẩn bị cho sự hiện xuất của Đấng Cứu Thế và giúp đón nhận Ngài, từ Giôsuê chiếm lĩnh Canaan bằng cách vượt qua sông Giô-đan cho đến Đấng Tôi Tớ chịu đau khổ của Isaia nhờ đó đem lại sự cứu rỗi và cho tới Giona ba ngày trong bụng cá voi. Và còn nhiều lời tiên tri khác nữa, được đọc trong phụng vụ như là sự chuẩn bị để cử hành mầu nhiệm Vượt Qua trong Thánh Lễ mà Chúa Giêsu gọi là "giao ước mới trong máu của Người" (xem Lc 22:20).

Bài viết khác