Thứ Năm, 08 Tháng Hai, 2024

Vài câu hỏi về Đức Giêsu

  1. Đức Giê-su có học không?

Hỏi: Mới đây con đọc thấy tư tượng là đối với con. Con tự nghĩ không biết đúng hay không khi nói “Đức Ki-tô đã phải trải qua đau khổ để học được vâng phục”. Ngài đã không vâng phục khi được sinh ra rồi sao? Khi Ngài bị quỷ cám dỗ trên núi 40 ngày, Ngài đã không chiến đấu với sự yếu đuối sao? Con cho rằng Chúa chúng ta đã chết để đem lại vinh quang cho Thiên Chúa là Cha Ngài và là Cha của chúng ta. Đức Giê-su không phải học vâng phục vì Ngài là Thiên Chúa!

Đáp: Câu trích dẫn mà bạn đề cập không phải là của một văn sĩ hiện đại. Đó là câu trích trong thư gửi tín hữu Do thái của Tân ước. Thực ra đây chỉ là một trong những xác quyết có trong lá thư ấy và vài chỗ khác trong Kinh thánh nhấn mạnh đến một chân lý mà nhiều người công giáo gặp khó khăn trong vấn đề tin nó. Chân lý đó là: Đức Giê-su thực sự là người, với tất cả những gì mà danh từ này bao hàm, trong thân xác và tinh thần.

Theo kinh nghiệm của riêng tôi, sự phủ nhận nhân tính của Đức Giê-su xem ra là một trong những vấn đề sai lầm trầm trọng nhất của đức tin trong thời đại chúng ta. Vì những lý do lịch sử, chúng ta quá chú tâm trên sự kiện là Thiên Chúa đến nỗi chúng ta đã đánh giá quá thấp chân lý “Ngài giống chúng ta trong mọi sự ngoại trừ tội lỗi” (Thư Do thái).

Những nhận xét trong Kinh thánh về việc Đức Giê-su lớn lên, học hành, chịu đau khổ, khóc lóc, chiến đấu với sự yếu đuối và sợ hãi… thật sống động đối với những Ki-tô hữu đầu tiên cũng như đối với chúng ta ngày nay. Các Ki-tô hữu ngày xưa, cũng như chúng ta ngày nay, ý thức rằng tin vào Đức Giê-su là người thật thì cũng quan trọng như tin rằng Ngài là Thiên Chúa. Nếu một trong hai không thật, cuộc sống cứu chuộc, cái chết và sống lại của Ngài chỉ là một cử chỉ trống rỗng. Chẳng hạn, nếu Đức Giê-su chỉ là Thiên Chúa, không phải là người thì điều này chỉ chứng minh lòng nhân từ của Chúa đối với chúng ta, nhưng chúng ta sẽ không là dân được cứu chuộc như chúng ta hằng tin tưởng. Đức Giê-su chỉ có thể hoàn tất công trình cứu chuộc, như chúng ta hằng tin tưởng, bằng cách Ngài trọn vẹn và đích thực là một người trong chúng ta.

Phúc âm theo thánh Mattheu kể rằng Đức Giê-su lớn lên trong sự khôn ngoan và đầy đủ vóc dáng trước mặt Thiên Chúa và người ta. Cũng như thư Do thái đã nhấn mạnh điều này, Đức Giê-su có thể trở nên vị thượng tế cảm thông và quyền năng vì Ngài đã một lần chia sẻ sự yếu đuối của chúng ta và trở nên ‘thập toàn’ cùng ‘học vâng phục’ từ những đau khổ phải trải qua.

Bởi vậy, câu bạn trích dẫn chỉ nhắc lại điều Kinh thánh nói về nhân tính của Đức Giê-su, một chân lý quan trọng vào bậc nhất nếu chúng ta phải đánh giá chính xác mầu nhiệm Nhập thể và Cứu chuộc. Tất cả các giai đoạn trong cuộc đời của Đức Giê-su đều theo cùng những quá trình phát triển và chiến đấu như mọi người khác. Chúng ta không có thể chỉ tin, nhưng chúng ta phải tin điều đó nếu chúng ta còn trung thành với truyền thống Ki-tô giáo.

Lẽ dĩ nhiên, chúng ta không thể bỏ qua một vấn đề quá rõ ràng là làm sao các yếu tố nhân loại ấy lại có thể cùng hiện hữu, kết hiệp trong một ngôi vị là Thiên Chúa. Làm sao một Thiên Chúa lại có thể học, hoặc cảm thấy lúng túng hoặc mệt nhọc? Làm sao Thiên Chúa lại được sinh ra, được thay tả lót, đói và chết? Đây là tâm điểm của mầu nhiệm Nhập thể: Đức Giê-su Đấng cứu chuộc chúng ta, vừa là Thiên Chúa vừa là người. Chúng ta không thể tự cho phép giải quyết mầu nhiệm này bằng cách phủ nhận nó.

  1. Đức Giê-su: Thiên Chúa thật và người thật

Hỏi: Hôm kia, một vị linh mục nói về Đức Giê-su như là một con người - như cha đã nói trong cột báo -, con luôn được dạy rằng Đức Giê-su là một hữu thể, một ngôi vị, Ngôi Hai trong Ba Ngôi diễm phúc; Ngài không phải là một ngôi vị con người nhưng một ngôi vị thần linh. Con chấp nhận trọn vẹn và vô điều kiện mầu nhiệm Nhập thể, và tất cả những gì Giáo hội dạy về hai bản tính và ý chí. Đã mấy năm rồi, một dì phước đưa ra một so sánh như sau: Một vị vua chiến đấu với các binh sĩ. Ông mặc bộ quân phục của một anh binh nhì. Ông là một người lính thực sự mà không phải từ khước địa vị Vua. Tóm tắt, ông là một người lính thường trong quân ngũ và vừa là một vị vua. Có vẻ đây là một so sánh khá thích hợp, phải không cha?

Đáp: Thích hợp tới một mức độ nào đó thôi. Lối so sánh này có quá nhiều điểm giống với một lạc giáo có tên là Ảo thể thuyết (Docetism) xuất hiện trong những thế kỷ đầu của Giáo hội. Danh từ này phát xuất từ tiếng Hy lạp: “dokesis”, nghĩa là một sự xuất hiện ra bên ngoài hoặc một cái gì đó tưởng tượng. Những người theo thuyết này khẳng định rằng Đức Giê-su không phải là một con người thật; Ngài có vẻ như một con người, qua những thứ ảo giác, nhưng không thực sự là người.

Cũng thế, vị vua trong lối so sánh của bạn không phải là một người lính thực sự. Ngài chỉ làm ra vẻ như thế. Chính vì thế mà điều trên có vẻ như hàm ý rằng, khi Thiên Chúa xuống thế, Ngài không thực sự là một nhân vị, là một con người, Ngài chỉ có vẻ như thế. Và điều này tuyệt đối không phải là điều chúng ta tin về Đức Giê-su.

Tính phổ biến của lối so sánh này cũng như sự lúng túng mà nhiều người công giáo và các Ki-tô hữu khác gặp phải khi có ai đó nhấn mạnh rằng Đức Giê-su là một con người trọn vẹn, nói lên rằng ảnh hưởng của bè rối Docetism (Ảo thể thuyết) vẫn còn khá mạnh trong Giáo hội, phải chăng hoàn toàn không xứng đáng với Chúa, - hầu như phạm thượng đối với Người – khi tin rằng Thiên Chúa trở thành một con người đúng nghĩa mà vẫn là Thiên Chúa.

Đức tin công giáo chúng ta trả lời rõ ràng và vững vàng là: ‘Không’. Trong mầu nhiệm Chúa quan phòng, Thiên Chúa thấy điều ấy thích hợp cho chương trình tạo dựng của Người, và cho chương trình mạc khải tình yêu muôn đời của Người cho chúng ta: Ngôi Hai trở thành một thành viên của nhân loại.

Đây đích thị là điều mà Giáo hội muốn hiểu khi Giáo hội dạy rằng Đức Giê-su là một ngôi vị, ngôi vị thần linh của Lời vĩnh cửu của Thiên Chúa với cả bản tính Thiên Chúa và con người. Ngài trọn vẹn và hoàn toàn là Thiên Chúa và Ngài trọn vẹn và hoàn toàn là con người.

  1. Anh chị em của Đức Giê-su

Hỏi: Một người bạn không công giáo đang tham dự một loạt bài nói chuyện về Kinh thánh. Chị kể, trong lớp học này, chị được nghe nói Đức Trinh Nữ diễm phúc Maria đã sinh những người con khác sau Đức Giê-su. Con đã học ở một trường công giáo và không bao giờ nghe nói điều ấy. Có đúng thế không, thưa cha?

Đáp: Các học viên Kinh thánh, ngày nay bao gồm phần lớn các học viên Tin lành, đều đồng ý rằng không sách nào trong Tân ước cũng như không một bản văn Ki-tô giáo nào của thời sơ khai cung cấp một bằng chứng hiển nhiên về việc Đức Maria sinh những người con khác ngoài Đức Giê-su ra. Không thể bàn xét hết ở đây tất cả các lý chứng truyền thống nói đảo ngược quan điểm trên. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng, không một lý chứng nào đưa ra được một nền tảng để có thể khẳng định rằng Đức Giê-su có anh em và chị em.

Có lẽ đoạn văn được trưng ra nhiều nhất để tuyên bố rằng Đức Maria có những người con khác là đoạn Mt 12,47 – đoạn này nói đến một vài môn đệ như là “anh em” của Đức Giê-su – Vấn đề này được dễ dàng giải quyết khi người ta biết rằng người Do thái thời Đức Giê-su chỉ có một chữ được dùng để chỉ tất cả mọi thứ quan hệ họ hàng, từ anh chị em cho đến họ hàng xa. Khi nào danh từ đặc biệt aram: “ana” được dùng để chỉ dây liên hệ của một vài người với Đức Giê-su, thì cần hiểu nó theo nghĩa trong để kết luận rằng họ là anh em, chị em của Ngài. Bởi vì các bậc thầy lỗi lạc trong Giáo hội từ những thập niên đầu của thế kỷ I đã nhất trí giảng dạy đức trinh khiết trọn đời của Mẹ Maria, và Giáo hội từ xưa đã luôn giữ lập trường: Đức Maria vẫn đồng trinh sau khi sinh Đức Giê-su. Vì thế, Mẹ đã không sinh người con nào khác sau Đức Giê-su.

  1. Đức Giê-su và Cha Ngài

Hỏi: Con có một câu hỏi về Kinh thánh. Trong Phúc âm Mc 13,32, Đức Giê-su nói một vài điều về mối liên hệ giữa Ngài và Cha Ngài mà con không hiểu. Chúng ta biết Đức Giê-su và Cha Ngài là một cùng với Chúa Thánh Linh. Thế nhưng Đức Giê-su tuyên bố không một ai, không một thiên thần nào, và ngày cả Con Người (ám chỉ chính Ngài) cũng không biết thời điểm lúc nào trời và đất sẽ chấm tận. Làm sao Đức Giê-su lại có thể nói điều như thế?

Đáp: Chúng ta gặp thấy nhiều chỗ như thế trong Tin mừng. Xem ra chúng không tương hợp với sự kiện Đức Giê-su là Ngôi Hai của Chúa Ba Ngôi và do đó Ngài dự phần vào tri thức của Thiên Chúa.

Không có thể có một câu trả lời đầy đủ, bởi vì ở đây chúng ta đụng đến chính mầu nhiệm Ba Ngôi và mầu nhiệm Nhập Thể. Tuy nhiên, có thể có hai hướng trả lời chính:

Trước hết, ở đây trong trường hợp này, Đức Giê-su đang nói với tư cách là một con người với những giới hạn của nhân tính lại đi đôi với tính toàn năng và vô hạn của thiên tính, dĩ nhiên đây là mầu nhiệm của Nhập thể.

Một lối giải thích khác: có thể Đức Giê-su không nói nhiều về mối tương quan giữa Ngài với Chúa Cha, nhưng nói nhiều về sứ mạng của Ngài là mạc khải cho nhân loại tất cả mọi chân lý liên quan tới Thiên Chúa, giúp chúng ta tiến triển trong mối liên hệ với Ngài bây giờ và đời sau.

Đó có lẽ là một lý do để hiểu tại sao thường xuất hiện nhiều điều có vẻ mâu thuẫn như thế trong Phúc âm của Gioan. Cuốn Phúc âm này được viết muộn nhất, và như vậy nó có thể phản ánh nhiều hơn về Đức Ki-tô, vị Chúa quang vinh và là đầu Giáo hội, khác với Đức Giê-su đang hành trình với các tông đồ trên mặt đất. Để hoàn thành sứ mệnh như là Chúa và là Đấng Cứu Chuộc, Đức Giê-su biết nhiều điều mà Ngài không thể nói với chúng ta, không phải vì một thứ ganh ghét nhỏ nhoi bất xứng về phía Thiên Chúa nhưng đơn giản là vì chúng ta không thể nắm bắt được những tri thức như thế, hoặc khong thể dùng chúng một cách sáng tạo ngay cả khi được trao ban cho chúng ta.

Chắc chắn Đức Giê-su xem một phần trách nhiệm của Ngài là nên cho chúng ta biết những gì về Chúa Cha.

Bài viết khác

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

22/01/2024

Một số chất làm ngọt tự nhiên và ít gây hại cho cơ thể như đường cỏ ngọt, đường la hán, mật ong và đường nâu. Trong một bài báo tổng quan bao gồm 46 nghiên cứu về đường không ly tâm, tác dụng được báo cáo nhiều nhất là [tăng khả năng] miễn dịch (26%)...

Cá mắm xứ Huế

Cá mắm xứ Huế

09/02/2024

Viết về Cá và Mắm xứ Huế, tôi dựa vào ít ỏi vài tài liệu trong tay tuy không đầy đủ nhưng tôi hy vọng nêu lên phần nào một trong những nét đặc trưng ẩm thực của người dân Huế.

Art