Thứ Hai, 03 Tháng Hai, 2025

Chúa Nhật 5 Thường Niên năm C

Chúa Nhật  5 Thường Niên năm C

Bài Ðọc I: Trích sách Tiên tri Isaia 6, 1-2a, 3-8.

Bài Ðọc II: Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô 15, 1-11.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca 5, 1-11.

Khi ấy, dân chúng chen nhau lại gần Ðức Giêsu để nghe lời Thiên Chúa, lúc đó Người đứng ở bờ hồ Giênêsarét. Người trông thấy hai chiếc thuyền đậu gần bờ; những người đánh cá đã ra khỏi thuyền và họ đang giặt lưới. Người xuống một chiếc thuyền, thuyền đó của ông Simon, và Người xin ông đưa ra khỏi bờ một chút. Rồi Người ngồi trên thuyền, giảng dạy dân chúng. Vừa giảng xong, Người bảo ông Simon rằng: “Hãy đẩy thuyền ra chỗ nước sâu, và thả lưới bắt cá”. Ông Simon thưa Người rằng: “Thưa Thầy, chúng con đã cực nhọc suốt đêm mà không được gì hết; nhưng vì lời Thầy, con sẽ thả lưới”. Các ông đã thả lưới và bắt được rất nhiều cá; lưới các ông hầu như bị rách. Bấy giờ các ông làm hiệu cho các bạn đồng nghiệp ở thuyền bên cạnh đến giúp đỡ các ông. Những người này tới, họ đổ cá đầy hai chiếc thuyền, đến nỗi những thuyền chở nặng gần chìm.

Thấy thế, ông Simon sụp lạy dưới chân Chúa Giêsu và thưa Người rằng: “Lạy Chúa, xin Chúa hãy tránh xa con, vì con là người tội lỗi”. Ông kinh ngạc và tất cả mọi người ở đó với ông cũng kinh ngạc trước mẻ cá mà các ông vừa mới bắt được; cả ông Giacôbê và Gioan, con ông Giêbêđê, bạn đồng nghiệp với ông Simon cũng thế. Nhưng Chúa Giêsu phán bảo ông Simon rằng: “Ðừng sợ hãi: từ đây con sẽ là kẻ chinh phục người ta”. Bấy giờ các ông đưa thuyền vào bờ, và đã từ bỏ mọi sự mà đi theo Người.

Vài ý chính Tin Mừng Luca 5,1-11

Trong lời mở đầu, Lu-ca tuyên bố ông viết câu chuyện của mình một cách có trật tự, không phải lúc nào cũng theo thời gian; thường là một bố cục hài hòa nhằm nhấn mạnh một bài học.

Bố cục

Trong đoạn này minh họa về Lời Chúa lan truyền, có thể dễ dàng phân biệt ba yếu tố: việc giảng dạy từ một chiếc thuyền (1-3), việc đánh cá kỳ diệu (4-7), và lời kêu gọi Phê-rô, mặc dù ông còn do dự, để trở thành người đánh lưới người (8-11). Khung cảnh và kết luận có điểm tương đồng với Mác-cô, trong khi việc đánh cá gần giống với Gioan (21,1-14). Toàn bộ tạo thành một "cảnh mở đầu", có thể so sánh với bài Chúa Giê-su giảng tại Nazareth, một cảnh tập trung vào hoạt động của Chúa Giê-su, cảnh kia mở ra tương lai.

Giảng dạy trên thuyền

Phần đầu câu chuyện nhấn mạnh thính giả háo hức muốn nghe Lời Chúa. Như thường lệ, đám đông có thiện cảm, dù họ chưa sẵn sàng theo Thầy đến cùng. Trong biểu tượng Kitô giáo, con thuyền tượng trưng cho Giáo hội.

Mẻ cá phi thường

Trong Phúc âm Gioan, câu chuyện được kể trong bối cảnh các lần hiện ra sau Phục sinh. Về mặt thời gian, tin theo vị thánh sử nào mới đúng? Khó mà nói được. Điều quan trọng cần nhận ra định hướng mỗi thánh sử đưa ra cho một sự kiện đã được kể nhiều lần. Trong cả hai phiên bản, thất bại trong công việc nghề nghiệp đối lập với thành công khi làm theo lệnh Chúa Giê-su: Lời Người thật hiệu quả! Điều đặc trưng trong Lu-ca là lệnh đánh cá ở chỗ nước sâu, và do đó xa hơn về phía biển khơi, chuẩn bị cho lệnh Đấng Phục Sinh là rao giảng Tin Mừng đến tận cùng trái đất (CVTĐ 1, 5).

Mẻ cá nhiều đến nỗi lưới suýt đứt và thuyền gần chìm. Vì vậy Si-mon phải gọi các cộng sự đến giúp thu cá. Sứ mệnh cần được thực hiện không phải một mình, nhưng theo nhóm.

Nỗi Si-mon kinh hoàng giống như những người đối diện với Thiên Chúa hiện diện, như nỗi Gia-cóp sợ sau thị kiến (St 28, 17), Mô-sê khi thấy bụi gai cháy (Xh 3, 7) hay I-sai-a (Is 6, 5). Không cần phải cho Si-mon là người tội lỗi hơn người khác, vì nỗi kinh hoàng cũng ập đến các cộng sự của ông.

Chính lúc đó Lu-ca đưa ra tên những người đầu tiên được gọi, như trong cảnh tương tự theo Mác-cô.

Đánh lưới người

Phép ẩn dụ thật đáng ngạc nhiên, vì hình ảnh đánh cá được Ha-ba-cúc sử dụng để tố cáo người A-sy-ri tàn bạo (1,14-17). Tuy nhiên, chúng ta nhận thấy Lu-ca sử dụng một động từ hiếm (zôgrein) có nghĩa gốc bắt và để sống. Lời Chúa Giê-su làm cho Si-mon có khả năng thực hiện một sứ mệnh ông sẽ phải khám phá ý nghĩa sau này. Trong bối cảnh Lu-ca, sau khi giảng dạy trên thuyền để tiếp cận đám đông, ta hiểu rằng Si-mon sẽ không phải sợ ra khơi để thực hiện ơn gọi làm sứ giả Lời Chúa.

Edouard Cothenet

Câu hỏi: Ơn gọi của tôi và kinh nghiệm tâm linh cá nhân về Thiên Chúa hiện diện trong đời sống tôi có thể được đặt song song với các bài đọc hôm nay không?

Bài giảng: Dám liều tất cả vì Lời Chúa

Chúa nhật trước, chúng ta đã nghe câu chuyện về ơn gọi Giê-rê-mi-a. Hôm nay, chúng ta nghe lời kêu gọi I-sai-a. Hai vị ngôn sứ vĩ đại. Chúng ta biết một ngôn sứ được sai đi để loan báo Lời Chúa, đôi khi ngược với phong tục và giá trị dân tộc và thời đại mình. I-sai-a đã nghe tiếng Đấng kêu gọi và sai đi: "Ta sẽ sai ai đi? Ai sẽ là sứ giả của chúng ta?" Ông đã đáp: "Này con đây: xin hãy sai con!"

Chính Chúa Giê-su cũng nằm trong dòng dõi các ngôn sứ vĩ đại. Người là Ngôi Lời Thiên Chúa hiện diện giữa các môn đệ. Sứ mệnh Chúa Giê-su là nâng cao Lời Chúa. Bên bờ hồ Ghê-nê-sa-rét, đám đông chen chúc quanh Người. Nhưng Chúa Giê-su cần những Chứng nhân mới về tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa để mang Tin Mừng đến cho thế giới và đến tận cùng trái đất.

Trong khi Người đang loan báo Tin Mừng và bị vây quanh mọi phía, thì các ngư dân đến. Họ trở về sau một đêm không thu hoạch được gì. Việc đánh cá không có kết quả. Là những ngư dân chuyên nghiệp và giỏi, họ biết đã mất một đêm vô ích. Mắt nặng trĩu vì buồn ngủ, mệt mỏi, chán nản. Nghề chán ngắt! Họ đã rời thuyền. Họ chỉ còn việc lên bờ, giặt lưới, cất đi... Chỉ muốn... đi nghỉ ngơi ngoài khơi.

Đó là lúc Chúa Giê-su chọn để lên thuyền. Từ đó, Người giảng dạy. Sau bài giảng, Người ra lệnh cho Si-mon: "Hãy chèo ra xa và thả lưới bắt cá." Ông ta biết gì về nghề đánh cá, người thợ mộc này! Chắc không biết rằng người ta đánh cá ban đêm! "Thưa Thầy, chúng con đã vất vả suốt đêm không bắt được gì cả; nhưng vâng lời Thầy, con sẽ thả lưới." "Vâng lời Thầy": Si-mon Phê-rô dám liều, ông đặt cược vào Lời Chúa Giê-su. Và ta biết phần còn lại: "Họ đã bắt được rất nhiều cá đến nỗi lưới họ sắp đứt..." Phần tiếp theo sẽ còn đẹp hơn nữa cho Phê-rô. Chính nhờ Lời Chúa mà từ nay ông sẽ "bắt" người, cùng với một người tên Phao-lô, người ban đầu đã bắt bớ bạn hữu và môn đệ Chúa Giê-su, nhưng sau đó đã dành cả đời để loan báo Lời cứu độ.

Anh chị em, giờ đến lượt chúng ta hôm nay. Chúng ta đang sống trong thời kỳ nghi ngờ. Có lẽ chính chúng ta cũng đã bị ảnh hưởng. Cùng với Giáo hội và các cộng đoàn giáo xứ, chúng ta đã lâu dài lùng sục đáy nhân tính những người đàn ông và phụ nữ thời đại, trong khu phố và gia đình, tại nơi làm việc, nhưng lưới chúng ta vẫn trống rỗng một cách tuyệt vọng.

Nhưng hôm nay, chúng ta hãy lặp lại "Lạy Chúa, vâng lời Chúa", chúng ta sẽ lại thả lưới. Có lẽ chúng ta đã quá tin vào nỗ lực của mình, kỹ thuật của mình, trí thông minh của mình.

Lạy Chúa Giê-su, chúng con nài xin Chúa, xin hãy ở lại trên thuyền của chúng con và "vâng lời Chúa", chỉ vâng lời Chúa thôi, chúng con sẽ lại thả lưới.

Ghislain Katambwa Kabondo

(theo Feu Nouveau số 62/2)

Bài viết khác