Chúa Nhật 6 mùa Thường niên năm C
Bài Ðọc I: Trích sách Tiên tri Giêrêmia (Gr 17,5-8).
Ðây Chúa phán: “Khốn thay cho kẻ tin tưởng người đời, họ nương tựa vào sức mạnh con người, còn tâm hồn họ thì sống xa Chúa. Họ như cây cỏ trong hoang địa, không cảm thấy khi được hạnh phúc; họ ở những nơi khô cháy trong hoang địa, vùng đất mặn không người ở. Phúc thay cho người tin tưởng vào Thiên Chúa, và Chúa sẽ là niềm cậy trông của họ. Họ sẽ như cây trồng nơi bờ suối, cây đó đâm rễ vào nơi ẩm ướt, không sợ gì khi mùa hè đến, lá vẫn xanh tươi, không lo ngại gì khi nắng hạn mà vẫn sinh hoa kết quả luôn.
Bài Ðọc II: Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô 1 Cr 15,12.16-20.
Anh em thân mến, nếu Ðức Kitô được rao giảng rằng Người đã từ cõi chết sống lại, thì làm sao có người trong anh em cho rằng không có sự sống lại từ cõi chết? Vì nếu kẻ chết không sống lại, Ðức Kitô cũng đã không sống lại. Nếu Ðức Kitô đã không sống lại, thì lòng tin của anh em cũng là hão huyền, và hiện anh em vẫn còn ở trong tội lỗi của anh em. Như thế ai đã chết trong Ðức Kitô, cũng bị tiêu huỷ cả. Nếu chúng ta chỉ hy vọng vào Ðức Kitô trong cuộc đời này mà thôi, thì chúng ta là những người vô phúc nhất trong thiên hạ. Nhưng không, Ðức Kitô đã từ cõi chết sống lại, là hoa quả đầu mùa của những người đã yên giấc.
Phúc Âm: Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca 6,17. 20-26.
Khi ấy, Chúa Giêsu từ trên núi xuống cùng với mười hai tông đồ, và dừng lại trên một khoảng đất bằng; ở đó có đông môn đệ và một đám đông dân chúng từ Giuđêa, Giêrusalem, miền duyên hải Tyrô và Siđon kéo đến để nghe Người giảng và xin Người chữa bệnh tật. Bấy giờ Người đưa mắt nhìn các môn đệ và nói: “Phúc cho các ngươi là những kẻ nghèo khó, vì nước Thiên Chúa là của các ngươi. Phúc cho các ngươi là những kẻ bây giờ đói khát, vì các ngươi sẽ được no đầy. Phúc cho các ngươi là những kẻ bây giờ phải khóc lóc, vì các ngươi sẽ được vui cười. Phúc cho các ngươi, nếu vì Con Người mà người ta thù ghét, trục xuất và phỉ báng các ngươi, và loại trừ tên các ngươi như kẻ bất lương. Ngày ấy, các ngươi hãy hân hoan và reo mừng, vì như thế, phần thưởng các ngươi sẽ bội hậu trên trời. Chính cha ông họ cũng đã đối xử với các tiên tri y như thế.
“Nhưng khốn cho các ngươi là kẻ giàu có, vì các ngươi hiện đã được phần an ủi rồi. Khốn cho các ngươi là kẻ đã được no nê đầy đủ, vì các ngươi sẽ phải đói khát. Khốn cho các ngươi là kẻ hiện đang vui cười, vì các ngươi sẽ ưu sầu khóc lóc. Khốn cho các ngươi khi mọi người đều ca tụng các ngươi, vì chính cha ông họ cũng từng đối xử như vậy với các tiên tri giả”.
Vài ý chính về Luca 6,17.20-26
NHỮNG MỐI PHÚC THẬT
Bối cảnh tường thuật
Điều quan trọng đặt đoạn văn trong một bối cảnh rộng lớn hơn. Tất cả bắt đầu bằng một đêm cầu nguyện của Chúa Giêsu, một mình trên núi (Lc 6,12). Kết quả lời cầu nguyện, vào sáng sớm, Chúa Giêsu chọn trong số các môn đệ những người mà Người đặt tên là tông đồ. Sau đó Người xuống đồng bằng. Một đám đông lớn đến với Người cùng với nhiều người què quặt và bị quỷ ám sẽ được chữa lành. Chính với đám đông nghèo khổ này, chứ không phải chỉ với các tông đồ, Chúa Giêsu ngỏ lời trong một bài giảng để so sánh với Bài giảng trên núi của Matthêu (5-7).
Những mối phúc và những mối họa
So với Mátthêu, bản văn Luca được đặc trưng bởi số lượng các mối phúc ít hơn, 4 thay vì 8, và thêm vào 4 mối họa đối lập. Giọng điệu Luca mang tính ngôn sứ, bài giảng trực tiếp hướng đến thính giả: Anh em là những người nghèo khó, anh em là những người giàu có; còn theo Mátthêu mang tính khôn ngoan, phát triển ở ngôi thứ ba một chương trình sống, có thể coi như hiến chương Nước Trời. Việc so sánh với Thánh vịnh 1 là cần thiết.
Các mối phúc trong Luca loan báo hạnh phúc tương lai cho những người hiện đang chịu đau khổ vì nghèo đói, tang chế, và hứa hẹn sự can thiệp của Thiên Chúa, Đấng dành cho họ được vào Nước của Người.
Những lời nguyền rủa?
Người ta thường nói về những lời nguyền rủa cho phần thứ hai. Đây là một sai lầm nghiêm trọng. Từ ngữ được sử dụng "Ouai" tương ứng với tiếng khóc của những người than khóc đưa tiễn người chết đến nơi an nghỉ cuối cùng (Gr 22,18). Vì vậy đây là một lời than thở đau buồn, nhằm cảnh báo những người đang ở địa vị cao về sự an tâm lừa dối của họ. Lời than cũng được tìm thấy khi nói về các thành phố bên Hồ, Corozain và Bethsaida, đã từ chối hoán cải mặc dù có những phép lạ được thực hiện ở đó (Lc 10,13).
Nỗi khốn khó của người giàu
Vấn đề xã hội, như người ta nói ngày nay, chiếm một vị trí quan trọng trong tác phẩm Luca (Tin Mừng và Công vụ Tông đồ). Ngay từ kinh Magnificat đã loan báo rằng Thiên Chúa ban phát của cải cho người đói khát và đuổi người giàu về tay trắng (1,53). Lời mời gọi bán tất cả của cải để bố thí xuất hiện nhiều lần (11,41; 12,33). Đó là gương mẫu lý tưởng của cộng đoàn Giêrusalem (Cv 4,32). Như minh họa về số phận người giàu và người nghèo, hãy đọc dụ ngôn về người Giàu có và Lazaro (Lc 16,19-31). Không thể kết luận rằng tất cả người giàu đều xuống hỏa ngục! Giakêu hoàn trả của cải phi nghĩa, nhưng vẫn tiếp tục công việc, dù bị khinh miệt đến đâu. Người ta có thể làm việc một cách lương thiện, như Gioan Tẩy giả đã khuyên (Lc 3,12s). Chúng ta hãy tôn trọng những sắc thái tinh tế của Luca.
Mối phúc của những người bị bách hại
So với hình thức ngắn gọn của ba mối phúc đầu tiên, mối phúc thứ 4 được đặc trưng bởi sự phát triển rộng rãi như trong đoạn văn song song của Mátthêu (5,10-12). Bối cảnh không còn là thừa tác vụ của Chúa Giêsu ở Galilê, nhưng tương ứng với tình trạng cộng đoàn Kitô hữu bị từ chối vì "Con Người", Con Người mà số phận bi thảm chỉ xuất hiện từ lời loan báo đầu tiên về cuộc khổ nạn (Lc 9,22).
Bi kịch việc bách hại, theo gương Thầy, càng ảnh hưởng đến Giáo hội non trẻ, khi họ mong đợi sự trở lại vinh quang của Người rất gần. Vì vậy cần phải nhắc lại những lời Đức Kitô khuyên, như thấy trong bài giảng cuối cùng về những dấu chỉ Phán xét (Lc 21,12-19).
Làm sao ngạc nhiên về sự chống đối như vậy? Lời Chúa Giêsu mời gọi đến hạnh phúc thật đi ngược dòng với các bài giảng của thế gian. Đó đã là số phận các ngôn sứ, được nhắc đến trong dụ ngôn về những tá điền sát nhân (Lc 20,9-19), dụ ngôn kết thúc bằng sự nâng cao viên đá bị con người loại bỏ (c.17).
Câu hỏi:
Các bản văn hôm nay vạch ra con đường hạnh phúc như thế nào trong thế giới ngày nay?
Edouard Cothenet
BÀI GIẢNG: NHỮNG NGƯỜI BẤT HẠNH MỘNG MƠ VỀ HẠNH PHÚC
Để chúng ta có thể sống hạnh phúc, xã hội nhồi nhét không ít đề xuất về hàng tiêu dùng đủ loại. Với sự tiến bộ của công nghệ, chúng ta được bao quanh bởi hàng ngàn thứ... "Phúc cho bạn nếu bạn có cái này, cái kia", các quảng cáo không ngừng nhắc lại với chúng ta. Chúa Giêsu không lên án việc sở hữu hay sự giàu có, nhưng Giáo hội, trong Chúa nhật thứ sáu này, qua ngôn sứ Giêrêmia đưa ra một cảnh báo nghiêm túc: "Đáng nguyền rủa thay kẻ đặt niềm tin vào người phàm, cậy vào sức mạnh của xác phàm, trong khi lòng họ xa rời Chúa... Họ sẽ không thấy hạnh phúc đến". Giêrêmia dường như nói với chúng ta "Hãy cẩn thận, trái tim của người làm giàu thường xa rời Chúa và tự mãn trong vinh quang, kiêu ngạo và tự phụ..."
Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu vừa chọn mười hai tông đồ. Cùng với họ, Người xuống núi về đồng bằng. Danh tiếng Người ngày càng lớn. Chúa Giêsu không phân biệt trong cách đón tiếp: người giàu và người nghèo đều được ở bên Người. Như vậy, Người đã không ngần ngại ăn tại bàn của Giakêu, một người giàu có. Trong nhiều dịp khác, Chúa Giêsu đã ở với những người nghèo, những người bị loại trừ. Người có sự gắn bó đặc biệt với những người bị bỏ rơi. Chúa Giêsu nối tiếp truyền thống các ngôn sứ Ítraen, những người cũng có sứ mệnh đấu tranh chống lại sự nghèo đói và bất bình đẳng xã hội. Điều này đã được ghi rõ trong Luật. Ví dụ, sách Đệ nhị luật 15 cho thấy ước muốn này: "Vì vậy giữa ngươi sẽ không có người nghèo. Vì Đức Chúa sẽ ban phúc lành cho ngươi trong đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa ngươi ban cho ngươi làm gia nghiệp để chiếm hữu."
Vậy, khi xuống núi với mười hai người sẽ phải tiếp nối chương trình của Người, Chúa Giêsu đối diện với những người nghèo đủ loại đang chờ đợi Người. Người nói với họ: "Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em! Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải đói: anh em sẽ được no nê... Nhưng khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có: các ngươi đã được phần an ủi của mình rồi! Khốn cho các ngươi, những kẻ bây giờ đang được no nê: các ngươi sẽ phải đói!..."
Bốn lần "phúc thay", bốn lần "khốn thay". Chúa Giêsu muốn rằng ngay bây giờ, ngay tại thế gian này, số phận người nghèo được cải thiện. Người Kitô hữu có bổn phận đấu tranh chống lại mọi loại bất bình đẳng, bất công, loại trừ... Dù kết quả cuộc đấu tranh trên trần gian ra sao, thánh Phaolô mời gọi các Kitô hữu đừng đặt "hy vọng vào Đức Kitô chỉ trong đời này mà thôi". Khi kẻ chết sống lại, những ai khóc lóc và đói khát sẽ được cười vui và no nê. Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta luôn tỉnh thức. Đừng chìm đắm trong sự giàu có và sở hữu, đừng thất vọng. Những người bất hạnh và nghèo khó có thể mơ ước và tiếp cận hạnh phúc và sự viên mãn cuộc sống.
Ghislain Katambwa Kabondo
NHỮNG MỐI PHÚC THẬT, CON ĐƯỜNG THÁNH THIỆN
Trong Tông huấn "Hãy vui mừng hoan hỷ" (Gaudete et Exsultate), Đức Giáo Hoàng Phanxicô dành chương 3 để nói về các Mối Phúc như "căn cước của người Kitô hữu", đi ngược lại với các giá trị thế gian này (số 65). Vì thế, nếu ai trong anh chị em tự hỏi câu này: "làm thế nào để trở thành người Kitô hữu tốt?", câu trả lời rất đơn giản: mỗi người phải thực hiện, theo cách riêng của mình, những điều Chúa Giêsu công bố trong Bài giảng về các mối phúc." (số 63). Dựa chủ yếu vào bản văn Mátthêu, Đức Giáo Hoàng kết thúc mỗi phần triển khai bằng một kiểu điệp khúc "Có tinh thần nghèo khó... đáp trả bằng sự hiền lành khiêm nhường, đó chính là sự thánh thiện."