Chúa Nhật 7 mùa Thường Niên năm C
Bài Ðọc I: Trích sách Samuel quyển thứ nhất (1 Sm 26, 2. 7-9. 12-13. 22-23).
Trong những ngày ấy, Saolê cùng với ba ngàn quân sĩ tinh nhuệ của Israel kéo xuống hoang địa Ziphô để vây bắt Ðavít. Ban đêm Ðavít và Abisai đến nơi quân sĩ (của vua) đóng, và thấy Saolê đang nằm ngủ trong lều, cây giáo của ông thì cắm xuống đất ở phía đầu. Abner và quân sĩ thì ngủ chung quanh ông.
Abisai liền nói với Ðavít rằng: “Hôm nay, Thiên Chúa đã trao kẻ thù trong tay ngài; vậy giờ đây xin cho tôi lấy giáo đâm ông ấy một phát thâu xuống đất, không cần đến phát thứ hai”. Nhưng Ðavít nói với Abisai rằng: “Chớ giết ngài, vì có ai đưa tay phạm đến Ðấng Chúa xức dầu mà vô tội đâu?” Rồi Ðavít lấy cây giáo và bình nước ở phía đầu của Saolê và cả hai ra đi. Không ai hay biết và không ai thức dậy, nhưng mọi người vẫn ngủ, vì Chúa khiến họ ngủ say.
Ðavít sang phía bên kia, đứng trên ngọn núi đàng xa, đôi bên cách xa nhau. Ngài hô lên rằng: “Ðây là ngọn giáo của nhà vua, một trong các cận vệ của vua hãy qua đây mà lấy, Chúa sẽ báo đáp cho mỗi người tuỳ theo sự công minh và thành tín cuả họ, vì hôm nay Chúa trao đức vua trong tay tôi mà tôi không nỡ ra tay giết đấng được Chúa xức dầu”.
Bài Ðọc II: Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô (1 Cr 15, 45-49).
Anh em thân mến, Ađam cũ là người có sự sống, còn Ađam mới thì có thần trí ban sự sống. Những điều có trước, không phải thuộc linh giới, mà là thuộc thể giới, rồi mới đến cái thuộc về linh giới. Người thứ nhất bởi đất mà ra, thì thuộc về địa giới, còn người thứ hai bởi trời mà đến, thì thuộc thiên giới. Người thuộc địa giới đó thế nào, thì những người khác thuộc địa giới cũng vậy; và người thuộc thiên giới đó thế nào, thì những người khác thuộc thiên giới cũng vậy. Bởi thế, như chúng ta đã mang hình ảnh của người thuộc địa giới, thì chúng ta cũng sẽ mang hình ảnh người thiên quốc như vậy.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca 6,27-38
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thầy bảo các con đang nghe Thầy đây: Các con hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn cho những kẻ ghét mình, hãy chúc phúc cho những kẻ nguyền rủa mình, hãy cầu nguyện cho những kẻ vu khống mình. Ai vả má con bên này, thì đưa cả má bên kia; ai lột áo ngoài của con, thì con cũng đừng cản nó lấy áo trong. Ai xin, thì con hãy cho và ai lấy gì của con, thì đừng đòi lại. Các con muốn người ta làm điều gì cho các con, thì hãy làm cho người ta như vậy. Nếu các con yêu những kẻ yêu các con, thì còn ân nghĩa gì nữa? Vì cả những người tội lỗi cũng yêu những ai yêu họ. Và nếu các con làm ơn cho những kẻ làm ơn cho các con, thì còn ân nghĩa gì? Cả những người tội lỗi cũng làm như vậy. Và nếu các con cho ai vay mượn mà trông người ta trả lại, thì còn ân nghĩa gì? Cả những người tội lỗi cũng cho những kẻ tội lỗi vay mượn để rồi được trả lại sòng phẳng.
Vậy các con hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn, và cho vay mượn mà không trông báo đền. Phần thưởng của các con bấy giờ sẽ lớn lao, và các con sẽ là con cái Ðấng Tối Cao, vì Người nhân hậu với những kẻ bội bạc và những kẻ gian ác.
Vậy các con hãy ở nhân từ như Cha các con là Ðấng nhân từ. Ðừng xét đoán, thì các con sẽ khỏi bị xét đoán; đừng kết án, thì các con khỏi bị kết án. Hãy tha thứ, thì các con sẽ được tha thứ. Hãy cho, thì sẽ cho lại các con; người ta sẽ lấy đấu hảo hạng, đã dằn, đã lắc và đầy tràn mà đổ vào vạt áo các con. Vì các con đong đấu nào, thì cũng sẽ được đong trả lại bằng đấu ấy”.
Giải thích Tin Mửng Luca 6,27-38
Bài Phúc âm này nằm trong bài giảng khai mạc theo Thánh Luca. Những người Do Thái đương thời với Chúa Giêsu thừa hưởng tâm thức Do Thái giáo hậu lưu đày, trong lòng nhiệt thành của họ, lo lắng về việc loại trừ mọi yếu tố tầm thường hoặc vô đạo. Chúa Giêsu yêu cầu phá bỏ mọi rào cản có thể là trở ngại.
Bản năng trả thù nằm trong trái tim bản chất con người bị tổn thương bởi tội lỗi. Nó là một phần của phong tục ngoại giáo như được chứng minh bởi câu nói từ thời tiền sử: Cain sẽ được báo thù bảy lần và Lamek bảy mươi bảy lần (St 4, 2), nghĩa là không giới hạn.
Bằng cách đưa luật báo thù vào các bộ luật, tức là giới hạn việc trả thù trong phạm vi thiệt hại đã gánh chịu (Xh 21, 23-25; Đnl 29, 31; Lv 24, 18-21), các tác giả Kinh Thánh đã giảm bớt sự bùng phát việc trả thù. Chúng ta thậm chí còn đọc trong luật thánh thiện: Ngươi sẽ không trả thù (Lv 19, 18). Nhưng bối cảnh cho thấy đó là những xung đột giữa người Ítraen. Tiến bộ thực sự vẫn cần được mở rộng: từ chối trả thù đối với bất kỳ ai, bất kể họ là ai. Đó là tư tưởng của Chúa Giêsu khi Người dùng hình ảnh đưa má bên kia khi bị đánh (c. 29).
Lòng quảng đại của trái tim
Lời kêu gọi đưa mọi người, bất kể họ là ai và dù họ có lỗi lầm gì, vào tình yêu sâu sắc được kết hợp với những lời răn dạy về lòng tốt, sự quảng đại mà công thức lúc đó có thể dường như quá mức đối với chúng ta (để mình bị tước đoạt không phản kháng) nhưng nhấn mạnh tầm quan trọng sự dứt bỏ cá nhân vì người nghèo, người thiếu thốn. Việc mở rộng lòng quảng đại đến những người dường như không xứng đáng cho phép sống khác với tội nhân và kẻ thù của các tín hữu sốt sắng và đặc biệt cư xử như những người con thật của Thiên Chúa. Tình yêu dành cho người khác phải vô vị lợi, bắt chước tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta. Tình yêu phổ quát đã mang lại phần thưởng trên trái đất: hãy cho đi và người ta sẽ cho lại.
Tính phổ quát của tình yêu đặc trưng cho hành vi các môn đệ Chúa Giêsu trong cuộc chiến họ đang tiến hành chống lại các thế lực cái ác. Tình yêu luôn là một chiến thắng.
Daniel Sesboüé
Bài giảng: Nhân hóa thế giới
Thánh chiến của tình yêu
Một thời gian sau các cuộc tấn công khủng bố ở Brussels (thủ đô nước Bỉ) vào tháng 3 năm 2016, chồng một nạn nhân đã công bố một lời chứng xúc động dưới tiêu đề "Thánh chiến của tình yêu". Ông cho thấy khả năng tha thứ cho những kẻ sát nhân mạnh mẽ hơn việc đi theo con đường trả thù. Bằng cách tránh lấy ác báo ác, người ta phá vỡ vòng luẩn quẩn của bạo lực. Một cách để chiến thắng cái chết và những kẻ gieo rắc nó, vì người ta ưu tiên sự sống và cơ hội một mối quan hệ mới có thể xảy ra.
Tóm tắt này không thể hiện hết sự phong phú cuốn sách và tâm hồn cao thượng của tác giả. Nó chỉ muốn cho thấy thực tế điều mà nhiều người cho là không thể: thực hiện sự tha thứ, kể cả trong những hoàn cảnh cực đoan. Bao nhiêu lần người ta không nghe thấy "tôi sẽ không bao giờ có thể tha thứ cho người đó"? Hoặc, trong miệng các Kitô hữu, "tôi không thể đọc hết kinh Lạy Cha, vì tôi không thể nói « xin tha cho chúng con như chúng con cũng tha » ? Tuy nhiên, ngoài quan điểm nhân văn cao cả cố gắng chiến thắng khủng bố bằng bất bạo động, người Kitô hữu có hai chìa khóa đặc biệt để mở bí mật lòng thương xót.
Sự xức dầu của Chúa
Chìa khóa đầu tiên đề cập đến một sự kiện trong cuộc chiến giữa vua Saun và đối thủ Đavít. Đavít có cơ hội phi thường để đóng đinh vua xuống đất và từ đó mở cửa quyền lực, nhưng ông nói với người đồng hành: "Không, đừng giết ông ấy, đừng đặt tay lên người đã được xức dầu của Chúa".
Trong lễ rửa tội, linh mục xức dầu trên trán người được rửa tội mới, nói rằng người đó là thành viên Chúa Kitô, Tư tế, ngôn sứ và vua. Sự tôn trọng vô hạn chúng ta phải dành cho mỗi con cái Thiên Chúa không phải là lý do đủ để dẫn dắt chúng ta đến sự tha thứ sao?
Danh Chúa là lòng thương xót
Động lực khác và tối cao dẫn đến tha thứ đến từ miệng Chúa Giêsu. Yêu kẻ thù, làm điều tốt cho những người ghét chúng ta, cầu nguyện cho những người vu khống chúng ta, không xét đoán và không kết án, v.v... điều đó có vẻ không thực tế đối với chúng ta. Nhưng theo Chúa Kitô, chúng ta phải thực sự trở thành điều chúng ta đang là: con cái Đấng Tối Cao. Vì Người tốt lành với những kẻ vô ơn và độc ác, Người làm cho mặt trời chiếu sáng trên người công chính cũng như người bất chính. Vậy hãy có lòng thương xót như Cha anh em là Đấng thương xót. "Đông xa cách tây chừng nào, Chúa cũng đẩy tội lỗi chúng ta xa chừng ấy", chúng ta đã hát với thánh vịnh. "Danh Chúa là lòng thương xót", Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhấn mạnh khi thiết lập năm thánh. Ngài không ngừng lặp lại điều này trong các tài liệu khác nhau và trong các hành động ngài thực hiện.
Ngài thể hiện như vậy tầm quan trọng khía cạnh thiết yếu này trong thông điệp Kitô giáo. Đây không phải một tưởng tượng của Giáo hoàng. Đây là một yêu cầu của Phúc âm, đây là một tin mừng!
Mục đích Do Thái giáo, Marek Halter đã viết, không phải Do Thái hóa thế giới, mà là nhân hóa nó. Chúng ta có thể nói điều tương tự về Kitô giáo. Mục đích của chúng ta là nhân hóa thế giới, vì chính Thiên Chúa đã trở thành con người. Nhân loại vẫn chưa đạt đến giai đoạn mỗi người làm cho người khác điều họ muốn người ta làm cho mình. Tuy nhiên, con đường này không phải không thể leo lên được. Phúc âm nói với chúng ta từ ban đầu, đó là con đường hạnh phúc.
René Rouschop
Theo Feu Nouveau